Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Tại Sao Âm Nhạc Có Sức Ảnh Hưởng Lớn Đến Thế?

Tôi không dám chắc bạn thích dòng nhạc gì, nhưng khi tác phẩm của Ludovico Einaudi vang lên trong danh sách nhạc ngẫu nhiên trên Spotify, tâm hồn tôi liền nhún nhảy theo.

Tôi từng phát hiện ra tình yêu tôi dành cho piano khi hẹn hò với một người đàn ông. Anh ấy chơi piano cứ như thể nó là định mệnh không thể chối cãi.

Lần đầu gặp nhau, anh đã bảo tôi rằng anh đam mê piano. Tôi cảm thấy mình bị thu hút và nhờ anh chơi bài nào đó, chẳng mong đợi gì hơn là một bản mở rộng của bài Doh-Reh-Me.

Ồ nhưng không, anh ấy đã chơi đàn thực sự.

Anh mở đầu với bản Nuvole Bianche (Mây trắng), và kết thúc bằng siêu phẩm The River Flows in You (Dòng sông tuôn chảy trong em) của Yiruma.

Những ngón tay nhanh nhẹn lướt qua những phím đàn trong khi mắt anh nhắm nghiền, và anh ấy đã rung động hoàn hảo cùng với những nốt nhạc.

Tôi không tin nổi vào mắt mình.

Tôi cảm thấy choáng ngợp đến nỗi quên khuấy sự tồn tại của bản thân.

Âm nhạc đã khơi thức lên những xúc cảm mà tôi chưa từng biết. Những âm giai len thấm vào từng mạch máu, và nhịp điệu xuyên thấu cõi lòng tôi.

Tôi quá xúc động đến nỗi tôi cảm thấy một cơn đau – hướng thẳng tới trái tim trong nhịp đập nhanh phi thường.

Tôi đã không thể nói lên lời và khó chịu khi phải thoả hiệp với niềm khát khao mãnh liệt, đó là được khóc. Những giọt nước mắt cứ trào ra, hết giọt này đến giọt khác. Không có lời dự đoán hay biển cảnh báo nào – Chỉ đơn giản sự thật là như thế.   

Tôi cảm thấy thực sự mong manh song tràn đầy nhựa sống. Tôi cảm thấy nhỏ bé đồng thời lại quyền lực. Tôi muốn thu âm ca khúc đó và khắc ghi nó vào máu thịt mình, để nó mãi mãi neo đậu thầm lặng ở nơi ấy.

 

Quả thật những điều tôi mô tả ở trên có thể nhiều người không cảm nhận được. Một số có thể cảm thụ chúng trong dòng nhạc nào đó, và đối với số khác lại chẳng cảm thấy gì.

Thế nhưng có điều gì ẩn đằng sau sức mạnh của âm nhạc? Điều gì khiến nó trở nên không thể cưỡng lại được đối với cánh cửa tâm hồn, và tại sao nó chỉ có ảnh hưởng lớn tới một số người?

Sau đây là những lý do mà tôi tìm được:


Gợi Kỷ Niệm

Thưởng thức những ca khúc thường được bật trong những sự kiện trọng đại của đời sống, ví dụ như ngày lễ của gia đình, hoặc có thể là một cuộc chia tay, sẽ để lại nhiều ấn tượng. Nó có thể khơi gợi những chiêm nghiệm xúc động và hoài niệm sâu lắng, và cả một nỗi đau được phổ vào nhạc. Những xúc cảm ấy không phải là về âm nhạc mà là về những trải nghiệm mà tiếng nhạc gợi ta nhớ lại.

Điều này cũng tương tự như ca từ trong bài hát. Nếu tác phẩm kể về nỗi buồn và sự nhung nhớ, nó sẽ được những ai từng trải qua nỗi đau đó đồng cảm. Một bài hát khác nói về sức mạnh của việc sống tích cực, sẽ sẻ chia với những ai nhìn nhận cuộc đời bằng con mắt của sự tốt đẹp.

Có lẽ âm nhạc giúp khắc sâu những gì chúng ta hằng muốn ghi nhớ. 



Ngôn Ngữ Mang Tính Phổ Quát Cho Cảm Xúc

Khi tôi nghe câu “Nói ít, làm nhiều”,  tôi nghĩ bụng đôi khi âm nhạc có tiếng nói lớn hơn bất kì ngôn ngữ nào.

Những vần thơ trong thi ca tổng hoà thành một cấu trúc âm thanh có lẽ là một trong những cách tuyệt vời nhất để thổ lộ những điều mà bạn không muốn nói.

Âm nhạc là một thứ ngôn ngữ của cảm xúc bởi nó có thể đại diện cho những xúc cảm khác nhau và đi vào bề sâu của tâm hồn, vượt qua mọi ranh giới hoặc những giới hạn. Mọi người thường cảm thấy bị thách thức bởi thực tế rằng “không ai hiểu nổi họ” hay hiểu họ “thực sự cảm thấy gì”, và bởi thế những người này tìm đến với âm nhạc.

Những khi căng thẳng, con người ta đều làm vậy. Thỉnh thoảng chúng ta thậm chí để ý rằng tuỳ vào hoàn cảnh, ta sẽ thực sự tin ca khúc đó vốn được sáng tác là để dành cho mình. Đây là cái mà tôi gọi là sự giác ngộ trong âm nhạc hay “dấu hiệu”.

Âm nhạc cũng có khả năng bắt chước cảm xúc. Những đoạn nhạc theo trình tự thời gian bắt chước lại cảm xúc cuộc sống của chúng ta – Đoạn mở đầu, tăng tiến, cao trào, và kết thúc. Một nhịp độ chậm rãi sẽ thể hiện nỗi buồn một cách tự nhiên, trong khi một giai điệu sôi nổi hơn thể hiện sự can đảm và vui sướng

Tiết tấu chậm rãi giống với nỗi buồn và sự chậm chạp mà bạn trông chờ bên trong một cá thể rầu rĩ, trong khi tông nhạc sôi nổi sẽ điển hình cho những ai tràn đầy năng lượng và đắm mình trong thứ mà ta gọi là niềm hân hoan.



Khả Năng Thấu Cảm  

Khả năng thấu cảm hay cảm thông là khi ta tìm hiểu một cảm xúc, những tình cảm tương tự sẽ thi thoảng được gợi lên trong ta.

Nếu bạn chuẩn bị lao đầu vào công việc trong lúc lắng nghe một danh sách bài hát buồn có sự kết hợp của Adele, thì điều sắp xảy ra là bạn sẽ không thể hào hứng nổi khi bạn bước vào văn phòng làm việc của mình.

Chúng ta có khả năng đồng cảm với âm nhạc và bị những yếu tố của nó chi phối. Điều này trở nên rất đáng cân nhắc khi ta hình thành nhận thức hoặc tâm trạng để bắt đầu một ngày mới.

Nếu bạn đang phải giải quyết một cuộc chia tay hoặc một sự kiện tiêu cực trong đời mình, thay vì thấy căng thẳng hơn, bạn sẽ muốn đổi danh sách phát nhạc sang nhạc của Dua Lipa cho một cú trở lại ngoạn mục.

 

Miếng Bánh Ngọt Cho Đôi Ta

Steven Pinker, một nhà tâm lý học nhận thức, thích cho rằng âm nhạc là “miếng bánh ngọt cho đôi tai”. Điều đó có nghĩa âm nhạc là một ly cốc tai của những liều thuốc giải trí mà chúng ta hấp thụ qua đôi tai để  kích thích ngay các loại dây thần kinh khoái cảm.

Tương tự các phần thưởng như đồ ăn và tiền bạc, âm nhạc thư giãn kích hoạt hệ thống khoái cảm và hệ thống phần thưởng của não. Khi chúng ta nghiện một bài hát hoặc giai điệu nào nào đó, ta muốn nó lặp lại không ngừng, bởi chúng ta thèm được thưởng thức nhiều hơn nữa.

Tóm lại, cũng như chúng ta cần đồ ăn hay nước uống khi thấy đói hoặc khát, ta cần âm nhạc để giải toả những khát khao xúc cảm được kết nối và thấu hiểu.

 

Ngưỡng Mộ

Hoá ra có một lý giải cho việc tôi bật khóc khi nghe nhạc của Ludovico hoặc Yiruma.

Âm nhạc sẽ thường xuyên khiến chúng ta cảm thấy như muốn vỡ oà bởi vì chúng ta phải trải qua một cảm giác rợn ngợp và ngưỡng mộ. Âm nhạc khiến người ta biết cảm nhận. 

Bất cứ điều gì khiến con người phải trải nghiệm hay khuấy động cảm xúc sẽ thực sự đi sâu vào khoảng không gian giữa người với người và khiến ta cảm thấy tò mò hoặc ngạc nhiên.

Cảm giác rợn ngợp này được hỗ trợ bởi độ nhạy cảm của con người đối với thứ mà những bộ óc khác có khả năng sáng tạo ra và đánh giá cao sự vĩ đại của tài năng nhân loại. Chúng ta chỉ đơn thuần bị choáng ngợp bởi một sức mạnh to lớn tới mức làm lay động lòng người và lột bỏ lớp lớp lá chắn của loài người.

Khi phản ứng lại những cảm xúc như vậy, ta phải trải qua cảm giác sởn da gà và thậm chí là một động lực thúc đẩy cải thiện bản thân và xã hội.

Có chăng những bài hát, ca từ, và sợi tơ đàn chính là hiện thân cho lời chào, lời tạm biệt, hoặc giả làm gia tăng sự im lặng đầy ồn ào mà chúng ta hy vọng mọi người thấu hiểu.


 

----------

Tác giả: Sharone Houri

Link bài gốc: Why is Music So Powerful?

Dịch giả: Nguyễn Việt Phương - ToMo - LearnSomething New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Việt Phương - Nguồn: ToMo Learn Something New ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

231 lượt xem