Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Khủng Hoảng Hiện Sinh: "Mục Đích Sống Của Tôi Là Gì?

Khủng hoảng hiện sinh là gì?

Khủng hoảng hiện sinh là những cảm giác lo lắng về ý nghĩa, lựa chọn và sự tự do trong cuộc sống. Người đang trong trạng thái khủng hoảng hiện sinh cho rằng cuộc sống vốn vô nghĩa và sự tồn tại của chúng ta cũng như vậy bởi có những giới hạn hoặc ranh giới cho điều đó, và rằng một ngày nào đó chúng ta sẽ đều phải chết. 

Những nỗi lo lắng hiện sinh có xu hướng phát sinh trong suốt quá trình chuyển đổi và phản ánh sự khó thích nghi, thường liên quan đến sự mất an toàn và bảo mật. Ví dụ, một sinh viên đại học phải rời khỏi nhà, hay một người lớn đang trải qua một cuộc ly hôn đầy khó khăn có thể cảm thấy như thể nền tảng để xây dựng cuộc sống của họ đang sụp đổ. Điều này có thể làm họ hoài nghi về ý nghĩa sự tồn tại của họ.

Đối với những người theo chủ nghĩa hiện sinh (existentialism: quan điểm triết học cho rằng cuộc sống là vô nghĩa hay phi lý), một cuộc khủng hoảng hiện sinh được coi là một chuyến đi, một sự giác ngộ, một trải nghiệm cần thiết và một hiện tượng phức tạp. Nó nảy sinh từ sự nhận thức về sự tự do của chính bạn và cách mà cuộc sống của bạn sẽ kết thúc vào một ngày nào đó.


Cách xác định khủng hoảng hiện sinh

Một người đang bị khủng hoảng hiện sinh có thể trải qua nhiều triệu chứng khác nhau bao gồm:

  • Lo lắng

  • Chán nản

  • Cảm thấy quá tải

  • Bị cô lập với bạn bè và những người thân yêu

  • Thiếu động lực và năng lượng

  • Cô đơn

  • Ám ảnh lo lắng 

Một cuộc khủng hoảng hiện sinh thường xảy ra sau rất những biến cố lớn trong cuộc đời như:

  • Thay đổi sự nghiệp hoặc công việc

  • Sự ra đi của một người thân

  • Chẩn đoán của một bệnh nghiêm trọng hoặc có thể đe dọa đến tính mạng

  • Bước vào những độ tuổi quan trọng như 40, 50 hoặc 65

  • Trải qua một sự việc bi thảm hoặc đau thương

  • Có con

  • Kết hôn hoặc ly hôn

Những người trong những tình trạng sức khỏe tinh thần sau đây có khả năng cao sẽ phải trải qua một cuộc khủng hoảng hiện sinh (mặc dù những rối loạn này không gây ra khủng hoảng hiện sinh)

  • Lo lắng

  • Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD)

  • Phiền muộn

  • Chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD)

Các loại khủng hoảng hiện sinh

“Khủng hoảng hiện sinh” là một thuật ngữ chung có thể được sử dụng để mô tả hoặc nhóm nhiều loại vấn đề với nhau.

1. Nỗi sợ và trách nhiệm

Chủ nghĩa hiện sinh cho rằng tất cả chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn trong cuộc sống, và sự tự do này cũng đi đôi với trách nhiệm. Tuy nhiên, với kết cục cuối cùng là cái chết, nên những hành động của bạn rồi cũng là vô nghĩa.

Vì vậy, sự tự do trong cuộc sống có thể dẫn tới tuyệt vọng, và trách nhiệm đi cùng với sự tự do này cũng có thể gây ra lo lắng. Bạn đã bao giờ phải vật lộn khi ra một quyết định và lo sợ rằng đó là một quyết định sai lầm? Nỗi sợ về việc quyết định sai đó phản ánh sự bất an về tự do liên quan đến những mối quan tâm hiện sinh.

Những người theo chủ nghĩa hiện sinh tin rằng chúng ta lo lắng hay bất an bởi không có "lối sống đúng đắn" giúp chỉ dẫn cho chúng ta. Về bản chất, mỗi chúng ta phải tạo ra ý nghĩa cho cuộc sống của chính chúng ta. Nếu cảm thấy trách nhiệm này là quá lớn, chúng ta có thể tự giúp mình thoát khỏi cảm giác lo lắng này.

2. Ý nghĩa của cuộc sống

Nếu bạn gặp khó khăn với những nỗi lo lắng hiện sinh, bạn có thể hỏi rằng: “ Ý nghĩa cuộc sống này là gì nhỉ?”. Khi bạn trải qua những giai đoạn chuyển tiếp trong cuộc sống và đánh mất sự an toàn của một bối cảnh quen thuộc, bạn có thể tự hỏi về ý nghĩa của cuộc sống. Tại sao chúng ta lại làm điều đó mà không hề nghĩ suy?

Một nhà tâm lý học, phóng viên kiêm nhà văn người Pháp Albert Camus tranh luận rằng sự đam mê với những điều vô nghĩa đã thể hiện sự trân trọng cuộc sống của bạn. Nếu bạn có thể ngừng cố gắng sống đến phút cuối cùng hoặc cho mục tiêu của bạn và bắt đầu sống cho chính mình, cuộc sống của bạn sẽ trở nên trọn vẹn và đầy ắp đam mê. Điều này nghe có vẻ chẳng có gì bất ngờ như nền tảng của thiền chánh niệm trong mô hình y tế về chứng lo âu.

3. Bản chất thực sự

Một cuộc khủng hoảng hiện sinh có thể làm bạn hiểu thêm về bản chất của cuộc sống, khiến bạn lo lắng. Bạn có thể có những suy nghĩ về về sự tồn tại thoáng qua của bạn và cách sống hiện tại của bạn. Khi bạn ngừng coi việc bạn sẽ thức dậy mỗi ngày là điều hiển nhiên, bạn có thể cảm thấy lo lắng, nhưng đồng thời bạn cũng sẽ trân trọng cuộc sống của mình hơn

Bạn có thể nhận thấy rằng tất cả vấn đề thường nhật từng làm phiền bạn quá nhiều thì đã không còn khiến bạn bận tâm nữa, tất cả ý nghĩ, sự sợ hãi và lo lắng về chuyện trần tục biến mất, bởi vì bạn đang phải đối mặt với một vấn đề còn lớn hơn.

Và đến cuối đời, có điều gì trong số này quan trọng đối với bạn hay không? Bạn đã chọn công việc nào, bạn có bao nhiêu tiền và bạn đã lái chiếc xe nào?

4. Nhiều sự kiện và giai đoạn trong cuộc sống

Nhiều người trải qua khủng hoảng hiện sinh khi chuyển sang một giai đoạn mới như từ thời thơ ấu đến tuổi trưởng thành hay từ tuổi trưởng thành sang độ tuổi lớn hơn nữa. Nhiều sự kiện trong cuộc sống bao gồm tốt nghiệp, bắt đầu một công việc mới, đổi nghề, kết hôn, ly hôn, có con hay nghỉ hưu cũng có thể khiến con người mắc khủng hoảng hiện sinh.

5. Cái chết và bệnh tật

Việc mất một người bạn đời, cha mẹ, anh chị em, con cái và những người thân yêu thương thường khiến mọi người phải đối mặt với sự ra đi của chính họ và đặt câu hỏi về ý nghĩa cuộc sống. Cũng tương tự, nếu bạn đang phải đối mặt với một căn bệnh nguy hiểm đến tính mạng, bạn có thể bị khủng hoảng hiện sinh, thứ khiến bạn bị lấn át bởi những ý nghĩ về cái chết và ý nghĩa của cuộc sống.


Mẹo vượt qua nỗi lo lắng hiện sinh

Cho rằng nỗi lo lắng hiện sinh liên quan đến sự nhận thức về ranh giới cuối cùng trong cuộc sống là cái chết và cơ hội, nỗi lo lắng ở dạng này có thể được coi là không thể tránh khỏi mà không phải là bệnh lý. Bởi vì điều này, mỗi chúng ta phải tìm ra cách để “sống với” nỗi lo lắng thay vì cố gắng loại bỏ nó.

Có cả những cách hữu ích hoặc vô ích để đối phó với khủng hoảng hiện sinh. Một là lựa chọn từ bỏ cuộc sống, hai là bị cuốn vào những thứ phiền nhiễu thường nhật để sống trong cuộc sống thực. 

Về bản chất, đó là chiến lược lảng tránh. Có bao nhiêu người mà bạn quen sống với “mắt nhắm, mắt mở” mà không bao giờ nhìn vào hiện thực cuộc sống?

Tuy nhiên trải qua khủng hoảng hiện sinh cũng có thể là điều tích cực bởi nó có thể giúp bạn tự hỏi về mục đích sống và giúp đưa ra hướng đi cho bạn. Dưới đây là một số cách giúp bạn biến một cuộc khủng hoảng hiện sinh thành một trải nghiệm tích cực của chính mình và những người bạn yêu thương.

  • Viết. Bạn có thể để nỗi lo lắng hiện sinh thúc đẩy và hướng bạn đến cuộc sống đích thực hơn không? Nỗi lo lắng này có thể dạy bạn điều gì về sự liên quan của bạn với thế giới? Hãy lấy ra một cuốn vở và ghi lại ngắn gọn những suy nghĩ của bạn về những câu hỏi này. Cách để đối phó với khủng hoảng hiện sinh nằm ngay ở đáp án của bạn đó.

  • Tìm kiếm sự giúp đỡ. Việc nói chuyện với những người thân yêu về nỗi lo lắng hiện sinh của bạn có thể giúp bạn có cái nhìn khác về cuộc sống và gợi nhắc bạn về những tác động tích cực của bạn đối với cuộc đời này. Hãy hỏi họ về những phẩm chất tích cực và đáng ngưỡng mộ của bạn.

  • Tập thiền. Thiền có thể giúp bạn loại bỏ những suy nghĩ tiêu cực và giúp ngăn ngừa những nỗi lo lắng và ám ảnh lo lắng liên quan đến khủng hoảng hiện sinh.

Lịch sử của khái niệm "Khủng hoảng hiện sinh"

Khái niệm “Khủng hoảng hiện sinh” bắt nguồn từ triết lý của chủ nghĩa hiện sinh, tập trung vào ý nghĩa và mục đích của sự tồn tại từ cả khía cạnh tổng quan và cá nhân.

Những người theo chủ nghĩa hiện sinh coi nỗi lo lắng theo những cách khác với các bác sĩ tâm lý và nhà tâm lý học. Thay vì coi nỗi lo lắng và một vấn đề cần phải giải quyết, họ coi đó là một phần không thể thiếu trong cuộc sống mà mọi người đều phải trải qua, là những điều tích cực và có thể dạy cho họ những bài học quý giá về cuộc sống.

Họ coi những nỗi lo lắng cuối cùng của cuộc sống là cái chết, sự tự do, sự cô lập và sự vô nghĩa. Những mối bận tâm này được cho là gây ra cảm giác sợ hãi và tức giận bởi chúng ta không bao giờ có thể chắc chắn được những lựa chọn của mình là đúng đắn và một khi đã quyết định thì khó có thể thay đổi.

Vào năm 1844, triết gia người Đan Mạch Soren Kierkegaard đã viết rằng: "Người nào học được cách lo lắng đúng cách tức là đã học được điều tốt nhất." Điều này diễn tả quan niệm rằng nỗi lo lắng hiện sinh còn hơn cả nỗi sợ hãi về những rắc rối ngày qua ngày.

Giải pháp

Tuy không có giải pháp cụ thể để đối phó với những nỗi lo lắng hiện sinh nhưng có một số cách hữu dụng. Ví dụ, liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) hay thuốc có thể giải quyết những triệu chứng lo âu, chán nản và những vấn đề sức khỏe tâm lý khác có thể đi kèm với nỗi lo lắng hiện sinh, bao gồm cả những ý định tự tử. 

Nói chuyện với chuyên gia cũng là một cách hay để giải tỏa nỗi lo lắng hiện sinh. Nếu bạn thấy mình đang phải vật lộn với nỗi bất an hiện sinh, các phương pháp tự chăm sóc bản thân tập trung vào tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống  cũng có thể hữu ích.

--------------------------------------------------

Tác giả: Amy Morin, LCSW 

Link bài gốc: What Is an Existential Crisis?

Dịch giả: Vũ Ngọc Mai - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Vũ Ngọc Mai - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,235 lượt xem

lh-fulllh-x