Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tôi Là Người Hướng Nội Khi Muốn Và Hướng Ngoại Khi Cần

Khi bắt đầu đặt bút viết bài viết này, tôi đã đọc không dưới chục bài viết liên quan đến chủ đề “hướng nội – hướng ngoại”. Nhiều trong số đó đang nhìn người hướng nội như những người bị xã hội lãng quên, phải cố gồng mình để thích nghi với “thế giới của người hướng ngoại”,... Dưới góc nhìn đó, người hướng nội trở nên tội nghiệp, nhỏ bé, thậm chí có thể là dư thừa trong xã hội này. Rồi họ chốt lại là người hướng nội rất tuyệt vời, cần được quan tâm, nâng niu và trân trọng. Là một người hướng nội, tôi không đồng ý với những suy nghĩ này, ít nhất tôi chưa từng cảm thấy bản thân tội nghiệp hay bị lãng quên. Hơn nữa, hãy thôi hô hào người hướng nội tuyệt vời và có ích đi, thay vào đó hãy đưa cho họ cách để không bị bỏ lại phía sau trong thế giới ồn ào và vội vã này. Bài viết của tôi – một người hướng nội, chẳng muốn đào sâu thêm sự tuyệt vời của chúng tôi hay ru ngủ những người giống tôi rằng sự nhút nhát, ít nói đó là một “món quà”. Chỉ đơn giản, tôi muốn những người hướng nội có cái nhìn thực tế hơn về xã hội, về những gì chúng ta cần làm để bắt kịp với guồng quay thời đại để cái mác “người hướng nội” không còn bị nhắc đến một cách tội nghiệp như nhiều bài viết từng đề cập.

Thế nào là “thế giới của người hướng ngoại”?

Có lẽ đây chính là khái niệm được đề cập khá nhiều trong các bài viết liên quan đến người hướng nội và vì thế nên tôi muốn làm rõ hơn cái khái niệm này để xem liệu rằng có phải chúng ta đang bị phụ thuộc vào thế giới của người khác hay không.

Giao tiếp là hoạt động tất yếu của xã hội, dù bạn đi chơi, đi học, đi buôn thì đều cần có sự giao tiếp. Giao tiếp, trao đổi khiến con người hiểu nhau hơn, nắm được yêu cầu của đối phương và thúc đẩy các hoạt động học tập, buôn bán, giải trí phát triển. Xét từ cổ chí kim, xã hội nào cũng vậy, có chăng, thời đại chúng ta đang sống sôi nổi hơn nhiều do sự phát triển của khoa học công nghệ khiến con người đôi khi bị ngợp. Nếu cho rằng thế giới hiện nay là của người hướng ngoại thì có vẻ không đúng lắm vì thế giới đâu chỉ được tạo nên bởi người hướng ngoại. Và cũng chẳng có cái thế giới nào câm lặng dành riêng cho người hướng nội. Do đó, người hướng nội vẫn đang sống trong thế giới của mình đó thôi, nhưng có lẽ cái mác tự ti, ít nói, nhút nhát, nhiều tâm sự khiến nhiều người hướng nội nghĩ rằng họ không phù hợp với nhịp sống hiện tại.

Hướng nội và hướng ngoại là 2 mặt của một vấn đề, cùng tạo nên sự đa dạng cho xã hội, vì vậy những người hướng nội đừng bao giờ cảm thấy lạc lõng trong xã hội hiện tại. Thiếu chúng ta, xã hội sẽ mất đi những mảnh ghép tuyệt vời, và hãy tin rằng, chẳng ai có thể lãng quên chúng ta nếu bản thân chúng ta không cho họ cái quyền đó. Dù có là những nốt nhạc trầm giữa bản nhạc tông cao thì họ cũng góp phần tạo nên những giai điệu hoàn chỉnh nhất.

Muốn người khác hiểu mình, hãy hiểu người ta trước!

Nếu nhiều người hướng nội cảm thấy ngột ngạt giữa những đồng nghiệp reo hò trong bữa tiệc, e dè trước những cử chỉ xã giao vồn vã và sợ hãi thế giới này, thì hãy dừng lại! Bạn có thể không thích những hành động đó, nhưng không có nghĩa rằng chúng là xấu và cũng đừng đổ lỗi rằng vì họ mà bạn trở nên ngại ngùng trước xã hội. Bạn muốn người ta hiểu rằng bạn ít nói, nhút nhát, sợ đám đông thì trước hết, hãy tôn trọng cách cư xử của những người hướng ngoại – sôi nổi, cởi mở và có thể hơi ồn ào. Chỉ khi học được cách hiểu người khác, bạn mới có thể đòi hỏi người khác hiểu mình, tôn trọng bản ngã của mình và từng bước hòa nhập với xã hội.

Cô bạn tôi, một người hướng nội, thậm chí hơi có phần tự kỷ đã từng đem lòng ghét một anh bạn học cũ chỉ vì khi vô tình gặp lại trên đường, anh này chạy lại nắm tay, khoác vai bạn tôi cùng những câu hỏi thăm vang động một góc phố. Bạn tôi chia sẻ cô hơi sốc với hành động đó, cảm thấy mình bị xúc phạm (có thể do động chạm cơ thể?) và xấu hổ giữa đường phố. Tất nhiên sau đó bạn tôi cười trừ, trả lời vài câu có lệ rồi tìm đường chuồn thẳng vì... sợ. Từ đó cô càng khoét sâu định kiến giữa người hướng nội và người hướng ngoại và ngại va chạm, tiếp xúc với người lạ, vô hình chung, cô ấy trở thành người sợ xã hội (anti-social) lúc nào không hay.

Tôi nghĩ rằng cũng có nhiều người từng giống như cô bạn tôi, nhưng đó cũng là lúc mình cần đặt bản thân vào hoàn cảnh của người khác. Người hướng ngoại là vậy, và chúng ta  những người hướng nội hãy bắt đầu học cách hiểu tính cách trái ngược này, để thấy rằng giống như chúng ta, họ cũng là mảnh ghép không thế thiểu trong bức tranh cuộc đời.

Để khi hiểu nhau hơn, bạn biết rằng những cuộc vui phải ồn ào, náo nhiệt mới tạo nên không khí, những buổi họp phải có tranh luận, thậm chí cãi vã mới cho ra đời những ý tưởng hay, hoặc đơn giản là những cái siết tay, khoác vai nồng ấm cũng thay được rất nhiều lời nói. Bạn thấy không, cuộc sống muôn hình muôn vẻ, chia sẻ và thông cảm cho nhau sẽ dễ dàng hơn biết bao nhiêu.

Hãy “tiến hóa” để không bị bỏ lại phía sau

Khi cả thế giới cho rằng người hướng nội là một đám người nhút nhát, tự kỷ thì đừng mong chờ những bài viết liên quan làm mờ đi định kiến này, chính bạn – người hướng nội hãy đứng lên đập tan nó. Hướng nội hay hướng ngoại đều là một món quà của người được ban tặng, nhưng đừng vì thế mà cực đoan trong việc duy trì những điểm yếu của bản thân. Khi cần thiết, hãy là một người hướng ngoại, hoặc ít ra là giả vờ giống thế để hoàn thành được cái mà bạn muốn. Nghe có vẻ hơi thực dụng nhưng đó là thực tế xã hội, những người cứ cố thu mình trong vỏ kén “vùng an toàn” sẽ đánh mất cơ hội. Mà cơ hội có bao giờ đến lần 2?

Bởi thế, hãy là những người hướng nội thức thời. Chúng ta có sự sâu sắc, điềm tĩnh, bản lĩnh thì hãy bổ sung một chút hoạt ngôn, dám thử thách, dám dấn thân để thành công thêm hoàn hảo. Nếu bạn còn ngại ngùng khi đến làm việc ở 1 môi trường mới hay chưa dám mở lời với đồng nghiệp nhờ chia sẻ về công việc hay kinh nghiệm, hãy bắt đầu từ hôm nay. Không cần quá long trọng, chỉ cần một nụ cười, một cái bắt tay hay một lời đề nghị chân thành, chắc chắn bạn sẽ có thêm nhiều bạn mới mà chẳng cần phải nói liên thanh hay quà cáp cầu kỳ.

Còn với những bạn sinh viên hướng nội thì cũng đừng quá hoang mang khi không biết sẽ đi đâu về đâu với tính cách của mình. Xung quanh bạn có biết bao cơ hội từ những hoạt động xã hội, phong trào sinh viên, đó sẽ là những ngọn lửa đầu tiên làm tan chảy những tảng băng xung quanh bạn. Đừng nghĩ rằng mình đang học trở thành người hướng ngoại, cứ coi như là rèn luyện một kỹ năng mềm, vì dù hướng nội hay hướng ngoại thì vẫn cần phải biết cách sinh tồn trong xã hội đầy rẫy bon chen sau này.

Một chiều cuối tuần gió nhẹ nào đó, bạn vẫn có thể thu mình trong góc quán cà phê, đắm mình trong cuốn sách ưa thích hay giai điệu không lời du dương nào đó. Suy cho cùng, bạn vẫn là người hướng nội, vẫn có những phút giây dành riêng cho bản thân được vẫy vùng trong góc nhỏ sâu thẳm nhất của tâm hồn. Đó là một món quà, hãy hạnh phúc khi là một với nó nhưng hãy hướng ngoại, mở lòng  hơn để tiếp tục tiến về phía trước, hỡi những người hướng nội!

Tác Giả: Mai Lan, Freelancer

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://goo.gl/uSGArP

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,958 lượt xem, 1,936 người xem - 1939 điểm