Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public2 năm trước

[ToMo] Liệu Bạn Có Đang Mắc Chứng “BPD Trầm Lặng”?

Chịu đựng chứng rối loạn nhân cách ranh giới trong thầm lặng.

Rối loạn nhân cách ranh giới (BPD) là một tình trạng sức khỏe tâm thần cực kỳ nghiêm trọng nhưng thường vô hình, có thể bóp méo quan điểm của bạn về cả bản thân và thế giới xung quanh. Cũng như nhiều tình trạng tâm lý khác, mọi người có thể liên tục phải trải qua hội chứng BPD. BPD cũng biểu hiện dưới nhiều hình thức khác nhau. Nhà tâm lý học người Mỹ Theodore Million phân định thành bốn loại:

  1. Rối loạn nhân cách ranh giới "im lặng" hoặc "thất vọng"

  2. Rối loạn nhân cách ranh giới hành động “bộc phát”

  3. Rối loạn nhân cách ranh giới "nóng giận"

  4. Rối loạn nhân cách ranh giới “tự hủy diệt”

Sự đa dạng giữa những bệnh nhân BPD và phạm vi các triệu chứng có thể gây ra sự hiểu nhầm, vì hầu hết chúng ta có xu hướng chỉ tập trung vào một đầu của dải quang phổ. Trong khi các phương tiện truyền thông củng cố hình ảnh rập khuôn về BPD là một người bộc lộ cảm xúc bằng hành động và bộc phát sự tức giận của họ, chúng ta lại quên nhớ tới những bệnh nhân BPD Trầm Lặng, những người phải chịu đựng căn bệnh trong im lặng.

BPD Trầm Lặng là gì?

Theo khuôn mẫu thông thường, người mắc chứng BPD biểu hiện các triệu chứng như bộc phát giận dữ, buộc tội người khác một cách vô lý và hành vi tự hủy hoại bản thân một cách bốc đồng. Trong trường hợp của BPD Thầm Lặng, những điều này trở nên vô hình vì sự biến động thường hướng vào trong hơn là hướng ra ngoài.

Nếu bạn mắc chứng BPD Trầm Lặng, bạn sẽ "hành động hướng vào bên trong". Bạn trải qua toàn bộ cung bậc cảm xúc - sợ bị từ chối, tâm trạng thất thường, giận dữ, ám ảnh, nghi ngờ bản thân, lo lắng, v.v. Tuy nhiên, bạn không thể hiện sự rối loạn nội tâm của mình ra bên ngoài. Thay vì đả kích, bạn hướng sự tức giận, căm ghét và đổ lỗi về phía chính mình. 

Nhà trị liệu tâm lý chấn thương Pete Walker đã mô tả bốn cấu trúc phòng thủ cơ bản của chúng ta: Chiến đấu, Chạy trốn, Đóng băng và Nịnh bợ. Hầu hết chúng ta sử dụng tất cả các chiến lược này, tùy thuộc vào mỗi tình huống. Nếu bạn mắc chứng BPD Trầm Lặng, cơ chế đối phó chính yếu của bạn sẽ bị đóng băng.

Liệu bạn có đang mắc chứng “BPD Tĩnh Lặng”?

  • Bạn có trải qua những thay đổi tâm trạng tột độ kéo dài từ vài giờ đến vài ngày, ngay cả khi bạn không thể hiện chúng ra bên ngoài? 

  • Bạn có phải chịu đựng sự xấu hổ độc hại và luôn cảm thấy tội lỗi không? 

  • Bạn có xu hướng đổ lỗi cho bản thân khi xung đột xảy ra? 

  • Ngay cả khi bạn không nói với mọi người hoặc thể hiện ra ngoài, bạn có thấy mình đang lý tưởng hóa ai đó trong một khoảnh khắc, sau đó lại hạ thấp giá trị hoặc từ chối họ không? 

  • Bạn có thường xuyên cảm thấy tê liệt, trống rỗng và tách biệt khỏi thế giới không? 

  • Có lúc nào bạn cảm thấy “siêu thực” như đang ở trong một bộ phim hay một giấc mơ không? 

  • Bạn có phủ nhận và kìm nén cơn giận mà bạn cảm thấy không? 

  • Bạn có thường xuyên cảm thấy mình chiếm quá nhiều không gian, hay vì lý do nào đó mà trở thành gánh nặng cho những người xung quanh?

  • Bạn có ngắt lời mọi người ngay khi họ làm tổn thương bạn thay vì cố gắng nói chuyện với họ về những gì đã xảy ra không? 

  • Khi bạn buồn bã, bạn có tự thu mình lại và không nói chuyện với bất kỳ ai không?

Triệu chứng của bệnh BPD Trầm Lặng

Bạn che giấu cảm xúc thực sự của mình. Suốt cuộc đời, bạn đã học được cách che giấu cảm xúc thật của mình. Điều này có thể do bạn lớn lên trong một gia đình không được phép thể hiện nhu cầu và cảm xúc của mình. Thông qua điều kiện xã hội, bạn tin rằng chỉ phiên bản "vui vẻ, bình tĩnh và bình thường" của bạn mới được chấp nhận. Vì vậy, dù trong lòng bạn có đau khổ đến mức nào, bạn cũng muốn giấu nó đi. 

Nhiều người mắc chứng BPD Trầm Lặng cũng mắc phải một tình trạng gọi là alexithymia - tình trạng không có khả năng nhận biết hoặc mô tả cảm xúc. Bởi vì bạn thiếu vốn từ vựng để mô tả cảm xúc của mình nên cuối cùng bạn để chúng mưng mủ bên trong mình.

Bạn có vẻ rất năng nổ hoạt bát. Nhiều người mắc chứng BPD Trầm Lặng có vẻ ngoài độc lập, thành công và năng động. Bạn có thể là người có động lực lớn và cầu toàn. Bạn có khả năng làm việc vào ban ngày nhưng lại suy sụp khi về đến nhà. Trong tiềm thức, bạn đã tin rằng bằng cách tỏ ra hoàn hảo, xinh đẹp, thành công..., bạn sẽ có thể tránh được sự bỏ rơi hoặc bị từ chối trong đau đớn. Khi những trụ cột sai lầm này của lòng tự trọng sụp đổ, chẳng hạn như trong trường hợp thất nghiệp, ly hôn hoặc tổn thất tài chính, ý thức về bản thân của bạn sẽ có nguy cơ sụp đổ.

Bạn chịu đựng sự giảm sút nhân cách hóa và giảm sút hiện thực hóa. Bạn có thể rút lui không chỉ khỏi cộng đồng chung mà cả thế giới nội tâm của bạn. Bất cứ khi nào nỗi đau tinh thần trở nên quá mức, bạn sẽ tách khỏi chính mình. Bạn có thể phân ly dưới hình thức đánh mất sự cá nhân hóa và phi hiện thực hóa, nơi mọi thứ dường như siêu thực. Bạn có cảm giác như đang ở trên không trung nhìn chính mình điều hành cuộc sống của mình như một người quan sát xa xôi và tách biệt, không thể cảm nhận được nỗi đau hay niềm vui. Ngay cả khi nói đến những mối quan hệ thân thiết, bạn cũng không cảm thấy được kết nối. Bạn điều hành cuộc sống của mình theo chế độ tự động và đã đánh mất sức sống bên trong mình. 

Bạn đánh đổi quá nhiều chỉ để làm hài lòng người khác. Bạn có thể đã đảm nhận trách nhiệm làm hài lòng gia đình của mình, vào thời điểm mà bạn không có lựa chọn nào khác ngoài việc trở thành người giúp đỡ biết phục tùng để tiếp tục sống. Đó không phải là một mong muốn có ý thức, nhưng bạn vẫn tiếp tục ưu tiên việc được yêu thích hơn là được tôn trọng và cảm thấy hoảng sợ khi người khác có vẻ giận dữ hoặc không đồng tình với bạn. 

Khi yêu một ai đó, bạn trở nên lo lắng quá mức và hoảng sợ trước những dấu hiệu nhỏ nhất cho thấy ai đó không hài lòng. Điều này khiến bạn rơi vào trạng thái cảnh giác cao độ và hút cạn năng lượng sáng tạo mà bạn có thể sử dụng để làm việc hiệu quả. 

Việc làm hài lòng mọi người trở nên thái quá khi bạn thấy mình không thể hành động một cách tự nhiên mà thận trọng thay đổi hoặc xem xét kỹ lưỡng bản thân vì sợ làm tổn thương hoặc xúc phạm ai đó.

Bạn tự cô lập chính mình. Ở trong một tình huống xã hội có thể khiến bạn trở nên lo lắng tột độ. Vì cảm xúc của bạn dễ bị ảnh hưởng, bạn biết mình dễ bị tổn thương, hạ thấp hoặc xấu hổ. So với những người trơ lì, bạn luẩn quẩn với vết bỏng cấp độ ba và không có biện pháp bảo vệ nào. Cuối cùng, việc chịu đựng có vẻ dễ dàng hơn. 

“Tách rời” là một triệu chứng BPD phổ biến. Khi bạn tách rời, mọi người sẽ được xếp vào phe "tốt" hoặc "xấu". Người bạn yêu hôm qua có thể trở thành kẻ thù của bạn ngày hôm nay. Khi mắc chứng BPD Trầm Lặng, bạn sẽ không trực tiếp đối đầu với mọi người hoặc đấu tranh cho các mối quan hệ của mình. Thay vào đó, bạn rút lui và tách mình ra khỏi mọi người. Bạn dễ dàng loại bỏ các mối quan hệ, khiến đối phương bối rối. Tuy nhiên, khi nhìn lại, bạn có thể hối tiếc vì đã đánh mất đi một vài người bạn. 

Bạn sợ ở một mình nhưng lại đẩy mọi người ra xa. Giống như chứng BPD "kinh điển", bạn có nỗi sợ bị bỏ rơi sâu sắc, nhưng thay vì đấu tranh để giành lấy sự gắn bó dưới hình thức bám víu, ở BPD Trầm Lặng, bạn tin rằng mình xứng đáng bị bỏ rơi. Sự ghê tởm bản thân có thể khiến bạn tự cô lập mình trong nhiều ngày và nhiều tuần. 

Trong thâm tâm, bạn nghi ngờ sự xứng đáng của mình và bạn sợ rằng khi người khác đến gần, họ sẽ “phát hiện” ra rằng bạn có khuyết điểm. Khi ai đó bày tỏ tình cảm với bạn, bạn sẽ khép kín hoặc tạo khoảng cách để họ không bao giờ nhìn thấy con người thật của bạn.

Bạn sợ bị từ chối đến mức không muốn bắt đầu bất kỳ mối quan hệ nào hoặc kết thúc chúng trước khi mọi người có thể đến đủ gần để làm tổn thương bạn. Bạn tự nhủ: “Tôi độc lập và tôi không cần các mối quan hệ”. Cuối cùng, bạn có thể khép kín những cảm xúc sâu thẳm trong mình và trở nên trống rỗng và tê liệt về lâu dài.

Bạn đổ lỗi cho chính mình về mọi thứ. Những người mắc chứng BPD Trầm Lặng đổ lỗi cho chính mình, ngay cả khi đó không phải lỗi của họ. Nếu bạn bè của bạn tức giận, bạn sẽ ngay lập tức cảm thấy mình đã làm sai điều gì đó, ngay cả khi không có mối liên hệ rõ ràng nào. Bạn luôn cho rằng mình đang làm phiền người khác hoặc là gánh nặng cho người khác. Ngay cả khi bạn bị đối xử tệ bạc, bạn vẫn tin rằng mình đã làm điều gì đó để đáng bị đối xử tệ bạc.

Bạn có thể có các triệu chứng lo âu xã hội, xem xét kỹ lưỡng mọi điều bạn nói hoặc làm, sau đó chỉ trích hoặc thậm chí trừng phạt bản thân vì điều đó. 

Bạn cảm thấy bối rối về việc bạn thực sự là ai. Bạn cảm thấy khó để biết mình là ai vì sở thích, niềm tin và giá trị của bạn dường như thay đổi hàng ngày. Bạn có thể say mê một người, một dự án hoặc một chế độ nào đó trong một thời gian và đột nhiên, như thể một công tắc được bật lên, bạn mất hứng thú. Vì điều này, bạn không chắc mình thuộc về đâu. Không có nền tảng vững chắc để làm việc cũng khiến việc xây dựng lòng tự trọng và sự tự tin trở nên khó khăn hơn. 

Bạn có nhu cầu kiểm soát cao. Bạn có nhu cầu cao về kiểm soát, cấu trúc và trật tự. Bạn có thể áp đặt những quy tắc cứng nhắc lên cuộc sống của mình để không bị mất cân bằng. Điều này tạo ra một loại cứng nhắc làm hạn chế tính sáng tạo, sự vui tươi và tự phát của bạn. Bạn có thể không thoải mái với những tình huống không có cấu trúc, không có quy tắc hoặc hướng dẫn. Bạn có thể thấy mệt mỏi trong các tình huống xã hội và các hoạt động không có cấu trúc vì bạn không bao giờ biết phải làm gì hoặc nói gì. Vì điều này, bạn cũng có thể gặp khó khăn trong việc trị liệu phi cấu trúc vì nhà trị liệu không đưa ra hướng dẫn cụ thể hoặc cho bạn biết liệu bạn có đang đi đúng hướng hay không. (Điều này không có nghĩa là liệu pháp này "tệ" hoặc không hiệu quả, nhưng bạn nên chia sẻ cảm giác của mình với bác sĩ trị liệu.) Bạn cũng chọn cách né tránh các mối quan hệ thân mật. Điều đó có ý nghĩa, vì các mối quan hệ chắc chắn liên quan đến việc bộc lộ điểm yếu của bạn và phải chịu đựng những yếu tố mà bạn không thể kiểm soát.

Chữa lành bệnh BPD Thầm Lặng 

Vì sự hiểu biết về BPD còn hạn chế, ngay cả với các chuyên gia sức khỏe tâm thần, bạn có thể bị chẩn đoán nhầm với các hội chứng khác như trầm cảm, ám ảnh sợ xã hội hoặc Asperger. Việc mắc chứng BPD Trầm Lặng sẽ cô lập bạn. Rất có thể, bạn cảm thấy bất an và thậm chí xấu hổ khi phải tìm kiếm sự giúp đỡ, nhưng nỗi đau và sự bất ổn sẽ càng trầm trọng hơn khi bạn phải tự mình gánh chịu. 

Mặc dù có thể cảm thấy không tự nhiên và khó khăn, nhưng việc tiếp cận là một bước thiết yếu để chữa lành. Bạn có thể cảm thấy mình không xứng đáng được giúp đỡ; đó không phải là sự thật. Trong quá khứ, bạn có thể đã bị buộc phải im lặng, bị gạt bỏ và bị đẩy ra đứng đầu ngọn sóng. Hệ thống của bạn đã học được rằng tìm kiếm sự giúp đỡ có nghĩa là dễ bị tổn thương hoặc việc cần giúp đỡ sẽ dẫn đến bị từ chối. 

Nếu bạn mong muốn tiến về phía trước và sống một cuộc sống khác, một cuộc sống đầy đủ hơn, phong phú hơn và trọn vẹn hơn, bạn phải lấy hết can đảm để làm điều gì đó khác biệt. 

Khẳng định giọng nói của bạn không phải là điều khó khăn. Ngay khi bạn mở lòng, bạn sẽ nhận ra thế giới đang chờ đợi để lắng nghe bạn. Nếu bạn chia sẻ nỗi đau khổ, quá khứ và câu chuyện của mình với ai đó, ở một nơi nào đó, bạn sẽ thấy rằng mình có sức mạnh để hàn gắn thế giới. 

Mắc chứng BPD Thầm Lặng là một điều đau đớn, nhưng nó không nhất thiết là câu chuyện về bạn trong suốt quãng đời còn lại.

----------
Tác giả: Imi Lo

Link bài gốc: Do You Have "Quiet BPD"?  

Dịch giả: Vũ An Ngân - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: [Tên dịch giả] - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

150 lượt xem

lh-fulllh-x