Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

[ToMo] 20 Thí Nghiệm Phi Đạo Đức Nhất Về Tâm Lý Học

Con người đã phải trả một cái giá đắt cho sự tiến bộ và hiểu biết của mình, theo như những thí nghiệm tâm lý nổi tiếng. Khi một số thí nghiệm tâm lý khiến các đối tượng thử nghiệm có cảm giác đau đớn tạm thời, thì một vài thí nghiệm khác lại khiến họ mang nỗi đau này tới cuối cuộc đời. Trong cả hai trường hợp, thật dễ dàng để ta tự hỏi: “Nói đến khoa học, thì thế nào mới là đúng chuẩn mực đạo đức?” Rồi có những thí nghiệm liên quan tới trẻ em, động vật và cả những đối tượng còn không hề hay biết rằng họ đang được sử dụng để thử nghiệm. Đến mức độ nào mới được coi là không thể chấp nhận, nếu như kết quả của cuộc thí nghiệm giúp ta hiểu rõ hơn về trí óc và hành vi của con người? Chúng tôi đã tìm ra 20 đáp án cho câu hỏi đó, cùng với danh sách các cuộc thí nghiệm phi đạo đức nhất về tâm lý học.


1. Emma Eckstein

Mặc dù cô gái 27 tuổi này chỉ tìm tới bác sĩ Sigmund Freud để chữa bệnh dạ dày và chứng trầm cảm nhẹ, nhưng bác sĩ nổi tiếng người Áo đã quyết định dùng cô cho một loạt thí nghiệm của mình. Freud liên tục nói với Emma rằng hắn đang điều trị “chứng cuồng loạn” và “thủ dâm quá mức” của cô, hai thói quen được cho là dấu hiệu của bệnh tâm lý lúc bấy giờ. Trong một lần điều trị, hắn chỉ tiêm cho cô liều ma túy và thuốc gây tê cục bộ, trước khi cắt bỏ đi phần bên trong mũi. Freud tiếp tục “chữa trị” cho Emma thêm ba năm nữa, và cho tới ngày nay, mục đích chính xác của ông với những thí nghiệm trên vẫn chưa được sáng tỏ.


2. Điều trị sốc điện lên trẻ em

Vào thập kỷ 60, Tiến sĩ Lauretta Bender của Bệnh viện Creedmore ở New York đã dành phần lớn thời gian để thực hiện thí nghiệm sốc điện lên trẻ em. Những đứa trẻ được bà chọn thông qua một cuộc phỏng vấn trước đám đông. Trong lúc phỏng vấn, bà đã tạo chút áp lực lên đầu chúng và khẳng định rằng những đứa trẻ nào cử động đều mang dấu hiệu đầu tiên của bệnh tâm thần phân liệt. Bà tin rằng liệu pháp khắc nghiệt này chính là phương pháp trị liệu mang tính cách mạng cho những người mắc các vấn đề xã hội. Những người cùng thời với bà cho biết bà chưa bao giờ thể hiện bất cứ tình cảm nào đối với bọn trẻ. Và Tiến sĩ Bender đã áp dụng liệu pháp sốc điện này lên hơn 100 trẻ, trong đó trẻ bé nhất mới có ba tuổi.


3. Thí nghiệm Cao trào lúc nửa đêm

Vào thập kỷ 50, Cơ quan Tình báo Trung ương đã tài trợ cho một dự án nghiên cứu kiểm soát trí óc tên là Thí nghiệm Cao trào lúc nửa đêm. Mục đích của cuộc nghiên cứu này là tìm ra ảnh hưởng của LSD (ma túy mạnh) lên con người. Và CIA đã trả tiền cho gái mại dâm để dụ dỗ những người ở San Francisco và New York mà chưa có sự cho phép của họ, tới những nơi được đặc vụ kiểm soát. Ở đây, họ bị bắt hấp thụ những hợp chất làm biến đổi trí óc như LSD rồi bị theo dõi từ sau tấm kính một chiều. Một thập kỷ sau, cuộc thí nghiệm đã mang lại cho chính phủ những thông tin sâu rộng về thuốc biến đổi trí óc, công nghệ giám sát và cả việc tống tiền do tình dục. May mắn là cuộc thí nghiệm đã bị chấm dứt vào năm 1965.


4. Cuộc thí nghiệm của quỷ

Năm 1939, 22 trẻ mồ côi tại Davenport, Iowa đã bị trở thành đối tượng thử nghiệm của hai nhà nghiên cứu Wendell Johnson và Mary Tudor. Thí nghiệm của họ xoay quanh tật nói lắp, nhưng không như cách bạn nghĩ. Những đứa trẻ được chia làm hai nhóm, một nhóm được trị liệu tích cực, luôn được khen ngợi khi nói năng lưu loát. Nhóm còn lại nhận điều trị tiêu cực, chúng bị coi thường nếu tình cờ gây ra bất kỳ lỗi khẩu ngữ nào. Cuối cùng, những đứa trẻ trong nhóm thứ hai mà trước cuộc thử nghiệm không gặp vấn đề phát âm đã mắc lỗi suốt cuộc đời. Johnson và Tudor chưa bao giờ công bố kết quả nghiên cứu của họ vì sợ sẽ bị so sánh với những cuộc thí nghiệm trên người của quân đội Đức Quốc xã.


5. Dự án MKUltra

Từ 1953 - 1973, chính phủ Hoa Kỳ đã tiến hành một loạt các thí nghiệm phi đạo đức nhằm tìm ra cách để thao túng bộ não công dân, và sau đó “phát triển các hợp chất hóa học để sử dụng trong các hoạt động bí mật”. Chúng được gọi là Dự án MKUltra và được tài trợ chính thức bởi CIA. Thí nghiệm đã ép công dân Mỹ sử dụng thuốc thay đổi trí óc, mất giác quan; lạm dụng bằng lời nói và tình dục; bị cô lập cực độ, thôi miên, cùng các hình thức tra tấn khác. Các đối tượng đã được phát hiện tại các trường ĐH, bệnh viện và cả nhà tù. Cuối cùng Dự án MKUltra cũng bị Quốc hội cho tạm ngưng.


6. Dự án Aversion

Dưới chế độ A-pác-thai ở Nam Phi, đại tá quân đội, nhà tâm lý học, Tiến sĩ Aubrey Levin đã được giao trọng trách "điều trị" cho những người đồng tính luyến ái. Hàng ngàn người đồng tính đã bị giam giữ tại bệnh viện quân sự Voortrekkerhoogte gần Pretoria. Ở đó, họ bị điều trị sốc điện nhằm "định hướng lại" giới tính của mình. Khi trải qua những liệu pháp tàn nhẫn này, họ được cho xem ảnh của đàn ông khỏa thân, rồi được khuyến khích tưởng tượng trước khi bị sốc điện nhiều lần. Khi chế độ A-pac-thai chấm dứt, Levin rời Nam Phi để tránh bị kết tội vi phạm nhân quyền, ông di cư tới Canada và hiện đang làm việc tại một bệnh viện trường Y.


7. Chuyển đổi giới tính vô cớ

Khi mới 7 tháng tuổi, dương vật của David Peter Reimer vô tình bị bóp méo trong lúc cắt bao quy đầu. Tiến sĩ John Money, một nhà tâm lý học, đã thuyết phục gia đình rằng nếu giới tính cậu được phân định lại là nữ thì sẽ giúp phát triển thành công hơn. Trong nhiều năm, dù Money liên tục báo cáo việc phân định lại đã rất thành công, nhưng cũng không thể khuyên nhủ được David. Trước khi tự tử ở tuổi 38, David đã khẳng định rằng mình chưa bao giờ mang giới tính nữ và anh cũng kể về một tuổi thơ bị trầm cảm, bị bạn bè trêu chọc và tẩy chay một cách tàn nhẫn.


8. Thí nghiệm nhà tù Stanford

Đây có lẽ là một trong những thí nghiệm nổi tiếng nhất, diễn ra vào tháng 8/1971. Mục đích của thí nghiệm này là tìm hiểu nguyên nhân gây nên xung đột giữa tù nhân và lính gác. 24 sinh viên nam được chỉ định làm quản giáo hoặc tù nhân một cách ngẫu nhiên, sau đó họ được bố trí theo vai trò ở một nhà tù thiết kế riêng, đặt ở tầng hầm của tòa tâm lý học ĐH Stanford. Những người đảm nhiệm vai trò canh gác đã nhanh chóng làm việc một cách nghiêm túc, họ thực hiện các hình phạt khắc nghiệt và bắt “tù nhân” chịu nhiều mức độ tra tấn tâm lý khác nhau. Và ngạc nhiên thay là nhiều tù nhân trong cuộc thử nghiệm này chỉ chấp nhận những hành vi bạo hành đó. Các biện pháp độc đoán được lính canh sử dụng dần trở nên cực đoan đến mức cuộc thử nghiệm bị dừng đột ngột chỉ sau 6 ngày.


9. Thí nghiệm Milgram

Vào năm 1961, 3 tháng sau khi Adolf Eichmann của Đức Quốc xã ra tòa vì tội ác chiến tranh của hắn, nhà tâm lý học Stanley Milgram của ĐH Yale đã tự hỏi làm thế nào mà Eichmann và hàng loạt đồng phạm ở Holocaust lại có thể sẵn sàng tuân theo lệnh cấp trên đến vậy. Để tìm được câu trả lời, Milgram đã bắt đầu một cuộc thí nghiệm, nhằm tìm ra mức độ sẵn sàng của một người trong việc tuân lệnh người có thẩm quyền. Có hai người tham gia vào cuộc thí nghiệm (một trong hai người là diễn viên bí mật) được tách vào hai phòng riêng và chỉ có thể nghe thấy tiếng nhau. Đối tượng được thử nghiệm sau đó sẽ đọc một loạt các câu hỏi cho diễn viên, mỗi khi diễn viên trả lời sai, đối tượng này sẽ ấn nút gây sốc điện cho diễn viên đó. Mặc dù nhiều người đã muốn dừng thí nghiệm ngay khi nghe thấy tiếng hét, nhưng sau khi biết là họ sẽ không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào thì hầu hết đều tiếp tục nhấn nút.


10. Thử nghiệm ma túy cho khỉ

Vào năm 1969, một cơ sở nghiên cứu đã thực hiện một thí nghiệm phi đạo đức lên động vật, nhằm tìm hiểu ảnh hưởng của việc nghiện ma túy. Rất nhiều con khỉ đã được huấn luyện để tự tiêm vào người chúng morphin, rượu, cocaine, codeine và nhiều loại amphetamine. Một khi đã học được cách tự tiêm, họ sẽ bỏ mặc chúng cùng một lượng lớn thuốc. Không có gì ngạc nhiên khi những con khỉ này trở nên cuồng loạn. Một vài con đã bị gãy tay chân khi cố gắng chạy thoát, những con khác thì vặt hết lông trên cơ thể, số khác thì trộn các loại thuốc với nhau và chết chỉ trong vài tuần.


11. Thí nghiệm biểu hiện khuôn mặt

Vào năm 1924, nhà tâm lý học Carney Landis của ĐH Minnesota đã bắt đầu nghiên cứu về những biểu hiện phổ biến trên khuôn mặt. Cụ thể, ông muốn biết liệu biểu hiện của sự hạnh phúc, sốc, ghê tởm, v.v. của mọi người có giống nhau hay không. Để tiến hành thí nghiệm này, ông đã tuyển một số sinh viên tình nguyện và tô màu đen lên các đường nét cơ mặt họ. Sau đó, ông cho từng TNV tiếp xúc với các nguồn kích thích khác nhau để chụp lại phản ứng của họ. Một số yếu tố kích thích có thể kể đến nội dung khiêu dâm, amoniac, chạm vào loài bò sát và chặt đầu chuột, thứ đã biến cuộc thí nghiệm này trở thành cái giống hệt như Thí nghiệm Milgram. Một phần ba TNV sẵn sàng chặt đầu chuột khi được bảo, mặc dù họ không biết làm việc đó một cách nhân đạo. Đối với những người do dự khi giết con chuột, Landis đã chặt đầu nó giúp họ.


12. Albert bé nhỏ

Những người trong ngành tâm lý học hẳn đã biết đến cái tên John Watson. Ông được mệnh danh là "Cha đẻ của Chủ nghĩa Hành vi" và thường xuyên sử dụng trẻ mồ côi trong các thí nghiệm của mình. Trong một thí nghiệm nổi tiếng và vô cùng phi đạo đức, Watson đã sử dụng một đứa trẻ mồ côi 9 tháng tuổi tên là Albert bé nhỏ. Lúc đầu, Albert được tiếp xúc với nhiều hình ảnh, âm thanh khác nhau, gồm thỏ, khỉ, tờ báo đang cháy và cả các loại mặt nạ. Trong giai đoạn hai của thí nghiệm, Watson đã giới thiệu tới Albert một con chuột trắng. Cũng như những vật khác, cậu bé không hề sợ hãi con chuột, chỉ cho đến khi Watson tạo tiếng động lớn bằng một thanh thép mỗi khi Albert chạm vào con chuột. Không có gì ngạc nhiên khi sự hiện diện của con chuột nhanh chóng trở thành sự đau đớn. Ngay sau đó, Albert thể hiện sự sợ hãi trước mọi thứ có lông tơ hoặc màu trắng. Cuối cùng, chứng minh cho giả thuyết của Watson rằng nỗi sợ hãi có thể điều chỉnh được.


13. Thí nghiệm búp bê Bobo

Ở Stanford vào thập kỷ 60, nhà tâm lý học Albert Bandura đã bắt đầu một thí nghiệm nhằm chứng minh cách mà trẻ em học hỏi hành vi. Thí nghiệm của ông gồm 72 trẻ ở độ tuổi tiểu học và một con búp bê lớn bằng hơi Bobo. Ông đã để một số đứa bé nhìn ​một người lớn bạo hành Bobo thô bạo cả về thể chất lẫn bằng lời nói, sau đó để đứa bé một mình trong phòng với con búp bê. Không ngạc nhiên gì khi một vài em cũng bắt đầu bạo hành nó, nhiều em còn có hành vi khá bạo lực. Ông đã lặp lại thí nghiệm của mình hai lần và đều nhận được những kết quả giống nhau.


14. Chiếc hố tuyệt vọng

Harry Harlow là nhà tâm lý học so sánh, người thực hiện thí nghiệm “Chiếc hố tuyệt vọng” phi đạo đức, trong đó ông thí nghiệm lên khỉ để tìm hiểu về chứng trầm cảm lâm sàng. Đối tượng thí nghiệm là những con khỉ từ 3 tháng cho đến 3 tuổi. Khi biết rằng khỉ con sẽ ở với mẹ lâu hơn hầu hết các loài động vật có vú khác, Harlow đã cô lập chúng một mình trong những căn phòng nhỏ. Mọi con khỉ đều rất gắn bó với mẹ, nên chúng nhanh chóng trở nên chán nản khi bị cô lập. Sau một khoảng thời gian ngắn, chúng ngừng chơi và ngừng tương tác, hai con thậm chí còn chết đói vì bỏ ăn. Thí nghiệm của ông đã bị nhiều người lên án là độc ác và không cần thiết, và hầu hết đều mọi người đều thấy kết quả là “điều khá hiển nhiên”.


15. Hiệu ứng bàng quan

Vào năm 1968, hai nhà tâm lý học Bibb Latané và John Darley bắt đầu quan tâm đến Hiệu ứng bàng quan  - giả thuyết cho rằng những người chứng kiến ​​không giúp đỡ ai đó khi họ đang ở trong một nhóm đông. Mối quan tâm của họ bắt nguồn từ vụ sát hại Kitty Genovese (trong ảnh), một phụ nữ trẻ bị đâm trước sự chứng kiến ​​của nhiều người, không ai trong số họ bước ra để cứu sống cô cả. Ban đầu, các thí nghiệm diễn ra tương đối vô hại, tuy nhiên, chẳng mấy chốc mà trở nên phi đạo đức. Các đối tượng thử nghiệm cùng một diễn viên được đưa vào phòng, sau đó diễn viên sẽ giả vờ lên cơn động kinh. Nghiên cứu cho thấy khi một nhóm đối tượng chứng kiến ​​vụ động kinh, rất ít người bước tới để giúp đỡ. Tuy nhiên, khi họ ở trong phòng một mình với diễn viên, nhiều người sẵn sàng bước tới giúp đỡ hơn.


16. Thí nghiệm Bất lực tập nhiễm

Năm 1965, Martin Seligman đã thực hiện một thí nghiệm lên chó một cách phi đạo đức, với mục đích tìm hiểu xem liệu có thể dạy chúng sự kiểm soát hay sự bất lực không. Đầu tiên, ông đặt một con chó vào chiếc hộp được chắn ngang ở giữa. Sau đó, ông thực hiện sốc điện để con chó chạy thoát ra bằng cách nhảy qua tấm chắn. Mọi con chó đều nhanh chóng hiểu được rằng nếu nhảy sang phía bên kia hộp thì sẽ tránh được cú sốc điện đau đớn. Nhưng không dừng lại ở đó, ông lại bắt tập hợp nhiều con với nhau để chúng không thể chạy thoát khi bị sốc điện. Ngày hôm sau, ông đặt những con đó vào chiếc hộp ban đầu, và dù lần này, chúng vẫn chỉ cần nhảy qua rào chắn để được an toàn, nhưng không con nào làm được điều đó. Ông đã dạy chúng cách trở nên bất lực.


17. Phân biệt chủng tộc giữa học sinh tiểu học

Đây là thí nghiệm gây tranh cãi duy nhất không tiến hành bởi nhà tâm lý học. Jane Elliott là một giáo viên tiểu học và đối tượng thí nghiệm chính là những học sinh 8 tuổi của bà. Vào năm 1968, vài ngày sau khi Martin Luther King, Jr. bị ám sát, bà đã cố gắng giải thích cho học sinh thế nào là phân biệt chủng tộc. Bà đã chia học sinh thành hai nhóm: một bên là học sinh có mắt màu nâu, bên còn lại có mắt màu xanh. Sau đó, Elliott coi những người có mắt xanh là nhóm cao cấp hơn, trích dẫn các nghiên cứu khoa học giả mạo để khẳng định những người có mắt xanh tài giỏi hơn các màu mắt khác. Sau một vài tuần, bà đổi ngược lại cho hai nhóm. Dù nhiều học sinh trong lớp nói thí nghiệm này đã giúp thay đổi cuộc sống của họ theo chiều hướng tốt, nhưng phương pháp của bà nhận về rất nhiều phản ứng dữ dội từ công chúng. Một số người không đồng tình với việc lừa dối trẻ em, những người khác thì không bằng lòng khi bà đối xử không tốt với học sinh da trắng.


18. Thí nghiệm tâm thần phân liệt của UCLA

Từ năm 1983, hai nhà tâm lý học nghiên cứu của UCLA là Michael Gitlin và Keith H. Nuechterlein đã có những thí nghiệm vô cùng phi đạo đức nhằm nghiên cứu lý do và cách những người bị tâm thần phân liệt tái phát. Họ muốn tìm hiểu xem liệu có khả năng để chẩn đoán chứng rối loạn tâm thần này hay không. Họ đã thử nghiệm lên hàng trăm bệnh nhân tâm thần phân liệt và dừng việc điều trị dang dở của họ. Thật không may, họ đã không lập kế hoạch thời gian thích hợp để các đối tượng quay lại liệu trình trị liệu ban đầu của họ, và cũng không bảo vệ được họ trong thời gian thử nghiệm. Việc này đã dẫn tới hậu quả là một đối tượng thử nghiệm, Antonio LaMadrid, tử vong khi nhảy từ nóc tòa nhà 9 tầng.


19. Thí nghiệm Người sa ma ri nhân lành

Thí nghiệm của ĐH Princeton này nhằm tìm hiểu mức độ sẵn sàng làm việc thiện của mọi người. Họ đã mời 40 sinh viên phát biểu quan điểm về dụ ngôn Người sa ma ri nhân lành, khi mỗi người lên phát biểu, họ sẽ trà trộn một diễn viên vào, người đó sẽ giả vờ như đang đau đớn tột độ. Với một số nhóm thử nghiệm, diễn viên thậm chí còn diễn như đang bị đau tim, một trường hợp vô cùng khẩn cấp. Thật ngạc nhiên, chưa đến 50% sinh viên dừng bài diễn thuyết để giúp đỡ diễn viên, và dưới 10% sinh viên thuộc nhóm “khẩn cấp” dừng thuyết trình. Dù đang thảo luận về dụ ngôn Người sa ma ri nhân lành nhưng nhiều người vẫn không sẵn lòng giúp đỡ người khác.


20. Thí nghiệm hang cướp

Lòng trung thành quả là một động lực mạnh mẽ, và điều này đã được minh chứng qua Thí nghiệm Hang cướp. Nhà tâm lý học Muzafer Sherif đã thực hiện nó trong suốt 3 tuần tại trại hè ở Công viên Hang động Bang Oklahoma. Ông đã chia các trại viên, những bé trai 11 - 12 tuổi, thành hai nhóm. Ban đầu, hai bên không biết về sự có mặt của nhau, và sau một vài ngày ở cùng nhóm, hai bên sẽ thi đấu nhiều trò với nhau. Các trò chơi vốn đã căng thẳng, nhưng Sherif luôn gian lận kết quả để điểm số cuối luôn sát nhau. May mắn là tới giai đoạn cuối của thí nghiệm, ông đã cho hai nhóm cùng nhau hướng tới một mục tiêu chung. Dù thí nghiệm gây ra nhiều tranh cãi về việc lợi dụng trẻ em, nhưng đến cuối thì bọn trẻ vẫn rất hòa thuận với nhau.

---------------

Tác giả: onlinepsychologydegree

Link bài gốc: 20 Most Unethical Experiments in Psychology

Dịch giả:  My Phạm - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: My Phạm - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

916 lượt xem

lh-fulllh-x