Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public6 năm trước

[ToMo] Mặt Tối Của Sự Tự Hoàn Thiện Bản Thân

“Truyền thông khiến cho tất cả mọi người tin rằng một ngày nào đó chúng ta đều là những triệu phú, những nam nữ thần trên màn ảnh và những ngôi sao nhạc rock, nhưng thực tế là chúng ta không hề trở thành những người như vậy. Chúng ta đang dần nhận thức được thực tế đó, và trở nên vô cùng tức giận." - Fight Club

 


Ngành công nghiệp "tự hoàn thiện bản thân" tại Hoa Kỳ đã kiếm ra 10,53 tỷ USD vào năm 2010. So sánh con số này với con số 5,7 tỷ USD của năm 2000, theo John LaRosa, giám đốc nghiên cứu của tập đoàn Marketdata Enterprises, một nhà phát hành những nghiên cứu về thị trường độc lập hàng đầu cho rằng, "Không hề thiếu nhu cầu về những sản phẩm và chương trình có thể thỏa mãn những mong muốn kiếm được nhiều tiền hơn, giảm cân, cải thiện mối quan hệ và kỹ năng kinh doanh, giải tỏa căng thẳng hoặc có được động lực một cách nhanh chóng của người Mỹ.” Và cũng có quá nhiều các sản phẩm và chương trình ngoài kia có khả năng đáp ứng được nhu cầu này. Chúng nói cho bạn biết mình nên ăn gì, nghĩ gì, học hỏi gì và rèn luyện gì. "6 cách để giải tỏa căng thẳng!", "10 thủ thuật để xây dựng niềm tin", và cuốn sách yêu thích nhất của tôi cho đến giờ, "7 thói quen để thành công". Có lẽ nào chúng ta đang trở nên ám ảnh quá mức với việc tự hoàn thiện bản thân?

 "Khi bạn chấp nhận thực tế rằng bạn không hoàn hảo thì bạn sẽ tự tin hơn." - Rosalynn Carter

  


Ý chí mong muốn phát triển tốt hơn nữa so với những gì chúng ta đã làm được vốn là một trong những bản năng của con người. Nếu không có điều đó, chúng ta sẽ không có triết học, những nghi lễ tâm linh, khoa học hay công nghệ. Trong khi HighExistence có đầy những bài báo về sự trau dồi thì giá sách của tôi lại chứa hàng chục cuốn sách đọc để giải trí nhanh, tôi nghĩ điều quan trọng là ta phải tìm ra được động cơ của chính mình với ham muốn này. Ham muốn thường bắt nguồn từ niềm tin rằng có điều gì đó không đúng về chính chúng ta. Mặt tối của sự tự hoàn thiện bản thân là nó khiến sự bất an của chúng ta lớn dần lên. Giá mà tôi là x, giá mà tôi có thể làm y, giá mà tôi trông giống như z, sau đó tôi sẽ trở nên tự tin hơn và chấp nhận được con người thật của chính mình. Những sự tự đánh giá méo mó này khiến chúng ta bị kích động, cảm thấy cô đơn, khiến ta trở thành con người cầu toàn và mắc các vấn đề về ăn uống. Đổi lại, chúng ta đã tìm cách xử lý những triệu chứng này bằng phương pháp “Băng Cá Nhân” mới nhất, một chương trình tự giúp đỡ khác. Nhưng điều đó sẽ chẳng bao giờ đưa chúng ta đến gần hơn với gốc rễ của vấn đề cả.

 "Sống hòa nhập trong một xã hội bệnh hoạn sâu sắc không phải là dấu hiệu của một tinh thần khỏe mạnh." - Jiddu Krishnamurti.

 Điều này đã mọc rễ sâu trong suy nghĩ của toàn xã hội. Sự tự ghét những đặc điểm của chính bản thân mình là triệu chứng của một xã hội bệnh hoạn. Chúng ta đều có một phần như vậy trong con người mình. Nếu so sánh danh sách những điều ta thích về bản thân với danh sách những gì ta muốn thay đổi, sự khác biệt trở nên khá hiển nhiên. Khi nghiên cứu kỹ hơn, ta sẽ thấy mình đang sống trong một xã hội nơi yêu cầu ta phải đáp ứng những điều kiện lý tưởng không có thật. Nếu chúng tồn tại thì ta đã có thể đáp ứng chúng và sẽ chẳng còn bất kỳ sự bất an nào còn sót lại nữa.

 "Chúng ta là những người tiêu dùng. Chúng ta là hệ quả của nỗi ám ảnh về lối sống. Giết người, tội phạm, nghèo đói, những điều này chẳng liên quan gì đến tôi cả. Những gì tôi quan tâm là tạp chí về những người nổi tiếng, TV với 500 kênh truyền hình, tên của ai đó trên đồ lót của mình. Rogaine, Viagra, Olestra." - Fight Club



Hãy sử dụng vẻ đẹp lý tưởng của người phụ nữ như một ví dụ ở đây vì nó được thể hiện rất rõ ràng qua cách chúng ta đối xử với một nửa này của dân số thế giới. Những người mẫu mà chúng ta thấy hàng trăm lần mỗi ngày trên các quảng cáo, thật ra hình ảnh của họ đã được chỉnh sửa để trở nên đẹp nhất có thể đối với một con người. Chúng ta ý thức được rằng mọi người trông không giống như vậy trong đời thực nhưng ta lại tin vào điều đó một cách vô thức. Bộ não của chúng ta không thể phân biệt được giữa những hình ảnh hào nhoáng và những khuôn mặt thật sự bằng da bằng thịt. Và với quá đủ những sự tuyên truyền giả tưởng này, ta không thể không cảm thấy như có điều gì đó không đúng về chính mình. Dĩ nhiên, sẽ có những sản phẩm không giới hạn mà chúng ta có thể mua được để thu hẹp khoảng cách giữa thực tế và tưởng tượng, và rồi sống theo một hình mẫu mà ta coi nó chỉ đơn giản là của một "người bình thường". Nhưng liệu điều này có thực sự giải quyết được vấn đề?

 "Cuộc đời tôi đầy rẫy những bất hạnh khủng khiếp mà hầu hết trong số đó là vì những điều không bao giờ xảy ra được." - Mark Twain.

 Tôi rất thích câu nói này. Nó ẩn chứa thực chất của vấn đề. Lương tâm liên tục nhắc nhở chúng ta rằng ngay cả điều tốt nhất chúng ta có thể làm được vẫn là chưa đủ tốt. Không có gì là đủ tốt cả. Tara Brach từng nói rằng gánh nặng của cảm giác không xứng đáng chính là vấn đề cốt lõi trong sự chịu đựng của chúng ta. Và dù những công cụ giúp tự hoàn thiện bản thân này hoạt động giống như những chiếc vỏ tạm thời bảo vệ chúng ta nhưng thực chất, cuối cùng chúng rồi cũng sẽ bị hao mòn đi mà thôi. Bạn thức dậy mà không trang điểm và bạn sẽ cảm thấy khó chịu với những gì bạn nhìn thấy. Vì giải pháp trang điểm lên chỉ là cách xử lý các biểu hiện chứ không phải nguyên nhân, vậy nên bạn chỉ đang cắt được phần ngọn chứ không thể giải quyết được phần gốc. Nếu không thể chấp nhận được vẻ ngoài tự nhiên của chính mình, sự bất mãn sẽ quay trở lại với bạn sau này. Bạn không thấy được rằng mình đã đẹp rồi và sự thay đổi đó là do bạn tự chọn chứ không hề bắt buộc. Nếu chúng ta ngừng việc đánh giá chính mình một cách quá khắc nghiệt và khoan dung hơn với những sai lầm và những khuyết điểm của bản thân, ta sẽ cảm thấy thoải mái hơn và có thể tiến bộ được trong những lĩnh vực thực sự có lợi thay vì cố gắng chạy theo những thứ phù phiếm.

 "Trong tâm lý học lâm sàng và tâm lý học tích cực, sự tự chấp nhận bản thân được coi là điều kiện tiên quyết để sự thay đổi có thể xảy ra." - Wikipedia

 


Cảm giác xấu hổ phát triển đã khiến sự gắn kết trong một nhóm trở nên dễ dàng hơn. Một lần làm một hành động gì đó gây hại đến phúc lợi của cả nhóm và bạn sẽ học được cách không làm điều đó thêm một lần nữa. Điều này đã từng rất có lợi cho xã hội cho đến khi bắt đầu thời đại của các phương tiện truyền thông hiện đại. Nó như một bóng ma liên tục lừa bẫy tất cả mọi người. Bạn buộc phải hoàn hảo! Nếu không thì hãy che giấu những nhược điểm của bạn, chạy trốn khỏi chúng và cảm thấy xấu hổ đi! Nhưng tôi sẽ nói với bạn rằng, hãy là chính bản thân bạn, chấp nhận chính bản thân bạn và có niềm tin vào chính bản thân bạn. Hãy cố gắng lấy thật nhiều dũng khí! Đưa ra đánh giá thì rất dễ dàng thôi. Chấp nhận mới là việc chỉ những người dũng cảm mới làm được.

 Tóm lại, có hai khía cạnh bạn có thể suy xét để xem liệu tự hoàn thiện bản thân có đang là con sói đội lốt cừu ẩn nấp trong cuộc sống của bạn hay không. Đầu tiên là, có phải lý do tại sao bạn lại luôn háo hức tìm kiếm các chiến lược mới và tốt hơn để thay đổi điều gì đó là bởi vì bạn muốn trở thành một con người thật hoàn hảo? Nếu đúng thì niềm tin của bạn đang được nuôi dưỡng bởi những lời hứa hẹn hão huyền và những lý tưởng không hề tồn tại. Điều này có thể dễ dàng thay đổi khi xem xét mục tiêu của bạn một cách hoàn toàn trung thực với chính mình. Liệu nó có thực tế không? Có bao nhiêu người có thể đạt được mục tiêu đó? Tôi sẽ cảm thấy hài lòng nếu tôi đã cố gắng hết mình hay chỉ hài lòng khi tôi đã thực sự đạt được nó?

 Thứ hai: liệu lý do tại sao bạn muốn thay đổi một vài điểm về chính mình có liên quan đến việc lúc này bạn không thể chấp nhận điểm đó? Bạn có thường xuyên tự đánh giá bản thân không? Nếu có, bạn đang không thực sự chấp nhận bản thân mình và có thể là cũng không chấp nhận được người khác vì chính con người họ. Do khía cạnh này đã ăn sâu vào nền văn hóa của chúng ta nên rất khó để loại bỏ đi sự tự xét nét này. Điều quan trọng nhất là không bao giờ được quên rằng bạn luôn đủ tốt và tự yêu bản thân mình là đặc điểm cá nhân quan trọng nhất mà bạn có thể phát triển được.

----------

Tác giả: HighExistence


Link bài gốc: The Dark Side of Self Improvement


Dịch giả: Quản Minh Anh - ToMo: Learn Something New


(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Quản Minh Anh - Nguồn: ToMo: Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


(**) Follow Facebook ToMo: Learn Something New để đọc các bài dịch song ngữ và cập nhật thông tin bổ ích hàng ngày!


(***) Trở thành Cộng tác viên, Thực tập sinh Part-time để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại:  http://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

585 lượt xem