Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] “Trái Đất Này, Là Của Chúng Mình” – Thôi Đừng Nói Xạo Nữa


“Trái đất này, là của chúng mình

Quả bóng xanh, bay giữa trời xanh...”

Đây là lời bài hát mà hồi mình còn học mẫu giáo, tiểu học, trường hay bật cho nghe. Nghe hoài, nghe mỗi ngày, nghe đến mức ăn sâu vào trong não. Đến giờ, đã qua mười mấy năm, mình vẫn thuộc nằm lòng từng chữ. Nhưng mà, liệu nó có thật không hay chỉ là lời nói xạo?

 

1. Chúng ta chưa hề cư xử với Trái Đất như là “của mình”

            Mình chắc là chúng ta đều hiểu rõ môi trường xung quanh chúng ta đang bị ô nhiễm nặng nề như thế nào. Bằng chứng là ta ra đường thì phải có khẩu trang, ăn thì phải ăn rau sạch và đâu có ai muốn lấy nước sông lên rửa mặt đúng không? Nhưng, các nhà máy xả nước thải vẫn ở đó, cây rừng vẫn bị đốn, cây trồng vẫn được bón phân hóa học, phun thuốc trừ sâu, rác vẫn bị vứt lung tung và hàng triệu chiếc xe máy vẫn ào ra đường mỗi ngày. Bạn có thể nghĩ rằng mấy vấn đề này vĩ mô quá, một mình bạn không thể giải quyết được hay đây là chuyện của chính quyền nhà nước.

Vậy thì mình sẽ kể đến những chuyện gần hơn nữa.

– Liệu rác nhà bạn đã được phân loại rõ ràng chưa? Bạn có thể nghĩ rằng mình đã đóng một ít tiền rác mỗi tháng, còn lại cứ để những người thu gom rác họ lo. Nhưng bạn biết không, hầu hết mọi thứ ta thải ra đều kết thúc vòng đời ở ngoài bãi rác, số khác ra biển, sông,... Mà môi trường ở bãi rác là một môi trường đặc biệt (kỵ khí), những thứ thức ăn thừa của bạn khi vào bãi rác, nó sẽ không phân hủy như bình thường nữa. Chúng sẽ trở thành khí metan và khí metan là khí gây hại gấp 25 lần so với CO2. Vì vậy những bó cải rõ ràng có thể tự phân hủy ở nhà bạn nhưng ra đến bãi rác sẽ góp phần gây thảm họa thay đổi khí hậu. Ghê chưa?!

– Hầu như mỗi ngày chúng ta đều sử dụng bao ni lông và các đồ nhựa dùng một lần. Ăn sáng một bao, ăn trưa một hộp, buồn buồn thêm ly trà sữa. Mình chắc là bạn không tưởng tượng nổi mình đã thải ra bao nhiêu chất thải nhựa đâu. Và để mình kể bạn nghe, lượng rác thải nhựa chưa được phân huỷ hay tái chế từ năm 1950 tới nay là 4.9 tỷ tấn. Rác thải nhựa thải ra nhiều trên đất liền, nhưng phần lớn thải vào môi trường tự nhiên, trong đó khoảng 10 triệu tấn hàng năm bị thải vào đại dương. 50% rác thải nhựa đến từ đồ dùng nhựa sử dụng một lần rồi bỏ. Và chúng ta sẽ mất hàng trăm năm mới có thể phân huỷ hết lượng rác này. Ngoài chuyện rác thải nhựa dĩ nhiên là xấu và hại cho tự nhiên, nó còn làm hại sinh vật biển, và khi tiếp xúc với nước mặn và ánh sáng mặt trời, có thể bị tách ra thành vi hạt nhựa có khả năng làm sinh vật biển nhiễm độc và do đó làm hại cả loài người.

(Ảnh nền gốc: Andrew Coelho@Unsplash)

– Điện, nước quá rẻ cho nên không cần phải tiết kiệm? Đèn mở khắp nhà, quạt bật nguyên ngày, máy lạnh hàng tiếng, tivi, máy tính, điện thoại lại càng không thể thiếu. Lượng điện ta sử dụng hàng năm chỉ có tăng chứ không giảm. Thử nhìn lại hóa đơn tiền điện nhà bạn, mình nói đúng chứ? Mà bạn biết không, để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng điện, bao nhiêu đập thủy điện được xây dựng nên không chỉ phá hoại rừng, hệ sinh thái khu vực mà nó còn là bản án tử treo trên đầu mỗi người dân sống trong khu vực đó. Thêm vào đó, mỗi giây lãng phí điện cũng làm tăng CO2 ra môi trường. Lại nói về nước, Việt Nam là nước tiêu thụ nước thuộc top đầu khu vực nhưng sử dụng lại kém hiệu quả. Hậu quả rõ nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải hứng chịu tình trạng hạn hán, ô nhiễm nguồn nước và nhiễm mặn nghiêm trọng. Cứ thế này, tương lai cạn kiệt nước sạch không hề xa. Có lẽ vì chưa từng sống trong cảnh thiếu nước nên ta chưa coi trọng nước. 

Mình lại muốn kể cho bạn nghe một câu chuyện có thật. Câu chuyện về một cô gái ở một nước nghèo châu Phi, hằng ngày cô phải đi bộ 8 tiếng để lấy nước sạch về cho cả gia đình sử dụng. Một ngày cũng như bao ngày khác, giữa chừng trên đoạn đường mang nước về nhà, cô vấp ngã, bình đất sét đựng nước vỡ và nước đổ cả ra ngoài. Bạn có biết cô đã làm gì tiếp theo không?
Cô cầm một sợi dây và treo cổ tự vẫn ở cái cây gần đó. Khi ấy cô bé mới 13 tuổi.
Người ta hỏi một cô gái khác ở trong làng, người mà hằng ngày cũng phải đi 8 tiếng để lấy nước sạch, rằng “tại sao cô bé kia lại làm như vậy, thay vì về nhà rồi trở lại lấy nước vào ngày mai?”, “cô ấy không muốn làm mẹ thất vọng bởi vì mẹ cô vẫn đang chờ đợi lượng nước ấy để nấu ăn cho gia đình và nếu cô trở về nhà với tay không, đó là một điều quá đỗi xấu hổ với cô”. Mỗi lần đọc lại câu chuyện này mình đều không khỏi xúc động. Nước không chỉ đơn giản là nước, mà còn là nguồn sống, là trách nhiệm, là phẩm giá con người.

– Bạn đã vứt bao nhiêu quần áo rồi? Với thời đại fast-fashion, việc mỗi người có một tủ đồ riêng là không khó, nếu không muốn nói là vài tủ. Lượn vào chợ đêm, ta dễ dàng bắt gặp các chủ tiệm rao “trăm ngàn ba cái, quẹo lựa các chị ơi”. Ta mua nhiều nên bỏ cũng nhiều, nhiều đến mức các hội từ thiện không thèm nhận luôn rồi. Nhưng bạn biết không, “mỗi năm, thế giới sản xuất ra khoảng 2 tỉ quần jeans, một chiếc cần 7.000 lít nước để sản xuất, cần 2.700 lít nước để sản xuất ra một chiếc áo thun - tương đương lượng nước cần cho một người dùng trung bình trong 900 ngày.  Ở Hong Kong, ước tính cứ mỗi phút người ta vứt đi tương đương 1.400 áo thun.“Ngành may mặc là nơi gây ra ô nhiễm nhiều thứ hai trên thế giới, chỉ sau ngành dầu hỏa” – theo lời hãng bán lẻ Eileen Fisher. Còn chưa kể đến các loại vải tổng hợp thải ra bao nhiêu là hạt vi nhựa vào không khí. Vậy đấy, chúng ta đã vô tình góp phần ô nhiễm môi trường mà không hay.

(Ảnh nền gốc: Kushagra Kevat@Unsplash)

– Đã bao lần ta làm ngơ? Bạn có thể không phải là người làm những việc ở trên nhưng bạn làm ngơ khi thấy người khác làm điều đó. Bạn làm ngơ khi mẹ bạn mang cả mớ bịch nilong mỗi khi đi chợ về. Bạn cũng làm ngơ khi thấy người ta vứt rác bừa bãi và việc hàng xóm đốt nhựa hình như cũng không hề liên quan gì đến bạn.

Liệu chúng ta có phải đang quá vô tâm đến vấn đề môi trường hay không?!

Đối với những thứ ta cho là “của mình”, ta có bao giờ đập iphone của mình không? Có xé tiền của mình không? Có làm bẩn quần áo của mình không?
Nhưng sao chúng ta lại phá hủy môi trường sống của mình chứ? Có lẽ là bởi vì chúng ta chưa hề xem Trái Đất là của mình.

 

2. Biến đổi khí hậu gần hơn chúng ta tưởng

Marlee Matlin từng nói: “Trái Đất không phụ thuộc vào chúng ta, chúng ta phụ thuộc vào Trái Đất”. Theo bài báo cáo mới nhất, nhà khoa học của Liên Hợp Quốc báo động rằng nhiệt độ Trái Đất có thể tăng 1,5 độ C vào năm 2030. Chúng ta chỉ có 12 năm để ngăn chặn những thảm họa từ việc Trái Đất nóng lên. Nếu không tạo được sự thay đổi, chúng ta sẽ đứng trước hàng loạt hiện tượng khí hậu cực đoan như hạn hán, cháy rừng, lũ lụt. Nạn đói có thể xảy ra với hàng trăm triệu người. Tuy nhiên, kể cả khi hiện tượng ấm lên toàn cầu được kiềm hãm dưới mức 1,5 độ C thì cũng sẽ không ngăn được việc các siêu bão đổ bộ thường xuyên, thời tiết mùa hè nóng hơn 3 độ, các rạng san hô chết từ 70 – 90%, hạn hán nghiêm trọng hơn.

Bạn thấy đấy, chúng ta vẫn than phiền vì trời sao mà nóng quá, bão gì mà bão hoài, ô nhiễm ghê quá, bla bla bla... Nhưng chúng ta chẳng làm gì cả. Chắc có lẽ chừng nào thiên tai tới ào ạt thì ta mới chịu thức tỉnh chăng? Mấy cảnh ngày tận thế trong các bộ phim bom tấn tưởng chừng là chuyện của mấy trăm năm sau cơ. Nhưng không, nó gần lắm, vài chục năm nữa thôi, nếu bạn không bắt đầu hành động vì môi trường ngay thì bạn có thể gặp nó ở độ tuổi trung niên đó.

 

3. Nếu xem Trái Đất như là “của mình”, xin bạn...

Hiện tại các trào lưu phong cách sống Zero waste, Minimalism đang được phát triển rộng rãi trên thế giới. Ở Việt Nam, các phong cách sống này cũng bắt đầu được du nhập. Điển hình là cộng đồng Zero waste Saigon của cặp vợ chồng Tây Michael Burdge và Julia Mesner Burdge lập ra. Bên cạnh đó, nhiều cửa hàng “sống xanh” được mở ra bán những sản phẩm thân thiện với môi trường. Do vậy, bạn hoàn toàn có nhiều cơ hội để gia nhập vào các cộng đồng này.

Và nếu bạn thực sự xem Trái Đất là “của mình”, xin hãy:

– Phân loại rác.

– Nói không với đồ nhựa một lần. Thay vào đó, dùng bình nước riêng của bạn, ống hút tre, inox, mang theo hộp đựng thức ăn hoặc ăn ngay tại quán, mang theo túi vải đựng khi đi mua đồ, chọn các cửa hàng zero waste không sử dụng bao bì nilong.

– Không sử dụng các chất tẩy rửa (nước rửa chén, lau nhà, sữa tắm, dầu gội,...) có chất hóa học. Thay vào đó, sử dụng các chất tẩy rửa sinh học như baking soda, giấm, chanh, enzyme tẩy rửa,...

– Sử dụng tiết kiệm điện, nước, gas. Sử dụng năng lượng sạch như năng lượng mặt trời, năng lượng gió.

– Hạn chế đi xe máy. Thay vào đó, đi bộ hoặc sử dụng phương tiện công cộng.

– Ủng hộ sản phẩm địa phương, rau sạch và ngưng lãng phí thực phẩm.

– Hạn chế ăn thịt vì ngành công nghiệp chăn nuôi gia súc tạo ra rất nhiều khí thải.

– Dùng các loại tả vải cho trẻ, nữ dùng băng vệ sinh vải hay cốc nguyệt san.

– Bắt đầu trồng cây. Nếu không có vườn thì có thể trồng các loại cây trong nhà như cây lưỡi hổ, cây cọ cảnh, trầu bà, cây dây nhện,...

– Không mua quá nhiều quần áo.

– Khuyến khích mọi người xung quanh cùng bảo vệ môi trường.

 

Việc từ bỏ các thói quen hằng ngày để bắt đầu thay đổi không phải là chuyện dễ dàng. Ban đầu bạn có lẽ sẽ thấy hơi mắc cỡ khi mang cốc của mình vào tiệm, hơi ngại khi mang hộp đi mua bữa trưa, thấy phiền khi phải đợi xe buýt. Nhưng, nếu bạn đã quyết tâm hành động vì môi trường sống của mình thì mấy việc này không phải là chuyện gì to tát quá đúng không? Hôm nay, mình có thể không thay đổi được thế giới nhưng ít nhất mình đã góp phần làm cho nó tốt hơn ngày hôm qua. Mình mong chúng ta có thể cùng nhau thay đổi, cùng nhau “tích tiểu thành đại” bạn nhé!

Và hãy để Trái Đất này thật sự là của chúng mình.

 

Một số nguồn cho các số liệu, câu chuyện trong bài viết:

https://www.youtube.com/watch?v=2L4B-Vpvx1A

https://news.zing.vn/nghich-ly-ngheo-tai-nguyen-nuoc-nhung-su-dung-phung-phi-o-viet-nam-post826605.html

https://www.youtube.com/watch?v=ESljm-7sYgY 

 

Tác Giả: Diên, Sinh viên @ Đại học Văn Hiến 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/mjxDu


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

357 lượt xem, 350 người xem - 350 điểm