[ToMo] 10 Lợi Ích Và 10 Tác Hại Của Thói Quen Trì Hoãn
"Việc hôm nay chớ để ngày mai” - Benjamin Franklin
“Chẳng có gì sánh bằng việc đắm mình trong một cuốn sách khi bạn còn một cơ số việc khác phải làm cả.” - Joe Ryan
Sự trì hoãn không chừa một ai. Một số người thậm chí còn là những ‘trì hoãn sư’ một cách chuyên nghiệp cơ. Tuy rằng tôi từng cho rằng mình là một trong số đó, vài năm gần đây tôi đã cố gắng thay đổi cách sống, và phải nói là cũng đã có một số thành tựu nhất định rồi đó. Nhưng đôi khi, cái suy nghĩ ‘để đó làm sau’ vẫn trồi lên như một cái gai trong mắt vậy. Và giờ đây, khi đã tìm thấy một vài nghiên cứu hay ho về các mặt xấu và mặt tốt của việc trì hoãn, tôi đã sẵn sàng để chia sẻ nó rồi. Ngay dưới đây thôi, chính là 10 điểm cộng và 10 điểm trừ bạn nên biết về sự trì hoãn.
Tuy rằng trong suy nghĩ của đa số mọi người, trì hoãn là một thói quen cần được loại bỏ, một vài nghiên cứu lại chỉ ra một hướng suy nghĩ khác.
1. Sự trì hoãn giúp bạn học cách kiểm soát sự chậm trễ
Người Hy Lạp cổ rất biết cách hưởng thụ cuộc sống. Thậm chí một vài vị hiền triết còn đánh giá cao thói quen trì hoãn, bởi họ cho rằng nó có ảnh hưởng tốt lên việc kiểm soát sự chậm trễ. Tất nhiên là có một sự khác biệt to lớn giữa trì hoãn chủ động và thụ động, trong đó thái độ chủ động được xem là tốt, còn cái thứ hai - chỉ ngồi chơi xơi nước chẳng hạn, thường được cho là xấu. Lời khuyên được đưa ra là hãy biết khi nào thì mình nên hành động, kể cả nếu việc đó có nghĩa là bạn sẽ chậm trễ một chút.
2. Khi trì hoãn, bạn có thời gian để nhìn lại xem đâu là điều quan trọng
Bạn cần thời gian để suy nghĩ về điều quan trọng nhất trong cuộc đời mình. Nó không nhất thiết phải là những câu hỏi triết học mang tầm vũ trụ, mà chỉ đơn giản là những gì bạn coi trọng nhất mà thôi. Khi bạn dành thời gian để suy nghĩ, hoặc thậm chí là để thả hồn theo gió chẳng nghĩ suy gì hết, bạn sẽ tìm ra những giá trị cốt lõi trong bản thân bạn. Sau đó thì bạn sẽ biết mình nên làm gì.
3. Bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn sau khi trì hoãn
Vội vàng lao đầu vào làm việc không có nghĩa là kết quả cuối cùng sẽ hoàn mỹ. Đôi khi bạn có thể sẽ nhận ra rằng một vài dự án hoặc vị trí không phù hợp với mình cho lắm, rằng bạn chưa đủ năng lực để hoàn thành chúng, rằng bạn không nên làm những thứ thuộc nghĩa vụ của người khác, hoặc đơn giản chỉ là chưa đến lúc để bắt tay vào việc thôi. Không phải điều gì trong danh sách cũng là ưu tiên của bạn. Đôi khi sự trì hoãn còn giúp bạn có định hướng làm việc rõ ràng hơn đấy.
4. Sự trì hoãn có thể giúp rèn luyện kỹ năng ưu tiên công việc
Khi bạn đang bỏ qua một số việc để làm cái khác trước, chính sự trì hoãn đang giúp bạn xác định danh sách ưu tiên đấy. Điều này sẽ trở nên có ích rất nhiều khi bạn cần loại bỏ những nhiệm vụ không cần thiết, những điều có thể không đáng để bạn phải dành thời gian cho tại thời điểm đó.
5. Nói lời xin lỗi ư, sự trì hoãn sẽ giúp bạn có một cái đầu lạnh hơn
Khi bạn làm sai điều gì đó và cảm thấy mình cần nói lời xin lỗi, biết đâu một lời phát ngôn vội vàng có thể sẽ làm mọi chuyện tệ hơn thì sao? Đây chính là khi bạn nên dành cho bản thân thời gian để suy nghĩ về nội dung và cách mà bạn sẽ nói lời xin lỗi (có khi là cả thời gian và địa điểm nữa), từ đó tạo nên một lời nhận lỗi thành khẩn hơn. Kể cả khi bạn cần đến một tiếng đồng hồ hoặc hơn, hãy cứ hít thở thật sâu, bạn sẽ bình tĩnh lại, cả giọng nói và ngôn ngữ cơ thể của bạn đều sẽ được xoa dịu.
6. Trì hoãn một cách chủ động giúp bạn làm được nhiều việc cần làm hơn
Hẳn là đôi khi bạn sẽ gặp phải một công việc nào đó khó khăn hơn bình thường, phức tạp và tốn thời gian, khiến bạn chẳng muốn bắt tay vào việc tí nào cả. Hãy nhớ rằng bạn luôn có thể hoàn thành nó sau khi xử lý hết những phần nhỏ hơn, dễ làm hơn của danh sách công việc, như vậy bạn vẫn sẽ làm việc năng suất và còn nhận được cảm giác thành tựu nhiều hơn nữa kia. Có thể đây chính là tất cả những gì bạn cần để có thể xử gọn nhiệm vụ khó nhằn nhất đó.
7. Sự trì hoãn cho phép não bạn xử lý thông tin
Kể cả khi bạn không dành thời gian để nghĩ về to-do list của bản thân, bộ não của bạn vẫn đang xử lý thông tin đó trong vô thức. Từ đó, có thể bạn sẽ nảy ra một sáng kiến nào đó cho công việc của mình thì sao.
8. Sự trì hoãn chủ động mang lại lợi ích cho sức khỏe
Một nghiên cứu năm 2005 bởi Angela Hsin Chun Chu và Choi Jin Nam cho thấy những người chủ động trì hoãn công việc của mình không mấy chịu ảnh hưởng bởi nỗi lo lắng. Mức độ stress của họ cũng thấp hơn, sở hữu ít hơn các biểu hiện trốn tránh và có lòng tin vào bản thân hơn.
9. Sự trì hoãn có thể mang lại những giây phút sáng tạo bùng nổ
Có một quan điểm cho rằng những ý tưởng hoặc biện pháp đầu tiên không nhất thiết phải tốt nhất. Chỉ khi bạn đã dành thời gian suy ngẫm và thử nghiệm các ý tưởng thì khi đó chúng mới có thể trở nên hữu dụng hơn. Đây có thể là một khoảng thời gian để tâm trí của bạn bay bổng với các khả năng, hay nói cách khác là một phần của quá trình sáng tạo. Nếu phương pháp này có tác dụng thì hãy cứ dùng đi - nhưng có mức độ thôi nhé. Không phải lúc nào bạn cũng có thể trì hoãn đâu.
10. Trì hoãn là một điều hoàn toàn tự nhiên
Đừng thấy tội lỗi như thể mình đang phạm vào thói hư tật xấu gì đó, thay vào đó hãy nhìn nhận sự trì hoãn như một điều bình thường. Miễn là nó không quá ảnh hưởng đến công tác của bạn, hoặc trở thành một thói quen mang tính ám ảnh, thì bạn vẫn ổn thôi.
Những mặt xấu của thói trì hoãn có thể bao gồm một vài điều cực kỳ dễ thấy.
1. Sự trì hoãn có thể dẫn đến thành tích học tập kém cỏi
Nghe có vẻ hiển nhiên thật, nhưng một nghiên cứu bởi Đại học Case Western Reserve đã chỉ ra rằng những sinh viên thường xuyên trì hoãn phải chịu áp lực cao hơn các bạn khác, dễ mắc bệnh hơn và đạt điểm số thấp hơn vào cuối mỗi học kỳ.
2. Mức độ stress cao được gây ra bởi sự trì hoãn được cho là có liên quan đến suy giảm khả năng tự trắc ẩn
Một nghiên cứu của Sirois được đăng trên tạp chí Self & Identity cho rằng một mức độ tự trắc ẩn thấp (self-compassion) có thể giải thích phần nào cho những căng thẳng mà người hay trì hoãn gặp phải; nó cũng chỉ ra rằng những sự can thiệp để thúc đẩy sự tự trắc ẩn là cần thiết cho những đối tượng này.
3. Sự trì hoãn tạo điều kiện cho những cảm xúc tiêu cực
Nghiên cứu của Pychyl được đăng trên tạp chí Personality & Individual Differences đi vào tìm hiểu hiện tượng cảm xúc tiêu cực ở các sinh viên hay trì hoãn. Sự trì hoãn trước một kỳ thị có thể gây ra những ảnh hưởng xấu lên các bạn trẻ, tuy nhiên sự tự tha thứ lại có xu hướng giảm thiểu hành vi trì hoãn ở kỳ thi tiếp theo.
4. Trì hoãn không phải tại mình mà do gen?
Có phải thói quen trì hoãn của bạn đã được định sẵn bởi bộ gen của mình không? Một số nghiên cứu đã đưa ra khả năng này, hoặc ít nhất cũng xem xét mức độ ảnh hưởng của gen lên hành vi trì hoãn. Nghiên cứu của Gustavson được đăng trên tạp chí của Hiệp hội Khoa Học Tâm Lý đã chứng minh được mối liên hệ giữa gen và sự trì hoãn - chính là tính xung động (impulsivity). Không chỉ mỗi sự trì hoãn là mang tính di truyền, mà cả tính xung động cũng bị ảnh hưởng bởi gen, trong đó điều quan trọng nhất là khả năng kiểm soát. Cho dù bạn có xu hướng trì hoãn đi nữa, không có nghĩa là bạn không thể thay đổi điều đó.
5. Sự trì hoãn là một hành vi ‘tự bê đá đập chân mình’
Cuộc tranh cãi về mặt tốt và mặt xấu của thói quen trì hoãn từ lâu đã là một chủ đề lớn, tuy nhiên một số nhà khoa học cho rằng thói quen này bao gồm một vài hành vi tích cực, ví dụ như sự tự hỏi và khả năng ưu tiên công việc. Hơn nữa, dù rằng điểm xuất phát của một sự trì hoãn có tích cực đi nữa, nó vẫn có thể tạo thành một thói quen mang tính tự hại, bởi vì khi trì hoãn thì bạn sẽ chẳng tạo ra tiến triển nào trong công việc hết.
6. Lờ đi những gì quan trọng có khả năng dẫn đến một thành quả tệ hại
Một vài người tin rằng sự trì hoãn thúc đẩy họ làm việc năng suất nhất khi phải chịu áp lực. Đối với thiểu số thì điều này có thể sẽ đúng, nhưng không phải ai cũng được như vậy. Những sản phẩm được hoàn thành vào phút cuối thường sẽ không phải sản phẩm tốt nhất đâu. Tự thuyết phục bản thân cũng chỉ là cái cớ thôi.
7. Khi bạn trì hoãn, bạn vẫn làm xong việc thôi, nhưng mà kết quả lại không đúng trọng tâm
Bằng việc nhồi nhét nhiệm vụ quan trọng nhất vào vị trí cuối cùng của danh sách việc phải làm, thay vào đó lại tập trung vào những công việc đơn giản nhanh gọn hơn, bạn đang tự tạo ra một ảo tưởng sai lầm rằng mình đã làm việc rất hiệu quả. Như vậy, trì hoãn như thế này tuy rằng không cản trở bạn làm xong việc, nhưng mà kết quả sau cùng có thể sẽ không đúng với yêu cầu của nhiệm vụ, hoặc bạn sẽ chỉ hoàn thành những việc không mấy quan trọng thôi.
8. Sự trì hoãn của bạn đang tạo thêm gánh nặng cho người khác
Không một ai muốn phải làm hộ phần việc mà người khác không thể làm cả. Điều đó sẽ tạo ra sự không hài lòng, thêm vào khối lượng công việc người khác phải gánh thêm cho bạn, cảm giác lo âu và căm ghét sẽ càng trở nên nặng nề hơn.
9. Người hay trì hoãn có thể bị tê liệt bởi nỗi sợ làm sai và đánh giá thấp giá trị bản thân
Sự thực là khi bắt đầu trì hoãn thì chúng ta lại không hề lười biếng đâu, theo một cách nào đó. Chúng ta cực kỳ giỏi tìm lý do chống chế cho cơn lười của mình. Mấu chốt của vấn đề thường nằm ở chỗ, ít nhất là đối với một số người, chúng ta e sợ rằng mình sẽ làm hỏng việc, sẽ làm sai và vì thế hạ thấp giá trị của bản thân xuống.
10. Thói quen trì hoãn trong thời gian dài có thể dẫn đến các bệnh lý tâm thần
Một nghiên cứu được tiến hành trong thời gian dài về tác động của sự trì hoãn, thành tích làm việc và căng thẳng thần kinh đã tìm ra rằng sự trì hoãn là một hành vi tự hại, được thể hiện tiêu biểu qua những lợi ích ngắn hạn và tổn hại về lâu dài, bao gồm khả năng mắc các bệnh tâm lý cao hơn, ví dụ như trầm cảm, lo âu và lòng tự trọng thấp.
____________________________________________
Tác giả: Suzanne Kane
Link bài gốc: 10 Good and 10 Bad Things about Procrastination
Dịch giả: Vy Hoàng - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Vy Hoàng - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!
(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
14,282 lượt xem