Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

Tiền Bạc Hay Hạnh Phúc

Tiền bạc hay hạnh phúc?

Nguồn : Internet


Trong thế giới Chính trị náo nhiệt, có một khu trường học nhỏ thanh bình, nơi đang nổ ra một cuộc tranh luận sôi nổi giữa những thanh niên đại diện cho những “giai cấp” khác nhau. Cuộc tranh luận diễn ra như thế này:


Nguồn: Internet


A_ đại diện cho giai cấp hạnh phúc bắt đầu: Các bạn ơi, các bạn đã nghe vụ li hôn nghìn tỉ của ông chủ Cafe Trung Nguyên chưa? Tôi ưng nhất câu này của ông ấy:”Tiền nhiều để mà làm gì?”. Quả thật, đúng là như vậy, “Tiền để làm gì?”!


B_ đại diện cho giai cấp “tùy”: Ừ, quả là thế.


C_ đại diện cho giai cấp tiền bạc phản bác: Xì...Nhảm nhí! Tiền nhiều đương nhiên là để sống vui vẻ hơn rồi! Ông chủ tịch kia có quá nhiều tiền nhưng vì ông không biết sử dụng đúng cách nên mới thế! Thử ổng không có tiền xem, xem ông có nói thế không? Không có tiền thì cạp đất mà ăn! Không có tiền thì còn lâu mới có vui vẻ hay hạnh phúc được!


Giai cấp “tùy”: Ừ, đúng thật!


Giai cấp tiền bạc: Đấy, thấy chưa, B cũng ủng hộ tôi kìa!


Giai cấp hạnh phúc: Khoan, khoan đã nào. Nhưng, thế nào là tiền, thế nào là hạnh phúc, hai bạn đã hiểu rõ chưa mà vội vàng như vậy? Quả thực, tôi đồng ý với bạn, không có tiền thì khó có hạnh phúc. Nhưng, tiền bạc hay hạnh phúc giá trị hơn, đã bao giờ bạn thử đặt lên bàn cân hai giá trị ấy chưa? Tiền thì lúc nào cũng có thể kiếm được, đi làm là có thể kiếm được tiền. Nhưng hạnh phúc thì sao? Không phải lúc nào cũng kiếm được hạnh phúc! Hạnh phúc giá trị hơn tiền bạc!

Hãy để tôi giải thích rõ hơn cho bạn điều này.

Nguồn: Internet


Theo bạn thì: tiền bạc là gì, tiền bạc có từ bao giờ, và từ khi nào nó trở nên một vấn đề quan trọng như hiện nay? Và, tại sao nhiều người nghèo?


Giai cấp tiền bạc: Theo tôi, tiền, khi đóng vai trò là vật trung gian để trao đổi mua bán, đã tồn tại trong một khoảng thời gian rất dài dưới nhiều hình thức khác nhau, từ cuối thời Công xã nguyên thủy. Ngày ấy, tiền chưa có hình giấy bạc như bây giờ, mà có thể là vỏ sò, gạo, muối,... Thậm chí một bộ lạc ở Tây Phi còn trao đổi bằng xì gà! Tuy nhiên, sau khi việc giao thương giữa các vùng lãnh thổ mở rộng, người ta nhận thấy cần có một vật trung gian trao đổi thống nhất. Như thế, thế kỉ thứ 7 TCN, đồng tiền kim loại chuẩn hóa đầu tiên ra đời ở miền Tây Thổ Nhĩ Kì. Tuy nhiên, do kim loại sau đó được ưu tiên dùng làm vũ khí, người ta tiếp tục thay đổi chất liệu làm ra đồng tiền thành bạc, vàng. Đến tận bây giờ, có thể nói không ngoa rằng, vàng là vật duy nhất có giá trị! Bởi, dù hiện nay tiền tệ đã phát triển đến mức tiền giấy, tiền điện tử và bán điện tử hay tiền mã hóa, giá trị những đồng tiền này đều có thể tăng giảm tùy thuộc vào nền kinh tế của các quốc gia. Tuy nhiên, giá trị của vàng chỉ luôn tăng chứ không giảm so với giá trị đồng tiền các quốc gia phát hành. Ví dụ điển hình bạn có thể thấy như khi bắt đầu cuộc khủng hoảng hay lạm phát, hoặc chiến tranh, người dân sẽ mua vàng ồ ạt vì giá trị của đồng tiền đang giảm. Như thế, đó là lịch sử hình thành tiền tệ. Tiền, thực chất là một loại hàng hóa đặc biệt được sử dụng để trao đổi mua bán trên thị trường.


Nguồn: Internet


Giai cấp hạnh phúc: Nếu vậy, từ khi nào, vấn đề tiền bạc lại được đặt ra ngang hàng với hạnh phúc theo quan niệm của nhiều người như thế, nếu nó chỉ để trao đổi, mua bán?


Giai cấp “tùy”:Cái này tôi biết! Tiền trở nên quan trọng từ khi vai trò và địa vị của những thương nhân được đề cao. Khi nền kinh tế gia đình chuyển sang nền kinh tế tiền tệ, mọi thứ đều có thể mua được bằng tiền. Tiền, thay vì chỉ là vật để trao đổi, mua bán, đã trở thành phương tiện và mục đích của nhà tư bản. Đặc biệt, trong bước chuyển mình và vận động của nền kinh tế thị trường như hiện nay, việc đồng tiền lên ngôi là điều không thể tránh khỏi.


Giai cấp hạnh phúc:Đúng vậy, vậy tại sao có kẻ giàu người nghèo? Và làm thế nào để giàu có?

Nguồn: Internet

Giai cấp tiền bạc: Trả lời câu hỏi này phải kể đến vai trò của những nhà tư bản. Thực chất, từ khoảng 200 năm trước, nhà cộng sản vĩ đại Các - Mác đã phân tích điều ấy và lí giải cho câu hỏi tại sao có kẻ giàu, người nghèo. Nhà tư bản ra đời đồng nghĩa với việc thuê nhân công lao động cho các nhà xưởng. Chính sức lao động, của những người không còn gì cả buộc phải bán sức lao động, đã tạo ra phần giá trị “thừa ra” trong mỗi ngày làm việc của họ. Tuy nhiên, phần giá trị “thừa ra” ấy đã bị những ông chủ của họ “chiếm đoạt”, hay “chiếm không”. Vì vậy mà, người giàu thì càng giàu còn người nghèo thì càng nghèo.


Giai cấp hạnh phúc: Đồng thời, bạn có để ý thấy trong đây cũng có phương cách cho sự giàu có hay không? Từ mấu chốt ở đây là “chiếm đoạt”. Theo bạn, “chiếm đoạt” là tốt hay xấu?


Giai cấp “tùy”: Hiển nhiên là không tốt lắm.


Giai cấp tiền bạc: Nhưng tiền thì không xấu, thậm chí tốt đẹp nữa kia! Tuy nhiên, do quan niệm của nhiều người và do cách sử dụng không đúng đắn của thiểu số thành phần xã hội nên đồng tiền vô tình đã bị gắn cho cái mác là xấu xa. Cũng giống như suy nghĩ của những người góp tiền cho chùa Ba Vàng để đuổi vong: “Vì nhiều sư chùa và nhân chứng bảo là có vong nên tôi tin là có vong”. Nhiều khi, quan hệ nhân quả hình thành là do tập quán hay niềm tin của nhiều đời, nhiều người vậy.

Trở lại với phương thức làm giàu. Thực chất đó cũng chỉ là quan niệm về đồng tiền. Làm sao bạn có thể giàu có nếu bạn nghĩ đồng tiền tự nó là xấu? Giống như bạn lấy một người bạn không yêu, làm thế nào bạn có thể hạnh phúc với người đó? Tương tự, bạn nghĩ rằng tiền là xấu thì nó xấu. Bạn nghĩ đồng tiền là tốt thì nó tốt. Chính niềm tin hay nhận thức quyết định thái độ và hành vi, chỉ cần thay đổi cái nhìn của bạn về đồng tiền, tôi tin là bạn sẽ giàu có, theo cách của riêng bạn.

Nguồn: Internet


Giai cấp “tùy”: Ồ, giờ thì tôi hiểu hơn rồi… Nhưng còn hạnh phúc thì sao? Hạnh phúc là gì? Khi nào thì hạnh phúc trở nên một vấn đề bức bối của xã hội đến thế?Làm thế nào để hạnh phúc?

Nguồn: Internet


Giai cấp tiền bạc: Cái này thì, phải để cho A rồi. A, cậu nghĩ sao?


Giai cấp hạnh phúc:Thực chất, vấn đề hạnh phúc được đặt ra từ rất lâu trước kia, khi con người dần hòa mình, thâm nhập sâu vào cộng đồng, khi con người phải bằng cách nào đó, giải quyết những mối quan hệ của mình.

Về định nghĩa hạnh phúc, theo tôi, tùy vào quan điểm của mỗi người ở mỗi thời kì khác nhau trong cuộc đời. Đó là từ vừa có ý nghĩa trừu tượng, vừa có ý nghĩa cụ thể. Giống như, khi bạn mỉm cười vì một lời nhắn yêu thương, khi bạn nhớ da diết một người và bạn biết nỗi nhớ ấy được đáp lại, khi bạn yêu một người cũng yêu bạn, bạn có cảm thấy hạnh phúc không? Hay tôi biết một cô bạn du học, gặp phải muôn vàn khó khăn khi đi học ở một xứ người xa lạ, khi cô ấy biết rằng mọi điều đang trở nên tệ hơn, cô ấy có người yêu bên cạnh mình. Đó là hạnh phúc, phải không?

Vậy nhưng, có nhiều bài hát hiện nay, dù lặp lại bao nhiêu là từ “hạnh phúc”  nhưng tiếng nhạc thật buồn, réo rắt, não nề, của những ca sĩ đang cố tỏ ra buồn thảm “diễn” cảnh thất tình. Nhắc đến hạnh phúc, nhưng thật lạ lùng là có đau, buồn, thảm thương. Tôi không thích thể loại này lắm vì nó thật não nề và nhức tai. Nhưng tại sao nhiều người trẻ hiện nay lại thịnh xu hướng nhạc này? Phải chăng vì chính họ cũng đang chật vật tìm lối thoát, không chỉ cho tình yêu, mà cho cả tuổi trẻ họ nữa trong bầu không khí mất tự do của một nền giáo dục cũng đang lạc lối? Phải chăng vì họ không hạnh phúc?


Giai cấp “tùy”: Vì họ không được là chính mình ư?


Giai cấp tiền bạc: Hay vì họ thiếu tiền?


Giai cấp hạnh phúc bất giác cười nhẹ, trả lời: Chắc chỉ họ mới biết được?

Quay lại chủ đề của chúng ta, nếu tiền bạc thuộc về vật chất, để nuôi sống cơ thể bạn, và đến xã hội này, nó còn để thỏa mãn những nhu cầu của cải của mỗi người. Song, nếu tiền bạc vạn năng như thế, tại sao nhiều người giàu có vẫn không hạnh phúc?

Hạnh phúc, hiểu một cách đơn giản, là niềm vui. Trong tiếng anh, hạnh phúc là “happiness” - danh từ của “happy” - vui vẻ.

Như vậy, hạnh phúc là phạm trù thuộc về tinh thần, là tiếng nói của lý tính, phân biệt với tiếng nói của các giác quan, trước tác động của môi trường bên ngoài và trong chính bản thân bạn. Hôm trước, tôi có đọc dòng nhật kí thế này, có lẽ đó là một ví dụ tiêu biểu cho chúng ta về hạnh phúc chăng:

Nguồn: Internet


“Tôi học một thầy giáo dạy môn chuyên ngành. Hôm trước thầy có cho một bài tập và đọc ngẫu nhiên 10 bài trước lớp, trong đó có bài của tôi. Tôi nghĩ, với bài này, hẳn là tôi phải xuất sắc lắm, vì tôi tự thấy nó khá hay. Tuy nhiên khi đọc hết 10 bài, thầy có nhận xét một câu bâng quơ thế này: Có những người nghĩ bài của mình được 9 điểm, nhưng thực chất nó chỉ được 5 thôi. Nghe câu này tôi đã không vui một tuần ( nghĩa là bạn ấy đang không hạnh phúc). Sau đó, thầy còn bảo, đừng nên hy vọng quá nhiều, sẽ càng thất vọng mà thôi. Tôi thậm chí còn buồn hơn, vì tôi nghĩ đến một tình yêu đang cách tôi nửa vòng Trái Đất. Anh ở bên Mỹ, còn tôi ở Việt Nam. Hàng ngày chúng tôi chỉ nói chuyện qua những dòng tin nhắn ảo. Cách nhau về không gian đã đành, chúng tôi còn cách nhau cả về thời gian, với sự chênh lệch múi giờ là 14 tiếng đồng hồ. Lúc tôi thức và đi học thì anh ngủ. Lúc anh thức thì tôi ngủ. Chúng tôi yêu nhau trên những dòng tin nhắn và những hình ảnh tưởng tượng về nhau như thế. Viết những dòng này đây, chính tôi cũng đang ứa nước mắt. Tôi ghen tị với tất cả những cặp tình nhân trên đời được ở bên nhau!

Và thế là, chúng tôi có những xa cách thực sự, những nghi ngờ, những mỏi mệt...

Đến khi, tôi nghĩ, trước khi yêu anh, hay yêu bất cứ một ai khác, tôi nên yêu chính bản thân mình. Yêu bản thân mình, tự nhiên mọi niềm vui khác sẽ đến.

Tôi đang hạnh phúc từng ngày, khi được đón ánh nắng sớm mai, khi được viết và làm những điều tôi muốn, với một cuộc sống bình yên, chờ tình yêu đến bên tôi…”.

Đây chỉ là một đoạn trích nhỏ trong bài viết của bạn ấy, nhưng các bạn có thấy không, thực ra để được hạnh phúc rất đơn giản. Dù Thượng đế ( hay như trụ trì chùa Ba Vàng nói là vong cũng nên) có đưa cho bạn bao nhiêu vất vả, khó khăn đi chăng nữa, thì Ngài cũng không thể quyết định suy nghĩ hay tự do ý của bạn, nghĩa là, hạnh phúc phải bắt nguồn từ chính bản thân bạn, chứ không phải từ bất cứ một nơi nào xa xôi cả. Lắng nghe nhịp đập của con tim, hỏi xem nó thực sự muốn gì, và làm hết mình vì con tim ấy. Đương nhiên, nếu nó kêu tôi là nó muốn tiền, thì chẳng có gì sai trái khi tôi kiếm tiền cho con tim mình cả. Khi ấy, chính tôi đã biết yêu giá trị chân chính của những đồng tiền.

Nguồn:Internet


Giai cấp tiền bạc: Nghe bạn nói, tôi lại nghĩ đến câu chuyện Trang tử mơ thấy bướm trắng. Thức dậy, ông không biết mình là Trang tử mơ thấy bướm trắng hay mình là bướm trắng mơ thấy Trang tử nữa. Rồi lại có một câu chuyện Peppe nằm ngủ trên núi. Peppe ngủ quên trong một hang núi, mơ thấy mình trở thành công tước. Cũng lúc ấy, công tước tỉnh dậy trên giường, mơ thấy mình bị người ta khuân vào hang núi, là một con người nghèo khổ. Cuối cùng, là Peppe mơ thấy công tước hay công tước mơ là Peppe? Giấc mơ và hiện thực, điều gì mới thực sự hiện hữu? Và, tôi là ai? Tôi là nam tước hay là Peppe? Tôi là Trang tử hay là bướm trắng?

Nguồn: Internet


Giai cấp hạnh phúc: Có lẽ, cuộc đời cũng như một giấc mộng trăm năm chăng?

Chữ duy nhất tôi muốn nói đến là chữ “đủ” ở đây, để có thể có cả hạnh phúc và tiền bạc. Chỉ khi nào bạn biết tự thỏa mãn với những gì mình đang có , nghĩa là sống trọn vẹn ở thực tại muôn màu đẹp tươi này, nghĩa là bạn đã có đủ.


Giai cấp “tùy”: Dù rằng, mọi giá trị trong xã hội dường như đang bị đảo lộn, khi doanh nhân như ông Vũ thì đi tu còn thầy tu thì đi làm kinh doanh, khi trẻ con thì bắt chước người lớn đánh nhau còn người lớn thì cãi nhau như mấy đứa trẻ, khi nam chẳng ra nam nữ chẳng ra nữ, thì ý bạn là, ta vẫn phải là chính ta, phải không?


Giai cấp hạnh phúc: Đúng vậy, dù như thế. Hãy lắng mình lại, hít một hơi thật sâu, thở ra một hơi thật dài, để cho mọi phiền não tan biến, cảm nhận trọn vẹn thực tại này. Và bạn sẽ biết là bạn đang sống, sống trọn vẹn trong mỗi phút giây. Đây không phải, không còn là giấc mộng nữa.

Và, khi đã để cho tâm bình thản trước mọi đổi thay của cuộc đời, trước mọi dòng chảy vội vã, bạn sẽ đủ tỉnh táo để lắng nghe con tim của chính mình cất tiếng. Đó có thể là yêu thương, một tình yêu lãng mạn không được hồi đáp, đó có thể là sự lãng quên, đó có thể là nỗi đau và day dứt, hoặc đó cũng có thể chỉ là sự thanh thản, bình yên, đó là gia đình, hạnh phúc…


Giai cấp tiền bạc: Hoặc đó là tiền bạc?


Giai cấp “tùy”: Hoặc cả hai cũng nên?

Nguồn:Internet


“Reng… reng…reng”


Cô giáo bước vào: Dù là gì đi nữa thì cũng vào lớp rồi, chúng ta quay lại bài giảng về Đảng Cộng sản thôi nào các em…

 

Tác Giả: Bao Bảo Bảo, Sinh viên@ Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: [Facebook cá nhân tác giả]


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

363 lượt xem