Trần Ngọc Phương Thư@Gia Vị
5 năm trước
[ToMo] Tại Sao Ta Lại Đánh Mất Niềm Tin Vào Chính Mình?
Mười hai giờ. Khi vạn vật bắt đầu chìm sâu vào trong cõi mộng, bóng đêm âm thầm, cựa mình, rục rịch. Tôi giật mình choàng tỉnh khỏi cơn ác mộng dài. Dọc sống lưng lạnh buốt, ướt đẫm mồ hôi, nỗi sợ như đâm xuyên vào từng tấc da, tấc thịt, cuồn cuộn dội vào từng mạch đập để rồi ăn nhập tận sâu vào trong cốt tủy. Tâm hồn tôi như bị chế ngự bởi con mắt đen tuyền mà sắc lạnh của màn đêm sâu thẳm. Tôi gặng hỏi lòng mình, nỗi sợ nào lại oái oăm đến vậy? Tôi sợ mọi nỗ lực của mình, đều đổ sông đổ bể, tôi sợ mọi thành quả của mình, đều hóa thành hư ảo, và rồi tôi sẽ gục ngã trên cuộc hành trình của riêng mình. Duy chỉ một bước nữa thôi là tôi đã có thể chạm tới vạch đích cuối cùng, nhưng tôi sợ...một bước ấy lại hoá vạn dặm đường xa....Mọi hoài nghi trong tôi, đã đạt tới đỉnh điểm. Nó đeo bám theo tôi, vào trong từng giấc mộng.
Trong tất cả những dòng cảm xúc tôi phải chật vật đối
mặt, “cửa ải” khó vượt qua nhất chính là sự nghi ngờ chính bản thân mình.
Để giúp bạn hiểu rõ hơn về sự bất đồng trong tôi, dưới
đây là một số câu hỏi mà tính hay nghi ngờ
bản thân vẫn thường xuyên gặng hỏi tôi:
“Này, anh kia. Đúng, chính là anh đấy! Công việc anh
hoàn thiện đã đủ tốt chưa?”
“Anh có thực sự nghĩ là anh có đủ khả năng phát triển
trang blog này thành một công cụ giúp anh kiếm thêm thu nhập không?”
“Anh có nên bỏ cuộc ngay bây giờ và làm một công việc
nào đó khác chăng?”
Mấy câu hỏi này thật chẳng dễ chịu gì, và điều tồi tệ nhất chính là chúng có thể hiện diện trong tâm trí tôi ở mọi thời điểm. Kể cả khi mọi chuyện hẵng còn đang thuận buồm xuôi gió, khi tôi cảm thấy hài lòng về công việc, chúng khiến tôi phải kiểm tra lại các bước quản lý website của mình hoặc đọc một bài đăng hay tuyệt của một ai đó để rồi tôi lại đâm ra nghi ngờ tất cả công việc mình đang làm.
Tôi biết tôi không phải là người duy nhất phải vật lộn
với cái nết hay ngờ vực chính mình, bởi chúng thường xuyên xuất hiện bất cứ khi
nào con người ta nỗ lực làm một điều gì đó. Tuy nhiên, có một điều thú vị rằng sự
thiếu tự tin vừa là một yếu điểm mà cũng vừa là một thế mạnh. Giữa dòng xúc cảm
tiêu cực nó khuấy đảo bên trong tâm trí ta, ta vẫn có thể nắm bắt được một vài
lợi ích thiết thực.
Sự thiếu tự tin có lợi cho ta bởi nó khẳng định tầm
quan trọng của một điều ta làm trong cuộc sống, cũng như khẳng định mọi nỗ lực của
ta có đáng để duy trì hay không. Nếu bạn không nảy sinh bất kỳ một mối nghi ngờ
nào đối với công việc bạn đang làm, có lẽ, bạn không thực sự quan tâm tới công
việc ấy, bởi sự chắc chắn “qua quýt” và tính bất cẩn thường đi liền với nhau
như hình với bóng.
Hiếm có ai cân nhắc về chất lượng của một công việc họ ghét làm – họ hiểu rằng họ chỉ cần chất lượng công việc ấy “đủ tốt” để có thể tiếp tục sống qua ngày. Sự nghi ngờ không có chỗ để bắt rễ khi con người ta luôn hờ hững với công việc của mình.
Vậy nên, nếu bạn cảm thấy nghi ngờ công việc bạn
đang làm, thì xin chúc mừng – bạn đã tìm thấy một công việc xứng đáng với công
sức bạn vun đắp. Nhưng chớ vội…mừng quá, bởi mặt trái của sự thiếu tự tin chính
là một cơn ác mộng kinh hoàng.
Nếu bạn ngó lơ mặc cảm tự ti, nó sẽ làm bạn thân bại
danh liệt, ngăn trở bạn thực hiện công việc quan trọng nhất. Nỗi sợ bị người
khác bác bỏ có thể cản trở bạn làm những công việc ý nghĩa, khiến bạn mất đi
tính kiên nhẫn để theo đuổi mục tiêu dài hạn bản thân đã đề ra, và có lẽ, điều
tồi tệ nhất chính là bạn không thể nỗ lực hết mình để tận hưởng cuộc sống một
cách trọn vẹn nhất.
Năng lực dập tắt mọi suy nghĩ tự ti chính là một
siêu sức mạnh, đó là sẽ hành trang vững chắc nhất giúp bạn vượt qua cuộc hành
trình đầy sáng tạo của mình. Nhưng để có thể trau dồi được kỹ năng này, trước
tiên ta phải hiểu rõ cơ chế hoạt động của sự ngờ vực trong ta, nếu ta nắm chắc
quy luật của chúng, ta có thể tự trang bị cho bản thân một cách kỹ càng hơn mỗi
khi ta phát hiện một vài suy nghĩ tiêu cực ấy bắt đầu manh nha.
Chà, may mắn thay, bây giờ quả thật là một thời điểm thích hợp. Mấy ngày hôm trước, tôi đã có một cuộc “đấu vật” gay gắt với sự thiếu tự tin của chính mình, và trong suốt cuộc chiến nảy lửa ấy, nó tình cờ đánh rơi một cuốn sổ quy tắc nhỏ trong lúc tôi thành công đánh đuổi nó tháo chạy về hang ổ.
Sau khi đọc lướt qua toàn bộ nội dung cuốn sổ, tôi
đã rất bất ngờ trước sự súc tích ngắn gọn của nó, chỉ có đúng 3 quy tắc cơ bản định
hình toàn bộ sự thiếu tự tin trong ta. Đôi khi, những cảm xúc phức tạp nhất của
đời người lại được gói gọn trong từng câu chữ giản đơn, và kể cả sự tự ti cũng
vậy.
Tôi muốn chia sẻ về các quy tắc ngầm này, nhưng trước
hết, hãy cùng nhau tham khảo qua phần dẫn nhập của cuốn sổ. Bạn cần phải đọc
qua phần mở đầu này bởi nó hóa giải một quan niệm sai lầm vô cùng phổ biến của
ta về sự tự ti, từ đó bạn mới có thể nắm bắt được ý nghĩa của 3 quy tắc ngầm ấy.
Giờ thì hãy cùng nhau khai phá cuốn sổ quy tắc “gia truyền” này nào!
Dẫn nhập: Nghi ngờ bản thân không hẳn là sự nghi ngờ
về bản thân.
Ắt hẳn bạn cũng đã từng nghe qua châm ngôn: “Kẻ thù
lớn nhất của đời người là chính mình.” – một câu nói thường được những con người
có óc sáng tạo ưa thích sử dụng, tính logic của châm ngôn này được hiểu như
sau:
Tất cả các mối nghi ngờ đều được sinh ra từ sự nỗ lực
ẩn sâu bên trong mỗi người. Suy cho cùng, không có ai bảo bạn phải nghi ngờ bản
thân mình ngoại trừ chính bạn ra, đúng chứ? Một khi bạn nhận thức được rằng bạn
đang tự tạo ra nỗi sợ trong lòng mình, bạn phải tự cảnh tỉnh bản thân và dập tắt
các vọng ngữ ngăn trở bạn được là chính mình.
Ẩn sâu bên dưới lớp nghĩa này, sự tự ti xuất hiện như một rào cản tâm lý bạn tự mình xây dựng nên, và bạn cũng phải đối mặt với nó một mình. Mọi chuyện đều bắt đầu – và kết thúc – từ bạn.
Có đôi phần lý thú khi nhìn nhận sự tự ti như một
thách thức bạn phải dũng cảm đương đầu một mình, nhưng trên thực tế lại không hề
đơn giản như vậy.
Sự nghi ngờ chỉ bén rễ khi ta sống ở một thế giới đầy
ganh đua - nơi ta thường hay so sánh mọi nỗ lực của ta với của mọi người. Bất cứ
khi nào ta nghi ngờ bản thân mình, điều thật sự khiến chúng ta âu lo chính là
năng lực đáp ứng mọi kỳ vọng trong ta. Dẫu
có thích hay không, kỳ vọng của ta được xây dựng từ cái ngưỡng người khác vốn
đã chạm đến hoặc, sắp sửa chạm đến.
Suy cho cùng, ta sẽ không trở thành nhà văn, đầu bếp
hay nhạc sĩ nếu trên đời này không có bất kỳ một nhà văn, đầu bếp hay nhạc sĩ
nào – những người đã vạch ra con đường vươn tới thành công từ các loại hình nghệ
thuật này trước chúng ta. Đây chính là lý do vì sao ranh giới giữa niềm cảm hứng
và sự nghi ngờ tồn tại rất mong manh – những ai khuyến khích ta theo đuổi tiếng
gọi từ trái tim cũng có thể khiến ta nghi ngờ thực lực của bản thân mình, khi
ta không tin bản thân xứng đáng với thành quả đạt được.
Điều này cho thấy, sự ngờ vực trong ta không hề xuất hiện theo ý muốn; nó xuất hiện bởi ta phải sống giữa một “Bối cảnh đầy ắp những con người sáng tạo” làm ảnh hưởng tới kỳ vọng ta đặt ra cho chính bản thân mình. Mạng lưới quan hệ bạn bè, thầy cô giáo, và các nhân vật công chúng khuyến khích ta nỗ lực hết mình, nhưng cũng khiến ta phải nghi ngờ những gì mình làm, khi ta mặc định rằng mục tiêu bản thân đề ra không hề thực tế chút nào.
Sau cùng, sự tự ti thiên về cách bạn nhìn nhận các mối
quan hệ của bản thân, chứ không hẳn là về việc bạn đang phải đấu tranh với
chính mình. Một khi ta có thể thấu hiểu rằng cách ta chú ý tới mọi người sẽ tác
động tới nỗ lực của bản thân, ta đã sẵn sàng giải quyết nỗi sợ hãi nhen nhóm
khi sự tự ti bắt đầu lăm le công kích.
Chúng ta vừa tìm hiểu xong về “Bối cảnh đầy ắp những con người sáng tạo”, cũng như mối quan hệ của nó với cái tôi của chúng ta, bây giờ ta đã có thể bắt đầu đi sâu vào 3 quy luật của sự tự ti. Và đương nhiên, quy luật #1 sẽ chỉ ra cách ta nhìn nhận tất cả mọi người xung quanh, trong bối cảnh này.
Quy tắc #1: Đánh giá quá cao năng lực của người khác
và hạ thấp năng lực của bản thân.
Cơ chế giản đơn này chính là xuất phát điểm của sự tự
ti. Bất kể khi nào khoảng cách giữa công việc của bạn và công việc của người
khác ngày một lớn, là lẽ thường tình nếu bạn bắt đầu nghi ngờ về tiến độ của
chính mình, bạn sẽ phải tự hỏi bản thân rằng liệu công việc mình đang làm có chút
tiến triển nào không.
Nhưng có một điều thú vị rằng, khoảng cách ấy không được hình thành từ thực tiễn, mà là từ nhận thức của bạn về giá trị của bản thân so với mọi người. Ví dụ, bạn cho rằng có một người giỏi hơn bạn gấp nhiều lần, anh ta có thể thực sự tin rằng bạn thua kém anh ta rất nhiều.
Điều này chính là bản chất bất cân xứng của tính
sáng tạo.
Công việc nào cũng được nhìn nhận từ 2 mặt đối lập – một là từ phía người quan sát, và một là từ phía chủ thể người thực hiện.
Người quan sát chỉ có thể thấy được sản phẩm sau
cùng – một kết quả hoàn chỉnh được công bố. Họ không thấu được sự thất bại trước
đó, hay hàng giờ đồng hồ luyện tập, các mẫu thử, hay hàng đêm mất ngủ của người
làm để có thể cho ra mắt một sản phẩm hoàn chỉnh cuối cùng.
Họ chỉ quan tâm tới việc bản nhạc được đăng tải có hay không, kịch bản hoàn chỉnh của bộ phim đó như thế nào, hay quyển sách vừa mới nhấc ra khỏi kệ ấy đọc tuyệt chứ. Mọi sự dưới góc nhìn của người quan sát đều diễn ra vô cùng suôn sẻ, họ chỉ bận tâm tới chất lượng của kết quả cuối cùng.
Tuy nhiên, về phía người thực hiện lại là cả một mớ
hỗn độn chỉ có bạn mới cần phải xoay xở. Với tư cách là chủ thể người làm, bạn
phải vượt qua từng bước nặng nhọc của cả 1 quá trình ươm mầm ý tưởng, để rồi biến
ý tưởng đó thành hiện thực sau này bạn có thể ưỡn ngực tự hào.
Từng công đoạn của quá trình này sẽ là một bài học
giúp bạn quyết định điều gì là đúng, điều gì là sai, khi nào cần thuận theo lời
khuyên từ phía người khác và khi nào thì nên bỏ ngoài tai, khi nào phải mạnh dạn
tiến về phía trước và khi nào phải bỏ lại thất bại sau lưng.
Như bạn có thể thấy, tất cả các công đoạn ấy đều là một cơ hội ngàn vàng để sự tự ti lăm le tiến đến và phá tung mọi thử thách của bạn. Suy cho cùng, bạn buộc phải kiên quyết đưa ra lựa chọn cho riêng mình, nhưng cũng là điều bình thường khi sự nghi ngờ lại thừa cơ len lỏi vào từng quyết định bạn đề ra.
Bản tính ngờ vực và lưỡng lự đều là những rào cản rất đỗi bình thường của mọi nhà sáng tạo, nhưng khi ta nhìn vào công việc của những người xung quanh, ta chỉ thấy được sự tự tin cùng dứt khoát. Bởi chúng ta sẽ mãi giữ vai trò là người quan sát của mọi người, nhưng người thực hiện công việc thay ta lại chỉ có một mà thôi, người đó chính là bản thân ta. Ta không ngừng so sánh thành quả công việc của mọi người với lộ trình làm việc lộn xộn mà trúc trắc của bản thân, điều này khiến ta đánh giá quá cao năng lực của người khác.
Khi ta liên tục hạ thấp bản thân mình:
Trên thực tế, cũng giống như bạn, mọi người ai ai cũng mang trong mình bản tính hay nghi ngờ và lưỡng lự, bạn không nhận thấy điều đó bởi bạn…không thể đọc suy nghĩ người ta được. Nếu bạn không hiểu được điểm khác biệt giữa người quan sát và người thực hiện, bạn sẽ tự mình dựng nên một không gian lý tưởng dành cho sự tự ti trú ngụ, điều này dẫn tới quy tắc thứ 2 – một quy tắc tính tự ti cực kỳ yêu thích:
Quy tắc #2: Nảy sinh lòng đố kỵ đối với thành quả của người khác.
Nếu quy tắc đầu tiên lý giải tại sao chúng ta lại
nghi ngờ bản thân mình dưới sự ảnh hưởng của những người xung quanh, thì quy tắc
thứ 2 chính là khi ta phó mặc cho sự tự ti chế ngự và tạo điều kiện cho nó biến
chuyển thành một thứ vũ khí hủy diệt.
Bản tính đố kỵ là một loại xúc cảm phức tạp, bắt rễ
từ những lựa chọn mang tính sinh tồn và sinh lý, nhưng về khía cạnh công việc, nó
mang trong mình một đặc tính hung hiểm, kết tinh thành một nguồn năng lượng
tiêu cực trong ta.
Sự sáng tạo luôn thiên về khía cạnh tập thể và giao
tiếp – kể cả khi phần lớn công việc bạn thực hiện một mình, công việc của bạn sẽ
không mang lại nhiều ảnh hưởng nếu không giúp ích được gì cho cộng đồng, tương
tự, công việc bạn làm phần lớn đều chịu ảnh hưởng từ những đóng góp của mọi người
xung quanh. Các mối liên hệ - về cá nhân hay về tri thức – đều là những yếu tố quyết
định điều gì là quan trọng đối với bạn, bạn sẽ phải chịu ảnh hưởng lớn từ những
người thân cận với bạn nhất.
Tính đố kỵ đã học được một chiêu trò xảo quyệt, nó buông
lời đe dọa sẽ hủy diệt các mối quan hệ của bạn.
Tính đố kỵ thật chẳng mấy dễ chịu, nó có thể bùng phát mãnh liệt khi bạn ở cạnh bên những người bạn gần gũi nhất, bởi phần lớn nó chỉ xuất hiện giữa những người mà bạn luôn sẵn sàng so sánh với bản thân mình. Vì vậy ta khó có thể lường trước được rằng, tính đố kỵ hiện hữu rõ nhất giữa những người bạn, đồng nghiệp và các thành viên trong gia đình:
Những người bạn ít đố kỵ nhất có thể là những cá nhân cực kỳ thành đạt, tuy nhiên, họ lại là một cái ngưỡng mà bạn khó có thể chạm tới:
Triết gia Bertrand Russell đã tóm tắt lại hiện tượng
này như sau:
Người
ăn xin không bao giờ biết đố kỵ với nhà triệu phú, nhưng đương nhiên, họ sẽ đố kỵ với
những người ăn xin khác kiếm được nhiều tiền hơn họ.
Sự đố kỵ chọn lựa ra những gương mặt thân thuộc, những
người đáng lý phải trở thành một hậu phương vững chắc cho ta, nhưng nó lại khiến
ta nảy sinh cảm giác ta không bằng họ - điều này chỉ khiến ta càng ngày càng
nghi ngờ thực lực của bản thân.
Nếu quy tắc #1 vạch ra ranh giới giữa bạn và những
người xung quanh, thì quy tắc #2 sẽ củng cố ranh giới đó khi tách bạn xa rời những
người quan trọng nhất. Rốt cuộc, tất cả những gì chúng ta có chính là đồng nghiệp,
bạn bè và gia đình, nhưng nếu ta nhìn nhận họ bằng một cặp mắt đố kỵ, mọi tiến bộ
của ta sẽ bị chói chặt vào của họ. Bạn sẽ mãi coi họ là địch thủ thay vì một tấm
gương để noi theo.
Đây chính là điều kiện để sự tự ti từng bước xâm lấn
cửa sổ tâm hồn, nhả ra từng tiếng nói mang đầy thuyết phục và hấp dẫn. Bạn
không chỉ hạ thấp năng lực của bản thân, bạn cũng không còn tìm thấy nửa điểm
thoải mái, nửa điểm an yên khi ở bên những người bạn trân quý nữa vì tính đố kỵ
đã chế ngự tâm hồn bạn.
Từ đó, sự tự ti tung ra chiêu trò cuối cùng thông qua quy tắc sau chót của nó:
Quy tắc thứ #3: Coi sự bỏ cuộc như một quyết định lý
trí.
Dưới nhiều góc độ, bất cứ khi nào bạn nỗ lực theo đuổi
một mục tiêu ý nghĩa, bạn ắt sẽ phải đối mặt với sự lưỡng lự. Bạn không chỉ do
dự về khía cạnh tài chính, bạn cũng sẽ phải trăn trở liệu có ai ủng hộ thành quả
của mình không.
Sẽ có những lúc, bạn cảm tưởng như không có một ai quan tâm tới công việc bạn đang làm dẫu cho bạn phấn đấu bao nhiêu, nỗ lực bao nhiêu. Tất cả những gì bạn nhận lại được duy chỉ có sự tĩnh lặng đến cực điểm đang giương nanh múa vuốt, nó khiến bạn hoài nghi tại sao bản thân lại chấp nhận bỏ ra nhiều công sức tới vậy.
Nếu bạn kết hợp điều này với một niềm tin rằng tất cả
mọi người đều giỏi hơn bạn (quy tắc #1), bạn sẽ không còn sự lựa chọn nào khác,
ngoại trừ bỏ cuộc. Suy cho cùng, tại sao ta lại phải tự hành hạ bản thân mình đến
vậy, tại sao ta không thử làm một điều gì đó ta có thể lường trước được kết quả?
Ta phải làm thế nào khi không thể cưỡng chế nổi sự đố kỵ cứ một mực nảy sinh
trong tâm hồn (quy tắc #2)? Bỏ cuộc chính là sự lựa chọn hoàn hảo nhất sao?
Bản tính tự ti tung ra cho bạn hàng loạt các câu hỏi “hiểm hóc” để bạn từng bước gục ngã trên cuộc hành trình của riêng mình. Những câu hỏi này có thể lôi kéo nhiều rất người gói ghém hành lý, chấp nhận bỏ cuộc, ra đi không chút luyến lưu.
Chiêu bài cuối cùng của bản tính tự ti chính là khả
năng huyễn hoặc con người ta tin rằng quyết định nó đưa ra hoàn toàn dựa trên
lý trí - một chiến thuật khôn ngoan nhất nó áp dụng hết lần này tới lần khác để
ngăn cản ta thực hiện những công việc mình yêu thích cũng như khai mở tiềm năng
của chính mình.
Giống hệt như những lời nói sáo rỗng mà nó vẫn hay
“tiêm” vào đầu ta, chiêu thức này cũng không hơn gì một mánh lới quỷ quyệt.
Sự tự ti có một đặc điểm, đó chính là nó chỉ sống
trong thời khắc hiện tại, nó chỉ biết được những gì có thể thấu rõ, những gì có
thể trải nghiệm ngay tại thời điểm hiện tại. Nó không thể dự đoán được tương
lai - nơi kết quả ta đạt được ngày một đổi thay, nơi sự tự tin được hình thành
song song với từng công việc ta hoàn thiện, nơi sự bấp bênh trong lòng ta ngày
một phai mờ bởi ta đã tiến bộ hơn từng ngày.
Thay vào đó, nó lợi dụng mọi cơn thịnh nộ trong tâm
ta, huyễn hoặc ta tin rằng mọi chuyện sẽ mãi tồi tệ như vậy. Nó quan sát được rằng
bạn đã phải bỏ ra 10 giờ đồng hồ cật lực viết blog nhưng chỉ có 5 người vào
xem, nó sẽ khiến bạn tin rằng tất cả các bài blog sau, kết quả vẫn sẽ như vậy.
Nó sẽ thuyết phục bạn rằng kết quả của ngày hôm nay chính là kết quả của ngày
mai, của tháng sau và của cả những năm sau.
Và tất nhiên, sự thật không phải vậy. Tất cả những sự nỗ lực, những công việc ý nghĩa, đều cần nhiều thời gian để hình thành và phát triển - ai cũng có thể hiểu được lối tư duy “về lâu về dài” này. Tuy nhiên, khi sự tự ti chặn ngang cuộc hành trình của cuộc đời ta, nó sẽ khiến ta tin rằng kết quả của ngày hôm nay sẽ đeo bám theo ta mãi về sau...
....trên thực tế, đó chỉ là một giai đoạn, của cả một quá trình mà ta có thể hiểu như sau:
Mỗi khi bạn làm một công việc có ý nghĩa, bạn phải
chấp nhận sự thất vọng trong ngắn hạn (short-term disappointment) để đổi về sự
tiến bộ dài hạn (long-term progress). Điều
này nghe có vẻ vô lý, tuy nhiên, bạn sẽ sáng tỏ mọi chuyện khi thời cơ chín muồi,
rồi bạn sẽ thấy rõ bản thân đã tiến bộ bao nhiêu.
Còn đối với tôi, bất cứ khi nào tôi nghi ngờ bản
thân mình vì kết quả của thời điểm hiện tại, tôi cố gắng nhắc nhở bản thân rằng
tôi phải quan sát sự nghiệp viết lách của mình dưới thấu kính của từng thập kỷ,
không phải từng ngày một. Chính vì vậy, nếu bài viết của tôi ngày hôm nay không
thể khơi gợi sự đồng cảm từ độc giả - chà, bài viết này chỉ là một trong vô vàn
các bài tôi sẽ viết về lâu về dài thôi. Kể cả khi mọi chuyện tạm thời trở nên
trì trệ, tôi có thể hiểu được rằng tôi vẫn đang lặng lẽ xây dựng cho mình một nền
tàng phát triển cho mai sau.
Bất kể khi nào ta có thể coi các công việc ta làm ngày hôm nay là những bước cần thiết để trải đường cho tương lai phía trước, ta có thể tự mình đặt dấu chấm hết cho sự than vãn của bản tính tự ti. Nếu ta có thể cam kết bản thân sẽ luôn kiên trì, ắt hẳn ta có thể tập trung sẵn sàng đối đầu với mọi thách thức đang chờ đợi ta hôm nay.
Bây giờ bạn đã biết 3 quy tắc cơ bản của sự tự ti. 3
quy tắc này không hề hoa mỹ phức tạp một chút nào, nhưng lại cực kỳ hiệu quả
trong việc ngăn cản từng bước tiến của ta.
Giờ thì chúng ta đều thấu rõ mọi mánh khóe sự tự ti
áp dụng để chi phối ta. Sau đây là 3 bí quyết ta cần phải ghi nhớ để thành công
chế ngự nó:
1. Đừng tự gây áp lực lên bản thân mình nữa, mà hãy biết
động viên bản thân mỗi lúc rơi vào tình huống khó khăn. Chỉ có bạn mới hiểu rõ
mọi nỗ lực của bản thân để có thể hoàn thiện công việc. Bất cứ khi nào bạn so
sánh bản thân với những người xung quanh, hãy nhớ rằng bạn chỉ thấy được thành
quả sau cùng của họ, đồng thời, bạn cũng đang phải trải qua cảm xúc mỏi mệt sau
khi từng bước hoàn thiện công việc của mình. Sự so sánh ấy không hề công bằng,
vì vậy chớ có dùng nó để quyết định liệu bạn có đang làm tốt hay không.
2. Hãy dập tắt bản tính đố kỵ, và nhìn nhận bạn bè
như một nguồn động lực để bạn phấn đấu. Mánh lới cao siêu nhất của tính đố kỵ
chính là khả năng bùng phát mãnh liệt của nó khi bạn tiếp xúc với những người bạn
thân cận nhất. Thay vì cảm thấy ghen tị vì bản thân không bằng bạn bè, hãy tỉnh
táo nhận ra bản chất của tính đố kỵ - một tên khốn chỉ biết có lừa lọc, và thay
thế nó bằng sự biết ơn đối với mọi người xung quanh. Hãy coi cuộc hành trình của
cuộc đời họ là một nguồn cảm hứng về những điều con người ta có thể làm được, từ
đó, hãy trở thành một nhà sáng tạo tài ba.
3. Bỏ qua những kết quả mang tính ngắn hạn, và tập trung vào các mục tiêu dài hạn. Nếu bạn đã tìm được cho mình một công việc yêu thích, rất có thể bạn sẽ muốn gắn bó với nó dài lâu. Vì vậy, kể cả khi ngày hôm nay bạn không nhận được kết quả như mong đợi, hãy nhớ rằng bạn đang từng bước xây dựng cho mình một lộ trình phát triển trong tương lai. Chừng nào bạn vẫn có khả năng nhìn nhận mọi nỗ lực của mình dưới thấu kính của hàng thập kỷ, thay vì hàng ngày, bạn hoàn toàn có thể chế ngự sự tự ti và tiếp tục thực hiện những công việc góp phần làm nên một cuộc sống muôn màu.
---------
Dịch giả:
(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Trần Ngọc Phương Thư - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.
(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,609 lượt xem