Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Tôi. Những Ngày Nhịn Đói. Những Ngày Khóc. Sợ Tiền Rồi Yêu Tiền. Mạnh Mẽ Và Nghị Lực

Sinh viên được mặc định là nghèo, bị nghèo và phải nghèo. Chỉ có nghèo thì sinh viên mới có thể nên người, mới có thể sống tốt khi không có bố mẹ bên cạnh, mới có thể biết được giới hạn của bản thân và khả năng chịu đựng của chính mình. Hãy tự hào khi bản thân có thể không đủ đầy vật chất như các bạn khác. Vì đó chính là lợi thế.

Như tất cả mọi người từng thấy và đang thấy: tuổi đôi mươi là tuổi của những gì đẹp nhất, tươi mới nhất, dồi dào nhất và sức sống nhất. Nó là tuổi của những ước mơ, khát vọng, của ý chí và tinh thần dám nghĩ dám làm. Nó là tuổi của thỏa sức sáng tạo, thỏa sức vẫy vùng, tự do. Đặc biệt, nó là tuổi của làm chủ bản thân, được làm điều mình muốn và theo cách mình lựa chọn. Nói gì thì nói, sinh viên ngày nay – thế hệ chúng tôi- như mọi người nói, quả thực rất là sướng. Hầu như ai cũng đều được bố mẹ tạo điều kiện đầy đủ cho về mọi mặt. Hơn hết, không ai bị đói cả.

Tôi hồi đó...

Tôi là sinh viên, là một đứa con gái ở nhà được bố mẹ nuông chiều hết mực. Tôi không phải thuộc diện tiểu thư được chiều mà sinh hư, không biết làm lụng. « Chiều chuộng » ở đây được theo một khuôn phép nhất định và nó không đi theo nghĩa tiêu cực. Tôi cũng được bố mẹ tạo mọi điều kiện đi học một cách thuận lợi nhất, an toàn nhất, đủ đầy nhất. Lúc ấy, tôi sướng như « tiên » vậy ! Được bố mẹ chu cấp cho tiền, chi trả cho tất cả mọi khoản chi phí, cộng thêm được tự do tiêu pha, tự do mua những thứ mình thích, tự do ăn uống, không ai quản lí cả ; tôi sướng đến phát dồ, phát dại. Tôi nhớ có những ngày tôi tiêu đến cả triệu mà không hề nghĩ ngợi. Tôi tự nhủ, ở trong thành phố này, tiêu tiền tốn như vậy là chuyện đương nhiên. Trong khi ấy, bố mẹ tôi cũng không nói gì cả, cũng cho tôi rất thoải mái, vì sợ tôi ở trên này một mình nên cũng thương tôi lắm…

Nhưng rồi, mọi thứ chỉ là niềm sung sướng trước mắt mà tôi không biết trân trọng. Gia đình tôi gặp chuyện, rồi việc làm ăn  của nhà không tốt, tất cả mọi thứ đều tụt dốc đến nỗi lúc nào tôi về nhà, mẹ tôi cũng ôm tôi mà khóc. Cũng buồn và chán, nhưng mọi người hãy thử nghĩ xem, một đứa ngây ngô và được chiều chuộng, chưa từng nếm mùi khổ như tôi thì có thể buồn chán được bao lâu… Quả thực, tôi cũng chẳng lấy đó làm việc quá quá nghiêm trọng, tôi vẫn đi học đều đều, ăn uống, chi tiêu đều đều, chỉ là ít hơn trước kia một chút thôi.

Thế rồi, một lần về quê, tôi vô tình nghe được toàn bộ câu chuyện của gia đình mình. Tôi hoảng hốt và sợ hãi. Và kể từ khi đó, tôi đã phải trải qua những giây phút mà có thể bạn bè sinh viên đồng trang lứa của tôi chưa bao giờ phải chịu.

Có những tháng này, tôi đã phải chịu đói rất lâu. Tôi nhớ mãi đó là một cơn đói điên cuồng. Có lần, tôi bị đói 5 ngày liên tiếp. Cho đến bây giờ, tôi vẫn rất sợ cảm giác đó. Nhớ lúc ấy, mắt tôi mờ đi, đầu choáng váng, lờ đờ nhìn mọi thứ và không còn tỉnh táo gì nữa. Tôi run sợ và hi vọng mình sẽ vượt qua cơn đói này. Giờ cứ nghĩ đến là tôi lại chảy nước mắt, và cảm thấy hoảng loạn. Những khi nào đói, tôi lại pha bột sắn để ăn, đến lúc hết thì tôi đun nước uống cho đỡ đói. Khi ấy, trong người tôi, tôi không còn một nghìn nào để mua được cái gì cả. Mỗi tháng bố mẹ tôi cố gắng chắt bóp cho tôi 450 nghìn, tính cả tiền phòng, tiền điện nước, tiền ăn uống rồi các loại chi phí phát sinh. Tôi đói và tự nhiên thèm mọi thứ trên đời. Thèm những miếng bánh mì khô khốc ngày trước mà tôi đã bỏ đi, thèm bát cơm nguội ngày trước mà tôi đã đổ đi, thèm cả tô mì tôm ngày trước mà tôi không ăn chỉ vì không hợp khẩu vị. Tôi nằm co ro ôm bụng. Tôi vùi mình và ép mình phải ngủ, ngủ để quên đi cơn đói. Mỗi lần nằm xuống, ước mắt tôi cứ trào ra, nấc nghẹn, nghĩ thương cho bản thân. Và hơn hết, tôi xót xa cho bố mẹ mình. Bố mẹ còn khổ hơn tôi, còn em tôi nữa. Nó còn nhỏ lắm.

Khóc mệt thì ngủ, tỉnh ngủ lại khóc. Khóc trách mình. Khóc thương thân. Khóc vì đói. Rồi tôi nhớ lại những gì mình đã được học về lịch sử ở những năm 45. Tôi liên tưởng chắc người dân ngày xưa cũng đang đói như tôi vậy. Và tôi thấy thương họ, thấy đồng cảm, thấy bế tắc và xót xa.

Bất ngờ những kí ức ngày trước ở trong đầu tôi trở nên rõ rệt. Tôi nhớ đến những lần đi shopping liên miên, ăn uống thả ga không lo nghĩ. Nhớ đến những lúc vòi tiền ba mẹ mua giầy dép, đi chơi hết chỗ này đến chỗ nọ. Nhớ đến lúc ấy, tôi tự tin biết bao. Tôi muốn mua gì được đó, thích gì có đó. Tất nhiên tôi không phải là đứa đi khoa khoang của cải một cái biến thái, điên dồ. Tôi tự thấy lúc đó tôi giàu sụ. À không, là tiền của ba mẹ tôi cho. Nhưng tôi vẫn rất tự hào. Tự hào vì được tiêu tiền thoải mái. Tôi nhớ đến những ánh đèn vàng hào nhoáng, nhớ đến những không gian sang trọng và cao sang, nhớ đến những thứ trong sự lộng lẫy và diệu kì. Nó trái ngược với cuộc sống u tối, nghèo đói và lạnh lẽo của tôi lúc bấy giờ.

Tôi bây giờ...

Tôi hối hận về mình và biết trân trọng giá trị của đồng tiền. Khi ấy, tôi mới thấy sức mạnh của đồng tiền ghê gớm như thế nào. Và khi ấy, tôi mới hiểu được bố mẹ tôi đã phải làm việc như thế nào mới có được đồng tiền như vậy. Tôi bất giác sợ tiền nhưng cũng yêu tiền vô cùng tận. Tôi yêu nó bởi chỉ nó mới giúp tôi thoát đói, sợ nó vì sức mạnh man rợ của nó có thể thay đổi sống chết dễ dàng.

Những lúc đường cùng như vậy, đớn đau và bế tắc như vậy, tất cả mọi thứ trong tôi đều vô cùng sâu sắc. Tôi nhận ra được đâu là đúng-sai, trái- phải, tốt-xấu ; đâu là thứ mà tôi đã lãng quên, đâu là thứ mà tôi cần phải tìm lại để nâng niu nó và đâu là mối quan hệ mà tôi cần phải gạt bỏ- cần phải nâng niu. Qủa thực, những trận đói kinh hoàng đó, nó đã vực tôi dậy, nó đã cho tôi một mục tiêu rõ ràng, một con đường đi mới, một tương lai mới. Dường như nó đã làm nên một « tôi » khác, một « tôi » mạnh mẽ, kiên cường, sáng suốt và đầy nghị lực như bây giờ.

Cho đến ngày hôm nay, tôi vẫn là cô bé được ba mẹ chiều chuộng, nhưng tôi không còn ngây ngô, không còn vô tâm và thiếu chín chắn. Tôi ít nói, tôi trầm lại và tôi nghĩ nhiều hơn. Bây giờ mỗi khi thấy sinh viên mua hàng hiệu, mua đồ đắt tiền, ăn chơi thao túng bản thân thì tôi lại ngậm ngùi thương họ và bố mẹ họ. Biết đâu những đồng tiền ăn chơi của họ lại là những đồng tiền mà bố mẹ họ phải đồ mồ hôi và máu thịt ra để có được. Những đồng tiền ấy biết đâu có thể giúp được những người vô gia cư không nơi nương tựa, không quần áo mặc trong tiết trời giá rét như này…

Sinh viên được mặc định là nghèo, bị nghèo và phải nghèo. Chỉ có nghèo thì sinh viên mới có thể nên người, mới có thể sống tốt khi không có bố mẹ bên cạnh, mới có thể biết được giới hạn của bản thân và khả năng chịu đựng của chính mình. Hãy tự hào khi bản thân có thể không đủ đầy vật chất như các bạn khác. Vì đó chính là lợi thế. Tôi có thể khổ hơn các bạn, đau hơn các bạn, chịu tủi hơn các bạn ; nhưng đến bây giờ tôi thấy may mắn vì tôi được trải qua điều đó, trải qua sớm hơn các bạn.

Tôi còn rất nhiều điều để kể cho các bạn nghe, nhưng có lẽ cũng nên dừng ở vậy thôi. Để một dịp nào đó có duyên với nhau nữa nhé. Lời cuối cùng tôi muốn nhắn nhủ đến các bạn sinh viên như tôi rằng : bất kể khi nào các bạn cần sự giúp đỡ, cần sự an ủi, cần động lực để sống tốt thì hãy trở về nhà. Đó là nơi duy nhất có thể cho bạn không ngần ngại. Đó là nơi bạn sinh ra, là nơi bạn bắt đầu và cũng hãy là nơi bạn hết mình vì nó. Bởi trên đời này, không có bữa cơm nào là miễn phí cả, ngoại trừ bữa cơm của ba mẹ.

Hãy trân trọng tất cả mọi thứ, trân trọng tất cả từ giây phút này, trân trọng ngay cả hơi thở bạn đang được thở. Vì biết đâu, ngày mai bạn chẳng còn trên đời.

Tác Giả: Chinh Kieu (hMn)

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,652 lượt xem, 1,649 người xem - 1667 điểm