Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 7 Góc Nhìn Phê Bình Khi Đánh Giá Một Bộ Phim

Điều quan trọng nhất cần ghi nhớ khi phân tích một bộ phim là mỗi khung hình và khoảnh khắc đều được sắp đặt có chủ ý để tạo hiệu ứng đối với người xem. Về lý thuyết, không có gì là ngẫu nhiên – dù là cách mà diễn viên nói một câu thoại, phương pháp dựng cảnh quay cho một khoảnh khắc trong phim, hoặc thậm chí là loại đèn cụ thể được đặt ở hậu cảnh.

Nhìn chung, việc xây dựng một bộ phim có thể cực kỳ phức tạp, nhưng lý do đằng sau mọi quyết định gần như luôn luôn liên quan đến câu chuyện mà bộ phim truyền đạt và cách nó ảnh hưởng đến người xem. Với ý nghĩ đó, dưới đây là bảy hướng phân tích một bộ phim cơ bản để bắt đầu đánh giá nó từ quan điểm phê bình.


1. Chỉ đạo

Hãy hình dung đạo diễn cũng giống như một vị tướng. Vị này tuyển tất cả những người đứng đầu bộ phận sáng tạo chủ chốt và thúc đẩy họ thực hiện tầm nhìn của mình, nhưng không thể thể kiểm soát toàn bộ khía cạnh kỹ thuật diễn ra trên phim. Thay vào đó, đạo diễn phải chú ý đến tầm nhìn tổng thể và đảm bảo rằng nó đang được hiện thực một cách hiệu quả nhất tại mọi thời điểm.

Một đạo diễn đảm nhiệm xuất sắc vai trò của mình có thể là một bước ngoặt quan trọng trong một bộ phim. Tùy thuộc vào cách người đạo diễn tưởng tượng ra những phân cảnh trong phim, cảnh phim có thể sẽ không thể hiện được tinh thần được hình dung ban đầu. Sau đó, đạo diễn sẽ chuyển sang chế độ giải quyết vấn đề: nếu đó là vẫn đề liên quan đến diễn xuất, sẽ có một cuộc thảo luận với các diễn viên; nếu phân cảnh có thể được chiếu sáng hoặc quay khác đi một chút, một cuộc thảo luận với nhà quay phim sẽ diễn ra; hoặc có thể lời thoại cần thay đổi vì kịch bản không diễn biến như dự định.

Mặc dù các yếu tố tiếp theo rất quan trọng đối với thành công của bộ phim, nhưng điều quan trọng cần lưu ý là trách nhiệm của đạo diễn suy cho cùng là truyền đạt những gì mình muốn. Đó là lý do tại sao đạo diễn là người đầu tiên được khen ngợi vì thành công của bộ phim và cũng là người đầu tiên gánh vác trách nhiệm nếu đó là một thất bại. Mặc dù một đạo diễn có thể có sẵn các diễn viên và ê-kíp tài năng nhất, nhưng công việc của đạo diễn vẫn phải là đảm bảo những mảnh ghép ấy được đặt đúng vị trí và biết khi nào cần thực hiện một thay đổi cần thiết.


2. Kịch bản


Khi xem xét một câu chuyện về bộ phim từ góc độ cấu trúc, điều quan trọng là phải nhớ rằng phần lớn các bộ phim rơi vào kết cấu ba phần: bắt đầu, phát triển và kết thúc. Không phải các nhà biên kịch lười biếng, mà bởi vì kết cấu được xây dựng chỉ nhằm mục đích đơn giản là truyền đạt câu chuyện, và rất khó, dù không phải là không thể, để kể một câu chuyện nằm ngoài kết cấu này.

Đối với một kịch bản, thời điểm quan trọng đầu tiên bạn nên chú ý là sự cố có chủ đích. Thông thường, tại cột mốc khoảng mười phút sẽ có một khoảnh khắc đưa nhân vật chính hướng tới câu chuyện sẽ thống trị phần còn lại của bộ phim. Xung quanh mốc ba mươi phút, thường có một bước ngoặt lớn - thời điểm mà nhân vật chính không thể quay đầu lại - điều đó báo hiệu sự bắt đầu của phân đoạn thứ hai nơi phần lớn bộ phim sẽ diễn ra. Cuối cùng, vào khoảng thời gian chín mươi phút, bước ngoặt thứ hai sẽ báo hiệu bộ phim đang dần đi đến kết cục và hướng giải quyết.

Ngày nay, dĩ nhiên có những bộ phim không hoàn toàn tuân theo cấu trúc ba phần, nhưng phần lớn các bộ phim đều thực hiện và bạn có thể bắt đầu nhận ra khi nào những khoảnh khắc hoặc thay đổi quan trọng sẽ xảy ra nếu bạn nắm rõ công thức chung. Đối với những bộ phim không có kết cấu ba phần, việc biết khi nào họ vi phạm các quy tắc có thể giúp người xem phân tích cách họ thoát ly khỏi kết cấu ba phần và lý do tại sao.


3. Quay phim


Nhà quay phim, hay đạo diễn hình ảnh, là người chỉ đạo sáng tạo quan trọng được giao nhiệm vụ chuyển tầm nhìn của đạo diễn thành những thước phim thực hoặc hình ảnh kỹ thuật số. Điều này có thể bao gồm việc lựa chọn máy ảnh, chọn ống kính, dàn dựng ánh sáng hoặc bất kỳ lựa chọn về mặt hình ảnh nào khác có thể truyền tải tốt nhất tầm nhìn của đạo diễn.

Mối quan hệ giữa nhà quay phim và đạo diễn rất khác nhau tùy thuộc vào trình độ kỹ thuật mà đạo diễn sở hữu - Stanley Kubrick nổi tiếng hiểu rõ những gì ông muốn từ nhà quay phim của mình đến từng chi tiết nhỏ nhất - nhưng các nhà quay phim thường được trao quyền sáng tạo để hoàn thành vai trò của họ: xây dựng phần hình ảnh cho bộ phim.

Lần tới khi bạn xem một bộ phim, hãy chọn ra một phân cảnh và suy nghĩ về tinh thần mà phân cảnh ấy muốn thể hiện. Đó có phải là một cảnh lãng mạn? Gay cấn? Từ đó, hãy xem ánh sáng và cách phân cảnh được quay đã truyền tải tinh thần đó hoặc câu chuyện như thế nào. Nếu nó không khớp với nhau, hãy nghĩ về lý do tại sao quyết định đó được đưa ra và nó gây ảnh hưởng như thế nào đến người xem.


4. Biên tập

Một người biên tập phim thường được mệnh danh là anh hùng thầm lặng của quá trình sản xuất phim; người sửa chữa liên tục các vấn đề, chỉnh sửa câu chuyện theo hướng hấp dẫn hơn và thậm chí sửa chữa những màn biểu diễn tồi tệ. Ở cấp độ cơ bản, biên tập là những kỹ thuật cắt cảnh (cut) - trở lại thời của những bộ phim cũ, nó thực sự là kỹ thuật cắt vật lý - tồn tại trong phim, cả giữa các phân cảnh và chuyển từ phân cảnh này sang phân cảnh khác.

Dưới sự giám sát của đạo diễn, người biên tập phim được giao nhiệm vụ tạo ra sự ăn khớp giữa các phân cảnh trong bộ phim đáp ứng tầm nhìn của đạo diễn. Một phân cảnh điển hình trong phim là cảnh mà nhân vật chính tiết lộ điều gì đó cho một nhân vật khác. Người chỉnh sửa có thể bắt đầu từ một góc quay từ xa và từ từ cắt thành những cảnh ngày một gần hơn khi nhân vật chính tiết lộ bí mật của mình. Ngoài ra, anh ta cũng có thể quyết định ngược lại, hoặc kết hợp cả hai – điều này phụ thuộc vào quyết định của đạo diễn.

Biên tập có thể có tác động rất lớn đến trải nghiệm của người xem, nhưng những ảnh hưởng ngầm của nó (nếu người biên tập thực sự giỏi) cũng có thể khiến việc phân tích trở nên khó khăn. Theo nhiều cách, đánh giá việc biên tập phụ thuộc rất nhiều vào việc chú ý quan sát trải nghiệm vật lý của bạn khi xem phim. Một phân cảnh giống như được miêu tả ở trên có thể từ từ thay đổi cảm giác của bạn đối với cảnh quay, nhưng điều ngược lại cũng đúng. Một pha chuyển cảnh đột ngột có thể khiến bạn thấy giật mình nhẹ hoặc sự kết hợp của hai cảnh quay nối tiếp nhau có thể dẫn đến một trải nghiệm khác biệt so với tinh thần vốn có của chính cảnh quay đó. Để bắt đầu cảm nhận những hiệu ứng biên tập đối với trải nghiệm của người xem, tin vào cảm nhận của mình là rất quan trọng.


5. Diễn xuất

Ngoài kịch bản, các diễn viên có lẽ là mảnh ghép quan trọng nhất trong một bộ phim. Giống như cách một kịch bản xuất sắc tạo ra những màn trình diễn tuyệt vời từ các diễn viên tầm thường, các diễn viên tuyệt vời có khả năng đẩy một kịch bản tầm thường lên một tầm cao mới. Nhưng đó là công việc của diễn viên, dưới sự chỉ đạo của đạo diễn, để đảm bảo rằng diễn xuất phù hợp với bất kỳ mục tiêu nào của bộ phim.

Diễn xuất có lẽ là điều dễ dàng chú ý nhất khi xem một bộ phim để phân tích, đơn giản chỉ vì các diễn viên chiếm vị trí trung tâm trong trải nghiệm xem phim của người xem. Nhiều điều cần xem xét khi nói về diễn xuất của một bộ phim cũng tương tự như những gì bạn có thể theo dõi qua kịch bản phim. Mục đích của nhân vật đó là gì? Sự phát triển nhân vật của anh ấy hoặc cô ấy là gì? Diễn biến nội tâm của nhân vật có phù hợp không? Từ đó, bạn có thể bắt đầu suy nghĩ về việc diễn viên có đạt được những mục tiêu diễn xuất hay không và tại sao.

Diễn xuất vốn nổi tiếng là khó đánh giá; một số diễn viên dường như vốn “sở hữu” khả năng này. Tuy nhiên, mức độ đáng tin cậy có thể là một yếu tố quan trọng để phân tích một màn trình diễn khi so sánh với mục tiêu của một người với tư cách là một diễn viên trong phim. Là một người xem, bạn có hoàn toàn tin vào sự tồn tại của một nhân vật cho dù nhân vật đó bình thường hay điên rồ đến mức nào? Từ đó, bạn có thể bắt đầu phân tích những phân đoạn được diễn xuất tốt hoặc chưa tốt, nhưng điều quan trọng nhất luôn là mức độ đáng tin.


6. Thiết kế sản xuất

Một anh hùng vô danh khác của quá trình sản xuất phim, nhà thiết kế sản xuất hoặc giám đốc nghệ thuật là người được giao nhiệm vụ xây dựng thế giới nơi các nhân vật tồn tại. Người này hợp tác với cả đạo diễn và đạo diễn hình ảnh để đạt được yêu cầu thẩm mỹ của dự án trong khi hướng dẫn nhà thiết kế trang phục, nhà tạo mẫu trang điểm và các bộ phận tương tự khác để đạt được tầm nhìn tổng thể của đạo diễn.

Nếu một nhân vật sống trong một căn hộ tồi tàn ở thành phố New York những năm 1960, nhà thiết kế sản xuất là người sẽ lên ý tưởng một cách tỉ mỉ căn hộ đó trông như thế nào, dàn dựng căn hộ để phản ánh đúng diện mạo và thời đại, hướng dẫn nhà thiết kế trang phục theo phong cách nhất quán và làm bất cứ điều gì cần thiết để khiến người xem cảm thấy như thể điều này đang diễn ra vào những năm 1960 chứ không phải trong thời đại ngày nay.

Cùng với đạo diễn và đạo diễn hình ảnh, nhà thiết kế sản xuất cũng là một lực lượng sáng tạo thiết yếu đóng vai trò trong việc củng cố sự thống nhất về mặt hình ảnh của bộ phim. Vai trò này là lựa chọn một gam màu để gắn bó trong suốt bộ phim hay chọn các địa điểm phản ánh đúng nhất gam màu của bộ phim. Nhiều đạo diễn hình ảnh sẽ thừa nhận rằng dù công việc của họ có tốt đến đâu, nó vẫn luôn hướng đến những gì nhà thiết kế sản xuất đặt trước ống kính của họ.


7. Âm thanh

Phim có thể là một phương tiện trực quan, nhưng không có gì phải nghi ngờ rằng âm thanh là một trong những khía cạnh quan trọng nhất của một bộ phim và kể từ năm 1927, The Jazz Singer đã báo trước sự khởi đầu của thể loại phim nói (talkie).

Âm thanh có thể được sử dụng theo nhiều cách khác nhau để tạo ra hiệu ứng mạnh mẽ. Một đạo diễn có thể kết hợp việc sử dụng âm nhạc, hiệu ứng âm thanh hoặc thậm chí lược bỏ âm thanh để tạo hiệu ứng cho người xem. Việc sử dụng âm nhạc trong một bộ phim ít nhiều đơn giản, mặc dù âm nhạc đôi khi có thể được sử dụng theo cách xung đột với hình ảnh hơn là đi cùng với nó. Nhưng âm thanh bắt đầu trở nên thú vị khi đạo diễn sử dụng nó theo cách nhấn mạnh trạng thái chủ quan của nhân vật.

Một số ví dụ tuyệt vời về âm thanh được tìm thấy trong Saving Private Ryan của Steven Spielberg. Ngay khi những người lính Mỹ đến bãi biển Omaha, Spielberg theo chân họ khi họ nhảy khỏi thuyền và lặn xuống nước, âm thanh trở nên im ắng và xa xăm để phản ánh cảm giác vật lý của việc di chuyển dưới nước. Spielberg cũng sử dụng âm thanh chủ quan để nhấn mạnh những khoảnh khắc kịch tính. Khi nhân vật Tom Hanks, lần đầu tiên đến bãi biển trong sự bàng hoàng, âm thanh của trận chiến xung quanh anh ta trở nên xa vời và trống rỗng để khắc họa trải nghiệm cá nhân của anh ta về các sự kiện diễn ra xung quanh mình.

----------

 Tác giả: Thomas Mentel

Link bài gốc: 7 Things Critics Look for When Reviewing a Movie

Dịch giả: Huế Hương - ToMo: Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Huế Hương - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo: Learn Something New để đọc các bài dịch song ngữ và cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

639 lượt xem

lh-fulllh-x