Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 5 Dấu Hiệu Cho Thấy Bạn Thuộc Kiểu Người Luôn Nghĩ Suy Và Lo Lắng Thái Quá

Rất nhiều người cho rằng, cảm giác lo sợ – bất an cũng là một đặc điểm tính cách của con người – một loại tính cách ta sinh ra đã có, một loại tính cách đẩy ta vào vòng xoáy của sự lo lắng kinh niên với một lòng tự trọng thấp. Những ai đã phải sống với một tâm trí lo lắng xuyên suốt cả phần đời của họ, ắt sẽ hiểu rất rõ về vòng xoáy ấy, nhưng, phải thật tinh ý mới nhận ra được lý do thật sự tại sao tâm hồn ta lại bị bủa vây trong sự bất an: Bất kể điều gì làm ta cảm thấy không an toàn ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc, thói quen của ta mới chính là yếu tố làm ta cứ vậy mà lo âu hoài….Với tư cách là một nhà tâm lý học, tôi đã tìm ra cách tốt nhất để thoát khỏi vòng lặp của những suy nghĩ làm dấy lên một tâm thế căng thẳng, và đó chính là xác định những thói quen đã luôn “ấp ủ” mầm mống của sự lo lắng trường kỳ trong ta.

Loài người vốn đã có một trang sử, một lối sống vô cùng phức tạp. Nhưng, nếu bạn muốn trở nên tự tin hơn, và ít âu lo hơn với đời, thì việc giải quyết một hay hai thói quen độc hại ấy ắt sẽ mang lại một sự thay đổi lớn.

1. Luôn chỉ trích người khác

Kỹ năng phán xét vốn không phải là một điều gì đó xấu…Suy cho cùng, để có thể thành công làm chủ cuộc sống, ta buộc phải phân biệt và đánh giá những người xung quanh, những vấn đề phát sinh, hay những tình huống ta gặp phải ở đời để có thể đưa ra những quyết định đúng đắn.

Ví dụ, cách tốt nhất để đi đến một cuộc hôn nhân bất hạnh chính là không tìm hiểu rõ về đối tượng mà ta sắp kết hôn. Kỹ năng phán xét quả là một kỹ năng quan trọng, nhưng, vấn đề ở đây là kỹ năng này có thể bị vận dụng một cách thái quá…Những người luôn bị bủa vây bởi sự âu lo sẽ phán xét người khác như một cách để giúp bản thân họ cảm thấy tốt hơn.

Bạn đã hiểu rõ vấn đề mấu chốt ở đây chưa? Những ai luôn cảm thấy cuộc sống thật bấp bênh sẽ bị ám ảnh bởi suy nghĩ - bản thân họ thật tồi tệ. Thông thường, họ sẽ không biết có những phương pháp tích cực và hiệu quả nào có thể làm họ cảm thấy tốt hơn. Chính vì vậy, họ lại phải viện đến việc chỉ trích những người khác.

Nhưng tại sao chỉ trích người khác lại làm họ cảm thấy tốt hơn? Đây mới chính là vấn đề cốt lõi: về lâu về dài, nhiếc móc người khác sẽ không làm họ thấy khá hơn được đâu, rồi họ cũng sẽ cảm thấy tội lỗi, cảm thấy bản thân thật tồi tệ, sự bất an cứ vậy mà dâng trào.

Trong một vài thời điểm nhất định, ta so sánh bản thân mình với người khác, và rồi chỉ trích họ, ta ắt sẽ cảm thấy dễ chịu. Ví dụ, khi ta nghĩ về một đồng nghiệp, về cách anh ta bình luận trong cuộc họp mới ngu ngốc làm sao, ta đang tự cho là bản thân mình thông minh – cảm giác ấy rất chi là tuyệt vời. Khi ta trách móc cô vợ nhà luôn luôn quên mang rác ra ngoài đổ, ta đang tự cho rằng bản thân mình là một người chu đáo – cảm giác ấy cũng thật là tuyệt vời. Khi ta cười thầm trong đầu vì cách ăn mặc của cậu bạn quá lố bịch, ta đang tự cho rằng bản thân mình rất có gu ăn mặc, diện đồ rất tinh tế - cảm giác mới tuyệt làm sao.

Những lời phán xét hữu ích có thể xây dựng được một thế giới tốt đẹp hơn, còn những lời phán xét vô dụng thì chỉ có chức năng thỏa mãn cái tôi mà thôi. Nếu bạn muốn giảm bớt lòng âu lo, hãy thử ngưng việc phán xét người khác để kiếm về một niềm vui giả tạo – bởi rồi sẽ có một ngày, hành vi này tất sẽ phản tác dụng.

“Bạn chỉ trích người khác ở điểm nào, thì chính bản thân bạn cũng đang thiếu sót điểm đó” ― Shannon L. Alder

2. Không biết nói lời Từ chối

Một trong những lý do lớn nhất khiến ta luôn đắm chìm trong âu lo, nghĩ suy là ta không biết cách nói “Không” đối với đề nghị của người khác.

Ví dụ: Bà mẹ chồng bất chợt muốn ghé qua thăm nhà để chơi với cháu nội, nhưng bạn đang phải trải qua một ngày bận rộn, bạn không muốn có thêm trận stress nào từ việc đón tiếp bà ấy cả, nhưng bạn lại sợ mẹ chồng nghĩ xấu về mình, bạn đành mở lời chấp nhận.

Khi bạn đã hoàn toàn kiệt sức, bạn bị khủng hoảng tinh thần vì công việc bởi có quá nhiều dự án phải hoàn thiện, anh quản lý lại ghé qua văn phòng, và hỏi xem liệu bạn có thể nhận thêm một dự án mới không. Bạn sợ sẽ mất đi uy tín “Anh chàng việc đâu cũng vào đó”, bạn gật gù đồng ý và càng cảm thấy stress hơn.

Nếu bạn không bao giờ biết cách lựa lời từ chối, bạn sẽ phải sống vì người khác, thay vì chính bản thân mình. Và nếu bạn trải qua hàng tháng, hàng năm, hàng thập kỷ, sống một cuộc sống vì người khác, làm sao bạn mới có thể yên lòng và tràn đầy tự tin để tận hưởng cuộc sống của mình được đây? Mỗi lần bạn hy sinh bản thân để chấp nhận một đề nghị từ người khác, bạn đang tự huyễn hoặc mình rằng mọi ước muốn của bạn đều không quan trọng. Nếu hành động này trở thành một thói quen, cũng không có gì phải ngạc nhiên khi bạn dần dà, đánh mất đi giá trị của bản thân!

Nếu bạn muốn giải bớt lòng sầu lo, bạn phải học cách vựng dậy vì chính mình, vì ý muốn và nhu cầu của bản thân. Ước muốn của bản thân bạn, cũng quan trọng như ước muốn của mọi người.

“Phải rất dũng cảm mới có đứng lên chống lại quân thù, nhưng cũng phải thật sự dũng cảm mới có thể đứng lên bảo vệ bạn bè.” ― J.K. Rowling

3. Tìm kiếm sự đảm bảo từ người khác

Tìm kiếm sự bảo đảm từ người khác là một trong những hành vi tồi tệ nhất ta sử dụng với mục đích xoa dịu bản thân. Khi ta tìm kiếm sự hỗ trợ từ người khác, theo thói quen, ta đang nói với chính bản thân mình rằng, ta không có đủ khả năng tự lực giải quyết các khó khăn. Khi thói quen này đã ăn sâu bám rễ vào tâm trí ta, ta liền cảm tưởng rằng…bản thân thật vô tích sự.

Rõ ràng rằng, nương tựa vào người khác sẽ mang lại cho ta cảm giác an toàn ngay tức khắc: Khi ta lo lắng và không thể tự mình đưa ra quyết định, hỏi thăm ý kiến từ người khác có thể khuây khỏa đi phần nào những bất an trong lòng. Khi ta sợ hãi bản thân sẽ bị người đời phán xét vì đã lựa chọn cái này thay vì cái kia, trông đợi vào ý kiến của người khác có thể xóa tan đi nỗi sợ bị người người bàn tán. Khi ta lo lắng về diện mạo của bản thân, nhờ người khác tư vấn có thể giúp ta bớt lo âu phần nào và tự tin hơn đôi chút. Tuy nhiên, liên tục trông cậy vào người khác có thể ảnh hưởng lớn tới sự tự tin trong ta, về lâu về dài:

Nếu ta luôn trông cậy vào người khác để cảm thấy khá hơn, ta không bao giờ học được cách tự mình vực dậy từ ánh tro tàn.

Nếu thân tâm bạn tin rằng, bản thân không có đủ khả năng đương đầu với khó khăn, đương đầu với mọi khổ đau, tinh thần bạn liền đắm chìm trong vực sâu muôn trượng. Nếu bạn muốn bình tâm và lấy lại được sự tự tin vốn có, hãy học cách tự mình vượt qua bắt đầu từ những cơn khủng hoảng nhỏ.  

“Bạn không thể vươn tới những chân trời mới nếu như bạn không có đủ sự dũng cảm để bỏ xa bến bờ.” ― William Faulkner

4. Hiếu chiến mà thụ động trong giao tiếp

Sự hiếu chiến mà thụ động trong giao tiếp thể hiện ở điểm, bạn muốn đạt được một điều gì đó nhưng lại quá sợ hãi phải tranh cãi khi bản thân trực tiếp đưa ra lời đề nghị. Bởi vậy nên bạn cố gắng làm cho người khác thuận theo ý muốn của mình bằng những mánh khóe thao túng đầy tinh vi. Đây chính là một trong những loại hình giao tiếp tồi tệ nhất bởi nó là sự kết hợp của bản tính thụ động, của nỗi sợ trực tiếp đưa ra lời đề nghị, cũng như ham muốn được kiểm soát người khác.

Những người vừa hiếu chiến vừa thụ động trong giao tiếp là những người luôn biết cách che dấu bản tính hiếu thắng của bản thân để trốn tránh trách nghiệm. Ví dụ, luôn đưa ra quyết định muộn màng thường là một thói quen tiêu biểu của kiểu người này, bởi họ đang muốn đạt được những gì họ cần (dành nhiều thời gian hơn cho bản thân) mà không cần phải gánh bất kỳ một trách nghiệm nào, đồng thời, tránh để bản thân phải hứng chịu chỉ trích (họ sẽ lấy cớ “tắc đường quá mà!”), nhưng, cũng giống như những thói quen đã được liệt kê trong bài viết này, bản tính vừa hiếu chiến, vừa thụ động sẽ chỉ “hoạt động” trong một quãng thời gian nhất định mà thôi.

Chắc chắn bạn sẽ nhận được những điều mình mong đợi từ người khác, nhưng suy cho cùng, rồi thì mọi người cũng sẽ mệt mỏi vì cách hành xử như vậy, và sẽ ngừng chiều theo ý bạn: Bạn sẽ không bao giờ được lĩnh tiền thưởng trong công việc như bạn hằng mong muốn, bạn không được mời đến dự các sự kiện hoặc các bữa tiệc liên hoan nữa, các mối quan hệ của bạn dần rạn nứt và tan vỡ.

Những người vừa hiếu chiến – vừa thụ động thường sẽ kết thúc trong cảnh đơn độc mà phẫn uất. Có thể, họ sẽ lại đổ lỗi cho người khác, nhưng tận sâu bên trong, họ bực bội vì chính mình, vì đã không đủ can đảm để thật thà và thẳng thắn nêu ra quan điểm của bản thân.

Ắt hẳn, sự cô đơn lạc lõng, tự trách móc bản thân, và cảm giác bất an sẽ đeo bám bạn từ đó. Có một tin tốt là, bạn có thể từ bỏ thói quen này khi học cách giao tiếp thẳng thắn. Đây là một kỹ năng có khả năng cao sẽ trau dồi được, đặc biệt là khi bạn bắt đầu từ những bước nhỏ và dần dần cải thiện bản thân.   

“Bạn có thể lừa gạt một vài người vào mọi thời điểm, hay lừa gạt mọi người trong một vài thời điểm, nhưng bạn không thể lừa gạt tất cả mọi người trong mọi thời điểm được.” ― Abraham Lincoln

5. Tích cực thái quá

Không có gì là sai khi ta cố gắng vui vẻ và lạc quan cả - quả thật, đây đều là những cảm xúc lành mạnh. Nhưng, sự lạc quan thái quá lại là cả một câu chuyện khác: Ta lợi dụng tính lạc quan để đánh lạc hướng bản thân khỏi những điều cực kỳ tồi tệ, những điều tiêu cực, hay những điều đớn đau.

Giả dụ, khi người bạn thân nhất của ta nhắn tin hỏi thăm, mặc dù khi ấy, ta vừa trải qua một cuộc cãi cọ thậm tệ với vợ nhà, cảm xúc thật là tồi tệ, ta lo lắng cho quan hệ vợ chồng sẽ lung lay trực đổ, ta lại cố gắng gom góp đủ niềm vui và nói với cậu bạn ý rằng, “Ừ! Mọi chuyện đều ổn cả.” và rồi lại tiếp tục tán gẫu về những điều hạnh phúc trong cuộc sống. Nguy hiểm ở chỗ, ta đang thực sự gặp khó khăn – nếu cứ khăng khăn bản thân mình ổn, ta sẽ trì hoãn việc đối đầu với những khó khăn ấy. Trong trường hợp này, ta lảng tránh sự chân thành giúp đỡ từ các mối quan hệ xã hội bởi ta quá xấu hổ vì chuyện nhà chuyện cửa. Sự lạc quan thái quá cũng chẳng khác chi một “bộ đồ xa xỉ”...

Tất nhiên, khi bạn cảm thấy mỏi mệt và phiền lòng, bạn cũng không nhất thiết phải tâm sự hết ra, tuy nhiên, bạn cũng cần phải lưu ý rằng, sẽ rất dễ để hình thành một thói quen trốn tránh những điều tiêu cực, kiên quyết đeo lên một “chiếc mặt nạ” hoàn mỹ mọi lúc mọi nơi.

Bên cạnh việc đánh lạc hướng bạn khỏi con đường giải quyết những vấn đề cốt lõi trong cuộc sống – bao gồm cả việc kiểm soát những xúc cảm tồi tệ - sự lạc quan thái quá còn bao hàm một khía cạnh tiêu cực khác: Nó chỉ là một tấm mặt nạ da người mà thôi.

Cực kỳ khó để có thể tin tưởng những ai ngày ngày chỉ biết…đeo mặt nạ.

Khi bạn liên tục “sắm vai” một nhân vật nào đó, rồi sẽ có một ngày, những người bạn không thể sống thiếu sẽ nhận ra sự khác thường nơi bạn, và rồi, liền tỉnh ngộ ra rằng bạn không phải là một người mà họ muốn ở bên. Chính vì vậy, nếu bạn muốn có một cuộc sống an yên, thi thoảng, hãy từ từ giải phóng cảm xúc tiêu cực của bản thân ra ngoài. Rồi bạn cũng sẽ cảm thấy nhẹ lòng hơn thôi!

“Khi bạn đã đeo lên một chiếc mặt nạ quá lâu, bạn sẽ dần quên mất con người thật của mình.” ― Alan Moore

 ----------

Tác giả: Nick Wignall

Link bài gốc: 5 habits of highly insecure people

Dịch giả: Trần Ngọc Phương Thư - ToMo Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Ngọc Phương Thư - Nguồn: ToMo Learn Something New ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

25,287 lượt xem