Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Hiệu Ứng Dunning-Kruger: Bạn Không Thông Minh Như Mình Nghĩ Đâu!

Hiệu ứng Dunning-Kruger bắt nguồn từ sự thiếu hiểu biết của chính chúng ta. Nhưng làm thế nào để bạn sửa sai nếu bạn thậm chí không biết mình đang mắc sai lầm?

Triết gia người Anh Bertrand Russell đã từng nói, "Vấn đề cốt lõi của thế giới là những kẻ ngu ngốc và cuồng tín luôn luôn tự tin, còn những người khôn ngoan hơn thì lại luôn hoài nghi bản thân"

Ông đã nói điều này rất lâu trước khi Internet ra đời. 

Ngày nay, do đắm chìm vào các phương tiện truyền thông xã hội mang lại, chúng ta thường xuyên gặp rất nhiều người vô cùng tự tin vào những điều họ nói. Và như Russell đã chỉ ra, những người này càng không biết gì thì họ lại càng tự tin vào lời tuyên bố của mình.

Điều này đã chứng minh cho câu nói của Russell. Những người chẳng biết gì tin rằng họ giỏi giang, và những người giỏi lại nghĩ họ dở tệ. Những người nghiệp dư quá tự tin và những chuyên gia lại thiếu tự tin. Lính mới tin rằng họ đã tìm ra tất cả mọi điều và những người kỳ cựu dày dạn kinh nghiệm hiểu rằng không thể nắm bắt trọn vẹn một kiến thức

Trong tâm lý học, hiện tượng này được gọi là "Hiệu ứng Dunning-Kruger." Đó là một xu hướng tâm lý được đặt theo tên của hai nhà nghiên cứu đã khám phá ra nó. Và nó được sử dụng vô cùng rộng rãi trong cuộc sống của chúng ta.


Hiệu ứng Dunning-Kruger: Sự thiếu hiểu biết về việc thiếu hiểu biết
Có bốn loại thông tin:

Biết - biếtThông tin mà bạn biết chắc rằng mình hiểu. (ví dụ: cách đi xe đạp.)  
Biết - Không biết
Thông tin bạn biết chắc rằng mình không hiểu. (ví dụ, vật lý lượng tử.)  
Không biết - biết
Thông tin mà bạn biết, nhưng bạn không nhận ra rằng bạn biết nó. (ví dụ, tôi đã không nhận ra rằng bản thân tôi đã biết cách làm cha mẹ theo bản năng cho đến khi điều đó thật sự xảy ra.)  
Không biết - không biết  
Thông tin mà bạn hoàn toàn không biết. Bạn không chỉ không biết, bạn thậm chí không biết rằng bạn không biết nó.  

Những ẩn số chưa biết chính là địa bàn của hiệu ứng Dunning-Kruger, nơi nó phát huy tác dụng theo cách tồi tệ nhất. Đó là khi chúng ta đánh giá quá cao kiến thức/ kỹ năng/ năng lực của bản thân và đánh giá thấp sự thiếu hiểu biết của chính mình. 

Hiệu ứng Dunning-Kruger vượt ra ngoài ranh giới của sự thiếu hiểu biết. Nó thể hiện sự siêu thiếu hiểu biết — sự thiếu hiểu biết rằng chúng ta thiếu hiểu biết.

Bạn có thể mắc lỗi rồi nhận ra rằng bạn đã làm như vậy bởi vì bạn thực sự không biết thế nào là cách làm đúng. Nhưng nếu bạn mắc sai lầm và thậm chí không biết về điều đó, và sau đó tiếp tục tin rằng bạn không bao giờ mắc sai lầm vì bạn thật tuyệt vời. Trong trường hợp này, bạn đang "mắc" hiệu ứng Dunning-Kruger rồi đó.

Đó chính là những gì Russell đã nói. Tất cả chúng ta đều đã phạm sai lầm này này. Chúng ta đã ít nhất một lần dự đoán quá mức về kiến ​​thức và khả năng của mình, từ đó gây ra nhiều lỗi và sai lầm nghiêm trọng hơn.

Ví dụ:

  • Những người sở hữu súng và cho rằng mình hiểu biết nhiều về độ an toàn của súng lại thường đạt điểm thấp nhất trong các bài kiểm tra về độ an toàn của súng. 

  • Nhân viên phòng thí nghiệm y tế - những người xử lý mẫu cho các kết quả xét nghiệm y tế - những người tự đánh giá mình là có năng lực cao trong công việc của họ lại là những người hay mắc sai lầm trong công việc nhất

  • Những người cao tuổi nghĩ rằng họ lái xe giỏi hơn lại có nguy cơ mắc lỗi lái xe cao gấp 4 lần người bình thường.

  • Các sinh viên đại học có thành tích thấp nhất thường đánh giá cao thành tích của họ trong các kỳ thi và kiến ​​thức chuyên môn của họ.

  • Những người có thành tích thấp nhất trong một cuộc thi tranh luận nghĩ rằng họ đã áp đảo 59%  các lần thi trong khi thực tế họ chỉ thắng 22% trong số đó. 

Vâng, nhưng Mark à, bạn không hiểu… Tôi thực sự tuyệt vời đấy


Bây giờ, tôi biết bạn đã nghĩ gì khi đọc qua danh sách đó. Chắc cũng giống như tôi.

“Những người khác thật ngốc. Tôi biết tất cả những thứ tôi không giỏi… có nghĩa là tôi giỏi hơn họ, tôi thực sự khá tuyệt vời ”. 

Chúng ta đọc những thứ như thế này và không bao giờ  xem xét lại chính mình. Chúng ta không nghĩ rằng chúng mình cũng là nạn nhân của điểm mù này.

Ví dụ: chúng ta có những điểm mù trong việc nhận thức cảm xúc của bản thân. Chúng ta xả cảm xúc tiêu cực của mình lên người khác, coi nhẹ sự giận dữ và phán xét của mình, khép mình khi khó chịu, dỗ dành bản thân quá mức khi cảm thấy kém cỏi, để cho sự ghen tị chiến thắng chúng ta, trở thành một cái gai vô cảm mà không hề nhận ra điều đó, vân vân. Tất cả chúng ta đều làm như vậy. Tất cả chúng ta.

Nhưng cũng có vài người nghĩ rằng mình cũng không đến nỗi tệ như những người khác. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng những người xếp hạng thấp nhất trong các bài kiểm tra trí tuệ xúc cảm lại cho rằng họ nhận thức được nhiều hơn về mặt cảm xúc so với những người khác. Cũng chính những người cũng chẳng muốn lắng nghe phản hồi về điểm số của họ và cách giúp họ cải thiện trí tuệ cảm xúc của mình. Thật đáng kinh ngạc.

Không chỉ cảm xúc đâu, chúng ta còn bị ảnh hưởng trong nhiều khía cạnh khác nữa.

Những người có thói quen sống không lành mạnh nhất thường đánh giá bản thân khỏe mạnh hơn so với thực tế. 

Những người đạt điểm kém trong các bài kiểm tra lý luận nhận thức và tư duy phân tích lại đánh giá quá cao khả năng nhận thức và phân tích của họ. Trong khi đó, những người được chấm điểm cao lại đánh giá thấp khả năng của họ.

Những người có quan điểm chính trị chủ quan nhất cũng có những niềm tin lệch lạc nhất. Họ đánh giá quá cao hoặc quá thấp các chỉ số tham gia phúc lợi và chi tiêu ngân sách của chính phủ.

Vì vậy, chúng ta đang mắc kẹt ở một nơi mà những người cần sự giúp đỡ nhất không chỉ từ chối mà còn không tin rằng họ cần sự giúp đỡ.

Có lối thoát cho tình trạng này không?

Nghịch lý vượt qua sự thiếu hiểu biết


Có lẽ điều khó chịu nhất về hiệu ứng Dunning-Kruger chính là nó cực kỳ khó để vượt qua, bởi nó là một nghịch lý.

Làm thế nào để bạn khiến ai đó — hoặc chính bạn — nhìn ra thứ mà họ thậm chí không thể nhìn thấy? Làm thế nào để bạn sửa lỗi nếu bạn thậm chí còn không biết mình đã mắc lỗi?

Đây là nghịch lý của việc cố gắng vượt qua sự thiếu hiểu biết của chính chúng ta: Điều có thể giúp chúng ta nhìn ra những sai lầm của mình cũng chính là thứ giúp chúng ta không mắc phải chúng ngay từ đầu.

Bạn không thể tranh cãi một cách lý trí với một người tin vào các thuyết âm mưu bởi vì họ không tư duy bằng lý trí. Nếu họ có khả năng thay đổi niềm tin của mình dựa trên lý trí và bằng chứng, thì ngay từ đầu họ đã không tin vào những thuyết âm mưu hoang đường. Trên thực tế, họ nghĩ rằng họ luôn đúng từ đầu.

Một phần của vấn đề là có sự thoải mái khi chắc chắn về một điều gì đó. Không ai thích sự không chắc chắn. Và vì vậy, hoàn toàn tin tưởng vào điều gì đó sẽ giúp chúng ta cảm thấy mình hiểu biết hơn. Khi chúng ta có thể hiểu được thế giới, chúng ta cảm thấy an toàn. Niềm tin đó có đúng hay không không quan trọng - nó chỉ giúp chúng ta an tâm về nỗi lo sợ mình không biết gì

Có lẽ vẫn có cách để lén lút thâm nhập vào và sửa não của chúng ta. Nghiên cứu cho thấy thực sự có cách để làm vậy.

Việc khiến mọi người tập trung vào việc phát triển các kỹ năng liên quan, thay vì đánh giá khả năng của bản thân, dường như có một số tác dụng trong việc giảm hiệu ứng Dunning-Kruger.

Ví dụ, nếu ai đó rất dở về kế toán nhưng không nhận ra điều đó, có lẽ bạn dạy cho họ kỹ năng tổ chức để trong quá trình học cách tổ chức tốt hơn các thủ tục giấy tờ và giao dịch, họ nhận ra rằng họ là kế toán kém nhất thế giới.

Hoặc ta có thể dạy mọi người về khái niệm điểm mù và hiệu ứng Dunning-Kruger, và sau đó để ý tưởng thấm nhuần trong đầu họ một lúc cho đến khi họ bắt đầu tự hỏi về khả năng của chính mình. 

Ngoài ra, dù bạn nói thẳng toẹt vào mặt một số người, thì hãy nhớ rằng: việc chế giễu họ không hề hữu ích. Chế nhạo người khác chỉ khiến họ trở nên phòng thủ hơn và giữ chặt niềm tin bị thách thức của họ.

Bạn có thể nhẹ nhàng gây áp lực cho ai đó khi thấy sự thiếu hiểu biết của họ. Hãy thử cho họ biết về những người đứng đầu trong bất kỳ lĩnh vực nào mà họ quá tự tin. Điều này có thể hiệu quả hay không tùy thuộc vào mức độ ảo tưởng của người đó, nhưng nó cũng đáng để thử.

Tôi nghĩ cách duy nhất để ngăn chặn sự thiếu hiểu biết của chúng ta là chọn có ít ý kiến ​​hơn và niềm tin hơn.

Khiêm tốn là một giá trị quan trọng. Hiệu ứng Dunning-Kruger cho thấy rằng sự khiêm tốn có thể mang tính thực tế cao. Bằng cách cố ý đánh giá thấp sự hiểu biết của chúng ta về mọi thứ, chúng ta không chỉ mở ra nhiều cơ hội để học hỏi và phát triển, mà còn nuôi dưỡng cái nhìn thực tế hơn về bản thân và ngăn bản thân trông giống như một kẻ tự ái xung quanh người khác.

Đó là…cho đến khi chúng ta quyết định rằng chúng ta là người khiêm tốn nhất mà ta từng gặp. Không ai khiêm tốn hơn ta.

"Tôi khiêm tốn hơn những người khác rất nhiều…"

----------

Tác giả: Mark Manson

Link bài gốc: The Dunning-Kruger Effect: The Paradox of Our Own Ignorance

Dịch giả: Vũ Ngọc Mai - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Vũ Ngọc Mai - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

506 lượt xem

lh-fulllh-x