Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 7 Điều Có Thể Bạn Chưa Biết Về Lạc Quan Và Bi Quan


Nội dung chính:

            Những nghiên cứu từ trước đến nay đã chỉ ra rằng lạc quan có thể mang lại lợi ích với hạnh phúc, mối quan hệ và sức khỏe của chúng ta.

            Tuy nhiên, bi quan phòng vệ (“defensive pessimism”) tức là việc đặt kỳ vọng thấp hơn và xem xét đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra có thể giúp giảm đi sự lo âu.

            Bi quan phòng vệ sẽ cực kỳ hữu ích khi hậu quả xảy đến có thể rất nghiêm trọng và khi mà chúng ta có thể làm gì đó để ngăn cho điều đó xảy ra.


Lạc quan là một trong những đức tính được đề cao ở con người. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng người lạc quan có cuộc sống tốt hơn những người bi quan, ít nhất là về: sức khỏe thể lý và tinh thần, khả năng phục hồi, mối quan hệ, sự nghiệp, quản lý cơn đau, hay thậm chí là cả tuổi thọ. Theo khoa học và niềm tin trong văn hóa, khi chúng ta có những suy nghĩ tích cực, vui vẻ và mong muốn những điều tốt đẹp, chúng ta sẽ nhận được những kết quả tốt đẹp.

Tuy nhiên, điều đó có phải là tất cả hay không? Có phải lạc quan sẽ phù hợp với mọi hoàn cảnh? Và bi quan sẽ không mang lại bất kỳ lợi ích nào?

Nghiên cứu của nhà  tâm lý học Julie Norem đã chứng minh điều ngược lại.

Trong gần bốn thập kỷ, tiến sĩ Norem đã nghiên cứu về bi quan phòng vệ. Đây là cách nhận thức đặt kỳ vọng thấp hơn và suy nghĩ đến tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong tương lai. Việc không có nhiều hy vọng này sẽ giúp chúng ta kiểm soát sự lo lắng và có cảm giác kiếm soát tốt hơn.

Trong nghiên cứu của  tiến sĩ Norem đã chỉ ra rằng, việc sử dụng cơ chế bi quan phòng vệ có mối liên hệ với việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa đại dịch Covid 19 (như: rửa tay, đeo khẩu trang, giãn cách xã hội, vv.) và các hành vi làm giảm nguy cơ (như gặp mặt trong nhà với những người mà mình không sống chung.) Tiến sĩ Norem giải thích rằng: “Không còn nghi ngờ gì nữa, người bi quan phòng vệ sẽ lo lắng nhiều hơn những người lạc quan. Tuy nhiên, họ cũng sẽ chủ động hành động và nỗ lực nhiều hơn để giảm sự lo lắng và kiếm soát sự nguy hiểm có thể xảy đến.”

Một trong những điều bất ngờ trong nghiên cứu của tiến sĩ Norem là dường như có điều gì đó tích cực đằng sau việc bi quan. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là khi mọi người nhận thấy mình là người bi quan, họ cảm thấy nhẹ nhõm và được chấp nhận.

Dưới đây là 7 điều bạn có thể không biết về lạc quan và bi quan, 2 ví dụ về lợi ích của bi quan phòng vệ và 2 cách để gia tăng sự lạc quan.



1. Một Người Chỉ Có Thể Là Lạc Quan Hoặc Bi Quan Có Đúng Không?

Sai. Góc nhìn của một người có thể khác nhau dựa trên những lĩnh vực khác nhau. Chẳng hạn, bạn có thể là người lạc quan trong đời sống xã hội và bi quan trong công việc. Hơn nữa, chúng ta có thể coi lạc quan - bi quan là xu hướng mong đợi những điều tốt hoặc xấu (mức độ đặc điểm) hay các trải nghiệm cảm xúc (tích cực hoặc tiêu cực) như thế nào (mức độ thay đổi cảm xúc do tính khí của một người).

Lạc quan và bi quan là những xu hướng, chiều hướng và chúng ta không dùng chúng để xác định mong muốn cụ thể của một người trong những tình huống cụ thể. Mặc dù những xu hướng này có thể bị ảnh hưởng bởi di truyền, nhưng chúng cũng chỉ hướng chúng ta theo một hướng nhất định. Chúng ta vẫn có quyền tự do hành động.

 

2. Người Lạc Quan Là Do Sinh Ra Đã Có Và Không Thể Tự Tạo Dựng Là Đúng Hay Sai?

Nhận định này đã khái quát quá mức vấn đề. Mặc dù không có nhiều bằng chứng chứng minh rằng chúng ta có thể loại bỏ xu hướng suy nghĩ bi quan của mình do những trải nghiệm tiêu cực trong quá khứ, nhưng những nghiên cứu trong trị liệu nhận thức đã cho thấy, con người có thể học cách để thay đổi những niềm tin tiêu cực của mình. Chúng ta có thể thay đổi cách mà chúng ta nhìn nhận vấn đề. Việc thay đổi là không dễ dàng, nhưng hoàn toàn là có thể.


3. Có Phải Việc Trở Thành Một Người Lạc Quan Sẽ Tốt Hơn Là Trở Thành Một Người Bi Quan Hay Không?

Sai. Các nghiên cứu của Nhật Bản đã chứng minh rằng, người bi quan phòng vệ làm tốt hơn người lạc quan về mức độ ảnh hưởng và hiệu suất thực tế. Những nghiên cứu của Mỹ cũng chỉ ra, người bi quan phòng vệ và người lạc quan có hiệu suất công việc trung bình là như nhau. Người bi quan phòng vệ có thể có những suy nghĩ tiêu cực nhiều hơn, nhưng điều đó không có nghĩa là họ có ít ảnh hưởng tích cực hơn.

Ở Mỹ, mọi người thường tin rằng, khi bạn càng có nhiều suy nghĩ tích cực thì kết quả đạt được sẽ càng tốt. Khi có những suy nghĩ tiêu cực, mọi người sẽ tìm cách để loại bỏ nó trong suy nghĩ của mình, bởi vì những suy nghĩ đó khiến mình có cảm giác như mình là một kẻ thất bại vậy. Tuy nhiên, trong những nền văn hóa khác, bao gồm Nhật Bản, một cuộc sống lý tưởng là sự cân bằng cảm xúc. Một người biết điều chỉnh tốt là người nhận ra mình có cả những mặt tích cực và tiêu cực ở hầu hết tất cả mọi mặt trong cuộc sống và họ cho mình cơ hội trải nghiệm tất cả.


4. Có Phải Là Người Bi Quan Có Nguy Cơ Mắc Trầm Cảm Cao Hơn Người Lạc Quan?

Đúng. Về những đặc điểm chung, người bi quan có nguy cơ mắc trầm cảm cao hơn so với người lạc quan. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể thì lại phức tạp hơn so với nhận định trên hơn nhiều. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người bi quan phòng vệ thực tế có ít nguy cơ mắc trầm cảm hơn so với những kiểu người bi quan khác, và gần như là không chênh lệch so với người lạc quan. Điều làm tăng nguy cơ trầm cảm ở những người bi quan là khi nó kết hợp với sự vô vọng. Đó là khi người bi quan cảm thấy rằng họ không thể kiểm soát các tình huống trong cuộc sống.

Khi so sánh giữa người bi quan phòng vệ và người bi quan tin vào định mệnh (“fatalistic pessimism”), chúng ta sẽ nhận thấy rõ điều đó. Người bi quan phòng vệ có xu hướng sẽ làm điều gì đó để thay đổi cuộc sống của mình hay hoàn thành công việc của mình. Ngược lại, những người bi quan tin vào định mệnh có thể có cùng xu hướng với những người bi quan phòng vệ là nghĩ đến những mặt tiêu cực, nhưng thay vì chủ động tìm kiếm điều họ có thể làm, họ cho rằng tất cả mọi thứ là định mệnh, họ có số phận như hiện tại, và không có hy vọng, không có cách nào để thay đổi. Đó là con đường dẫn đến trầm cảm.


5. Phải Chăng, Lạc Quan Là Thành Phần Quan Trọng Trong Sự Phát Triển Của Con Người Và Bi Quan Là Yếu Tố Gây Cản Trở Cuộc Sống Hạnh Phúc?

Đây là nhận định đã đơn giản quá mức vấn đề. Nếu bạn cho rằng sự phát triển trong khía cạnh cảm xúc là các cảm xúc tích cực thì rõ ràng lạc quan giống với những gì cho bạn trải nghiệm về cảm xúc tích cực. Nhưng do điều này có liên quan đến xu hướng cảm xúc theo tính khí của mỗi người để trải nghiệm cảm xúc tích cực nên sẽ không biết cái nào xảy ra trước. Chúng ta cũng không biết chắc là những cảm xúc tích cực đem đến lạc quan thì có liên quan đến những người không lạc quan hay không. Điều đó sẽ không giống như là nếu con người giả vờ lạc quan thì mọi việc sẽ dần dần tốt lên vậy.


6. Người Bi Quan Có Thể Có Một Cuộc Sống Hạnh Phúc Không?

Có. Giá trị về hạnh phúc sẽ có sự khác biệt rất lớn giữa mỗi người. Người bi quan phòng vệ cũng có những khoảnh khắc hạnh phúc và tận hưởng cuộc sống. Tuy nhiên, đó không phải là điều mà họ tập trung vào. Thay vào đó, họ không muốn họ phải hối tiếc, họ hướng tới mục đích của mình. Họ muốn cảm thấy mình đã cố gắng hết sức và họ muốn kiểm soát sự lo lắng để nó không làm ảnh hưởng đến mục đích của họ.

Thêm vào đó, người bi quan phòng vệ có thể có mối liên hệ với cảm xúc tiêu cực. Với nhiều người, khi nhận thấy mình đang lo lắng, việc đầu tiên họ muốn làm là loại bỏ sự lo lắng đó và thay thế chúng bằng những cảm giác vui vẻ. Sức mạnh của những người bi quan phòng vệ nằm ở chỗ họ có thể nói “Tôi nhận ra là mình đang lo lắng. Tôi biết mình cần phải làm gì với nỗi lo này và tôi sẽ không để nó cản trở mình.” Điều này khác với việc phủ nhận rằng mình đang lo lắng, hay cố gắng kìm nén hoặc trốn tranh nó.


7. Có Phải Không Có Mặt Trái Nào Của Sự Lạc Quan?

Sai. Ở hiện tại, lạc quan gần như luôn luôn tốt bởi vì nó có sự liên quan chặt chẽ với cảm giác vui vẻ, hạnh phúc. Mặt trái của sự lạc quan sẽ hiện lên khi mà chúng ta nhìn vào cách mà một người lên kế hoạch và dự đoán các sự kiện cho tương lai. Người bi quan sẽ không bao giờ bất ngờ nếu như có gì đó xảy ra không như ý, trong khi đó, những người lạc quan thường sửng sốt trước những thất bại. Một kết quả không tốt nếu được dự đoán từ trước sẽ tốt hơn là không được dự đoán trước đó. Bạn sẽ thiếu khả năng thích nghi với hoàn cảnh nếu như bạn luôn luôn mong đợi những điều tốt đẹp sẽ xảy đến và liên tục thất vọng.

John McCain, người nổi tiếng viết về sự đau khổ của những người lạc quan trong nhà tù đã viết rằng, họ liên tục nói với bản thân họ rằng họ sẽ được tự do vào một ngày nào đó, và khi điều đó không bao giờ xảy đến, họ thực sự tuyệt vọng. Đó có thể là một ví dụ cực đoan, nhưng nó giúp chúng ta hình dung rõ vấn đề. Một trong những rủi ro khác của sự lạc quan là luôn suy nghĩ tích cực có thể khiến bạn quá tự tin và bỏ qua những nguy cơ hoặc vấn đề tiềm ẩn mà bạn cần xem xét kỹ lưỡng.

Thêm vào đó, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người lạc quan sẽ chống lại các thách thức rất tốt trong thời gian ngắn. Khi hệ miễn dịch hoạt động mạnh, với nhiều phản ứng xảy ra trong cơ thể sẽ giúp chúng ta chống lại cảm lạnh rất tốt. Tuy nhiên, khi những thách thức này tiếp tục kéo dài, hệ thống miễn dịch của chúng ta càng có khả năng gặp vấn đề. Bạn không thể giữ mức hoạt động mạnh của hệ miễn dịch mãi được.


Khi Nào Thì Bi Quan Phòng Vệ Có Ích?

Khi hậu quả xảy đến có thể rất nghiêm trọng

Khi chúng ta có thể làm gì để ngăn không cho hậu quả đó xảy ra.

Nếu bạn đang ở trong một tình huống mà thảm họa chắc chắn sẽ xảy ra và bạn không thể làm điều gì để ngăn cản chúng, bi quan phòng vệ sẽ không có tác dụng gì cả. Tương tự như thế, nếu bạn đang ở trong một tình huống mà kết quả xảy không có gì quan trọng (ví dụ như bạn lên kế hoạch nên đi con đường nào để đến cửa hàng tạp hóa) thì bi quan phòng vệ sẽ khiến bạn mất nhiều hơn được. Tuy nhiên, nếu bạn đang ở trong một hoàn cảnh mà hậu quả xảy đến có thể rất nghiêm trọng, bi quan phòng vệ sẽ có ích rất nhiều. Ví dụ, tôi muốn để một người bi quan phòng vệ phụ trách một lò phản ứng hạt nhân để họ có thể lường trước mọi sai sót có thể xảy ra và tìm cách ngăn chặn nó.


Làm Thế Nào Để Trở Nên Lạc Quan Hơn?

- Cố gắng dành thời gian để suy nghĩ về những điều tốt đẹp trong cuộc sống của bạn. Việc này sẽ giúp những trí nhớ tích cực của bạn có thể gợi lại ngay lập tức, từ đó giúp bạn dễ dàng tưởng tượng thấy những điều tốt đẹp trong tương lai.

- Tạo dựng các khung cảnh khác nhau về các tình huống nhất định và nhớ rằng các khung mà bạn đã tạo ra không phải lúc nào cũng gắn liền với tình huống đó. Điều này giúp bạn nhận thấy bạn có quyền lựa chọn cách nhìn nhận vấn đề của mình. Khi có thể, hãy thực hiện sự lựa chọn đó. 

--------------------------

Tác giả: Marianna Pogosyan Ph.D.

Link bài gốc: 7 Myths About Optimism and Pessimism

Dịch giả: Tâm Tâm - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Tâm Tâm - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

70 lượt xem

lh-fulllh-x