Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] 9 Lý Do Vì Sao Chúng Ta Lại Dễ Xúc Động

Con người chứa đựng vô vàn những cảm xúc khác nhau. Chúng ta cảm thấy hạnh phúc khi những điều tốt đẹp xảy ra, tức giận khi mọi thứ không theo ý mình, rơi lệ thổn thức khi đối mặt với nỗi buồn, và đôi lúc khi chúng ta cảm thấy phấn khích, cơ thể bỗng muốn nhảy nhót như những chú thỏ vậy. Khả năng cảm nhận những cảm xúc khác nhau là những gì tạo nên con người chúng ta. Tuy nhiên, mức độ nhạy cảm và khả năng bày tỏ cảm xúc của mỗi người là khác nhau. Đây cũng là lý do tại sao một số người lại dễ xúc động hơn những người khác.




Sau khi bộc lộ cảm xúc mãnh liệt hơn mức bình thường, bạn sẽ tự hỏi bản thân: “Tại sao mình lại xúc động đến vậy? Tại sao mình lại khóc hay tức giận chỉ vì những điều nhỏ nhặt như thế? Tại sao mình lại phản ứng với các sự việc xảy ra mạnh mẽ hơn những người khác? ” Dưới đây là một số lý do giải đáp cho những thắc mắc trên.

1. Bạn suy cho cùng cũng chỉ là con người

Nếu người thân của bạn qua đời hoặc bạn mất đi một thứ gì đó rất quan trọng, thì cảm giác xúc động là điều bình thường. Nếu bạn thấy bạn là người duy nhất khóc hoặc than khóc lâu hơn những người khác, điều đó không có nghĩa là bạn đang phản ứng thái quá hay khiến bạn trông kỳ cục.


Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng mỗi người có một đặc tính khác nhau, không ai giống ai cả. Do đó, cách thể hiện tâm trạng vui buồn cũng khác nhau. Khi một sự việc nào đó xảy ra, có người không khóc hay thậm chí không hề có biểu hiện bên ngoài nào về cảm xúc của họ, điều đó không có nghĩa là họ vô cảm.

Ngoài ra, nếu các hoạt động diễn ra hằng ngày của bạn không bị cảm xúc chi phối, thì đó chính là do bạn nhạy cảm hơn những người khác. Cũng có thể vào thời điểm đó, cảm xúc của bạn dâng trào do nhiều yếu tố như thiếu ngủ hoặc căng thẳng. Đừng để cảm xúc ảnh hưởng tới cuộc sống của bạn hay của người khác nhé. Bạn cũng chỉ là con người thôi mà!

2. Do di truyền

Việc có cảm xúc là điều tự nhiên, nhưng nếu ai đó nói rằng bạn quá nhạy cảm hoặc bản thân nhận thấy điều đó, thì có thể là do yếu tố di truyền đấy. Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng sự biến đổi gen có thể khiến bộ não điều khiển cảm giác xúc động. Các gen như chất vận chuyển serotonin (gen nhạy cảm), gen dopamine và gen khuấy động cảm xúc có thể kích hoạt hoạt động với cường độ cao ở một số bộ phận của não. Điều này làm tăng phản ứng cảm xúc và sự nhạy cảm của bạn với môi trường xung quanh.

Ngoài ra, nếu một thành viên trong gia đình bạn mắc chứng rối loạn trầm cảm, lo âu, thì khả năng bạn sẽ bị di truyền chứng rối loạn ái kỷ. Nếu bạn muốn biết lý do tại sao bạn lại dễ xúc động, bạn có thể kiểm tra gen của mình.

3. Không nghỉ ngơi đầy đủ

Tất cả chúng ta đều biết thiếu ngủ có thể khiến cơ thể rất khó chịu.

Hãy tưởng tượng sau nhiều giờ làm việc đến khuya, cuối cùng bạn cũng được leo lên giường, rồi bỗng nghe thấy tiếng chuông đồng hồ báo thức đổ chuông ba giờ sau đó kéo bạn quay lại làm việc. Điều đầu tiên bạn nghĩ đến có lẽ là quăng chiếc đồng hồ đi hoặc trút giận lên chăn gối. Khi thức dậy thì cảm giác bực tức dấy lên, khiến bạn nổi cáu cả ngày. Nếu bạn ngủ quá ít trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần, nó cũng có thể ảnh hưởng đến mức độ tập trung của bạn, làm tăng nguy cơ trầm cảm, lo âu, đồng thời làm suy yếu sự cân bằng thể chất của bạn. Nếu điều đó không may xảy ra, bạn có xu hướng dễ bị ngã và va vào một người hay một vật nào đó, và như vậy sẽ càng làm bạn cảm thấy tồi tệ hơn. Việc nghỉ ngơi hợp lý giúp bạn kiểm soát cảm xúc tốt hơn. Khi bạn ngủ nghỉ tốt, bạn sẽ thức dậy với cảm giác mãn nguyện, do đó mà khả năng chịu đựng những cảm xúc tiêu cực của bạn sẽ tốt hơn. Nếu cơ thể không được nghỉ ngơi đầy đủ, ngược lại khả năng chịu đựng sẽ kém hơn, rồi sinh ra những phản ứng thái quá như la hét, khóc lóc vì những điều nhỏ nhặt.

4. Bạn tự cô lập chính mình

Lúc nào cũng tự cô lập bản thân, tránh xa mọi người hay các hoạt động, sự kiện cũng có thể khiến bạn dễ xúc động.  Đương nhiên, dành thời gian riêng tư cho bản thân luôn luôn khiến chúng ta thích thú và phấn khởi .  Nhưng nếu thường xuyên khép mình, tinh thần của bạn sẽ đi xuống, và bạn sẽ có cảm giác khó chịu. Nhưng khi bạn hòa nhập với mọi người, bạn sẽ cảm thấy hào hứng, tâm trí của bạn sẽ không còn chứa chất những lo âu và trắc trở.


Ngoài ra, bạn cũng sẽ nắm được đặc điểm khác nhau của từng kiểu người để ứng xử với họ thế nào cho phải. Xung quanh bạn có thể có rất nhiều kiểu người: người tốt bụng, người hiền lành dịu dàng, rồi cả những những người cứng đầu và những người xấu tính. Dần dần, bạn sẽ học được cách bỏ qua những người tiêu cực và kiểm soát tốt cảm xúc của mình khi đối mặt với họ.

Mặt khác, sống khép mình giúp bạn có nhiều thời gian để giải quyết những rắc rối của mình. Bạn có thể dành hàng giờ để suy nghĩ về những điều sai trái trong cuộc sống của bạn để rồi chán nản và bắt đầu lo âu. Hơn nữa, khi ở một mình, bạn sẽ không học được cách bảo vệ bản thân tránh tiếp xúc với những người hoặc tình huống tiêu cực, bởi vì chỉ cần vài lời khiêu khích là bạn đã bắt đầu bốc hỏa rồi. Cuối cùng, khi bạn ở một mình quá lâu, bạn sẽ cảm thấy cô đơn. Cô đơn là một trạng thái cảm xúc tiêu cực có thể khiến bạn trở nên xúc động thái quá.

5. Chế độ ăn uống không đảm bảo

Lần tới khi bạn lại tự hỏi "tại sao mình lại dễ xúc động vậy nhỉ?", vậy thì hãy thử xem lại chế độ ăn uống của mình đi nhé. Những loại thức ăn mà bạn ăn vào hay không ăn đều ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của bạn đấy..

Ví dụ, nếu bạn thích loại đồ ăn vặt như kem và socola, tâm trạng của bạn sẽ phấn chấn hơn ngay lúc đó nhưng cảm giác này sẽ không duy trì được lâu. Đó là do lúc đó bạn cảm thấy quá thèm thuồng đồ ngọt, nhưng chỉ là nhất thời. Về sau, bạn sẽ cảm thấy tội lỗi, tức giận đặc biệt nếu bạn đang ở chế độ ăn kiêng. Cảm giác tội lỗi có thể dễ dàng bùng phát dữ dội hơn nếu bạn bỗng nhận được một tin không vui hay một điều gì đó không lành.

Lời khuyên cho bạn là hãy ăn thực phẩm lành mạnh như trái cây, protein và rau quả sẽ giữ cho bạn cảm giác luôn luôn vui vẻ, và sẽ không còn cảm giác tội lỗi hay xấu hổ sau mỗi bữa ăn. 

6. Bạn đang trải qua những thay đổi lớn trong cuộc đời

Dù thay đổi là chuyện đương nhiên trong cuộc sống, vẫn có những người lại không rộng mở với nó.  Có khả năng Bởi vì bạn chính là một trong số đó. Qủa thực, thay đổi có thể tốt, nhưng cũng rất đáng lo ngại. Và khi bạn liên tục cảm thấy như mình bị kéo từ dưới đáy sâu lên, lúc đó cảm xúc của bạn sẽ trở nên không kiểm soát được. Một số thay đổi lớn trong cuộc đời bao gồm chuyển chỗ ở, kết hôn, ly hôn, sinh con, mất việc làm, tìm việc làm mới, mất người thân, v.v. Những thay đổi đó thường đi kèm với tổn thương tiềm ẩn sâu bên trong khiến cảm xúc của bạn dâng trào.

Trong những tình huống như vậy, khi Khi một điều gì đó tốt đẹp xảy ra, bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc hơn bình thường bởi “trong cái rủi lại có cái may”. Song trái lại, nếu điều tồi tệ xảy ra, nỗi buồn hoặc sự tức giận của bạn sẽ nhân đôi vì bạn cảm thấy cuộc sống của mình đang liên tục bị đảo lộn 

Vì vậy, nếu bạn vừa trải qua những biến đổi lớn trong cuộc đời, đừng lo lắng rằng bạn sẽ quá nhạy cảm về chúng. Thay vào đó, hãy đón nhận cảm xúc khi chúng đến (nhưng hãy cẩn thận đừng làm bất cứ điều gì dại dột ở giai đoạn thăng trầm này). Trong vài tuần hoặc vài tháng đầu, khi bạn đang dần thích nghi với hoàn cảnh của mình, bạn sẽ một lần nữa cảm thấy mình đã kiểm soát cảm xúc tốt hơn.

7. Bạn đang căng thẳng

Căng thẳng là một trong những nguyên nhân hàng đầu khiến mọi người rất dễ xúc động bởi vì nó ảnh hưởng đến trạng thái thể chất và tinh thần của chúng ta. Và khi bạn đã cảm thấy kiệt quệ về tinh thần, những khó chịu nhỏ nhặt thôi cũng đã khiến cảm xúc của bạn dâng trào rồi.


Ví dụ, một người có thể cảm thấy quá căng thẳng, mệt mỏi sau khi đi làm về và chỉ muốn leo lên giường nghỉ ngơi mà thôi, nhưng bỗng thấy đứa con đã đổ sữa lênh láng khắp nhà bếp, và chỉ biết có òa lên mà khóc. Đến ngày hôm sau, người đó sẽ lau dọn sạch sẽ rồi mắng mỏ đứa trẻ. Nhưng vào một ngày mà họ đã quá áp lực, hành động đó của con sẽ khiến sự tức giận và căng thẳng của họ lên đến đỉnh điểm. 

Căng thẳng về tinh thần và thể chất xảy ra theo thời gian và thường ảnh hưởng đến chúng ta trong thời gian ngắn thôi, nhưng nếu cứ để điều đó xảy ra triền miên, hay còn gọi là căng thẳng mãn tính, chúng ta sẽ phải gánh chịu hậu quả cả đời. Đây là lý do tại sao một ông bố/ bà mẹ trầm tính khi có 2 đứa con, phải làm việc cật lực hằng ngày để lo cho con cái thì bỗng trở thành một người nóng nảy và dễ cáu. 

8. Bạn đang đau buồn

Đau buồn khi mất đi một ai đó hoặc một điều gì đó rất gần gũi với bạn có thể khiến cảm xúc của bạn dâng trào một cách mãnh liệt. Vì vậy, nếu cảm xúc đó xảy ra bất cứ khi nào bạn nhìn hay nghe thấy điều gì khiến bạn nhớ về người đã mất, hãy cho đó là điều bình thường nhé. Hơn nữa, nếu vài tuần sau khi mất ai đó, bạn phản ứng mạnh mẽ với mọi thứ, cũng hãy coi điều đó hết sức bình thường, điều bạn cần làm là kiên nhẫn với bản thân và dành thời gian để xoa dịu nỗi buồn.

Đau buồn không chỉ xảy ra khi người thân của bạn qua đời, sau khi đổ vỡ một cuộc tình, tuột khỏi tầm tay một cơ hội, hoặc thậm chí là một sai lầm mà bạn đã mắc phải, bạn đều có cảm giác chung như thế. Hãy nhớ rằng mỗi chúng ta thể hiện sự đau buồn theo cách khác nhau, vì vậy đừng tự đánh giá bản thân rằng mình buồn bã lâu hơn những người khác.

9. Bạn đang chịu sang chấn tâm lý trong quá khứ


Sang chấn tâm lý là một trong những lý do phổ biến khiến mọi người trở nên quá xúc động. Nó thường là phản ứng của tiềm thức đối với một sự kiện khủng khiếp trong quá khứ gây ra sự tổn hại về thể chất hoặc tinh thần. Những trải nghiệm này gây ra những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, tức giận, kinh hoàng, tội lỗi, buồn bã và xấu hổ - đôi khi kéo dài đến vài tháng hoặc thậm chí vài năm. Những trải nghiệm đau thương như tai nạn, xâm hại tình dục, hành hung thể xác, bắt cóc, v.v., có thể gây ra những cảm xúc cực đoan. Những đau thương đó thường được hồi tưởng lại bằng một địa điểm, khuôn mặt, tên hay đồ vật nào đó, tất cả đều có thể khiến chúng ta quá kích động. 

Nhạy cảm có phải là xấu?

Ảnh hưởng của cảm xúc lên bạn và những người xung quanh là điều quyết định chúng tốt hay xấu. Nếu bạn làm tổn thương bản thân hoặc người khác bất cứ khi nào bạn buồn hoặc tức giận, chứng tỏ bạn đang có cảm xúc tồi tệ, và bạn phải học cách kiểm soát nó. Nếu bất cứ khi nào điều gì đó tốt đẹp xảy ra, bạn quá vui mừng hoặc phấn khích và thấy mình nói những điều không nên, bạn cũng nên học cách kiểm soát nó. Tuy nhiên, nếu trạng thái cảm xúc của bạn không có hại cho bạn hoặc bất kỳ ai khác, thì việc bạn dễ xúc động không có gì là sai cả. Trong trường hợp này, cảm xúc mang lại cho bạn quyền tự do thể hiện bản thân, không còn phải cố kìm nén đau khổ của mình trong im lặng. Ngoài ra, nếu cảm xúc của bạn không gây hại gì cả, mọi người sẽ dễ kết nối với bạn hơn.

Kết luận

Nếu bạn là một người giàu cảm xúc, có lẽ rất đáng để hỏi "Tại sao mình lại dễ xúc động đến thế?" Biết được lý do khiến cảm xúc của bạn thường xuyên dâng trào có thể giúp bạn học cách kiểm soát chúng.

Nếu trạng thái cảm xúc ảnh hưởng đến bạn do  chế độ ăn uống và luyện tập không hợp lý, hãy điều chỉnh và bắt đầu luyện tập đi thôi. Và nếu đó là do đau buồn hoặc thay đổi lớn trong cuộc đời, hãy cho mình thời gian để chữa lành chúng nhé. 

Tóm lại, miễn là cảm xúc của bạn không khiến bạn làm những điều bạn sẽ hối tiếc, thì không có gì phải xấu hổ. Chúng ta là con người mà.

--------------------------

Tác giả: Jacqueline T. Hill

Link bài gốc: Why Am I So Emotional? 9 Hidden Reasons

Dịch giả: Trịnh Thị Dung – ToMo – Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là “Dịch Giả: Trịnh Thị Dung – Nguồn: ToMo – Learn Something New”. Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: “Theo ToMo” hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook  ToMo – Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày!

(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,895 lượt xem

lh-fulllh-x