Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tiết Học Về "Entrepreneurship" Từ Một Người Đức (Phần 1)

Tôi gặp Sava vào một buổi sáng dưới tiết trời dịu nhẹ của thượng tuần tháng 8. Chúng tôi bắt chuyện với nhau sau một câu chào hỏi đơn giản. Sava là một người Đức và hiện đang sinh sống tại Sài Gòn. Trong bộ vest lịch lãm của mình, ông toát lên vẻ phong độ của một người đàn ông châu Âu ở độ tuổi trung niên. Tôi nghĩ thầm “chắc đây là sếp của một doanh nghiệp nước ngoài nào đó”. Ông có vẻ khá thân thiện và dường như có nhã ý muốn trò chuyện, nên tôi tò mò hỏi tiếp:

- Ông đến Việt Nam để kinh doanh à?

- Không. Tôi đang sống ở đây, Sài Gòn.

Có lẽ, giọng Anh của người Đức là một “đặc sản” có một không hai trên quả đất này, không thể lẫn đi đâu được. Nghe câu trả lời của Sava, tôi thấy có gì đó sai sai. Tôi nghĩ mình đã nghe nhầm gì đó, hoặc ông đã hiểu sai câu hỏi của tôi. Tôi gặng hỏi thêm lần nữa, hóa ra là ông muốn tôi biết rằng ông không đến đây để làm việc hay đi du lịch, mà ông muốn sống tại mảnh đất hình chữ S này. Tôi hỏi ông:

- Tại sao ông lại muốn sống ở Việt Nam?

Ông đáp lại khá hào hứng:

- Tôi thích con người ở đây vì tính xã hội cao. Mọi thứ ở đây đều rất tốt, từ con người cho đến các món ăn. Tôi rất thích các món ăn Việt Nam, chúng vô cùng tuyệt vời.

Sava đã từng có một thời gian sinh sống ở Trung Quốc, vì ông đang điều hành một công ty ở bên đó. Thật ra, tôi không lấy gì làm lạ trong câu trả lời của ông, bởi các món ăn của người Tàu vốn dùng nhiều dầu mỡ, còn các món ăn ở Việt Nam thì ít dầu mỡ hơn nên được người Tây ưa chuộng; nhưng ngặt một nổi các món ăn Việt Nam thường đi kèm với nước mắm nên khó đưa vào sản xuất công nghiệp, nếu không thì ẩm thực Việt Nam có lẽ đã vươn xa thế giới như Hàn Quốc, Thái Lan hay Nhật Bản. Hơn nữa, người Việt cũng ít ồn ào hơn người Tàu ở những nơi công cộng. Nhưng bấy nhiêu đó lý do chưa đủ thuyết phục tôi tin rằng nó có thể khiến ông rời bỏ Berlin để tới Sài Gòn. Tôi thắc mắc:

- Tôi nghĩ cuộc sống ở Berlin phải tốt hơn ở đây chứ?

Giọng nói của Sava bắt đầu thay đổi và chuyển sang trạng thái bức xúc:

- Người Đức toàn là những kẻ lạnh lùng (ông dùng từ “cold”) và ngu xuẩn (ông dùng từ “stupid”). Họ không quan tâm tới ai cả. Cuộc sống bên đó vô cùng tẻ nhạt. Ở Việt Nam tốt hơn nhiều, con người gần gũi và biết đùm bọc nhau hơn, tôi rất thích điều đó. Mọi thứ ở đây đều tốt hơn ở Đức.

Tôi vẫn thấy chưa đủ thuyết phục:

- Nhưng mức sống ở Đức cao hơn ở Việt N…

Sava ngắt giọng tôi:

- Điều đó không quan trọng.

Lạ thật. Mỗi năm có không biết bao nhiêu người trẻ Việt Nam tìm kiếm cơ hội để sang các nước phương Tây. Hôm nay, tôi lại gặp một người đàn ông đến từ Đức, cường quốc đứng đầu châu Âu, dành tình yêu mãnh liệt cho đất nước này. Điều đó khiến tôi vừa tò mò, vừa thích thú.

*

*          *

Từ xa, một chiếc xe tải chở cát chạy ngang qua nơi chúng tôi đang ngồi. Những tiếng ầm ầm vang lên vì chiếc xe cán phải những ổ gà sụt lún cả nửa tấc, kéo theo đó là làn bụi cát bay mịt trời khiến cuộc trò chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng trong chốc lát. Tôi lấy tay phủi phủi vài cái rồi nói:

- Không khí ở đây ô nhiễm vậy đó.

Sava nói một cách ngượng nghịu như muốn bào chữa cho quan điểm của mình lúc nãy:

- Ờ thì… đây là vấn đề duy nhất tại Việt Nam. Mọi thứ còn lại vẫn tốt hơn ở Đức. Không khí ở Đức khá trong lành.

Tới đây, như một thói quen, tôi muốn chuyển sang một chủ đề khác mà tôi rất thích khi trò chuyện với bạn bè quốc tế, đó là nói về kinh tế - chính trị. Qua những trao đổi vừa rồi, tôi đoán ông sống ở phần Đông Berlin. Nhưng tôi chưa muốn bàn về chuyện chính trị, theo tôi, đề tài về kinh tế sẽ thích hợp hơn để nói chuyện với một doanh nhân như Sava.

"Các nhà đầu tư nước ngoài rất thích những thị trường non trẻ như Việt Nam, vì tính cạnh tranh còn khá thấp; không như những thị trường đã già cõi như châu Âu, khi mà các ý tưởng kinh doanh đều đã được thực hiện".

Sava có vẻ hiểu rõ mức độ tiềm năng của thị trường Việt Nam. Trong đầu tôi lúc này cũng đã chuẩn bị rất nhiều đề tài để nói; tuy nhiên, ý định của tôi chưa kịp thực hiện thì Sava chủ động hỏi tôi:

- Cậu là sinh viên à?

- Đúng vậy. Tôi đang học năm Tư.

- Thế cậu học chuyên ngành gì?

- Tôi học ngành Marketing. Vậy còn ông, ông làm việc trong lĩnh vực gì?

Sava cười lớn:

- Haha, tôi là một giáo sư Marketing!

Tôi sững sờ. Sava vừa mang đến cho tôi một bất ngờ vô cùng lớn. Tôi chưa từng nghĩ mình lại có cơ hội “thỉnh giáo” một ông giáo sư Marketing từ phương Tây. Trong giây phút đó, tôi đã mất vài giây để giữ bản thân mình thật bình tĩnh để xác nhận lại thông tin từ ông:

- Ôi Chúa ơi! Ông đang dạy Marketing tại Việt Nam à?

- Thật ra tôi đang dạy môn Leadership & Entrepreneurship tại trường Đại học Việt - Đức. Cậu biết trường đó không?

Thành thật mà nói, tôi không hề biết trường này. Tuy nhiên, cuộc trò chuyện này đã rẽ sang một hướng mới mà tôi không thể lường trước được. Tôi hít một hơi thật sâu và chuẩn bị toàn bộ “nội lực” để tiếp chuyện với một ông giáo sư kinh nghiệm hàng chục năm trong lĩnh vực mà tôi theo học. Tôi giả vờ nói rằng mình chỉ nghe qua về trường Đại học Việt – Đức, nhưng chưa có nhiều thông tin về trường này.

Sava bắt đầu thấy hứng thú và “thử” tôi bằng thuật ngữ “entrepreneurship”:

- Cậu biết “entrepreneurship” không?

May thay, những tờ báo kinh tế mà tôi đọc cũng thường xuyên nhắc đến từ này, vì thế tôi đã giải thích nó theo những gì mà tôi biết. Đối với những người đã từng tìm hiểu về “entrepreneurship”, có lẽ họ sẽ đồng ý với tôi rằng giải thích từ này bằng tiếng Anh thậm chí còn dễ hơn bằng… tiếng Việt. Hiện nay, một số người chuyển ngữ “entrepreneurship” thành “tinh thần khởi nghiệp”, theo tôi thì cách dịch như vậy không thể hiện được hoàn toàn ý nghĩa của thuật ngữ này. Tôi cũng đã nói với Sava rằng hiện tại tiếng Việt chưa thể chuyển ngữ được từ “entrepreneurship”.

“Entrepreneurship” là năng lực và sự sẵn sàng để phát triển, tổ chức và quản lý một công việc kinh doanh cùng với bất kỳ rủi ro đi kèm với nó nhằm tạo ra lợi nhuận. Một ví dụ rõ ràng nhất của “entrepreneurship” là thành lập các doanh nghiệp mới (theo Business Dictionary).

Như vậy, khởi nghiệp chỉ là một phần của “entrepreneurship”. Đó là lý do vì sao tôi nói bản dịch “tinh thần khởi nghiệp” là chưa thể hiện đầy đủ ý nghĩa của thuật ngữ này.

Sava đã không nhận xét sự đúng – sai trong cách giải thích của tôi, tuy nhiên, ông đã minh chứng cho tôi bằng ví dụ về Uber và Grab. Theo ông, các tài xế tham gia vào loại hình kinh tế chia sẻ (sharing economy) này cũng là “entrepreneurship”. Lúc này, tôi bỗng trở thành học viên của Sava, còn ông thì trở lại với vai trò của một vị giáo sư đáng kính, và như thế, ông bắt đầu truyền tải những kiến thức quý báu của mình. Tôi lắng nghe từng câu từng chữ mà Sava nói. Phải thừa nhận rằng tôi đã nghĩ một ông giáo sư từ trời Âu chắc sẽ dùng cách nói thật hàn lâm để giải thích những vấn đề như vậy. Nhưng không. Ở Sava, tôi thấy được sự tinh tế trong cách truyền đạt và dẫn dắt người nghe, chứ không như cách giải thích, mà nhiều khi tôi nghĩ là mình đang nghe những lý luận triết học, từ những giáo sư Việt Nam. Những ví dụ mà ông đưa ra rất mộc mạc và giản đơn, đến nỗi nó khiến tôi cảm tưởng như một cậu học sinh cấp Ba cũng có thể hiểu được những gì mà ông truyền đạt.

Sava khuyên tôi nhiều thứ, rất đúng với tinh thần “entrepreneurship”; còn tôi thì học được nhiều bài học kinh doanh từ ông. Tôi nhớ lại một câu nói rất hay của Warren Buffet: "Đừng nên tiết kiệm những khoản còn lại sau chi tiêu, mà hãy chi tiêu những khoản còn lại sau khi tiết kiệm". Tôi nhận ra rằng việc tiết kiệm từng đồng chỉ giúp tôi “bớt nghèo” hơn, trong khi đầu tư mới là thứ có thể khiến tôi trở nên giàu có. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là kiến thức.

*

*          *

Cuộc trò chuyện giữa chúng tôi diễn ra một cách cởi mở tầm 20 phút, cho đến khi sự yên lặng bỗng dưng xuất hiện. Đôi lúc con người có những khoảnh khắc thật kỳ quặc, khi cuộc trò chuyện đang diễn ra sôi nổi nhất cũng là lúc chúng ta chợt im bặt, không ai biết nói gì. Với tôi, tôi cần tạo một khoảng nghỉ để hệ thống lại khối kiến thức lớn vừa mới dung nạp vào đầu mình.

Chúng tôi ngồi im như thế chừng vài phút, cho đến khi tiếng chuông điện thoại của Sava vang lên và đập tan bầu không gian tĩnh lặng ấy. Tôi cảm nhận được sự hối thúc từ đầu dây bên kia khi gọi cho Sava. Đó là giọng của một cô gái. Chờ đến khi Sava vừa cúp điện thoại, tôi hỏi:

- Ông có việc phải đi à?

- Phải.

- Mấy giờ thì ông phải đến nơi?

- Tôi có cuộc hẹn lúc 11 giờ rưỡi. Bây giờ đã 11 giờ 38 phút rồi – Sava cười nói – nhưng không sao!

Sava chưa vội rời đi. Ông nén lại đây ngồi cùng tôi thêm ít phút nữa.

Ngoài đường, một anh chàng giao hàng chạy chiếc dream phóng vèo ngang qua chỗ chúng tôi. Sava thở dài và nói với tôi bằng một giọng nói trầm tư:

- Cuộc đời này ngắn quá.

Tôi ngây người ra, không hiểu vì sao Sava lại nói vậy, nhưng vẫn cố mỉm cười đáp lại ông để thay cho một lời nói. Bỗng Sava chỉ tay tôi nhìn vào chiếc cặp của anh chàng giao hàng lúc nãy. À thì ra trên chiếc cặp ấy có in dòng chữ “Life is too short” (cuộc đời này ngắn quá). Có lẽ, Sava đang chứa rất nhiều tâm tư cần được giải bày, và hẳn ông có rất nhiều bức xúc với cuộc sống tại Berlin nhưng chưa thể nói hết. Tuy nhiên, vì thời gian không cho phép, cuộc trò chuyện giữa chúng tôi buộc phải kết thúc ở đây.

Đúng là cuộc đời này ngắn thật, chúng ta luôn phải quây cuồng lo toan cho công việc, đến nỗi thời gian cho một buổi trò chuyện cũng trở nên thật quý báu, nó khiến chúng ta hối hả tranh thủ từng phút để không phải trễ giờ cho những chuyện khác. Một lần nữa, ánh nhìn xa xăm của Sava đã lột tả nỗi niềm của ông. Sava cố gắng nói lời sau cùng, nhưng không thốt lên được. Tôi thấy ông mất vài giây để suy nghĩ một từ gì đó, chắc có lẽ là ông đang muốn nói lời tạm biệt tôi bằng tiếng Việt nhưng chợt không nhớ phát âm thế nào. Sau cùng, ông đành phải nói “Goodbye” (tạm biệt), để rồi vội lên xe và vít ga chạy. Tôi dõi nhìn theo ông, bóng dáng của Sava lùi dần về sau những hàng cây me xanh rì ở Sài Gòn cho đến khi khuất hẳn.

Còn tôi thì bàng hoàng đứng đó với một nỗi ưu tư khó tả.

Tái bút: Phần 1 bài viết được dựa trên những tình tiết và nhân vật có thật (xin giấu tên thật của nhân vật). Phần 2 sẽ kể về cuộc hội ngộ giữa tôi và Sava sau một khoảng thời gian. Hi vọng mọi người ủng hộ bài viết này để tạo động lực cho tôi viết tiếp phần 2 nhé.

Tác giả: Trần Tuấn Sang

Kết bạn và theo dõi Facebook của tác giả tại: ttps://www.facebook.com/trantuansang1996 .

--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

298 lượt xem, 292 người xem - 294 điểm