Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 10 Loại Mây Điển Hình – Tìm Hiểu Thời Tiết Qua Các Loại Mây

Theo “International Cloud Atlas” (Bản đồ Mây Quốc Tế) của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), có nhiều hơn 100 loại mây tồn tại. Tuy nhiên, nhiều biến thể có thể được nhóm lại thành một trong 10 loại cơ bản tùy thuộc vào hình dạng và độ cao của chúng trên bầu trời. Do đó, 10 loại này là:

 

  • ·   Mây thấp (mây tích - cumulus, mây tầng - stratus, mây tích tầng - stratocumulus) nằm dưới 1.981 m (6.500 feet).
  • ·   Mây trung bình (mây trung tích - altocumulus, mây vũ tầng - nimbostratus, mây trung tầng - altostratus) được hình thành từ độ cao 1.981 đến 6.096 m (6.500 – 20.000 feet).
  • ·   Mây cao (mây ti - cirrus, mây ti tích - cirrocumulus, mây ti tầng - cirrostratus) được hình thành trên độ cao 6.096 m (20.000 feet).
  • ·   Các đám mây thẳng đứng: Mây vũ tích – Cumulonimbus - Các mây này có hướng thẳng đứng lên trên, có thể hình thành ở bất kỳ độ cao nào.


Cho dù bạn có thật sự hứng thú muốn tìm hiểu về mây, hay đơn giản chỉ vì tò mò muốn biết tên của đám mây đang bay trên đầu mình, hãy đọc tiếp phần dưới đây để tìm ra cách nhận biết chúng và dự đoán được loại thời tiết nào sắp diễn ra dựa trên các đám mây.


  1. Mây tích - Cumulus

    Mây tích là những đám mây bạn đã được học vẽ ngay từ khi còn nhỏ và nó được dùng để làm biểu tượng cho tất cả các loại mây (cũng giống như bông tuyết tượng trưng cho mùa đông). Phần đỉnh của chúng tròn, phồng, và có màu trắng rực rỡ khi trời ngập nắng, trong khi phần đáy của chúng phẳng và tương đối tối.


    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây tích hình thành vào những ngày nắng đẹp, trong trẻo khi mà mặt trời chiếu sáng trực tiếp mặt đất phía bên dưới (đối lưu hoàn toàn). Đây là nơi mà chúng nhận được danh hiệu những đám mây “thời tiết đẹp”. Mây tích thường xuất hiện vào cuối buổi sáng, phát triển, và sau đó biến mất vào buổi tối.


  2. Mây tầng – Stratus

    Mây tầng lơ lửng trên bầu trời như một lớp mây xám phẳng, dẹt, không có đặc trưng để phân biệt ở các cao độ nhỏ. Chúng giống như sương mù ôm lấy đường chân trời (thay vì mặt đất).

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Những đám mây tầng thường được trông thấy vào những ngày ảm đạm, u ám và thường có liên quan đến sương mù hay mưa phùn.


  3. Mây tích tầng – Stratocumulus

    Nếu bạn lấy một con dao tưởng tượng và phết những đám mây tích trải dài cùng nhau từ bên này sang bên kia trên bầu trời, nhưng không thành một lớp mịn (như mây tầng), bạn sẽ được mây tích tầng. Chúng là những đám mây thấp, phồng, xám hoặc trắng, xuất hiện trong các mảng lớn với bầu trời xanh có thể nhìn thấy chính giữa. Khi nhìn từ phía dưới, mây tích tầng có màu tối, hình dạng giống tổ ong.

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Bạn có thể thấy mây tích tầng vào những ngày trời nhiều mây. Chúng hình thành khi có sự đối lưu yếu trong khí quyển.


  4. Mây trung tích – Altocumulus

    Mây trung tích là những đám mây phổ biến nhất ở tầng giữa của bầu khí quyển. Bạn sẽ nhận ra chúng khi thấy những mảng trắng hay xám trôi rải rác trên bầu trời theo những khối lớn, tròn hoặc các đám mây được xếp thành các dải song song. Chúng trông giống như lông cừu hoặc đàn cá thu. Do đó, biệt danh của mây trung tích là “lưng cừu” và “bầu trời cá thu”.

    Phân biệt Mây trung tích và Mây tích tầng

    Mây trung tích và mây tích tầng thường hay bị nhầm lẫn với nhau. Ngoài việc mây trung tích bay cao hơn, một cách khác để phân biệt chúng chính là kích cỡ của những gò mây riêng lẻ. Giơ bàn tay của bạn lên trời theo hường của đám mây, nếu gò mây có kích thước bằng với ngón tay cái của bạn, đó là mây trung tích. (Nếu nó gần với kích cỡ nắm tay hơn, thì đó có thể là mây tích tầng).

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây trung tích thường được quan sát thấy vào những buổi sáng ấm áp và ẩm ướt, đặc biệt là trong mùa hè. Chúng có thể là tín hiệu của giông bão sẽ đến vào ngày hôm sau. Bạn cũng có thể nhìn thấy chúng trước khi thời tiết bắt đầu chuyển lạnh. Trong trường hợp này, chúng báo hiệu sự khởi đầu cho một nhiệt độ lạnh hơn.


  5. Mây vũ tầng – Nimbostratus

    Mây vũ tầng bao phủ bầu trời trong một lớp mây màu xám đen. Chúng có thể trải rộng từ tầng thấp đến tầng trung của khí quyển và đủ dày để che khuất cả Mặt Trời.

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây vũ tầng là đám mây mưa tinh túy. Bạn sẽ nhìn thấy chúng bất cứ khi nào trời mưa đều đặn hoặc khi trời có tuyết (hoặc dự báo sẽ rơi) trên một khu vực rộng.


    6. Mây trung tầng – Altostratus

    Mây trung tầng xuất hiện dưới dạng các đám mây màu xám hoặc xám xanh che phủ một phần hoặc toàn bộ bầu trời ở tầng trung. Mặc dù chúng che phủ bầu trời, bạn vẫn có thể trông thấy mặt trời như một chiếc đĩa mờ mờ, nhưng không đủ ánh sáng chiếu qua để tạo bóng trên mặt đất.

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây trung tầng có xu hướng hình thành trước khi có frông nóng (thường có mưa và sương mù khi có frông nóng) hoặc frông hấp lưu. Chúng cũng có thể xuất hiện cùng mây tích (cumulus) trong frông lạnh.


    7. Mây ti – Cirrus

    Giống như tên gọi của chúng (tiếng Latinh có nghĩa là "túm tóc"), mây ti là những dải mây mỏng, trắng, lởm chởm trên bầu trời. Bởi vì mây ti xuất hiện ở độ cao trên 6.096 m (20.000 feet), nơi có nhiệt độ và lượng hơi nước thấp, nên chúng được tạo thành từ các tinh thể băng nhỏ thay vì hơi nước.

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây ti thường xuất hiện trong thời tiết tốt. Chúng cũng có thể hình thành trước khi trời ấm hay trước các cơn bão lớn như nor’easters hay lốc xoáy nhiệt đới. Vì thế, khi nhìn thấy chúng, có thể dự đoán những cơn bão có thể đang đến gần.

    Trang web Earthdata của NASA trích dẫn một câu tục ngữ mà các thủy thủ được học nhằm cảnh báo họ về thời tiết sắp tới nếu có mưa: “Đuôi ngựa (ý chỉ: mây ti) và vảy cá thu (ý chỉ: mây trung tích ) tạo ra những con tàu cao để mang những cánh buồm thấp”. Nguyên văn: “Mares’ tails (cirrus) and mackerel scales (altocumulus) make lofty ships to carry low sails”.


    8. Mây ti tích – Cirrocumulus

    Mây ti tích là những đám mây nhỏ, màu trắng, thường được sắp xếp thành các hàng ở độ cao lớn và được làm từ các tinh thể băng. Được gọi là “những đám mây nhỏ”, các gò mây riêng lẻ của mây ti tích nhỏ hơn nhiều so với mây trung tích hay mây tích tầng. Mây ti tích thường trông giống như các hạt.

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây ti tích khá hiếm và chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn, nhưng bạn sẽ được thấy chúng vào mùa đông hoặc khi thời tiết lạnh kèm theo trời đẹp.


    9. Mây ti tầng – Cirrostratus

    Mây ti tầng là những đám mây trong suốt, màu trắng, che kín hoặc che phủ gần như toàn bộ bầu trời. Một đặc trưng của mây ti tầng là thường đi kèm với một "quầng sáng" (vòng tròn ánh sáng) xung quanh mặt trời hoặc mặt trăng. Vầng hào quang này được hình thành do sự khúc xạ ánh sáng trên các tinh thể băng trong các đám mây, tương tự như cách mặt trời giả (sundogs) hình thành nhưng quầng sáng của mây ti tầng thì ở trong toàn bộ một vòng tròn thay vì chỉ ở hai bên như của mặt trời giả.

    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây ti tầng cho biết sự hiện diện của một lượng lớn độ ẩm có trong tầng trên của bầu khí quyển. Chúng cũng thường liên quan đến sự khởi đầu của frông nóng.


    10. Mây vũ tích - Cumulonimbus

    Mây vũ tích là một trong số ít các đám mây trải dài theo phương thẳng đứng xuyên qua các tầng thấp, giữa và cao của khí quyển. Chúng giống như những đám mây được phát triển từ mây tích, ngoại trừ việc chúng mọc thành những tòa tháp rất cao với những phần trên phình ra trông giống như súp lơ. Ngọn mây vũ tích thường luôn được làm phẳng theo hình dạng của một cái đe hoặc lông vũ. Đáy của chúng thường mờ và tối.


    Khi bạn nhìn thấy chúng:

    Mây vũ tích là những đám mây giông bão. Vì vậy, nếu bạn nhìn thấy chúng, bạn có thể chắc chắn rằng có một mối đe dọa thời tiết khắc nghiệt ở gần đó (ngắn nhưng mưa lớn, mưa đá và thậm chí có thể là lốc xoáy).


    -----------

    Tác giả: Tiffany Means
    Link bài gốc:
    The 10 Basic Types of Clouds
    Dịch giả: Nguyễn Minh Nghĩa - ToMo - Learn Something New
    (*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Minh Nghĩa - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

    (**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!
    (***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

17,344 lượt xem

lh-fulllh-x