[ToMo] Inside Out: Những Mảng Màu Của Tâm Lý Học
Một trong những bộ phim yêu thích của mình từ năm 2015 cho đến nay chính là “Inside Out” của Pixar Animation Studios (Xưởng phim hoạt hình Pixar). Trong 20 năm kể từ lần phát hành bộ phim “Toy Story” (Câu chuyện đồ chơi), Pixar đã trở thành cái tên “bảo chứng” cho các thước phim hoạt hình giàu trí tưởng tượng, chất lượng với từng câu thoại và kịch bản phục vụ cho cả trẻ em lẫn người lớn. Các bộ phim thuộc hãng Pixar luôn chứa đựng nhiều khía cạnh chân thực của cuộc sống, chẳng hạn như sự trưởng thành, tầm quan trọng của tình bạn hoặc nỗi đau mất mát.
Inside Out cũng mang màu sắc điển hình từ Pixar khi bộ phim có ý tưởng thông minh nhờ cách khai thác các cấu trúc tâm trí con người, chúng liên kết với nhau để biến mỗi cá thể là duy nhất, trọng điểm là cho phép các loại cảm xúc tham gia bình đẳng trong cuộc sống của chúng ta. Để vinh danh bộ phim đã được phát hành trên nền tảng Bluray/DVD, mình hãy cùng tìm hiểu khía cạnh tâm lý của Inside Out và xem siêu phẩm này truyền tải ý tưởng đến khán giả tốt như thế nào nhé.
Bài viết sẽ tiết lộ nội dung Inside out, nhưng bạn có thể khám phá được nhiều góc nhìn mới nếu bạn đã xem bộ phim này.
Đối với những ai chưa xem, Inside Out kể về câu chuyện của Riley, một cô bé 11 tuổi đang phải đối mặt với việc gia đình chuyển nhà từ Minnesota đến San Francisco trong tình trạng khó khăn về tài chính. Dù người xem nhìn thấy Riley trong phần lớn thời lượng phát sóng, nội dung chính hầu như diễn ra trong tâm trí của cô bé, nơi những cảm xúc khác nhau của cô được nhân cách hóa thành các nhân vật: Joy (Vui vẻ), Sadness (Buồn bã), Fear (Sợ hãi), Disgust (Chán ghét) và Anger (Giận dữ). Năm mảnh ghép cùng nhau vận hành trung tâm điều khiển não bộ của Riley, thu thập và lưu trữ từng ký ức của cô bé, mỗi ký ức tương quan với cảm xúc liên quan. Từng cảm xúc đều đại diện trực quan cho vai trò của họ, như Sadness ảm đạm và uể oải, hay bản chất bùng nổ theo đúng nghĩa đen của Anger.
Người xem dễ dàng nhận ra mọi cảm xúc đều đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của Riley và xung đột của bộ phim xảy ra khi Sadness vô tình “làm hỏng” một vài ký ức hạnh phúc nhất trong tâm trí Riley. Vấn đề càng tồi tệ hơn khi Sadness vô tình kéo Joy theo cô đến ngân hàng ký ức của Riley, khiến cô bé không còn cảm nhận được hạnh phúc cho đến khi Joy có thể tìm thấy đường trở lại.
Theo nhà tâm lý học Đại học Hoa Kỳ Nathaniel Herr, phần lớn thiết lập phóng đại trong tâm trí Riley khá chính xác khi so sánh với Tâm lý học của con người. Trong phim, các nhân vật cảm xúc lưu giữ những ký ức quan trọng nhất của Riley (chú thích của người dịch: Tác giả nhầm lẫn giữa Joy và Riley trong bài đăng gốc) mỗi khi cô bé ngủ và ký ức càng cũ thì càng ít được ưu tiên. Đối với con người, điều này cũng đúng: Khi chúng ta chìm sâu vào giấc ngủ, điều này cho phép tâm trí của bản thân “lưu giữ một số ký ức quan trọng nhất trong thời gian dài hạn”.
Herr cũng cho biết cách tâm trí của chúng ta sắp xếp lại các sự kiện cũng được phản ánh chính xác. Inside Out miêu tả nhiều ký ức buồn bã, bởi vì Riley đã cất giấu những kỷ niệm tồi tệ nhất sâu trong tâm trí cô, trong khi thực tế, sự kiện bên ngoài luôn hiện hữu niềm vui. Chúng ta chỉ thường tập trung vào một mảnh ký ức cụ thể, thứ mà ảnh hưởng đến bản thân nhiều nhất và có thể lãng quên nhiều miền ký ức khác. Điều này có khả năng sẽ làm thay đổi cách chúng ta xử lý ký ức đó. Dacher Keltner - nhà tâm lý học từng làm việc với đạo diễn của bộ phim, gợi ý rằng trí nhớ sử dụng cảm xúc nhằm “tái tạo lại quá khứ”, để lại những cảm xúc mạnh mẽ giúp hình thành ký ức, bởi vì trí nhớ của con người không hoàn hảo.
Bộ phim tiếp tục diễn ra với phân cảnh Joy và Sadness rời khỏi trung tâm điều khiển não bộ , để lại Anger, Disgust và Fear kiểm soát nội tâm Riley. Mặc dù bộ ba khá tấu hài đối với khán giả đấy, song ba cảm xúc trên luôn khiến Riley phản ứng các tình huống ngoài đời theo những cách rất là í ẹ, ví dụ như cãi vã với cha mẹ cô trong bữa tối. Trong quá trình tham gia sản xuất phim, Keltner cảm thấy chi tiết này là cần thiết để làm nổi bật ý kiến cảm xúc “dẫn dắt ta” trong đời sống. Các phản ứng thường không dựa trên lý trí mà thay vào đó xuất phát từ cảm xúc nội tâm của ta tại thời điểm đó.
Một trong những phân cảnh cao trào của bộ phim xảy ra giữa Joy và Sadness. Joy được miêu tả như một vị thủ lĩnh luôn cố gắng kiểm soát trung tâm điều khiển, nhưng suy cho cùng cũng chỉ vì cô luôn mong những gì tốt đẹp nhất cho Riley. Joy nhận thức được sự tồn tại của những cảm xúc khác song cô cố gắng ngăn không cho họ đến gần bảng điều khiển, đặc biệt là Sadness - nhân vật tạo ra những ký ức đau buồn và có thể khắc sâu trong ký ức của Riley. Mãi cho đến khi bị loại khỏi trung khu não bộ của Riley và bị lạc vào nhà kho ký ức, Joy buộc phải từ bỏ quyền kiểm soát. Và chỉ khi đó, cô mới có thể nhìn thấy tác động tích cực mà Sadness mang lại.
Nhà tâm lý học lâm sàng Anita Sanz khen ngợi bộ phim đã nắm bắt được từng chi tiết quan trọng trong thế giới nội tâm con người. Xã hội ngày nay thường đề cao trạng thái hạnh phúc, đặc biệt trong môi trường hướng ngoại và hoạt động xã hội, hoặc chí ít cũng là điều mà chúng ta hay thấy trên phương tiện truyền thông đại chúng. Sanz tin rằng nỗi buồn và khả năng đối mặt với nó chính là điều quan trọng để trở nên vui vẻ, khỏe mạnh. Riley chỉ thật sự hạnh phúc về ngôi nhà mới sau khi cô bé thừa nhận và xử lý nỗi đau của mình. Những khoảnh khắc ôm ấp như thế này giúp giải phóng bản thân khỏi những năng lượng tâm lý tiêu cực còn tồn đọng, đồng thời cho phép ta phục hồi và tiến bước thay vì dồn nén cảm xúc.
Nếu có bất kỳ sai sót nào về phương diện kiến thức tâm lý học được mô tả trong Inside Out, có thể nói đó là cách bộ phim miêu tả trí tưởng tượng của chúng ta. Trong phim, các nhân vật bước vào một khu vực mang tính sáng tạo cực kỳ cao với tên gọi “Vùng đất của trí tưởng tượng”, nơi những ý tưởng của Riley được sáng tạo nên. Tuy nhiên, theo một thử nghiệm được tiến hành vào năm 2013, các đối tượng được nghiên cứu dưới máy quét MRI để tìm ra cách thức và nguồn gốc trí tưởng tượng trong não bộ. Trong khi bộ phim có thể tạo ra vùng đất hữu hình trong trí óc, trên thực tế, các nhà khoa học đã hoàn toàn đi vào ngõ cụt - chúng ta thực sự không biết trí tưởng tượng hoạt động như thế nào và ở đâu.
Lời kết:
Đối với một vài người yêu thích điện ảnh như mình thì Inside Out chính là một kiệt tác. Bộ phim bùng nổ trên tất cả các phương diện khi khắc họa được nhiều chủ đề và câu chuyện một cách nghệ thuật. Đây cũng là một trong những bộ phim CG đẹp nhất cho đến nay. Ngoài ra, bộ phim đã thu hút mình ở một cấp độ hoàn toàn khác nhờ cách kể về tình cảm gia đình với vô số bài học đúng đắn về Tâm lý con người. Trải qua gần năm năm làm việc với trang web Traitify, mình ngày càng trân trọng cá tính và tâm lý theo những cách mà mình chưa bao giờ nghĩ đến. Vì vậy, mình rất thỏa mãn khi thấy những khái niệm này được đưa vào một bộ phim chính thống.
----------
Tác giả: Scott Tremper
Link bài gốc: The Psychology of Inside Out. One of my favorite films of 2015 thus… | by Scott Tremper | Traitify Blog | Medium
Dịch giả: Ngô Phương Liên - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Ngô Phương Liên - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,503 lượt xem