Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Cherophobia - Nỗi Sợ Về Niềm Hạnh Phúc

Cảm giác không hạnh phúc thường là một điều mà con người ta muốn lảng tránh, nhưng theo nghiên cứu của Calvin Holbrook, cherophobia - nỗi sợ niềm hạnh phúc, cũng là một nỗi sợ có thực. Vậy tại sao lại có người sợ sự hạnh phúc, và làm cách nào để khắc phục tình trạng này?

Có lẽ, nhiều người trong chúng ta đang tìm kiếm cảm giác hạnh phúc trong cuộc đời, từ mối quan hệ tình cảm viễn mãn, sự hài lòng trong công việc, hay từ tổ ấm an toàn và dễ chịu. Vậy, việc ai đó sợ hạnh phúc nghe có vẻ thật khó tin.

Trên thực tế, lại có một số người cố gắng tránh né hoàn toàn mọi cảm xúc hạnh phúc, và luôn lo sợ những hệ quả của niềm vui. Hiện tượng này có tên gọi cherophobia, hay chính là nỗi sợ hạnh phúc. Thuật ngữ này có nguồn gốc từ Hy Lạp, với từ “chairo” nghĩa là “Tôi hoan hỉ”.

Giờ đây, chúng ta có thể đồng cảm với nỗi sợ của việc bay, sợ rắn rết hay độ cao - chúng ta thậm chí có thể tự đồng cảm với nỗi sợ của mình - nhưng nỗi sợ hạnh phúc? Thật khó để hiểu vì sao một người lại sợ hạnh phúc.

Định nghĩa về cherophobia

Người mang hội chứng cherophobia không phải lúc nào cũng sợ cảm giác êm ái mà sự hạnh phúc đem lại, mà thực tế rằng, họ lo lắng về những hậu quả tiêu cực sắp tới: sự thất vọng, nỗi buồn đau, niềm cô đơn - những điều có thể xảy ra khiến hạnh phúc phải "dừng chân".

Sự thật rằng, những người mắc cherophobia sẽ gặp khó khăn trong việc tận hưởng những hạnh phúc dẫu giản đơn nhất, bởi họ luôn thấy mình không xứng đáng. Ý niệm rằng hạnh phúc chẳng kéo dài lâu hay vững bền, và điều xui rủi sắp đến, khiến họ khó có lòng tin vào hạnh phúc và sự tròn đầy.

Và cũng thật đáng tiếc, lo lắng về hạnh phúc là điều cản trở một cuộc sống khỏe mạnh. Bởi, con người cần năng lượng tích cực để củng cố và "sạc điện" cho cả tâm hồn lẫn thể chất của mình. Thêm vào đó, sự sản sinh hormone hạnh phúc (endorphins như serotonin và dopamine) là điều tối quan trọng cho sức khỏe. Những ai không sản sinh đủ endorphins này sẽ có xu hướng mắc bệnh trầm cảm.

Trên thực tế, nỗ lực để tránh xa hay chống lại cảm giác hạnh phúc có tác động tiêu cực lên cơ thể con người. Làm việc ngược lại cơ chế tự nhiên gây ra căng thẳng, điều về sau sẽ gây ra hormone sản sinh stress (thay vì sản sinh những hormone hạnh phúc).

Bệnh trầm cảm và cảm giác sợ hạnh phúc

Các nhà khoa học cho rằng, có sự liên hệ giữa hội chứng sợ hạnh phúc và bệnh trầm cảm. Tuy vậy, đây là lĩnh vực mới được nghiên cứu gần đây, và vẫn chưa thể kết luận rằng liệu sợ hạnh phúc có phải kết quả hay tác dụng phụ của bệnh trầm cảm hay không.

Một nghiên cứu vào năm 2013 chỉ ra mối tương quan và liên hệ giữa nỗi sợ và sự hạnh phúc. Các nhà khoa học tại New Zealand và Anh quốc đã hợp tác tạo nên “Thang đo nỗi sợ sự hạnh phúc” để đánh giá mức độ những người tham gia cảm thấy như nào khi có những điều tồi tệ xảy đến sau khi có được hạnh phúc.

Kết quả xuất bản trên tạp chí “Journal of Cross-Cultural Psychology” chỉ ra rằng, những người mắc bệnh trầm cảm thường né tránh những hoạt động có thể tạo nên hạnh phúc, như là những buổi gặp gỡ bè bạn hay tiệc tùng.

Thêm vào đó, các nhà nghiên cứu cho rằng, có sự gia tăng khi các triệu chứng thông thường của trầm cảm đến từ việc rút lui khỏi mối quan hệ xã hội làm tăng lên sự lo lắng khi một người trải nghiệm niềm vui hạnh phúc trong một sự kiện, và điều này về sau dẫn đến nỗi thất vọng, sự cô đơn hay những điều tiêu cực khác.

Mối liên hệ giữa nỗi sợ hạnh phúc và trí nhớ

Sự thật rằng não bộ thường chú ý hơn đến điều tiêu cực thay vì sự tích cực cũng là điều dẫn đến nỗi sợ hạnh phúc. Bởi người mắc cherophobia có lẽ trước đây từng trải nghiệm những sự kiện mà trong đó, sau khoảng thời gian hạnh phúc là những điều tiêu cực.

Thực tế rằng, những người ở bên bờ chiến tuyến với hạnh phúc thường có cơ chế gạn lọc suy nghĩ để chỉ nhớ về những điều tồi tệ xảy ra sau thời gian hạnh phúc, thay vì nhớ về những cảm xúc vui vẻ.

Những sự kiện đớn đau, dù là thể chất hay tinh thần, có thể tạo nên một luồng tin mạnh mẽ đến mức lấn át những khoảnh khắc hạnh phúc. Và nếu những sự kiện có dấu ấn cảm xúc mạnh mẽ về hạnh phúc này có liên hệ với sự thất vọng hay nỗi đau, nó có thể dẫn đến việc con người tránh né những cơ hội hạnh phúc bởi nỗi sợ hạnh phúc ngắn chẳng tày gang, theo sau đó là những điều tồi tệ.

Mối quan hệ giữa nỗi sợ hạnh phúc và nền văn hóa

Chỉ số hạnh phúc đương nhiên được đánh giá khác nhau dựa trên các nền tảng văn hóa khác biệt. Ví dụ, theo nghiên cứu năm 2014, “Chứng minh về nỗi sợ hạnh phúc qua giao thoa văn hóa tại 14 quốc gia”, Joshanloo, Weijers và những nhà khoa học khác chỉ ra bốn nhân tố chính gây nên nỗi sợ hạnh phúc.

  1. Niềm tin rằng sau hạnh phúc là nỗi đau

  2. Niềm tin rằng hạnh phúc sẽ khiến bạn trở thành người tồi tệ

  3. Niềm tin rằng bày tỏ sự hạnh phúc sẽ gây ra những điều không tốt cho bạn

  4. Niềm tin rằng đeo đuổi hạnh phúc là không tốt cho cả bạn lẫn người khác

Điều thú vị là, ở luận điểm cuối, các tác giả có viết: “Một số người - tại nền văn hóa phương Tây và phương Đông - thường lo sợ hạnh phúc bởi họ tin rằng những điều tồi tệ như sự bất hạnh, nỗi đau và cái chết, có xu hướng xảy đến với những người vui vẻ.”

Trong một nghiên cứu khác xuất bản trên tạp chí “Journal of Personality and Social Psychology”, thành viên tham gia đến từ Mĩ và Trung Quốc đã dự đoán những nấc thang hạnh phúc trong đời. Trong khi người Mĩ tin vào sự tiếp nối của hạnh phúc, người Trung tin rằng hạnh phúc như con sóng, sẽ lên xuống liên tục.

Một lí do cho điều này xảy ra có thể giải thích dựa theo đạo Lão, bởi theo đạo Lão, con người được kì vọng sẽ chấp nhận mọi thứ theo dòng chảy. Thực tế, sự, ý niệm về sự theo đuổi hạnh phúc tại những nước ảnh hưởng bởi đạo Lão không phổ biến như ý niệm của các nước Tây phương.

Joshanloo, một nhà khoa học tại Đại học quốc gia Chungbuk (Hàn Quốc), đã tiến hành nghiên cứu toàn cầu về nỗi sợ hạnh phúc vào năm 2014. Nghiên cứu có sự tham gia của 2700 học sinh tại các nước khác nhau, bao gồm Iran, Nga, Nhật, Mĩ, Hà Lan và 10 nước nữa.

Kết quả chỉ ra rằng, trừ những thành viên đến từ Kenya và Ấn Độ, những người đến từ những đất nước khác đều có biểu hiện của sự sợ hạnh phúc. Tuy nhiên, không có nhiều sự khác biệt giữa chính các quốc gia.

Điều đó chỉ ra rằng, dù tại những nền văn hóa có sự thống nhất hơn, nỗi sợ của sự ghen tị còn lớn hơn những quốc gia khác. Do đó, người dân Đông Á thường thể hiện sự vui vẻ hơn người Mĩ.

Giải pháp nào cho sự ác cảm với niềm vui?

Nghiên cứu chỉ ra rằng, khả năng cảm thấy hạnh phúc hầu hết là bẩm sinh. Có những người lúc nào cũng lo âu bị nghèo đói do số mệnh đen đủi, có những người lại vượt qua nó với sức mạnh phi thường.

Nhưng không phải ai thiếu đi gene hạnh phúc này cũng phải đầu hàng số phận. Chuyên gia nói rằng “thói quen hạnh phúc”, những chu trình nho nhỏ chúng ta thực hiện có thể gia tăng sự hạnh phúc. Với những ai mắc cherophobia, đây là cách tuyệt vời để mở rộng ý niệm về hạnh phúc.

Sự tập trung và chánh niệm là những ngôn từ kì diệu. Nó không phải là sự hạnh phúc lớn lao như khoảnh khắc yêu đương hay khi đứa trẻ chào đời, mà đó chỉ là những điều nhỏ nhoi hàng ngày nuôi dưỡng tâm hồn ta cứng cỏi hơn. Những thứ nhỏ nhẹ như tia nắng ấm áp trên làn da sau đông dài giá lạnh, mùi cà phê thơm sảng khoái sáng sớm hay chỉ là mùi hương cỏ xanh mới cắt, tất cả đều có thể khiến ta hạnh phúc, miễn là ta để hạnh phúc mở cửa tâm hồn.

Với những ai sống chung với nỗi sợ hạnh phúc, những trải nghiệm đến từ tận hưởng niềm vui bé bỏng chính là đáp án. Bởi những khoảnh khắc ấy thực sự tích cực mà không ẩn chứa sự tiêu cực, không thất vọng, không ghen tị, không trừng phạt hay bất cứ điều gì tồi tệ khác.

Một số nhà trị liệu cho rằng nỗi sợ hạnh phúc cũng nên được xem như các căn bệnh khác, được có hướng tiếp cận bài bản với những khoảnh khắc gây ra sợ hãi. Các nhà tâm lí học nói rằng việc tiếp xúc nhiều là một cách chữa trị cho việc sợ bay. Cứ dần dần, những bệnh nhân đối mặt nỗi sợ cho đến một ngày, họ không còn sợ bay nữa.

Thực tế không hề có giải pháp hoàn hảo nào cho những ai mắc cherophobia. Tuy vậy, có những điều hạnh phúc mà ai cũng có thể nương vào. Trước nhất, tự nhận thức là quan trọng nhất: bạn cần biết mình thích gì trong đời và cách để bạn thực hiện nó. Thêm vào đó, lòng biết ơn cũng giúp gia tăng sự hạnh phúc. Những người biết cách trân trọng những gì đang có thường có hài lòng với cuộc sống hơn.

Kết luận về nỗi sợ hạnh phúc

Nếu bạn đang có ác cảm với niềm hạnh phúc hay đang có vấn đề trong việc kiếm tìm nó, hãy cân nhắc tham vấn bác sĩ. Điều quan trọng không kém đó là hãy tự vấn những tư tưởng cá nhân về hạnh phúc, hãy hỏi bản thân những câu hỏi giản đơn mà quan trọng như: với tôi hạnh phúc là gì? Ai hay điều gì khiến tôi vui vẻ? Làm thế nào để tôi đón nhận sự hạnh phúc? Tôi muốn tìm hạnh phúc bằng cách nào?

Những câu hỏi thú vị này, và sự nhận thức những đáp án cho chúng là điều sẽ đưa bạn đến con đường thoát khỏi cherophobia, và nỗi sợ hạnh phúc sẽ biến mất, để lại cho bạn niềm vui mỗi ngày - bởi ai cũng đều xứng đáng được hạnh phúc.

----------
Tác giả: Calvin Holbrook

Link bài gốc: Cherophobia: the fear of happiness explained

Dịch giả: Nguyễn Thị Anh Tú - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Thị Anh Tú - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

631 lượt xem

lh-fulllh-x