Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public5 năm trước

[ToMo] Tại Sao Bạn Lại Dễ Xúc Động Như Vậy?

Con người là những cá thể chứa đựng những cảm xúc phong phú và phức tạp. Chúng ta cảm thấy vui khi gặp những điều tốt đẹp, cảm thấy giận dữ khi mọi thứ không như ý muốn và nức nở khi một điều đáng buồn nào đó xảy ra.

Đôi khi, chúng ta cũng bắt gặp được hình ảnh bản thân nhảy cẫng lên như những chú thỏ mỗi khi gặp điều gì đó thú vị.

Những cảm xúc khác biệt này cùng khả năng cảm nhận chúng chính là điều tạo nên “con người”. Tuy vậy, mức độ nhạy cảm và cách thể hiện những cảm xúc đó giữa mỗi cá nhân chúng ta lại khác nhau. Và đó cũng là lý do một số người lại được nhận xét rằng dễ xúc động hơn những người khác.

Sau những lần bộc lộ cảm xúc bản thân một cách dữ dội hơn mức cho phép, có thể bạn sẽ luôn tự đặt ra những câu hỏi cho bản thân.

Rằng “Tại sao mình lại quá xúc động như vậy? Tại sao mình lại khóc hay giận dữ chỉ vì một chuyện cỏn con như thế chứ? Tại sao mình lại phản ứng thái quá hơn người khác như thế?” Dưới đây làm một số nguyên nhân có thể dẫn đến tình trạng này.

1. Bạn Chỉ Là Một Con Người

Nếu một người bạn yêu quý mất đi hay khi bạn mất đi một thứ gì đó vô cùng quan trọng với bạn, thì trở nên xúc động là chuyện bình thường.

Nếu bạn thấy rằng mình là người duy nhất rơi nước mắt hay bạn khóc lâu hơn những người khác, điều đó không chứng minh rằng bạn đang phản ứng quá đà hay bạn là kẻ lập dị gì cả.

Hãy cứ đơn giản nghĩ rằng mỗi người mỗi khác. Vì vậy, chúng ta cũng đau buồn theo những cách khác nhau. Sự thật là những người không khóc hay bộc lộ cảm xúc của họ ra ngoài không đồng nghĩa với việc họ không đang có cùng cảm nhận với bạn.

Như vậy, nếu những cảm xúc của bạn không gây cản trở đến hoạt động hằng ngày, vậy thì có thể nó chỉ đơn giản là bạn nhạy cảm hơn người khác mà thôi.

Hoặc cũng có thể, tại thời điểm đó, cảm xúc của bạn bị dâng trào do nhiều nguyên nhân chẳng hạn như mất ngủ hay căng thẳng.

Chỉ cần những cảm xúc của bạn không phá vỡ cuộc sống của chính bạn hay của ai khác, bạn không cần nản lòng, thoái chí vì nó. Bởi lẽ, bạn cũng chỉ là con người mà thôi.

2. Gen Di Truyền Của Bạn

Cảm xúc là tự nhiên mà có, nhưng nếu có người bảo rằng bạn quá nhạy cảm hay chính bản thân bạn cảm thấy như vậy, nó có thể là kết quả do sự ảnh hưởng của gen di truyền gây nên.

Một số nghiên cứu chứng minh rằng sự đa dạng về gen khiến cho não bộ của bạn trở nên nhạy cảm và dễ xúc động.

Các gen như gen vận chuyển serotonin (gen nhạy cảm), dopamine và sống động cảm xúc có thể khiến một số bộ phận của não gia tăng hoạt động.

Chính vì thế, phản ứng cảm xúc và sự nhạy cảm của bạn với môi trường xung quanh cũng bị khuếch đại lên.

Vậy, nếu bạn có người thân mắc phải một chứng rối loạn nào đó như buồn bã hay lo âu, thì rất có khả năng sự ảnh hưởng của chứng rối loạn đó sẽ được di truyền sang bạn. Vậy bạn có muốn tìm hiểu tại sao bạn lại dễ xúc động như vậy không, bạn có thể kiểm tra gen của mình.

3. Cơ Thể Bạn Đang Không Được Nghỉ Ngơi Đầy Đủ

Chúng ta đều biết rằng thiếu ngủ có thể khiến một người trở nên cáu kỉnh.

Hãy tưởng tượng sau nhiều giờ làm việc thâu đêm, bạn cuối cùng cũng leo lên giường đi ngủ; vậy mà chỉ 3 tiếng sau, đồng hồ báo thức reo lên, nhắc bạn đã đến giờ đi làm.

Điều đầu tiên bạn nghĩ đến có thể sẽ là ném bay cái đồng hồ báo thức đi hay đấm mạnh vào cái gối. Cái cảm giác giận dữ hay thất vọng sau khi bạn thức dậy có thể dễ dàng bị châm ngòi bởi những điều nhỏ bé và khiến cho bạn cáu tiết cả ngày.

Nếu bạn cứ tiếp tục thiếu ngủ trong nhiều ngày hay nhiều tuần, nó có thể ảnh hưởng đến mức độ tập trung của bạn, gia tăng sự lo lắng và buồn bã, làm giảm khả năng cân bằng của cơ thể bạn.

Và với việc thiếu cân bằng đó, bạn dễ dàng vấp ngã hay đụng phải người khác hoặc đồ vật nào đó, điều này không nghi ngờ gì sẽ châm dầu vào tâm trạng đang nóng nảy của bạn.

Nghỉ ngơi tốt sẽ giúp bạn kiềm chế tâm trạng tốt hơn. Khi được nghỉ ngơi tốt, bạn sẽ cảm thấy hài lòng khi thức dậy; vì vậy, sức chịu đựng với những cảm xúc tiêu cực của bạn cũng sẽ cao hơn.

 Không có sự nghỉ ngơi hợp lý, sức chịu đựng của bạn sẽ kém hơn, khiến cho bạn dễ dàng hét lên và òa khóc dù chỉ với những điều nhỏ bé.


4. Bạn Đã Cô Lập Bản Thân Quá Lâu

Luôn giữ mọi thứ cho bản thân và tránh xa mọi người/ mọi vật có thể khiến cảm xúc của bạn trở nên dễ dàng bùng nổ.

Chắc hẳn sẽ thật tuyệt nếu ta có một khoảng thời gian riêng tư cho chính mình và đôi khi điều đó còn khiến ta tươi tỉnh hơn. Nhưng một thời gian dài cách ly bản thân, sẽ khiến cho tâm hồn bạn trở nên chán nản. Nó khiến bạn nản lòng, thoái chí và trở nên khép kín, khó gần.

Ngược lại, khi bạn hòa mình cùng mọi người, dù chỉ là đôi lúc thôi, thì nó cũng khiến bạn trở nên hào hứng hơn. Khi đó tâm trí của bạn được lấp đầy và mọi lo lắng, buồn phiền đều được cuốn trôi.

Ngoài ra, bạn cũng hiểu được cách nhận biết nhiều loại người khác nhau với những tính cách khác nhau và đồng thời học được cách ứng xử sao cho phù hợp nhất.

Ở cùng người khác giúp bạn làm quen được với nhiều loại người: tốt bụng, lịch thiệp, bướng bỉnh hay ác ý.

Theo thời gian, bạn sẽ học được cách ngó lơ những con người tiêu cực và giữ cho tâm trạng của mình luôn bình ổn khi ở gần họ.

Sống tách biệt, ngoài ra còn khiến bạn có nhiều thời gian gặm nhấm những khó khăn của bản thân. Bạn có thể tốn hàng giờ để nghĩ về những sai lầm trong cuộc đời mình và dần dà trở nên buồn bã hay lo ngại về chúng.

Vậy, khi bạn luôn một mình, bạn mất đi cơ hội học cách tự xây nên lá chắn cho bản thân khỏi những người xấu hay những tình huống tiêu cực. Chỉ cần một sự khiêu khích rất nhỏ thôi cũng dễ dàng khiến bạn tức xì khói hay khóc nức nở rồi.

Cuối cùng, khi bạn ở một mình quá lâu, bạn sẽ cảm thấy cô đơn. Sự cô đơn là một cảm giác tiêu cực khiến bạn dễ dàng bộc lộc cảm xúc một cách quá khích.

5. Chế Độ Ăn Uống Kém

Lần kế tiếp, khi bạn phải hỏi bản thân rằng “ Tại sao mình lại quá xúc động như vậy?” hãy thử xem lại chế độ ăn uống của bạn. Thức ăn bạn tiêu thụ hay bỏ qua hằng ngày đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc của chính bạn.

Giả sử bạn thích các món ăn vặt như kem hay sô cô la. Dù lúc ăn chúng có thể bạn rất hưởng thụ nhưng niềm vui đó lại không hề kéo dài.

Niềm vui và sự hào hứng khi bạn ăn các thức ăn vặt thường do tác dụng của đường đem lại, và sự ảnh hưởng này chỉ là nhất thời. Sau đó bạn sẽ cảm thấy tội lỗi hay giận dữ- nhất là khi bạn đang trong quá trình giảm cân và hôm đó cũng chẳng phải là ngày bạn tự thưởng cho mình.

Cái cảm giác tội lỗi này có thể sẽ bùng nổ và trở nên nghiêm trọng nếu ngay sau đó bạn nhận được tin gì đó không vui hay có một chuyện gì đó xảy ra không như ý bạn.

Ăn những thức ăn tốt cho sức khỏe như trái cây, chất đạm và rau củ sẽ giúp bạn thoải mái ở mọi lúc. Sẽ chẳng có cảm giác mặc cảm hay xấu hổ nào sau bữa ăn cả.

6. Bạn Đang Trong Một Sự Thay Đổi Quan Trọng Của Cuộc Đời

Sự thay đổi luôn diễn ra xuyên suốt trong cuộc đời của mỗi người, tuy nhiên vẫn có người chưa sẵn sàng để đón nhận chúng. Có thể bạn là một trong số họ. Thay đổi có thể đem lại sự tốt đẹp hay thỏa mãn nhưng đôi khi nó cũng đem lại sự bất ngờ và lo lắng.

Và khi bạn liên tiếp cảm thấy mọi thứ thay đổi quá nhanh, điều đó có thể khiến bạn khó lòng kiểm soát được cảm xúc của mình.

Một số thay đổi quan trọng của đời người bao gồm việc chuyển nhà, kết hôn, ly hôn, sinh con, mất việc, tìm được việc mới, mất đi một người mình yêu quý, v.v

Những thay đổi này luôn xuất hiện kèm với nguy cơ bùng bổ cảm xúc của chính bạn.

Khi một điều gì đó tốt đẹp diễn ra, bạn cảm thấy hạnh phúc hơn bình thường bởi lẽ khi đang trong một hoàn cảnh không tốt, điều tốt đẹp lại xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy hài lòng hơn.

Nhưng nếu một chuyện gì đó không tốt xảy ra thì nỗi buồn hay sự giận dữ của bạn sẽ trở nên mãnh liệt hơn. Lý do là vì bạn cảm thấy bất an.

Vì vậy, nếu bạn trải qua một sự thay đổi quan trọng nào đó trong cuộc đời, đừng lo lắng về việc không kiểm soát được cảm xúc. Cứ đón nhận chúng một cách tự nhiên (hãy cẩn thận đừng làm điều gì có hại trong suốt quá trình này)

Trong vài tuần hay vài tháng sau đó, một khi bạn đã thích nghi được với hoàn cảnh, bạn sẽ một lần nữa kiểm soát lại được cảm xúc của chính mình.

7. Bạn Đang Căng Thẳng

Căng thẳng là một nguyên nhân chính khiến mọi người trở nên xúc động. Nó ảnh hưởng xấu đến tinh thần lẫn thể chất của con người. Và khi bạn cảm thấy tinh thần mình mệt mỏi, một chút không thoải mái ở đây hay ở kia đều khiến cho cảm xúc của bạn bùng nổ.

Ví dụ, một người vừa trở về sau một ngày làm việc với tâm trạng mêt mỏi và căng thẳng, cô ấy không mong gì hơn mà chỉ muốn về nhà, leo lên giường và ngủ một giấc. Thế mà lúc về, cô ấy thấy con mình vừa làm đổ sữa ra đầy bếp, cô ấy đột nhiên khóc òa lên. Nếu là một ngày nào đó khác, cô ấy có thể nhanh chóng cầm cây lau nhà lên và dọn dẹp, sau đó mắng đứa trẻ một chút. Nhưng vào một ngày căng thẳng, nỗi buồn và sự tức giận của cô ấy đối với việc làm đổ sữa của đứa trẻ đó tăng lên rất nhiều.

Sự căng thẳng về tinh thần hay thể chất diễn ra mọi lúc và thường có những ảnh hưởng nhất thời, nhưng lâu ngày cũng sẽ để lại những ảnh hưởng lâu dài đến một người.

Đó là lý do tại sao một vị phụ huynh có hơn hai đứa con và phải làm thêm việc mỗi ngày để nuôi gia đình lại dễ dàng trở thành một người mất kiên nhẫn và dễ nổi giận như thế.

8. Bạn Đang Đau Buồn

Đau buồn với sự mất mát của một người nào đó hay ai đó thân cận với bạn có thể khiến cảm xúc của bạn bộc phát một cách dữ dội.

Vì vậy, nếu cảm xúc của bạn dâng trào khi nghe hay thấy điều gì gợi nhớ bạn về người đã mất, hãy biết rằng điều đó là hoàn toàn bình thường.

Và nếu vài tuần sau khi bạn mất đi ai đó, bạn phản ứng mạnh mẽ với mọi thứ, cũng hãy hiểu rằng, điều đó là tự nhiên. Tất cả những gì bạn có thể làm đó là kiên nhẫn với chính mình,  hãy để thời gian xoa dịu nỗi đau của bạn.

Sự đau buồn không chỉ đến khi một ai đó bạn quan tâm qua đời, mà còn là khi bạn vừa kết thúc một mối tình, vuột mất một cơ hội hay thậm chí là khi bạn gây ra lỗi lầm nào đó.

Hãy nhớ rằng, nỗi đau của chúng ta đều không giống nhau, vì vậy đừng trách bản thân vì mình khóc lâu hơn người khác.


9. Bạn Bị Tổn Thương

Sự tổn thương là một lý do phổ biến khiến mọi người trở nên dễ xúc động. Sự xúc động đó thường là sự phản xạ trong vô thức đối với một sự kiện khủng khiếp xảy đến với tinh thần hay thể chất của bạn.

Những trải nghiệm này khiến những cảm xúc tiêu cực của bạn như sợ hãi, tức giận, kinh hoảng, tội lỗi, buồn bã và xấu hổ bùng nổ- đôi khi là hàng tháng thậm chí đến vài năm sau sự kiện đó.

Những sự việc tạo nên tổn thương cho bạn có thể kể đến như tai nạn, tấn công tình dục, tấn công thể chất, bắt cóc,v.v đều có thể dẫn đến sự gia tăng về cảm xúc.

Những tổn thương đó thường được tái hiện lại thông qua địa điểm, khuôn mặt, tên, hay sự vật nào đó khiến bạn nhớ lại những ký ức kinh hoàng đã trải qua trong quá khứ. Sự tái hiện này có thể dẫn đến biểu hiện bộc phát cảm xúc của bạn.

Vậy, Là Một Người Dễ Xúc Động Liệu Có Tệ Lắm Không?

Cảm xúc của bạn ảnh hưởng như thế nào đến bạn và những người xung quanh sẽ quyết định tính chất tốt hay xấu của chúng.

Nếu bạn gây tổn thương cho người khác mỗi khi bạn buồn hay tức giận, vậy việc bạn là người hay xúc động là tệ và bạn cần phải học cách kiểm soát cảm xúc của bạn.

Nếu mỗi lần có chuyện gì tốt diễn ra, bạn quá vui và hào hứng đến nỗi nói hết những thứ bạn không nên nói, vậy thì bạn phải học cách kiểm soát chúng.

Nhưng nếu trạng thái cảm xúc của bạn chẳng gây hại đến bạn hay ai cả, vật thì chẳng có gì sai khi là một người sống cảm xúc cả.

Trong trường hợp đó, việc giàu cảm xúc giúp bạn tự do trong việc thể hiện cảm nhận của mình. Ngăn bạn trong việc che giấu cảm nhận của bản thân và chịu đựng mọi thứ trong im lặng.

Vì vậy, nếu những cảm xúc của bạn chẳng gây hại gì, thì việc giàu cảm xúc càng giúp mọi người dễ kết nối với bạn hơn thôi!

Lời Kết

Là một người dễ xúc động, việc đưa ra nghi vấn “Tại sao mình lại quá xúc động như vậy?” là đúng đắn. Biết được những lý do khiến bạn dâng trào cảm xúc giúp bạn học cách để kiểm soát chúng.

Nếu trạng thái cảm xúc của bạn bị ảnh hưởng do chế độ ăn uống hay luyện tập, bạn có thể thay đổi các chế độ cho phù hợp. Và nếu tác nhân là do sự đau buồn hay những thay đổi quan trọng trong cuộc đời bạn, hãy cho chính mình thời gian để chữa lành và điều chỉnh chúng.

Cuối cùng, miễn là sự xúc động của bạn không khiến bạn làm những điều mà bạn sẽ hối hận về sau, thì việc là một người dễ xúc động chẳng có gì phải xấu hổ cả. Nó chỉ cho thấy chúng ta là con người!

----------

Tác giả: Jacqueline T. Hill

Link bài gốc: Why Am I So Emotional? 9 Hidden Reasons

Dịch giả: Thu Giang - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: [Tên dịch giả] - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.  

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,343 lượt xem

lh-fulllh-x