Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

Tóm Tắt Sách Triggers - 11 Công Tắc Của Cuộc Sống Để Thành Công Và Hạnh Phúc

1) BÁNH XE THAY ĐỔI HÀNH VI

NHAP

Một trong những lý do khiến chúng ta thất bại trong việc thay đổi hành vi, thói quen của mình là vì chúng ta hay tự tin thái quá, kỳ vọng rằng chúng ta có thể thay đổi tất cả mọi thứ cùng một lúc. Chúng ta không biết rõ nên tập trung thêm vào, hay loại bỏ, hay chấp nhận những hành vi nào. Thế là chúng ta thúc ép bản thân phải trở thành “một con người hoàn toàn mới” trong một thời gian ngắn. Và rồi khi sự việc không xảy ra nhanh như chúng ta mong đợi, hay người khác không nhìn thấy những nỗ lực thay đổi của chúng ta, hay có một vài những cản trở, thách thức bắt đầu xuất hiện, chúng ta bỏ cuộc.

Bánh xe Thay Đổi Hành vi (gọi tắt là Bánh Xe) bao gồm hai trục đường chéo: trục Thay đổi – Giữ lại cho thấy những nhân tố mà bạn quyết định sẽ thay đổi, hay giữ lại trong tương lai; và trục Tích cực – Tiêu cực (biểu hiên bởi dấu + và dấu – ), cho thấy những nhân tố nào là có lợi, giúp ích cho bạn mà bạn muốn củng cố và những nhân tố nào là tác hại, cản trở bạn mà bạn muốn loại bỏ. Hai trục đường chéo chia Bánh Xe ra làm bốn góc phần tư: Tạo Mới, Bảo Tồn, Loại Bỏ và Chấp Nhận.

Bốn thành phần của Bánh Xe Thay Đổi Hành Vi

Thành phần thứ nhất của Bánh Xe là Thay đổi – Tích cực: Tạo Mới, chỉ ra những nhân tố tích cực mà bạn muốn bổ sung, tạo mới trong tương lai. Hãy hỏi bản thân bạn câu hỏi sau đây: “Đâu là “con người mới” mà tôi muốn tạo ra? và mô tả con người đó. Con người đó trong tương lai sẽ khác như thế nào so với con người đó trong quá khứ? Những thay đổi tích cực nào mà bạn muốn tạo ra cho bản thân mình? Có thể đó là một thói quen mới, một phương pháp, kỹ thuật mới, những mối quan hệ mới, một môi trường mới, những khóa học, nền giáo dục mới, v.v.

Thành phần thứ hai của Bánh Xe là Giữ lại – Tích cực: Bảo Tồn, chỉ ra những nhân tố tích cực mà bạn muốn giữ lại, duy trì hay củng cố thêm. Hãy hỏi bản thân bạn câu hỏi sau đây: “Điều gì về bản thân mà tôi muốn bảo tồn?” Điều gì mà tôi không muốn thay đổi, không muốn tạo mới, mà chỉ muốn duy trì và bảo vệ? Đó có thể là một thói quen tốt, những mối quan hệ tốt đẹp, tích cực mà bạn đang có, có thể là một điều gì đó liên quan đến nơi bạn đang sinh sống, có thể là một truyền thống nào đó, v.v..Chúng ta cần nhận thức rõ điều gì đang phục vụ tốt cho cuộc sống của chúng ta, và chúng ta cần đến sự kỷ luật để tránh đánh mất nó bởi một thứ nào đó mới và trông có vẻ hào nhoáng, nhưng không thực sự là thứ chúng ta cần.

Thành phần thứ ba của Bánh Xe là Thay đổi – Tiêu cực: Loại Bỏ, chỉ ra những nhân tố tiêu cực mà bạn muốn cắt giảm hay loại bỏ trong tương lai. Hãy hỏi bản thân bạn câu hỏi sau đây: “Điều gì mà tôi muốn loại bỏ?” Chúng ta hay tìm kiếm những điều sẽ làm, nhưng lại ít để ý đến những điều chúng ta phải dừng làm. Đó có thể là một thói quen xấu, có thể là những mối quan hệ tiêu cực hay một hành vi không đúng đắn, v.v..

Thành phần thứ tư của Bánh Xe là Giữ lại – Tiêu cực: Chấp Nhận, chỉ ra những nhân tố tiêu cực mà bạn cần phải học cách chấp nhận hay trì hoãn sẽ thay đổi sau. Hãy hỏi bản thân bạn câu hỏi sau đây: “Điều gì mà tôi cần chấp nhận?” Có những điều trong cuộc sống mà mặc dù chúng ta không thích nhưng chúng ta cũng không thể thay đổi, vì thế cách tốt nhất là học cách chấp nhận, sống chung với nó một cách hòa bình. Có những điều mà chúng ta nên trì hoãn sẽ thay đổi sau, vì dù là nhân tố tiêu cực, nhưng chúng kém quan trọng hơn những nhân tố khác.

Đó là các lựa chọn của bạn. Có những lựa chọn sẽ vui, thú vị hơn những lựa chọn khác, nhưng tất cả chúng đều quan trọng như nhau. Có những lựa chọn vào thời điểm này sẽ thuộc vào góc phần tư này, nhưng vào thời điểm khác sẽ thuộc về góc phần tư khác (chẳng hạn chuyển từ góc phần tư Chấp Nhận sang góc phần tư Loại Bỏ). Đó là lý do vì sao bạn không chỉ sử dụng Bánh Xe một lần duy nhất, mà phải xem xét nó một cách thường xuyên, định kỳ trong cuộc sống của mình. Bằng cách sử dụng Bánh Xe, bạn có thể nhận ra rất rõ những thứ mà mình có thể thay đổi, những thứ mà mình không thể, những thứ mà mình sẽ giữ lại, và những thứ nào không. Và từ đó bạn sẽ bắt đầu bước những bước đi thực tế, quan trọng để trở thành con người mà bạn mong muốn.

Áp dụng Bánh Xe cho gia đình, đội nhóm

Không chỉ áp dụng cho cá nhân, Bánh Xe còn có thể được áp dụng cho gia đình và đội nhóm của bạn. Hãy tạo một không khí cởi mở và thoải mái, cùng các thành viên trong gia đình/đội nhóm thảo luận về các câu hỏi. Hãy cùng nhau mô tả một gia đình/đội nhóm hoàn hảo trong tương lai. Điều gì mà chúng ta sẽ cùng nhau tạo mới? Điều gì mà chúng ta đang thực hiện tốt và cần gìn giữ, bảo tồn? Điều gì mà chúng ta cần loại bỏ? Điều gì mà chúng ta cần phải chấp nhận về nhau?

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Hãy mô tả con người mới của bạn mà bạn muốn tạo ra. Con người mới đó của bạn sẽ trông như thế nào?
  • Bạn có thể sử dụng Bánh Xe Thay Đổi Hành Vi để xây dựng một gia đình, đội nhóm, hay tổ chức tốt hơn như thế nào?

2) AIWATT

Trước khi tham gia vào bất cứ điều gì, hãy nhớ đến AIWATT, cụm từ này sẽ giúp bạn trở nên hiệu quả hơn. AIWATT là viết tắt cho “Am I Willing At This Time…”: Liệu Lúc Này Đây Tôi Có Sẵn Sàng, để đầu tư thời gian, công sức cần thiết, hoặc để tạo nên một sự khác biệt tích cực cho vấn đề này không? Nếu câu trả lời là “Có”, hãy dấn thân vào nó; còn nếu câu trả lời là “Không”, hãy hít thở sâu và cho nó qua đi.

pt drucker

Peter Drucker (ảnh), nhà quản trị hàng đầu thế giới, có nói một câu rằng: “Chúng ta sống không phải để chứng tỏ rằng chúng ta thông minh. Chúng ta sống không phải để chứng tỏ rằng chúng ta luôn đúng. Sứ mạng của chúng ta trong cuộc sống này là tạo nên một sự khác biệt tích cực”. Chúng ta đang mất thời gian quá nhiều vào việc thể hiện rằng bản thân mình là thông minh, hay chứng tỏ rằng mình luôn đúng. Chúng ta dành hàng giờ để bàn luận, than vãn về những vấn đề mà chúng ta không thể gây ảnh hưởng, như chính trị, thời tiết, những người khác, v.v.. Nhưng những việc đó không thể giúp chúng ta tạo nên sự khác biệt tích cực thực sự.

Cuộc sống rất ngắn, bạn không có quá nhiều thời gian. Hãy tập trung vào việc sử dụng tốt nhất khoảng thời gian mà mình có. Như Peter Drucker nói Hãy tạo nên sự khác biệt tích cực

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Bạn có hay tham gia vào các cuộc thảo luận về những vấn đề mà bạn không thể thay đổi, chẳng hạn như thời tiết, chính trị, những người khác, hay giá xăng? Bạn đã tốn bao nhiêu thời gian của mình vào những cuộc thảo luận vô bổ đó rồi?
  • Hãy xem xét câu hỏi sau trước khi tham gia vào những cuộc thảo luận như vậy: AIWATT – Liệu Lúc Này Đây Tôi Có Sẵn Sàng, để đầu tư thời gian, công sức cần thiết, để tạo nên một sự khác biệt tích cực cho vấn đề này không?

3) TẠI SAO CHÚNG TA KHÔNG LÀM ĐIỀU MÀ CHÚNG TA BIẾT MÌNH NÊN LÀM?

Nếu như được hỏi “Bạn muốn trở thành một người như thế nào”, chắc hẳn câu trả lời của các bạn sẽ là “có một thân hình cân đối”, “đạt hiệu suất cao trong công việc”, “là một hình mẫu trong gia đình”, “hạnh phúc, giàu có”, v.v. Tại sao chúng ta chưa trở thành con người ấy? Tại sao chúng ta vẫn cảm thấy tuyệt vọng, chán chường trong công việc, kém hiệu quả, hay cáu gắt, béo phì, v.v? Marshall Goldsmith đưa ra ba lý do:

  1. Ảo tưởng rằng “Ngày mai rồi sẽ khác”

Lý do thứ nhất mà rất nhiều người không bắt đầu làm điều mà họ biết mình nên làm là ảo tưởng “Ngày mai rồi sẽ khác”. Họ nói những câu đại loại như “Bây giờ tôi đang rất bận, áp lực tại công việc, áp lực tại gia đình, áp lực phải cạnh tranh, phải liên tục trả lời, hồi đáp những tin nhắn, email, v.v. Tôi không có thời gian. Sau bốn hay năm tháng nữa, khi nào tôi hoàn thành dự án này, tôi sẽ dành ra hai, ba tuần để sắp xếp mọi thứ lại, tôi sẽ bắt đầu tập thể dục, tôi sẽ bắt đầu ngồi thiền để tĩnh tâm hơn, v.v..”

“Ngày mai rồi sẽ khác” là một ảo tưởng, vì sự thật là ngày mai sẽ không khác đâu, và thậm chí là nó còn điên rồ hơn hôm nay. Bạn hoàn thành xong một dự án, một chỉ tiêu doanh số ư, ngay lập tức sếp bạn sẽ giao cho bạn một dự án, một chỉ tiêu mới còn nặng nề hơn. Và rồi bạn lại lặp lại vòng luẩn quẩn “Ngày mai rồi sẽ khác”, “Khi nào tình hình đỡ tồi tệ hơn tôi sẽ bắt đầu”, và rồi khi thời gian trôi qua, bạn sẽ hối hận vì đáng lý ra mình nên bắt đầu ngay cả khi mọi việc không hề khả quan.

  1. Ảo tưởng của “cái tôi” lập kế hoạch

differ

Ảo tưởng thứ hai là ảo tưởng “cái tôi” khi thực hiện kế hoạch không khác gì với “cái tôi” lập kế hoạch khác. Nhưng thực sự thì con người thực thi kế hoạch hoàn toàn không giống với con người lập kế hoạch của bạn. Con người bạn khi lập kế hoạch rất sáng suốt, đầy lạc quan về viễn cảnh tốt đẹp: tôi sẽ tập thể dục, tôi sẽ không ăn nhiều, không uống rượu bia nhiều, tôi sẽ làm những việc tốt, v.v. Ngược lại, con người thực thi kế hoạch ấy lại mệt mỏi, chán nản, căng thẳng. Và khi bạn cứ lập kế hoạch và thất bại trong việc thực thi nó, bạn bắt đầu đánh mất niềm tin vào bản thân minh.

  1. Ảo tưởng về thời gian và nỗ lực cần thiết

Khi lập một kế hoạch, chúng ta cứ kỳ vọng rằng kết quả sẽ đến một cách nhanh chóng. Và khi mọi việc không xảy ra nhanh như thế, chúng ta bắt đầu chán nản và từ bỏ. Hãy nhớ, thông thường thì việc thay đổi và kết quả sẽ cần nhiều thời gian và nỗ lực hơn là bạn nghĩ.

  1. Ảo tưởng về một “con đường thẳng tắp”

Khi lập kế hoạch, chúng ta thường nghĩ nó sẽ là một con đường “thẳng tắp”, mà quên rằng sẽ có những khó khăn, thách thức, những sự kiện không ngờ tới, những cuộc khủng hoảng có thể xảy ra: một ai đó quen với bạn có thể bị bệnh nằng hay qua đời, tai nạn giao thông, cháy nhà, công ty bạn làm cắt giảm nhân sự, v.v. Và khi một điều gì đó có ảnh hưởng lớn, nhưng có vẻ là có rất ít khả năng sẽ xảy ra, lại xảy ra, và khiến bạn bỏ cuộc. Hãy nhớ, chắc chắn rằng sẽ có một điều gì đó sẽ xảy ra, vì có hàng triệu triệu thứ có thể xảy ra.

Tóm lại, khi lập kế hoạch, hãy nhận biết các điều sau đây:

  1. Ngày mai sẽ vẫn điên rồ như ngày hôm nay. Vì thế khi lập kế hoạch, đừng ảo tưởng rằng ngày mai sẽ khác và sẽ dễ dàng hơn so với hôm nay.
  2. “Con người lập kế hoạch” và “con người thực thi kế hoạch” của bạn là hai con người khác nhau. Vì thế hãy nhẹ nhàng bắt đầu lại khi bạn thất bại.
  3. Sự thay đổi rõ rệt và kết quả thường khó hơn, tốn nhiều thời gian và nỗ lực hơn bạn nghĩ.
  4. Chắc chắn sẽ có một điều gì đó có ảnh hưởng lớn, nhưng có vẻ là ít khả năng xảy ra, sẽ xảy ra. Hãy chuẩn bị cho những tình huống đó, và cam kết rằng dù có chuyện gì xảy ra đi nữa, bạn cũng sẽ tiếp tục bước trên hành trình của mình.

Câu hỏi suy ngẫm

  • Bạn có bao giờ hứa với bản thân hay với gia đình của bạn rằng, ngay khi “thời gian điên rồ này chấm dứt”, bạn sẽ bắt đầu thay đổi một hành vi, thói quen nào đó chưa?
  • Bạn có lường trước những tình huống có thể xảy ra trong quá trình lập kế hoạch của mình?

4) ĐỪNG BỊ RÀNG BUỘC VÀO KẾT QUẢ CỦA HÀNH ĐỘNG CỦA BẠN

index

Một trong những bài thơ có ảnh hưởng lớn nhất thế giới, nói về các triết lý cuộc sống và nghệ thuật lãnh đạo, là bài thơ Bhagavad Gita, hay “Bài hát của Thượng đế”, là phần thiêng liêng nhất của kinh Hindu. Một trong những điểm tuyệt vời nhất trong Bhagavad Gita, rất đơn giản để hiểu, nhưng cũng rất khó để áp dụng, đó là “đừng để bị ràng buộc vào kết quả của hành động của bạn” (nguyên văn: “Do not become attached to the fruits of your labor”).

Đây là một triết lý hoàn toàn trái ngược với suy nghĩ của nhiều người chúng ta, khi mà nền văn hóa của chúng ta quá tập trung vào việc có được chiến thắng, đạt được các thành tựu trong công việc, tự hào về những gì mà chúng ta đã làm được. Một trong những căn bệnh phổ biến là suy nghĩ “Tôi sẽ hạnh phúc khi…”, chẳng hạn như “Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi có được nhiều tiền”, “khi tôi sở hữu chiếc BMW đời mới”, “Tôi sẽ hạnh phúc khi được lên chức”, hay “Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi có người yêu”,…

Và rồi khi chúng ta có được những thứ ấy, chúng ta nhận ra rằng, thực sự thì chúng vẫn không làm cho chúng ta cảm thấy hạnh phúc. Hạnh phúc sẽ không đến từ việc đạt được các thành tựu trong công việc, không đến từ chiếc xe BMW, và cũng chẳng đến từ việc có nhiều tiền. Bài thơ khuyên chúng ta rằng: “Đừng để bị ràng buộc vào kết quả của hành động của bạn”, vì hạnh phúc là một quá trình, chứ không phải là một kết quả hay điểm đến.

Hãy tưởng tượng rằng bạn đang tham gia một giải đánh golf, và bạn đang cực kỳ khát khao chiến thắng, phải chiến thắng bằng mọi giá. Trong một lần vung gậy, trái golf không bay theo ý bạn, mà bay thẳng vào hố cát. Vì bạn bị ràng buộc vào chiến thắng, bạn cảm thấy vô cùng thất vọng và tức giận bản thân mình. Với tâm trạng tồi tệ đó, bạn lại vung gậy, và lần này trái golf bay thẳng vào hồ nước. Sự tức giận lên đến đỉnh điểm, bạn quát tháo, chửi bới, quẳng cả gậy của bạn xuống đất. Bạn phá hỏng cả ngày vui của mình và của người khác. Tại sao ư? Vì ban đầu bạn đã bị ràng buộc vào kết quả “phải chiến thắng bằng mọi giá”, để rồi sau đó, bạn lại bị ràng buộc vào kết quả của một cú vung gậy, và nó gây ảnh hưởng đến tất cả các cú vung gậy sau đó.

Bài thơ Bhagavad Gita đã cho bạn một bài học trong đánh golf cũng như trong cuộc sống: Hãy tập trung vào cú đánh kế tiếp của bạn. Nếu bạn có một cú đánh tồi, hãy mỉm cười, và cho nó qua đi. Đừng để bị ràng buộc vào kết quả của bất kỳ cú đánh nào, và cũng đừng để bị ràng buộc vào kết quả cuối cùng.

john

 

John Wooden (ảnh), huấn luyện viên vĩ đại nhất trong lịch sử bóng rổ Mỹ, là một người không bao giờ tập trung vào việc giành chiến thắng. Ông nói rằng: “Trong cuộc sống, điều quan trọng là chúng ta làm hết khả năng của mình. Nếu chúng ta làm hết khả năng của mình và chiến thắng, đó là một chiến thắng đầy vinh quang. Nếu chúng ta chưa cố gắng hết sức mà chiến thắng, thì nó cũng chẳng đáng để chúng ta tự hào. Và nếu chúng ta đã cố gắng hết sức mà thua cuộc, thì cũng không có gì phải xấu hổ”. Đó cũng là điều mà Bhagavad Gita muốn nói đến “Hãy làm hết trách nhiệm của bạn. Hãy cố gắng hết sức”.

saban1

Nick Saban (ảnh), một huấn luyện viên vĩ đại khác nhưng trong bóng bầu dục, người từng ba lần đạt giải quốc gia, cũng từng nói “Vấn đề lớn nhất tôi có với chức vô địch này đó là sẽ có hàng tá những buổi tiệc tùng, hàng tá những thứ gây xao nhãng và phân tâm. Điều mà tôi thực sự muốn làm đó là quay trở lại luyện tập và tập trung cho mùa giải năm sau”.

Cả hai huấn luyện viên vĩ đại đều đã áp dụng triết lý của Bhagavad Gita: “Trong cuộc sống, hãy làm hết khả năng của mình. Hãy tập trung cho cú đánh vào trái bóng trước mặt bạn. Dù bạn đã làm gì trong quá khứ, đã thành công hay thất bại, hay hít một hơi thật sâu và cho nó qua đi. Bạn không thể thay đổi quá khứ, bạn không thể thay đổi những kết quả của quá khứ. Tất cả những gì mà bạn có thể làm đó là làm hết khả năng của mình và tập trung cho tương lai”.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Bạn đang hướng sự tập trung của mình vào đâu? Vào hành trình mà bạn đang đi, hay vào kết quả của những hành động của bạn?
  • Bạn có thể làm gì ngay hôm nay để học hỏi và phát triển từ những hoàn cảnh, sự kiện và con người quanh bạn, thay vì chỉ phản ứng với chúng?

5) CHẤP NHẬN THỰC TẠI KHÔNG THỂ THAY ĐỔI (nguyên văn: Make Peace With What Is)

make

Cũng trong Bhagavad Gita, có một vị hoàng tử tên là Arjuna, chuẩn bị đối mặt với một trận chiến rất tồi tệ. Anh phải đưa ra quyết định khó khăn, và những lựa chọn mà anh ta có đều rất tệ hại: một con đường có đầy rẫy những kẻ thù, còn con đường kia thậm chí còn tệ hơn. Arjuna cảm thấy rất rối trí. Người đánh xe ngựa của anh, là hóa thân của thần Krishna (ảnh), một trong những vị thần nổi tiếng nhất trong các vị thần Ấn Độ, cho anh một lời khuyên: Hãy chấp nhận thực tại không thể thay đổi.

Đây chính là bí quyết để có một cuộc sống bình yên và hạnh phúc. Chúng ta đang ở nơi mà chúng ta đang ở. Chúng ta có thể đang không ở nơi mà chúng ta mong muốn. Nhiều người trong chúng ta đi qua cuộc sống với sự tức giận, những cảm xúc tiêu cực. Chúng ta không tha thứ cho người khác. Vì sao ư? Bởi vì chúng ta đang sống trong quá khứ, hoặc cứ mơ tưởng về tương lai.

Bài học của Bhagavad Gita là: Hãy sống ở thực tại, tập trung vào nơi mà bạn đang ở. Hãy nghĩ đến những người có thể đã khiến bạn khó chịu trong quá khứ. Hãy tha thứ cho họ, hãy cho sự việc ấy qua đi. Khi đi qua cuộc sống, hãy tự nhủ với bản thân rằng: “Tại thời điểm này, tôi đang ở đây. Đây là điều đang ở ngay phía trước tôi. Tôi có thể làm hết sức của mình như thế nào trong tình huống này?”, thay vì cứ gặm nhấm quá khứ, hay tập trung vào những điều mà chúng ta không thể gây ảnh hưởng.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Cuộc sống của bạn có thể trở nên tốt hơn như thế nào khi bạn không còn gặm nhấm quá khứ hay cứ tập trung vào những điều mà mình không thể nào gây ảnh hưởng?
  • Khi đối mặt với những thách thức hay những lựa chọn khó khăn, bạn tập trung vào điều bất công của cuốc sống, hay chấp nhận thực tại, nỗ lực hết sức, và tiếp tục tiến lên?

6) CÁI BẪY “ĐỦ TỐT” (nguyên văn: The Good Enough Trap)

Trong cuộc sống, chúng ta thường nói với bản thân “Đây là con người mà tôi muốn trở thành”. Thế nhưng, một cách thường xuyên, chúng ta không trở thành con người đó. Thay vào đó, chúng ta chỉ trở thành một con người kiểu như “đủ tốt”. Chẳng hạn như khi bạn đặt mục tiêu giảm cân, và rồi một ngày nọ khi bạn bước lên cân và nhận thấy mình vẫn còn nặng hơn cân nặng lý tưởng 4 hoặc 5 kilogram, thay vì cố gắng tiếp, bạn tự nhủ “Ồ thế này là “cũng được”, hay “đủ tốt rồi”, và bạn kết thúc hành trình giảm cân của mình.

Tại sao chúng ta lại thường hay chấp nhận cái “đủ tốt” như thế. Lý do là vì khi chúng ta đi qua cuộc sống, môi trường của chúng ta có xu hướng khiến chúng ta trở nên giống như nó.

Hãy lấy một ví dụ đơn giản là tập thể dục. Thứ nhất, một khi bạn đã đạt được một thân hình “đủ cân đối”, liệu bạn có nhận được sự khuyến khích, động viên từ môi trường xung quanh là hãy tiếp tục tập luyện không? Trong nhiều trường hợp, câu trả lời sẽ là “không”.Bạn sẽ không bị sa thải nếu không tiếp tục tập luyện. Người khác nghĩ rằng bạn như thế đã “đủ cân đối” rồi, và bắt đầu khen ngợi bạn. Sự thật là sẽ không có quá nhiều lời khuyến khích để bạn tiếp tục tập luyện và cố gắng thêm một chút nữa. Đó là lý do mà những diễn viên, ca sĩ thuê cho mình những huấn luyện viên cá nhân, bởi vì họ nhận ra rằng môi trường mà họ đang sống sẽ không khuyến khích họ để nỗ lực thêm nữa.

Bên cạnh việc bạn không có được sự khuyến khích để tiếp tục nỗ lực, bạn cũng chẳng bị chê bai hay nhắc nhở nếu như không tiếp tục nỗ lực. Nếu hôm nay bạn không tập luyện, cũng chẳng ai quan tâm.

Thứ ba, bạn sẽ thường xuyên có được sự khuyến khích cho những hành vi tiêu cực. Bạn sẽ thường xuyên nghe những câu nói đại loại như “Ôi bạn ổn mà, bỏ tập luyện một ngày thôi”, “thay vì tập luyện, sao bạn không nhậu, hay chơi đánh bài với chúng tôi nhỉ?”. Chúng ta sẽ thường xuyên nhận được những lời động viên để làm những hành động đi ngược lại điều mà chúng ta nên làm để trở thành con người mình mong muốn.

Thứ tư, bạn sẽ thường xuyên nhận được những lời làm nản lòng từ người khác với những hành vi tích cực, chẳng hạn như “Bạn chẳng cần tập luyện làm gì, chán lắm, tốn thời gian của bạn thôi”, hay “việc này thì giúp ích được gì chứ”.

Do đó, hãy nhớ hai điều:

  • Thứ nhất, bạn cần tạo ra một môi trường mà ở đó, nó sẽ khuyến khích, động viên bạn làm điều mà bạn biết mình cần phải làm , và sẽ nhắc nhở bạn, cho bạn những phản hồi ngay lập tức mỗi khi bạn không làm điều đó.
  • Thứ hai, hãy tránh xa những người có khả năng khuyến khích, động viên bạn làm điều sai trái, hoặc chê bai, làm bạn chán nản khi bạn làm điều đúng đắn.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Hãy nghĩ về con người mà bạn muốn trở thành. Bạn có đang trở thành con người đó không? Hay bạn đang chấp nhận một thứ “đủ tốt” mà thôi?
  • Hãy nghĩ về môi trường và con người xung quanh bạn. Bạn đang trở nên giống họ hơn, hay bạn đang trở thành con người mà mình mong muốn?

7) BỤNG MỠ – BỤNG SÁU MÚI

flab

Trên tivi, có lẽ bạn đã từng thấy những mẫu quảng cáo như sau: đầu tiên là hình ảnh về những người thừa cân, béo phì, đầy uể oải; sau đó là hình ảnh về những người đàn ông và phụ nữ với cơ thể săn chắc, “sáu múi”, đầy năng động; và rồi cuối cùng họ chưng ra một cái máy chạy bộ hay gập bụng, nói với bạn rằng chỉ cần mua cái máy này về nhà, cũng không tốn nhiều tiền lắm đâu, tập luyện một chút, và rồi chỉ một thời gian ngắn sau đó, bạn cũng có một thân hình đáng mơ ước, ngoài ra còn rất vui nữa. Thế là bạn mua cái máy về, tập luyện như họ bảo, để rồi bạn thấy “một thời gian ngắn sau đó”, bạn chẳng có sự thay đổi hay tiến triển nào, thế là bạn thất vọng, và chiếc máy được cất vào trong xó!

Những mẫu quảng cáo như vậy đánh vào cái “ảo tưởng” của chúng ta: ảo tưởng rằng có một phương pháp nhanh chóng, một giải pháp dễ dàng, rằng bằng cách mua sản phẩm này, hay tham gia lớp học này, hay gặp gỡ người này, và rồi mọi thứ sẽ được giải quyết, tôi sẽ chuyển cái “bụng mỡ” này thành “sáu múi” mà chẳng cần mất nhiều công sức.

Cuộc sống không hề đơn giản như vậy. Thứ nhất, nó sẽ luôn khó khăn hơn là chúng ta nghĩ. Bạn sẽ không có cái bụng “sáu múi” trong vòng hai, ba tuần được đâu. Những người đạt được “sáu múi” là nhờ họ luyện tập mỗi ngày, và luyện tập một cách cực kỳ chăm chỉ và kỷ luật.

Thứ hai, khi lập kế hoạch thay đổi, bạn hay không xét đến những việc cần đến bạn, chẳng hạn như bạn phải làm các công việc nhà, phải chăm sóc cha mẹ hay con cái, cho chó hay mèo nhà bạn ăn, v.v..

Thứ ba, thậm chí khi bạn đã đạt được cái mà bạn mong muốn, bạn quên mất việc duy trì nó.

Cuối cùng, chúng ta hay kỳ vọng vào các phần thưởng sẽ đến với chúng ta. Chẳng hạn như một cậu sinh viên nghĩ rằng vì mình béo phì nên không được cô gái nào yêu mến. Thế là cậu ra sức luyện tập, chạy bộ mỗi ngày. Vậy mà khi cậu ta đã đạt được một thân hình “cân đối” hơn, các cô gái vẫn thường xuyên cười nhạo cậu. Thế là cậu thầm nghĩ “Đợi đã nào, ngày xưa mình bị béo phì, không có bạn gái nào thích mình, nhưng ít ra mình không cần phải tập thể dục cực khổ, mà còn được ăn pizza. Giờ đây, vẫn chẳng có đứa con gái nào thích mình, mà mình còn phải tập thể dục, mà chẳng được ăn pizza nữa”. Thế là cậu ngay lập tức quay trở lại như xưa.

Do đó, để trở thành con người mà bạn mong muốn trở thành, hãy nhớ:

  • Thứ nhất, nó sẽ luôn tốn nhiều thời gian mà nỗ lực hơn là bạn nghĩ, và tôi sẽ vẫn phải đối mặt với những vấn đề hằng ngày cần tôi, và có thể đẩy tôi khỏi hướng đi của mình.
  • Thứ hai, một khi đã đạt được mục tiêu, tôi cần phải duy trì nó.
  • Thứ ba, nếu bạn muốn làm một điều gì đó, đừng làm nó bởi vì một phần thưởng to lớn nào mà bạn có thể được nhận. Hãy làm nó đơn giản bởi vì nó là điều ĐÚNG ĐẮN mà bạn biết mình cần làm.
  • Cuối cùng, nhớ rằng không có một phương pháp nhanh chóng, một câu trả lời dễ dàng nào, sẽ không có cái máy nào mà bạn có thể mua và có thể thay đổi cuộc đời bạn. Nếu bạn muốn trở nên tốt hơn, trở thành con người mà mình mong muốn, bạn phải lao động chăm chỉ để tạo nên điều ấy.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Khi tôi lập kế hoạch để thay đổi, có những tác nhân nào bên ngoài có thể gây ảnh hưởng đến quá trình trở thành con người mà tôi mong muốn? Tôi sẽ giải quyết chúng như thế nào?
  • Khi mong muốn thay đổi một hành vi, thói quen, bạn đang làm nó bởi vì một phần thưởng nào đó mà bạn có thể được nhận, hay vì bạn nghĩ đó là điều ĐÚNG ĐẮN mà bạn cần làm?

8) SỐ PHẬN VÀ LỰA CHỌN

Khi đi qua cuộc sống, chúng ta thường xuyên đối mặt với một trong hai loại vấn đề: những vấn đề thuộc về số phận, và những vấn đề thuộc về lựa chọn. Số phận là những điều chúng ta không thể kiểm soát. Lựa chọn là những điều chúng ta có thể kiểm soát.

71No3X-qRbL._SL1100_

Trong thần thoại La Mã, có hai vị thần tượng trưng cho hai khía cạnh này. Một là nữ thần Fortuna (ảnh), người mang đến sự may mắn hay điều xui xẻo, tượng trưng cho số phận, cho những điều thất thường của cuộc sống mà chúng ta không thể kiểm soát. Trong câu chuyện thần thoại, đây là vị thần bị mù, vì thế cô không biết mình đang đem lại điều gì cho cuộc sống. Cô có một bao đựng đầy những đồng tiền, và cô rải xuống trần thế một cách ngẫu nhiên. Nếu bạn may mắn, bạn sẽ có rất nhiều tiền; còn nếu xui xẻo, bạn sẽ chẳng có gì cả.

wheel

Nữ thần Fortuna còn có một cái bánh xe, gọi là “bánh xe may mắn” (ảnh), mà mỗi khi được quay, nó sẽ quyết định số phận của bạn. Bánh xe may mắn có thể nói: người này là nhà vua, người này sẽ trở thành vua, người này đã từng làm vua, người này thì không là gì cả, v.v..Trong cuộc sống của chúng ta, cũng có rất nhiều điều mà chúng ta không thể kiểm soát. Thế mà chúng ta đã tốn biết bao nhiêu thời gian để than vãn về nó: thời tiết, quá khứ, những người mà ta không thể thay đổi, v.v..

dis

Vị thần thứ hai là vị thần Disciplina (ảnh), đại diện cho sự kỷ luật (tiếng anh là discipline), cho học tập, cho sự làm việc chăm chỉ, cho những gì mà chúng ta có thể kiểm soát và thay đổi.

Cuộc sống giống như một ván bài. Số phận là những quân bài bạn đã được chia, bạn không thể thay đổi nó, thế nhưng bạn có thể lựa chọn để chơi với những quân bài đó như thế nào. Bạn không thể thay đổi quá khứ, không thể thay đổi những gì đã xảy ra. Bạn cũng có thể thấy, cuộc sống cũng chẳng hề công bằng. Thế nên hãy thôi than vãn về số phận, về sự bất công, những điều mà chúng ta chẳng thể kiểm soát. Hãy sống chủ động hơn với lựa chọn: Làm thế nào tôi có thể chấp nhận những quân bài mà mình đã được chia, và làm thế nào tôi có thể chơi tốt nhất với chúng?

Câu hỏi suy ngẫm

  • Những hoàn cảnh, sự việc, con người nào mà bạn có thể kiểm soát? Những điều nào trong cuộc sống mà bạn không thể kiểm soát?
  • Bạn có đang dành thời gian để kiểm soát những con người hay hoàn cảnh mà bạn chẳng thể nào kiểm soát hay gây ảnh hưởng không?

9) VÒNG TRÒN TẠO LẬP

Trong quá trình trở thành con người mà bạn mong muốn, bạn có thể gặp hai trường phái. Trường phái thứ nhất nói rằng: Thế giới tạo nên tôi, những tác nhân của môi trường hình thành nên con người tôi. Ngược lại, trường phái thứ hai là trường phái trong cuốn sách và bộ phim nổi tiếng “Luật hấp dẫn”: Tôi tạo ra thế giới: tôi hình dung ra nó, tôi khiến nó xảy ra theo ý của tôi.

Vòng tròn tạo lập cho rằng hai điều này xảy ra cùng một lúc: tôi tạo ra thế giới, tôi có thể tạo nên sự khác biệt; và đồng thời, thế giới xung quanh tạo ra tôi. Do đó, khi lập kế hoạch cho tương lai, bạn cần làm hai việc:

  • Thứ nhất, nếu tôi muốn tạo ra một con người khác hơn và tốt hơn, điều gì về bản thân tôi mà tôi cần thay đổi? Có thể đó là cách mà tôi hành xử, giao tiếp, điều mà tôi tập trung, hay cách mà tôi đối mặt với cuộc sống.
  • Thứ hai, chúng ta cần nhìn vào môi trường xung quanh mình. Điều gì về môi trường xung quanh tôi mà tôi cần thay đổi? Bởi vì tôi tạo ra nó, và nó tạo ra tôi, cùng một lúc.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Bạn có tin rằng bạn có thể tạo sự khác biệt trong cuộc sống, cho thế giới xung quanh bạn?
  • Môi trường của bạn tạo ra bạn như thế nào? Nó gây ảnh hưởng đến bạn như thế nào?

10) SỰ GẮN KẾT CỦA NHÂN VIÊN

Trong các buổi hội thảo về nhân sự, các công ty thường xuyên thảo luận về việc làm thế nào để tăng sự gắn kết của nhân viên: bằng cách trao quyền, đào tạo và phát triển, lương bổng và phúc lợi, hệ thống đánh giá năng lực, quan hệ nhân viên,…

Những điều ấy đều tốt cả, nhưng có vẻ có một thiếu sót rất lớn: 100% điều mà các công ty thảo luận là làm thế nào họ tăng sự gắn kết của nhân viên, và hoàn toàn 0% nói về điều mà các nhân viên có thể làm để có thể tự tăng sự gắn kết của họ với công việc. Tất cả điều họ nói là tốt, thế nhưng họ đang bỏ mất một nửa vế của phương trình, một nửa mấu chốt của vấn đề.

Co_hoi_vang_de_tro_thanh_tiep_vien_hang_khong_3

Bạn có từng đi máy bay, và thấy hai người tiếp viên hàng không hoàn toàn trái ngược. Một người thì đầy năng lượng, luôn tích cực và nhiệt tình; còn người kia thì cáu gắt, tiêu cực, buồn chán. Cùng một hãng máy bay, cùng một mức lương, cùng một đồng phục, cùng một hệ thống gắn kết nhân viên, vậy điều khác biệt là gì? Điều khác biệt không nằm ở bên ngoài, mà nó nằm ở bên trong mỗi người.

Các hệ thống nhân sự gắn kết nhân viên khiến nhân viên của họ luôn tập trung vào câu hỏi thụ động: “Công ty có thể giúp gì cho tôi”, chứ không phải câu hỏi chủ động “Tôi có thể tự giúp gì cho bản thân mình?”. Bằng cách giúp cho nhân viên tập trung vào việc tìm cách tự giúp đỡ và tạo sự gắn kết với bản thân họ, và cho họ biết họ có thể tạo ra sự khác biệt như thế nào, chúng ta có thể tạo ra sự thay đổi đáng kể và tích cực. Và điều này sẽ đem lại kết quả tốt đẹp cho công ty, cho khách hàng, cho nhân viên, và cho cả bản thân bạn.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Công ty của bạn có một chương trình gia tăng sự gắn kết của nhân viên với công việc không? Nó có hiệu quả không?
  • Bạn có một chiến lược, một kế hoạch gắn kết cho riêng bản thân mình không? Nếu chưa có, tại sao lại chưa? Nếu có rồi, nó trông như thế nào?

11) HƠI THỞ CUỐI CÙNG

“Lời khuyên tốt nhất mà bạn có sẽ không đến từ bên ngoài, nó đến từ bên trong sâu thẳm con người bạn” – Marshall Goldsmith

95

Hãy nhắm mắt lại, và tưởng tượng: Bạn là một ông cụ, bà cụ 95 tuổi, già yếu, đang nằm trên giường bệnh, hấp hối và chuẩn bị đón nhận cái chết. Tuy nhiên, trước khi trút hơi thở cuối cùng, bạn được Thượng đế trao tặng cho một món quà, đó là bạn có khả năng quay trở lại những khoảng thời gian trong quá khứ và xem lại toàn bộ cuộc đời mình. Không chỉ thế, bạn cũng có cơ hội dừng lại một lúc để trò chuyện với chính bản thân mình ngay trong lúc này đây, đưa cho anh ta, cô ta một vài lời khuyên để giúp anh ta, cô ta có thể trở thành một người tốt hơn, một nhà lãnh đạo tốt hơn, hay có một cuộc sống hạnh phúc, ý nghĩa hơn. Bạn nghĩ rằng bạn sẽ đưa ra những lời khuyên gì cho con người ấy? Có thể bạn khuyên người ấy làm gì, và không nên làm gì, hay vấn đề nào quan trọng, và vấn đề nào là không. Bạn không cần phải nói gì, hay làm gì, hay viết gì cả, hãy trả lời câu hỏi ấy trong đầu của bạn: Lời khuyên nào mà cụ ông, cụ bà 95 tuổi ấy, đầy sáng suốt và hiểu biết, sẽ đưa cho bạn?

Bất kể bạn nghĩ đến điều gì, hãy tìm cách để bắt đầu làm điều ấy. Nhiều cuộc phỏng vấn đã được thực hiện cho những người già, sắp phải đối mặt với cái chết, với câu hỏi: Bạn có lời khuyên gì? Nhìn chung, có ba câu trả lời được đưa ra, đối với khía cạnh cuộc sống cá nhân:

  • Lời khuyên đầu tiên rất ngắn gọn: Hãy sống hạnh phúc. Không phải tuần sau, không phải tháng sau, không phải năm sau, mà hãy sống hạnh phúc ngay tại thời điểm này. Có một căn bệnh đang lan truyền khắp thế giới, gọi là căn bệnh “Tôi sẽ hạnh phúc khi…”: “Tôi sẽ hạnh phúc khi có thật nhiều tiền”, “Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi có người yêu”, “Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi được lên chức”, “Tôi sẽ hạnh phúc khi tôi có chuyến du lịch ấy”, v.v..Hãy nghe lời khuyên từ những người 95 tuổi ấy: “Tôi đã quá bận rộn theo đuổi thứ mà tôi không có. Tôi đã không nhìn ra những điều mà tôi có”. Bạn có thể là người may mắn nhất trên thế gian này: bạn có thể có gia đình, bạn bè, có một công việc, có sức khỏe, có tuổi trẻ, v.v..Đừng mãi dành thời gian tìm kiếm thứ mà bạn không có, vì nó sẽ khiến bạn không nhìn ra những gì mà mình đang có.

Nếu bạn hỏi bất kỳ một bậc cha mẹ nào trên thế giới, hãy hoàn thành câu sau chỉ với một từ: “Khi con tôi lớn lên, tôi muốn nó sẽ trở nên…”. Một từ đầu tiên xuất hiện trong đầu của họ, một từ quan trọng hơn bất kỳ một từ nào khác, bất kể đó là quốc gia hay dân tộc nào, đó sẽ là từ: hạnh phúc. Bạn muốn con cái bạn trở nên hạnh phúc. Bạn muốn cha mẹ bạn trở nên hạnh phúc. Bạn muốn những người bạn thương yêu sẽ hạnh phúc. Vậy tại sao bạn không là người đầu tiên đại diện cho sự hạnh phúc? Hãy hạnh phúc.

  • Lời khuyên thứ hai mà những người già sẽ cho bạn, đó là: Hãy dành nhiều thời gian hơn cho gia đình và bạn bè. Bạn có thể đang làm việc cho một công ty có tiếng tăm, bạn có thể đang là một nhà quản lý cừ khôi. Nhưng khi bạn 95 tuổi và nằm trên giường bệnh, đón chờ cái chết, và rồi chẳng có nhân viên nào đến để vẫy tay chào bạn lần cuối, bạn mới chợt nhận ra rằng, gia đình và những người bạn thân của bạn quan trọng như thế nào. Họ chính là những mối quan hệ quan trọng nhất, nhưng đã quá nhiều lần bạn lãng quên họ.
  • Lời khuyên thứ ba mà một ông cụ, bà cụ 95 tuổi sẽ cho bạn, đó là: Hãy dũng cảm theo đuổi ước mơ của mình. Bởi vì nếu bạn không theo đuổi nó vào lúc bạn 45 tuổi, bạn cũng có thể không bắt đầu nó năm bạn 55 tuổi, và rồi đến lúc bạn 85 hay 95 tuổi, bạn chẳng còn sức lực để có thể thực hiện nó được nữa. Đó không nhất thiết phải là một điều gì đó quá vĩ đại hay lớn lao. Có thể đó đơn giản là những điều nhỏ bé: đi du lịch đến một địa điểm bạn hằng mong ước, học tiếng Tây Ban Nha, chơi đàn guitar. Một vài người có thể nghĩ ước mơ của bạn thật ngốc nghếch. Nhưng bạn quan tâm để làm gì chứ? Đó không phải giấc mơ của họ, mà là giấc mơ của bạn. Đó không phải cuộc sống của họ, mà là cuộc sống của bạn.

Đó là ba lời khuyên về khía cạnh cuộc sống cá nhân. Ở khía cạnh sự nghiệp và công việc, cũng có ba lời khuyên, và nó cũng không khác nhiều lắm:

  • Thứ nhất, hãy hạnh phúc và vui vẻ trong công việc của bạn. Cuộc đời rất ngắn, nên hãy luôn hạnh phúc và vui vẻ.
  • Thứ hai, làm bất kể điều gì mà bạn có thể giúp đỡ người khác. Lý do chính để giúp người khác không hề liên quan đến tiền bạc hay danh tiếng. Lý do để giúp người khác còn sâu sắc hơn thế nhiều. Con người bạn khi 95 tuổi sẽ rất tự hào về bạn nếu bạn giúp đỡ người khác, và sẽ rất thất vọng nếu như bạn không làm điều ấy. Nếu bạn không tin, bạn hãy tìm đến bất kỳ một nhà quản lý nào đã nghỉ hưu, hãy hỏi họ “Điều gì thực sự làm bạn tự hào?”. Sẽ chẳng có ai nói với bạn rằng một căn phòng làm việc to hay số tiền họ kiếm được cả. Thay vào đó, họ sẽ nói về những người mà họ đã giúp đỡ.
  • Lời khuyên thứ ba cũng tương tự, hãy theo đuổi những điều bạn cho là đúng, chấp nhận rủi ro nhiều hơn. Thế giới đang thay đổi; ngành công nghiệp của bạn đang thay đổi, nhưng bạn vẫn làm điều mình cho là đúng. Có thể bạn không dành chiến thắng, nhưng ít nhất bạn đã cố gắng. Khi già đi, hầu như chúng ta sẽ không hối hận về những rủi ro mà chúng ta đã nắm lấy nhưng thất bại. Nhưng chúng ta luôn hối hận về những rủi ro mà chúng ta đã không nắm lấy.

Câu hỏi suy ngẫm:

  • Hãy tưởng tượng bạn 95 tuổi. Lời khuyên nào mà con người 95 tuổi ấy sẽ cho con người bạn ngay lúc này về những điều quan trọng và những điều không quan trọng?
  • Bạn có giấc mơ nào không? Có điều gì mà bạn rất muốn thử làm không? Hãy theo đuổi nó!

Nguồn : personalcoach.vn

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,388 lượt xem