Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tại Sao Khi Đi Làm Chúng Ta Chỉ Sử Dụng 5% Kiến Thức Học Được Ở Đại Học

Một người anh đang làm giảng viên tại một trung tâm dạy về Logistic có nói với tôi trong buổi học thử của tôi rằng, sau 10 năm đi làm, anh rút ra được một điều, khi đi làm anh chỉ sử dụng khoảng 5% số kiến thức học được ở trường Đại học. Và tôi cảm thấy điều này không đúng lắm, dù cho anh có học Ngoại thương, đi làm đúng chuyên ngành và hiện tại đang làm Manager đi chăng nữa. Và tôi sẽ phân tích một vài điểm để chứng minh thực tế không quá phũ phàng như vậy.

 

Tại sao người đi làm lại khẳng định chỉ sử dụng 5% kiến thức học ở Đại học?

Hẳn các bạn đều nghe lời khuyên từ nhiều anh/chị đã tốt nghiệp Đại học và đi làm nói rằng, các bạn chẳng cần phải học Đại học nhiều đâu, bởi vì 95% kiến thức học được ở Đại học sẽ chẳng áp dụng được gì vào công việc sau này đi làm. Đến lúc đi làm rồi, các bạn mới hiểu ở trường chúng ta được học vô vàn kiến thức, và nhiều kiến thức chúng ta học được ở một tầm cao, tầm vĩ mô và khi đi làm, chúng ta chỉ làm việc với một công đoạn vô cùng nhỏ, chỉ giống như một mắt xích trong cả một quy trình khổng lồ. Và như thế, những gì chúng ta học ở trường là cả một quy trình hoàn thiện thì chúng ta đã không thể áp dụng 95% kiến thức của quy trình đó vào công việc mà. Đó là chưa kể, nếu các bạn sau khi ra trường chỉ làm ở một vị trí, cùng một công việc và không thay đổi lĩnh vực làm việc, thì đương nhiên chúng ta không thể dùng nhiều hơn 5% vốn kiến thức tiếp thu được từ giảng đường Đại học. Thậm chí có rất nhiều người, khi học Đại học lại đi theo một chuyên ngành này, nhưng khi ra trường, bỗng cảm thấy mình hợp với việc kia, vậy là chạy theo công việc đó – công việc mà chẳng liên quan một tí tẹo teo nào tới những gì đã học dưới mái trường Đại học. Và tất cả những tình huống trên, chỉ dẫn đến một kết luận là, học Đại học cũng chỉ là học đại cho xong, để lấy một tấm bằng tốt nghiệp, để chứng minh cho nhà tuyển dụng thấy chúng ta cũng đạt tới trình độ học vấn là Đại học, mà cả một quá trình học tập và tiếp thu biết bao kiến thức ở trường lại không có tác dụng gì hiệu quả với công việc chúng ta sẽ làm. Tôi không biết những người đưa ra lời khuyên không cần học nhiều ở Đại học ấy có hiểu được nguyên nhân sâu xa của vấn đề này hay đơn giản là theo kinh nghiệm của họ khi đi làm không cần dùng nhiều kiến thức đó nên họ truyền lại cho các thế hệ sau những lời khuyên nhủ như thế?!?

Vậy Đại học dạy chúng ta những gì mà không áp dụng vào công việc được quá  5%?

Đầu tiên, chúng ta hãy xem Đại học giảng dạy những kiến thức gì cho chúng ta. Có phải tất cả những ai đã từng học Đại học đều có thể thấy, đa phần những gì chúng ta được học ở giảng đường Đại học là lý thuyết, là những học thuyết, những quy luật,…và được viết dưới dạng sách vở, tài liệu nghiên cứu. Đặc biệt khi nói đến khối ngành Kinh tế, điều này sẽ được thể hiện rõ nhất. Kinh tế, nó luôn là một cái gì đó to lớn, rộng mênh mông và khá trừu tượng. Học Kinh tế thì việc thực hành lại càng không dễ. Chẳng mấy ai có thể cho hàng nghìn sinh viên đi Thành lập một công ty thật sự với mức vốn Điều lệ đủ để vận hành công ty, đấy là chưa kể đến việc điều hành công ty đó như thế nào, kinh doanh gì và làm thế nào để không bị lỗ (chưa nói đến sinh lời), hoặc để duy trì công ty mà không bị phá sản. Đấy chỉ là một ví dụ về việc thực hành thực tế không hề dễ. Và đó cũng là một phần lý do, tại sao các trường Đại học giảng dạy lí thuyết nhiều hơn.

Thứ hai, hay là điều quan trọng hơn cả, là mục tiêu của việc giáo dục Đại học là gì? Chúng ta thường được gia đình, thầy cô phổ thông hay xã hội nói chung định hướng học Đại học, chỉ để có công ăn việc làm ổn định sau khi ra trường, để được xã hội tôn trọng vì có học thức, để gia đình tự hào hay để không phụ lòng thầy cô. Ngoài ra, hầu như chẳng ai để ý mục tiêu thực sự của việc giáo dục Đại học không phải là đưa ra kết quả là sinh viên sau khi tốt nghiệp, ra trường sẽ có việc làm, có mức thu nhập cao… Có ai để ý trong Điều 5 Luật Giáo dục đại học 2012 và Khoản 3 Điều 77 Luật Giáo dục nghề nghiệp 2014, mục tiêu của Giáo dục Đại học đã được quy định cụ thể? Theo đó: 

  1. “Mục tiêu chung:
  2. a) Đào tạo nhân lực, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài; nghiên cứu khoa học, công nghệ tạo ra tri thức, sản phẩm mới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và hội nhập quốc tế;
  3. b) Đào tạo người học có phẩm chất chính trị, đạo đức; có kiến thức, kỹ năng thực hành nghề nghiệp, năng lực nghiên cứu và phát triển ứng dụng khoa học và công nghệ tương xứng với trình độ đào tạo; có sức khỏe; có khả năng sáng tạo và trách nhiệm nghề nghiệp, thích nghi với môi trường làm việc; có ý thức phục vụ nhân dân.”
  4. Mục tiêu cụ thể đào tạo trình độ đại học:

“a) Đào tạo trình độ đại học để sinh viên có kiến thức chuyên môn toàn diện, nắm vững nguyên lý, quy luật tự nhiên - xã hội, có kỹ năng thực hành cơ bản, có khả năng làm việc độc lập, sáng tạo và giải quyết những vấn đề thuộc ngành được đào tạo”

Nhìn vào mục tiêu của giáo dục Đại học, chúng ta hiểu rằng, Đại học chỉ giúp cho các bạn sinh viên có được kỹ năng, khả năng, năng lực hay kiến thức chuyên môn toàn diện mà thôi. Cũng chẳng có ý nào trong mục tiêu khẳng định đào tạo nhân lực với trình độ Đại học để có việc làm, mà mục tiêu là cung cấp những yếu tố đầu vào cần thiết cho người học có thể tự làm được những điều gì đó bổ ích, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội,.... Hãy nhìn vào những phần kiến thức trong mục tiêu của giáo dục Đại học. Có phải là cung cấp kiến thức về một lĩnh vực cụ thể ở một vài khía cạnh thôi không? Đó là kiến thức chuyên môn, nhưng là kiến thức toàn diện ở mọi mặt trong cái chuyên môn ấy, là những nguyên lý, những quy luật của tự nhiên và của xã hội. Là những kiến thức ở tầm bao quát, để sinh viên sau khi ra trường có cái nhìn toàn diện và tổng quát, chứ không phải là một cái nhìn phiến diện. Việc này nhằm giúp cho sinh viên có thêm khả năng và cơ hội đáp ứng được nhiều công việc khác nhau, chứ không phải chuyên môn hoá trong một công việc cụ thể nào đó. Và những điều trên đã đủ để giải thích cho những phần kiến thức học được ở Đại học như thế nào mà lại không áp dụng được vào thực tế?

Và cuối cùng, làm thế nào để áp dụng hơn 5% kiến thức ở Đại học vào công việc thực tế?

Nếu nói khi đi làm, chúng ta chỉ làm một phần nhỏ trong một chuỗi quy trình hoạt động thì chúng ta lại không thể áp dụng nhiều kiến thức học được ở Đại học. Nhưng có ai biết rằng, ở trường Đại học chúng ta đã học được những môn học cơ sở, cung cấp những kiến thức cơ bản nhất để có thể sống và làm việc không? Ở trường Đại học, chúng ta có môn Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lê-nin, và chúng ta có thể áp dụng nhiều quy luật từ môn học này chứ. Ví dụ cơ bản nhất là quy luật khi chúng ta tích luỹ đủ về lượng, sẽ có sự biến đổi về chất. Khi đi làm, chúng ta cố gắng, nỗ lực đến mức độ nào đó để sếp có thể nhận ra sự cống hiến của mình, sếp sẽ thưởng hoặc tăng lương, thăng chức cho chúng ta. Hoặc khi chúng ta gặp một vấn đề khó khăn trong công việc, nếu chúng ta dành đủ thời gian suy nghĩ cách giải quyết, đến một lúc nào đó chúng ta sẽ tìm ra câu trả lời. Hay ở trường, có thể chúng ta học về Kĩ năng làm việc nhóm với những nguyên tắc để thành lập nhóm, tổ chức cuộc họp. Kiến thức đó đâu phải là thừa trong khi đi làm? Chưa kể đến những kiến thức liên quan đến pháp luật để trợ giúp chúng ta khi đi làm với những vấn đề đến hợp đồng lao động hay chế độ theo luật lao động. Ngay cả những lí thuyết chúng ta học từ Giáo dục thể chất ở trường Đại học cũng giúp ích cho công việc của chúng ta thuận lợi chứ, bởi lẽ có ai không có sức khoẻ tốt lại có thể hoàn thành công việc một cách hoàn hảo hay không? Ngoài ra, tuỳ theo ngành học mà chúng ta còn học nhiều môn cơ sở cho ngành, mà chắc chắn sẽ có một vài quy luật hay nguyên tắc nào đó mà chúng ta không thể quên khi đi làm thực tế. Và đặc biệt là kiến thức chuyên ngành mà chúng ta học chắc chắn không thể không hỗ trợ cho công việc mà chúng ta đi đúng theo chuyên ngành được.

Tóm lại, Đại học đã dạy cho chúng ta những kiến thức toàn diện, bao gồm những kiến thức cơ bản nhất để chúng ta áp dụng vào trong công việc thực tế. Tuỳ thuộc vào ngành học cũng như công việc mà chúng ta làm để thấy được những kiến thức chúng ta học được ở Đại học ít nhất được áp dụng vào thực tế là 10%. Ngoài ra, học Đại học còn nhằm mục đích để chúng ta trau dồi kĩ năng, khả năng và phát triển năng lực để có thể làm việc phục vụ cho bản thân, tạo giá trị cho xã hội và góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả đất nước.

Nguồn ảnh: Internet

Tác Giả: Cactus Flower, Sinh viên 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/quynh.cactusflower 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,862 lượt xem, 5,433 người xem - 5440 điểm