[ToMo] Bạn Đã Sống Thật Với Chính Mình Hay Chưa? 10 Dấu Hiệu Chứng Minh Điều Đó
“Điều bối rối nhất mà chúng ta gặp phải là khi phải cố thuyết phục bản thân tin vào một điều mà trái tim ta đã biết rằng nó sai trái.” ~ Karen Moning
Thật áp lực và đau đớn khi phải sống trong dối trá, che giấu cảm xúc thật của mình, nói những điều bạn nghĩ người khác muốn nghe và làm những điều bạn không thực sự muốn làm — chỉ vì bạn nghĩ rằng mình phải làm những điều ấy.
Đôi lúc chúng ta không nhận ra mình đang làm thế. Ta chỉ biết rằng có điều gì đó không ổn và không biết làm sao để thay đổi.
Điều đó cũng hợp lý khi
nhiều người trong số chúng ta phải vật lộn với việc sống thật với chính mình.
Từ khi còn nhỏ, chúng ta được dạy phải ngoan, phải biết xếp hàng và tránh gây bực bội cho người khác, không gây ồn ào, biết nghe lời và không được khóc (hoặc bị bắt phải khóc khi ta không muốn.)
Và hầu hết chúng ta không có cơ hội để nuôi dưỡng và làm theo trí tò mò của bản thân. Thay vào đó, chúng ta học những điều giống các bạn đồng trang lứa, cùng một thời điểm; và rồi sống một cuộc đời lãng phí vì mong muốn mình phải thành thạo nhiều thứ, cơ thể sau nhiều giờ ngồi học không ngừng nghỉ và tâm trí phải ghi nhớ nhiều dữ kiện, khiến ta còn rất ít chỗ cho lối suy nghĩ tự do.
Tệ hơn nữa, ta còn so sánh thành tích và tiến bộ của mình —ở những lĩnh vực chúng ta không quan tâm — với mọi người xung quanh. Cũng nhờ vậy mà chúng ta thấy việc tỏ ra thành công trong mối quan hệ với người khác quan trọng hơn là cảm thấy thích thú và thõa mãn với bản thân.
Đây là kinh nghiệm của tôi
cả khi ở tuổi đôi mươi và sau này khi trưởng thành. Là một người muốn chứng
minh rằng tôi quan trọng với mọi người và luôn muốn làm hài lòng họ. Tôi giống
như một con tắc kè hoa, không biết phải đưa ra lựa chọn như thế nào, chỉ biết
rằng những lựa chọn ấy cần phải gây ấn tượng với người khác.
Tôi chưa bao giờ biết mình thực sự nghĩ hay cảm thấy gì bởi vì tôi phải dành thời gian để vật lộn với nỗi sợ hãi và phải đóng băng cảm xúc chỉ để phát triển một chút về khả năng tự nhận thức.
Nghĩa là tôi không biết
mình cần gì. Tôi chỉ biết rằng tôi không cảm thấy được nhìn nhận hoặc lắng nghe.
Tôi cảm thấy như không ai thực sự hiểu tôi. Nhưng làm thế nào họ có thể hiểu khi
tôi thậm chí cònkhông biết chính mình?
Tôi biết mình đã tiến bộ rất
nhiều trong việc hiểu bản thân những năm qua và tôi có một danh sách dài về
những lựa chọn mới mẻ để giúp hiểu mình hơn, cũng như vài mối quan hệ đích
thực, viên mãn. Nhưng gần đây tôi nhận thấy rằng trong nhiều khía cạnh, tôi đã
thay đổi mình để hài lòng người khác và đôi lúc thậm chí còn không nhận ra.
Tôi không muốn trở thành
loại người hay làm theo ý kiến của người khác hoay để người khác sai khiến quyết
định của tôi. Tôi không muốn lãng phí dù chỉ một phút để cố gắng trở nên đủ tốt
với mọi người thay vì đối tốt với chính mình.
Tôi muốn có quy tắc của
riêng mình, sống theo khả năng của riêng mình, táo bạo, hoang dã và tự do.
Điều này có nghĩa là tháo gỡ vỏ bọc để đối mặt với nỗi sợ hãi, điều chỉnh lại bản thân và sống đúng với những điều tôi tin. Nhưng thật khó để làm điều này, bởi vì đôi khi những vỏ bọc đó khá chắc chắn hoặc khá khó để nhận ra.
Với suy nghĩ này, tôi đã quyết định tạo lời nhắc về cảm xúc và cái nhìn của tôi với việc sống thật để nhắc nhở tôi mỗi khi tôi nghĩ rằng mình đã lạc hướng.
Nếu bạn cũng coi trọng sống
thật và tự do của bản thân hơn so với sự chấp nhận của người khác và sự công
nhận của xã hội, có lẽ điều này cũng sẽ hữu ích cho bạn.
Bạn biết bạn đang sống thật với chính mình khi...
1. Bạn thành thật với bản
thân về những gì bạn nghĩ, cảm thấy, muốn và cần.
Bạn hiểu rằng bạn phải
thành thật với chính mình trước khi bạn có thể thành thật với bất kỳ ai khác. Nghĩa
là bạn tạo điều kiện và dành thời gian để kết nối với chính mình, có thể thông
qua thiền định, viết nhật ký hoặc hòa mình vào thiên nhiên.
Điều này cũng có nghĩa là
bạn phải đối mặt với những thực tế khắc nghiệt mà bạn thường muốn né tránh. Bạn
nhận thức được bản thân phải đưa ra những lựa chọn khó khăn — chẳng hạn như có
nên kết thúc một mối quan hệ không phù hợp hay không — để có thể giải quyết tận
gốc nỗi sợ hãi của mình.
Có thể bạn chưa đưa ra quyết định đúng ngay dễ dàng, nhưng bạn sẵn sàng tự hỏi bản thân những câu hỏi hóc búa mà hầu hết chúng ta dành cả đời để né tránh: Tại sao tôi lại làm điều này? Tôi nhận được gì? Và điều gì sẽ giúp tôi tốt hơn?
2. Bạn thoải mái chia sẻ những suy nghĩ và cảm xúc của mình.
Ngay cả khi bạn sợ bị phán
xét hoặc bị cám dỗ phải nói dối chỉ để giữ hòa khí, bạn vẫn cố gắng cất tiếng
nói của mình khi có điều gì đó cần được lên tiếng.
Và bạn từ chối trút bỏ cảm xúc của mình chỉ để người khác hài lòng. Bạn biết rằng việc nói lên cảm xúc của mình sẽ làm bạn dễ bị tổn thương và bị trêu chọc nhưng bạn sẵn lòng chấp nhận và mạo hiểm để nói ra cảm xúc của mình vì bạn biết rằng cảm xúc của mình là đáng giá và chia sẻ chúng là chìa khóa để chữa lành những đau đớn hay hàn gắn những vết thương chưa lành.
3. Bạn tôn trọng nhu cầu của mình và nói không với những điều xung đột với những nhu cầu này.
Bạn biết những gì mình cần
để cảm thấy cân bằng về thể chất, tinh thần và cảm xúc, và bạn ưu tiên những
điều đó, ngay cả khi điều này đồng nghĩa là từ chối yêu cầu của người khác.
Chắc chắn rằng đôi khi bạn có thể hy sinh, nhưng bạn biết rằng mình không ích kỷ khi tôn trọng và ưu tiên nhu cầu của bản thân.
Bạn cũng biết nhu cầu của mình không nhất thiết phải giống bất kỳ ai. Chẳng liên quan đến bạn nếu người khác có thể ngủ 4 tiếng, làm việc suốt ngày đêm hoặc họ dành thời gian dấn thân với các hoạt động xã hội. Bạn làm những gì phù hợp với mình và chăm sóc bản thân thật chu đáo vì bạn nhận ra mình là người duy nhất có thể làm được điều đó.
4. Một số người thích bạn, số khác thì không, và bạn ổn với điều đó.
Mặc dù bạn có thể ước bạn
có thể làm hài lòng mọi người trong vài trường hợp — vì bạn cảm thấy an toàn
hơn nhiều khi nhận được sự công nhận của người khác hơn là bị từ chối — nhưng bạn
hiểu rằng việc bị một số người không thích là điều đương nhiên khi sống thật
với bản thân
Chấp nhận việc mọi người có thể ghét bạn không có nghĩa là bạn cư xử thô lỗ và thiếu tôn trọng người khác và biện minh rằng mình chỉ đang sống thật với chính mình! Việc chấp nhận đó chỉ có nghĩa là bạn biết bạn không phù hợp với tất cả mọi người; bạn thà bị ghét vì là chính mình còn là được mọi người yêu thích bởi vì một nhân vật bạn đang diễn và bạn hiểu cách duy nhất để tìm ra đám bạn tốt của mình chính là là loại những người không thích bạn ra khỏi nhóm.
5. Xung quanh bạn là những
người tôn trọng và ủng hộ bạn là chính bạn.
Bạn biết rằng những người
xung quanh có tầm ảnh hưởng đến bạn, vì vậy bạn chơi chung với những người tôn
trọng và ủng hộ bạn, điều này khuyến khích bạn tiếp tục sống thật với chính
mình.
Trong cuộc sống, bạn có thể sẽ những người không tôn trọng và ủng hộ bạn, nếu bạn gặp, bạn nên hiểu rằng thành kiến của họ với bạn chỉ là vấn đề của họ thôi. Và bạn hãy đặt ranh giới với những điều đó để chúng không làm lung lay lựa chọn của bạn.
6. Bạn tập trung nhiều hơn vào giá trị của bản thân hơn là những giá trị mà xã hội có thể chấp nhận được.
Bạn đọc được kịch bản về một cuộc sống được xã hội chấp nhận — được lên chức tăng lương, tổ chức một đám cưới xa hoa, mua nhà và sinh vài đứa con — nhưng bạn đã nghiêm túc đặt câu hỏi liệu điều đó có phù hợp với bạn hay không. Có thể, nhưng nếu bạn chọn theo đuổi con đường này, lý do nên là kế hoạch này phù hợp với giá trị của riêng bạn, chứ không phải vì đó là những nghĩa vụ bạn phải làm.
Bạn biết giá trị của mình
là kim chỉ nam cho cuộc đời bạn và chúng thay đổi theo thời gian. Vì vậy, bạn
thường xuyên tự vấn bản thân để đảm bảo rằng bạn đang sống một cuộc sống không
chỉ đẹp trong mắt mọi người mà còn làm bạn cảm thấy thanh thản trong lòng.
Không phải lúc nào bạn
cũng có thể phân biệt được điều này ngay, và đôi khi bạn có thể bị lung lay bởi
những người có thiện ý, những người không muốn bạn chịu những rủi ro khi khi
làm một điều gì đó táo bạo. Nhưng cuối cùng, bạn loại bỏ tiếng ồn và lắng nghe
giọng nói thực sự bên trong để biết điều gì phù hợp nhất với bạn.
8. Bạn làm những gì cảm thấy phù hợp với bạn, mặc dù có thể bạn không nhận được sự ủng hộ của mọi người xung quanh.
Bạn không chỉ tin vào điều gì bạn biết là tốt nhất cho mình mà bạn còn phải hành động. Ngay cả khi đó là lựa chọn khác người và mọi người đặt câu hỏi về khả năng, tầm nhìn của bạn. Bạn nhận ra rằng không có ai đang sống cuộc đời của bạn và không có ai phải khắc phục hậu quả cho quyết định của bạn, vì vậy bạn hãy tự đưa ra quyết định và để mọi người nhìn thấy điều đó.
Việc nghe theo bản thân không phải lúc nào cũng cho bạn mọi thứ bạn muốn trong đời. Nó chỉ có nghĩa là bạn nghe thấy nhịp đập trong tim mình, mà những người khác không thể nghe và bạn hành động vì nó— có thể chậm hoặc vụng về, nhưng với sự quyết tâm cao độ và đáng trân trọng.
9. Bạn cho phép mình thay đổi quyết định nếu bạn nhận ra lựa chọn đó không còn phù hợp.
Bạn có thể cảm thấy xấu hổ
khi thừa nhận mình đang chuyển hướng, nhưng bạn vẫn làm điều đó vì bạn thà bị đánh giá còn hơn là làm điều bạn thấy không
ổn.
Cho dù đó là một hành động mà bạn nhận ra rằng bạn đã thực hiện vì những lý do sai lầm, một công việc không như bạn mong đợi, hay một cam kết mà bạn thấy cắn rứt lương tâm, bạn thấy can đảm để nói, "Điều này không đúng, vì vậy tôi sẽ chọn cách khác.”
10. Bạn biết buông bỏ những kiến thức mình đã thành thạo và cho phép bản thân tiếp thu
Đây có lẽ là một trong
những điều khó khăn nhất vì nó không chỉ là về việc sống thật với chính mình
nữa; mà còn là về sự buông bỏ. Là khi bạn biết bạn đang đi đúng hướng và đủ can
đảm để buông bỏ những gì đã học, ngay cả khi bạn chưa biết điều gì sẽ xảy ra
tiếp theo và cả khi cảm giác trống rỗng lúc ấy thật tối tăm và đáng sợ.
Nhưng rồi bạn nhận ra rằng khoảng không đôi lúc cũng nhẹ nhàng và hồi hộp. Khoảng không ấy không phải lúc nào cũng là điều xấu vì khoảng không cũng chính là sự mở đầu, sự sinh sôi cho những tiềm năng mới — để thỏa mãn với bản thân bạn, để tìm kiếm hứng thú, đam mê và niềm vui của chính bạn. Và bạn quan tâm hơn đến việc nhìn nhận bạn có thể là ai và bạn có thể làm gì khác, hơn là dành cả đời sống an nhàn để rồi giờ cảm thấy mình đang sống cuộc đời của ai đó khác mà không phải của chính bạn.
Cuộc sống của chúng ta ai cũng khác nhau. Tất cả trong chúng ta đều không thể lường trước được cuộc sống sẽ như thế nào. chỉ đặc biệt ở chỗ có thể đôi lúc bạn chọn hành động vì cuộc sống của mình nhưng điều đó không phải lúc nào cũng vừa ý bạn. Và sẽ có những lúc bạn không nhận ra mình đang tụt dốc mà bạn chẳng mảy may hành động gì.
Đó là những gì đã diễn ra
với tôi. Những giai đoạn tôi đã trải qua, có lúc tôi thấy mình có thể đạt được
thứ mình muốn, có lúc tôi cảm thấy mình lạc lối. Tôi đã có những lúc cảm thấy
bị choáng ngợp vì những mong muốn, nhu cầu và niềm tin trái ngược nhau — của cả
bản thân và cả của những người khác — đến mức tôi đã mất kết nối với chính mình.
Nó xảy đến với tất cả chúng ta. Và điều đó không sao. Điều quan trọng là chúng ta hãy luôn tìm cách để kết nối lại với chính mình để cuối cùng chúng ta có cơ hội để tự hỏi bản thân, về cuộc sống mà chúng ta hướng tới: Tôi có thực sự đang che giấu bản thân điều gì không? Tôi đang lừa dối chính mình? Và liệu điều gì mới thật sự là lối thoát cho tôi?
----------
Tác giả: Lori Deschene
Link bài gốc: 10 Signs You’re Being True to Yourself
Dịch giả: Đinh Quang Ân - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Quang Ân - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
365 lượt xem