Nguyễn Diệu Hoa@Gia Vị
4 năm trước
[ToMo] Tại Sao Chúng Ta Thích “Đẩy Thuyền” Các Nhân Vật Viễn Tưởng Và Thần Tượng Đến Như Vậy?
Liệu trào lưu ‘’đẩy thuyền” có thể hiện nỗi cô đơn sâu thẳm của xã hội hiện đại?
Bạn có muốn Harry Styles và Louis Tomlinson trong ban nhạc One Direction trở thành một cặp không? Hay bạn thích cặp đôi Ross và Rachel (Series phim Friends)? Hermione và Harry (Harry Potter)? Hay bạn không thích cách “bắt cặp” này? Bạn có nghiện đọc những fanfic viết về các mối tình viễn tưởng giữa các thần tượng của bạn không?
Nếu vậy, có thể bạn là một người thích “đẩy thuyền” đó. “Đẩy thuyền” (shipping) là một cách tương tác sản phẩm văn hóa rất phổ biến – trong cả văn học, âm nhạc, điện ảnh và truyền hình đương đại.
“Đẩy thuyền” (shipping) có nghĩa là bạn thực sự muốn hai nhân vật hư cấu/người nổi tiếng có một mối quan hệ lãng mạn. Thuật ngữ "shipping" xuất phát từ cụm từ "Relationshipping" - một từ được “sáng chế” từ thập niên 70, khi bộ phim Star Trek đang làm mưa làm gió màn ảnh. Nó được sử dụng rộng rãi hơn khi Fox Mulder và Dana Scully, hai nhân vật chính trong The X-Files làm fan điên đảo vì những khoảnh khắc “trên tình bạn dưới tình yêu”. “Đẩy thuyền” thực sự trở thành một hiện tượng toàn cầu khi bộ tiểu thuyết kinh điển Harry Potter ra đời.
Những người sáng tạo ra series phim truyền hình Friends đã khám phá ra một tuyệt chiêu marketing mới lạ: Lượt người xem sẽ tăng vọt nếu bạn tạo điều kiện để khán giả “đẩy thuyền” nhân vật trong chương trình - trong trường hợp của Friends, cặp đôi này chính là Ross và Rachel. Một số bộ phim hài trước Friends đã sử dụng thủ thuật này, nhưng sau Friends mọi người mới thực sự hiểu được sức mạnh của tuyệt chiêu này. Kể từ đó, tất cả những bộ phim hài hàng đầu đều áp dụng “đẩy thuyền” -kể cả trong những bộ phim hài sắc sảo hơn, như Community hay It’s Always Sunny in Philadelphia. Những phim này châm biếm và bình luận về trào lưu “đẩy thuyền” một cách vô cùng dí dỏm.
Nhưng shipping không chỉ dành cho những người nghiện TV. Có lẽ fandom đẩy thuyền mạnh mẽ nhất hiện nay chính là của bộ truyện Harry Potter. Với dàn nhân vật đông đảo, bộ truyện cho các fan quá nhiều sân để “đưa đẩy”. Có ít nhất hai cặp để cộng đồng fan có thể tranh luận: Hermione và Ron hoặc Hermione và Harry. Tác giả J.K Rowling cũng có một vài ý kiến về hiện tượng này:
"Chà, bạn thấy đấy, tôi mới biết đến trào lưu đẩy thuyền bởi vì đã lâu tôi không lên mạng và tìm kiếm Harry Potter. Hiện tại, thỉnh thoảng tôi lại phải làm vậy, vì đôi có những tin tức khá kỳ lạ về tác phẩm và bản thân tôi, về những phát ngôn mà tôi không nên nói. Tôi chưa bao giờ xem các trang web của người hâm mộ, nhưng rồi một ngày tôi đã bấm vào và lạy chúa tôi. Sau 5 tiếng dán mắt vào màn hình, tôi run rẩy đứng dậy khỏi máy tính [bật cười]. "Chuyện gì đang xảy ra vậy?" Đó là lần đầu tiên tôi biết về những người “đẩy thuyền” Harry Potter. Tôi vô cùng bất ngờ về thế giới ngầm đầy phi thường đang sôi sục dưới chân tôi”
Việc ship các nhân vật trong Harry Potter không làm ảnh hưởng đến cốt truyện (ít nhất là theo tác giả). Nhưng trong các loại hình nghệ thuật khác, đẩy thuyền có thể thay đổi hoàn toàn diễn biến của tác phẩm
Điều này được thể hiện rõ ràng trong các chương trình truyền hình. Hai nhân vật trong sitcom How I Met Your Mother, Barney Stinson và Robin Scherbatsky có vẻ rất hợp nhau trên màn ảnh và điều này đã khiến các fan rất thích thú. Các nhà biên kịch nhận thấy điều này và dẫn dắt câu chuyện giữa Robin và Barney sao cho thật kịch tính để phục vụ các fan. Các “người đưa thuyền” ngày càng tuyệt vọng hơn và lên tiếng về mong muốn “se duyên” hai nhân vật này. Nhưng cuối cùng, Barney đã kết hôn với Robin, làm hàng triệu con tim của fan được xoa dịu.
Nhưng ngay khi các fan thở phào nhẹ nhõm, những nhà sản xuất chương trình đã lật mặt 180 độ trong tập cuối - Barney và Robin ly hôn và để Robin quay lại với kẻ thù không đội trời chung của các “người đưa thuyền”, Ted Mosby. Các fan đã rất phẫn nộ, nhưng tiền đã trao cháo đã múc, sự phẫn nộ này đã đến quá muộn - chương trình đã kết thúc, xếp hạng đã tăng vọt, vượt qua cả các mùa trước. Dù các fan thi nhau đốt đĩa DVD và sản phẩm của chương trình mà họ đã mua, điều này không thực sự ảnh hưởng đến doanh thu của chương trình.
Đây là một ví dụ rõ ràng về trào lưu đẩy thuyền ảnh hưởng đến công việc thực tế. Nhưng điều thú vị hơn nữa là công sức các fan bỏ ra cho công cuộc đẩy thuyền của mình. Quay lại ví dụ về Barney / Robin, bạn có thể thử lên các trang web ship cặp đôi này, nơi bạn có thể tìm thấy tất cả, từ phân tích biểu tượng của áo khoác của hai nhân vật đến thông điệp về tình yêu của Barney và Robin được biểu hiện trong cái thùng rác màu xanh và vàng trong một tập phim. Rõ ràng, rất nhiều năng lượng tinh thần và cảm xúc được dành cho việc đẩy thuyền.
Trào lưu này đã bắt đầu lâu chưa? Nếu bạn muốn Romeo và Juliet được bên nhau trọn đời, đó có phải là đẩy thuyền không? Tôi không nghĩ vậy. Đặc điểm cốt lõi của đẩy thuyền (một đặc điểm có phần đáng sợ) chính là chỉ cần cặp đôi họ thích đến được với nhau, còn bất cứ những yếu tố khác đều bị gạt bỏ. Người gán ghép không có kiên nhẫn cho bất cứ thứ khác - bất cứ điều gì không làm cho hai nhân vật hướng về nhau là lãng phí thời gian và năng lượng. Và một khi cặp đôi họ thích đã ở bên nhau thì mọi chi tiết khác trong tác phẩm chỉ là thứ đang đánh lạc hướng ra khỏi tâm điểm chính - “thuyền” của họ
Rowling đã mô tả trào lưu đẩy thuyền là một "thế giới ngầm sôi sục." Tôi không chắc đó là cách miêu tả thích hợp. Nó ám chỉ rằng những người đưa thuyền có phần nào thấp kém hơn và không có khả năng phân biệt giữa thực tại và ảo tưởng. Sự thật là, dù tác phẩm có tinh tế và hàn lâm đến đâu, “đẩy thuyền” vẫn có thể ảnh hưởng đến quá trình sáng tạo và lựa chọn nghệ thuật của tác giả. Ngay cả trong series The Young Pope (Giáo Hoàng Trẻ Tuổi) của HBO - một trong những chương trình truyền hình có tỉ suất người xem cao nhất từng được phát sóng. Dù chương trình có chủ đề khá xa vời khỏi chuyện yêu đương, nhưng họ cũng đã tận dụng phản xạ đẩy thuyền của khán giả một cách triệt để.
“Đẩy thuyền” tiết lộ rất nhiều điều về xã hội của chúng ta, đặc biệt là về việc nhiều người cảm thấy cô đơn và không được yêu thương như thế nào. Chính sự cô đơn này thúc đẩy nhu cầu trải nghiệm sự lãng mạn và tình yêu một cách gián tiếp thông qua những nhân vật họ yêu thích và đồng cảm.
------------------------------------------------------------
Tác giả: Bence Nanay Ph.D.
Link bài gốc: The Psychology of Shipping
Dịch giả: Nguyễn Diệu Hoa - ToMo - Learn Something New
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Diệu Hoa - Nguồn: ToMo - Learn Something New" . Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
751 lượt xem