Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public10 tháng trước

[ToMo] Thế Nào Là Chủ Nghĩa Dada, Nghệ Thuật Dada, Hay Một Nghệ Sĩ Thuộc Trường Phái Dada | Artland Magazine

Nguyên gốc là một thuật ngữ tiếng Pháp dùng để chỉ một con ngựa gỗ đồ chơi, và "Dada”, chỉ là một từ vô nghĩa. Tuy nhiên, với tư cách là một phong trào, Chủ nghĩa Dada đã chứng tỏ nó là một trong những phong trào nghệ thuật cách mạng của đầu thế kỷ 20, xuất hiện như một câu trả lời cho thời hiện đại.

Mốc thời gian: 1916-1924
Khu vực chính: Thụy Sĩ, Paris, New York
Từ khóa: Ngẫu nhiên, may mắn, vô nghĩa, phản nghệ thuật, nghệ thuật sẵn có
Nghệ sĩ tiêu biểu: Hugo Ball, Marcel Duchamp, Hans (Jean) Arp, Sophie Taeuber-Arp, Hannah Höch, Man Ray, Francois Picabia
Đặc điểm chính: Hài hước, có xu hướng vô lý, thái độ châm biếm đối với quyền lực

Chủ nghĩa Dada: Nguồn gốc và Ý tưởng Chính của Phong trào Nghệ thuật

Trong Thế chiến thứ nhất, vô số nghệ sĩ, nhà văn và trí thức phản đối chiến tranh đã tìm nơi trú ẩn tại Thụy Sĩ. Đặc biệt, Zurich là trung tâm cho những người lưu vong, và chính tại đây Hugo Ball và Emmy Hemmings đã khai trương Cabaret Voltaire vào ngày 5 tháng 2 năm 1916. Cabaret là một địa điểm gặp gỡ của các nghệ sĩ tiên phong cấp tiến. Nửa là câu lạc bộ đêm, nửa là trung tâm nghệ thuật, nơi nghệ sĩ có thể trưng bày tác phẩm của mình giữa các tác phẩm thơ, nhạc và múa tiên tiến. Hans (Jean) Arp, Tristan Tzara, Marcel Janco và Richard Huelsenbeck nằm trong số những người đóng góp đầu tiên cho Cabaret Voltaire. Khi chiến tranh tiếp diễn, nghệ thuật và các buổi biểu diễn của họ trở nên ngày càng mang tính thử nghiệm, phản kháng và hỗn loạn. Họ đã cùng nhau phản đối sự vô nghĩa và những kinh hoàng của chiến tranh dưới tiếng hô hiệu của DADA.

Phản ứng trước sự trỗi dậy của văn hóa tư bản, chiến tranh và sự suy đồi cùng lúc của nghệ thuật, các nghệ sĩ vào đầu những năm 1910 đã bắt đầu khám phá nghệ thuật mới, hay "phản nghệ thuật" như Marcel Duchamp mô tả. Họ muốn suy ngẫm về định nghĩa của nghệ thuật, và để làm điều đó, họ đã thử nghiệm với quy luật của sự ngẫu nhiên và đối tượng được tìm thấy. Nghệ thuật của họ dựa trên sự hài hước và những biến đổi tinh tế, nhưng vào những buổi sơ khai, các nghệ sĩ thuộc trường phái Dada đặt ra một câu hỏi rất nghiêm túc về vai trò của nghệ thuật trong thời đại hiện đại. Câu hỏi này trở nên càng cấp thiết hơn khi lý tưởng của Dada lan rộng – đến năm 1915, nó đã được các nghệ sĩ ở New York, Paris và nhiều nơi khác chấp nhận – trong bối cảnh thế giới đang bị nhấn chìm trong những tội ác của Thế chiến thứ nhất.

  Jean Arp, Constellation with Five White Forms and Two Black, Variation III (1932), thuộc bộ sưu tập của bảo tàng Guggenheim.  

Sự ra đời của nghệ thuật sẵn có (Readymade)

Một trong những hình thức nghệ thuật mang tính biểu tượng nhất xuất hiện trong thời kỳ bùng nổ biểu hiện Dada là nghệ thuật sẵn có (readymade), một hình thức điêu khắc được Marcel Duchamp đưa lên tầm hoàn thiện. Đây là những tác phẩm mà Duchamp đã tái sử dụng các đồ vật tìm thấy hoặc các vật dụng do nhà máy sản xuất để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật sắp đặt. Ví dụ, trong tác phẩm In Advance a Broken Arm (1964), ông treo một chiếc xẻng tuyết từ giá treo trong phòng trưng bày; Fountain (1917), có lẽ là tác phẩm readymade nổi tiếng nhất của Duchamp, bao gồm một chiếc bồn tiểu bằng gốm sản xuất hàng loạt. Bằng cách đưa những đồ vật này ra khỏi không gian chức năng của chúng  và nâng chúng lên tầm "nghệ thuật", Duchamp vừa chế giễu giới nghệ thuật vừa yêu cầu người xem phải suy ngẫm nghiêm túc về cách chúng ta trân trọng nghệ thuật.

Các hình thức khác nhau của Chủ nghĩa Dada

Như những gì tác phẩm sẵn có (readymades) của Duchamp đã minh chứng, các nghệ sĩ thuộc trường phái Dada không ngần ngại thử nghiệm với những phương tiện truyền thông mới. Ví dụ, Jean Arp – một nhà điêu khắc tiên phong trong phong trào Dada – đã khám phá nghệ thuật cắt dán và khả năng ngẫu nhiên trong quá trình sáng tạo. Man Ray cũng thử nghiệm với nhiếp ảnh và kỹ thuật phun sơn, những phương pháp tạo khoảng cách giữa bàn tay của nghệ sĩ và tác phẩm, qua đó kết hợp yếu tố ngẫu nhiên. Ngoài nghệ thuật thị giác, các nghệ sĩ Dada còn khám phá nghệ thuật văn học và biểu diễn. Hugo Ball, người đã viết bản tuyên ngôn thống nhất của Dada vào năm 1916, tìm hiểu cách giải phóng ngôn từ viết. Thoát khỏi những ràng buộc truyền thống của văn bản in ấn, Ball chơi đùa với những âm tiết vô nghĩa, biến chúng thành một hình thức thơ ca mới. Những bài thơ Dada này thường được chuyển hóa thành các buổi biểu diễn, tạo điều kiện cho mạng lưới nghệ sĩ này dễ dàng chuyển đổi giữa các phương tiện nghệ thuật khác nhau.

Hugo Ball, Cabaret Voltaire, 1916

Ví dụ về các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng của Chủ nghĩa Dada

Phong trào này đã mang lại nhiều tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng. Dưới đây là một số ví dụ tiêu biểu của nghệ thuật Chủ nghĩa Dada:

  1. Fountain của Marcel Duchamp (1917)

  2. Bicycle Wheel của Marcel Duchamp (1913)

  3. Ingres’s Violin của Man Ray (1924)

  4. Sound Poem Karawane của Hugo Ball (1916)

  5. Mechanical Head (The Spirit of our Time) của Raoul Hausmann (1920)

  6. Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer Belly Cultural Epoch of Germany của Hannah Höch (1919)


1. Fountain của Marcel Duchamp (1917)

Năm 1917, Marcel Duchamp đã gửi một chiếc bồn tiểu tới Hiệp hội Nghệ sĩ Độc lập. Tuy nhiên, Hiệp hội từ chối Fountain vì họ cho rằng nó không thể được coi là một tác phẩm nghệ thuật. Tác phẩm này của Duchamp đã đặt ra vô số câu hỏi quan trọng về điều gì làm nên nghệ thuật và được coi là một cột mốc quan trọng trong nghệ thuật thế kỷ 20.

Marcel Duchamp, Fountain, 1917

2. Bicycle Wheel của Marcel Duchamp (1913)

“Năm 1913, tôi đã có ý tưởng thú vị khi gắn một bánh xe đạp lên ghế đẩu trong nhà bếp và ngắm nó quay,” Marcel Duchamp nói về tác phẩm nổi tiếng của mình, Bicycle Wheel. Đây là tác phẩm readymade đầu tiên của Duchamp. Readymade là những đồ vật mà Duchamp tái định vị hoặc ký tên và gọi đó là nghệ thuật. Ông gọi Bicycle Wheel là "tác phẩm sẵn có được hỗ trợ," được tạo ra bằng cách kết hợp hơn một vật dụng thiết yếu để hình thành tác phẩm nghệ thuật.

Marcel Duchamp, Bicycle Wheel, 1913

3. Ingres’s Violin của Man Ray (1924)
Bằng cách vẽ các lỗ thoát âm của nhạc cụ lên bản in ảnh của người mẫu khỏa thân Kiki de Montparnasse rồi chụp lại bức ảnh, Man Ray đã biến đổi một tác phẩm khỏa thân cổ điển. Cơ thể người phụ nữ giờ đây đã được biến thành một nhạc cụ. Ông cũng đặt tên tác phẩm là Le Violin d’Ingres, một thành ngữ tiếng Pháp có nghĩa là "sở thích."

Man Ray, Ingres’s Violin, 1924

4. Sound Poem Karawane của Hugo Ball (1916)
Là người sáng lập Cabaret Voltaire và tác giả của Bản Tuyên ngôn Dada đầu tiên năm 1916, phần lớn tác phẩm của Hugo Ball thuộc thể loại thơ âm thanh. Cùng năm đó, Ball đã biểu diễn bài thơ âm thanh Karawane. Những câu mở đầu của bài thơ là:

“jolifanto bambla o falli bambla
großiga m’pfa habla horem”
Hugo Ball

Phần còn lại của bài thơ tiếp tục với những âm tiết tương tự. Mặc dù có thể bài thơ bị hiểu nhầm là những lời lảm nhảm điên rồ, thơ âm thanh thực chất là một phương pháp có tính toán trong văn học thử nghiệm. Ý tưởng là đưa âm thanh của giọng nói con người lên hàng đầu bằng cách loại bỏ mọi yếu tố khác.

Hugo Ball, Karawane, 1916


5.
Mechanical Head (The Spirit of our Time) của Raoul Hausmann (1920)

Raoul Hausmann là một nhà thơ, nghệ sĩ cắt dán và biểu diễn, nổi tiếng nhất với tác phẩm điêu khắc Mechanical Head (The Spirit of Our Time). Tác phẩm gồm đầu của một ma-nơ-canh được làm từ khối gỗ đặc, đảo ngược quan điểm của Hegel rằng "tất cả mọi thứ là tư duy." Đối với Hausmann, con người là những kẻ rỗng tuếch "với khả năng không nhiều hơn những gì mà sự ngẫu nhiên đã dán bên ngoài hộp sọ của họ." Bằng cách nêu lên những vấn đề này, Hausmann muốn tạo ra một hình ảnh phá vỡ các quan niệm chính thống phương Tây rằng đầu óc là nơi lưu giữ lý trí.

Raoul Hausmann, Mechanical Head (The Spirit of our Time), 1920


6.
Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer Belly Cultural Epoch of Germany của Hannah Höch (1919)

Tác phẩm Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch of Germany của Hannah Höch là sự kết hợp của các yếu tố Dada và “phản Dada”. Tác phẩm này, được tạo ra từ những mảnh cắt từ báo chí và tạp chí, chứa đầy những hình ảnh đương thời được ghép lại với nhau để thể hiện quan điểm của Höch về nước Đức, chủ nghĩa Dada, và vai trò của phụ nữ trong cả hai bối cảnh. Nhiều nghệ sĩ Dada nam có những ý tưởng lớn về bình đẳng giới và cách đạt được điều đó, nhưng lại có sự mâu thuẫn giữa lý thuyết và hành động của họ. Do bức xúc, Hannah Höch đã sử dụng tác phẩm của mình để thể hiện suy nghĩ của cô về vấn đề này.

Hannah Höch, Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch of Germany, 1919

Hannah Höch, Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch of Germany, 1919
Hannah Höch, Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch of Germany, 1919
Hannah Höch, Cut with the Kitchen Knife Dada Through the Last Weimar Beer-Belly Cultural Epoch of Germany, 1919


Sự tiếp nhận, sụp đổ và sự lan tỏa của các Lý tưởng Dada

Những phương pháp mới đầy táo bạo của các nghệ sĩ Dada đã gây tranh cãi trong văn hóa đương đại. Việc họ nhanh chóng tách khỏi truyền thống, niềm đam mê theo đuổi một hình thức biểu đạt mới và sự sẵn sàng đưa thế giới "nghệ thuật cao cấp" trở nên bình đẳng hơn thông qua sự hài hước và tìm tòi, đã giúp các nghệ sĩ Dada thu hút cả người ủng hộ lẫn người phản đối tác phẩm của họ. Một số coi sự thể hiện của Dada là bước tiến tiếp theo trong cuộc hành trình tiên phong của nghệ thuật; những người khác lại bỏ qua ý nghĩa đó và xem các tác phẩm như readymade của Duchamp chỉ là những vật thể thông thường, khiến một số tác phẩm gốc bị vứt bỏ như rác.

Chủ nghĩa Dada đã thu hút sự chú ý của công chúng đến những năm 1920, nhưng phong trào này về tổng thể đã định sẵn sẽ tan rã. Một số nghệ sĩ, như Man Ray, đã chuyển hướng sang cõi tiềm thức của chủ nghĩa Siêu thực; những người khác cảm thấy áp lực đè nặng lên nghệ sĩ hiện đại châu Âu quá lớn để chịu đựng. Sự trỗi dậy của Adolf Hitler vào những năm 1930 đã giáng một đòn mạnh vào thế giới nghệ thuật hiện đại, khi tên bạo chúa điên loạn này tìm cách nhổ tận gốc nghệ thuật hiện đại, lĩnh vực mà hắn coi là "suy đồi." Kết quả là, các nghệ sĩ Dada chứng kiến tác phẩm của mình bị chế giễu hoặc phá hủy và buộc phải trốn thoát khỏi bầu không khí ngột ngạt ở châu Âu để đến những môi trường nghệ thuật tự do hơn tại Hoa Kỳ và các nơi khác.

Mặc dù nhiều thành viên ban đầu bị phân tán, nhưng lý tưởng của chủ nghĩa Dada vẫn tồn tại và được duy trì qua các nghệ sĩ đương đại. Trên nhiều phương diện, ta có thể thấy sự hồi sinh của Dada trong nghệ thuật. Ví dụ, trong thời kỳ nghệ thuật Pop, chủ nghĩa Tân-Dada đã trình bày những hình mẫu và bình luận văn hóa được diễn giải với chút tò mò đặc trưng của Dada. Tuy nhiên, chỉ trong nửa cuối thế kỷ 20, tác động đầy đủ của khoảnh khắc Dada mới được nhận ra. Ngoài hai cuộc triển lãm quốc tế quan trọng khám phá tác phẩm Dada (một vào năm 1967 tại Paris và một cuộc khác vào năm 2006 tại nhiều địa điểm quốc tế), các nghiên cứu sâu rộng hơn đã được tiến hành nhằm hiểu rõ và bảo tồn di sản của họ.

Sưu tầm Nghệ thuật Dada

Mặc dù mang lại sức hấp dẫn phổ quát, các tác phẩm nghệ thuật Dada có thể rất khó để sưu tầm. Ngoài các vấn đề về tính xác thực, việc dự đoán hoặc đánh giá giá trị của những tác phẩm này cũng khó khăn do sự đa dạng lớn về chất liệu. Tuy nhiên, có thể thấy rằng các tác phẩm Dada thường vượt qua dự đoán về giá cả tại các cuộc đấu giá. Đáng chú ý là việc bán đấu giá tác phẩm Nu sur nu (1910-1911) của Marcel Duchamp vào tháng 6 năm 2016 với giá hơn 1,4 triệu USD, gấp đôi giá dự kiến là từ 555.000 – 775.000 USD. Tác phẩm Ventilateur (1928) của François Picabia cũng được bán tại Sotheby’s vào tháng 2 năm 2016 với giá hơn 3,1 triệu USD, thuộc ngưỡng cao nhất của dự đoán. Xu hướng này cho thấy sự quan tâm đối với nghệ thuật Dada và phong trào Dada vẫn còn mạnh mẽ, và những nhà sưu tầm hiểu biết vẫn luôn tìm kiếm những cơ hội tại các cuộc đấu giá.

Câu hỏi thường gặp về Chủ nghĩa Dada

Chủ nghĩa Dada là gì?
Chủ nghĩa Dada là một phong trào nghệ thuật từ đầu thế kỷ 20, xuất hiện trước chủ nghĩa siêu thực và có nguồn gốc ở nhiều trung tâm nghệ thuật lớn của châu Âu. Nó đã được sản sinh để đáp lại những nỗi kinh hoàng của Thế chiến thứ nhất, phong trào Dada bác bỏ lý trí, sự hợp lý, và trật tự của xã hội tư bản đang nổi lên, thay vào đó ủng hộ sự hỗn loạn, phi lý và quan điểm chống tư sản.

Những nghệ sĩ chính của chủ nghĩa Dada là ai?
Những nghệ sĩ Dada nổi tiếng nhất bao gồm Marcel Duchamp, Francis Picabia, và Man Ray ở Paris; George Grosz, Otto Dix, John Heartfield, Hannah Höch, Max Ernst, và Kurt Schwitters ở Đức; và Tristan Tzara, Richard Huelsenbeck, Marcel Janco và Jean Arp ở Zurich.

Chủ nghĩa Dada xuất phát từ đâu?
Có một số tranh cãi về nơi mà Dada được thành lập. Nhiều người cho rằng phong trào này phát triển đầu tiên tại Cabaret Voltaire, một hộp đêm tiên phong ở Zurich, trong khi những người khác cho rằng nó có nguồn gốc từ Romania. Điều rõ ràng ở đây là một cảm thức nghệ thuật toàn châu Âu đã nổi lên trong suốt Thế chiến thứ nhất, đặc biệt là vào năm 1916, và những nguyên tắc cốt lõi của Dada có thể được xác định ở Zurich, Berlin, Paris, Hanover, Cologne, Hà Lan, và thậm chí ở New York.

Những đặc điểm chính của chủ nghĩa Dada là gì?
Chủ nghĩa Dada thường được đặc trưng bởi sự hài hước và ngẫu hứng, có xu hướng đến sự phi lý. Thái độ này được sử dụng như một hình thức châm biếm, phê phán các hệ thống chính trị và xã hội đương thời, mà nhiều người cho là nguyên nhân dẫn đến Thế chiến thứ nhất.

Chủ nghĩa Dada có nghĩa là gì?
Tên gọi "Dada" xuất phát từ sự phi lý và vô nghĩa. Trong một số ngôn ngữ, nó có nghĩa là "vâng, vâng," như một cách chế giễu sự tuân lệnh vô lý của dân chúng đối với quyền lực, trong khi ở các ngôn ngữ khác, nó mang ý nghĩa và hàm ý hoàn toàn khác. Cái tên này được cho là do Richard Huelsenbeck và Hugo Ball đặt ra, mặc dù Tristan Tzara cũng tuyên bố là người sáng tạo – với ý tưởng của ông là nó sẽ có nhiều ý nghĩa vô nghĩa.

Chủ nghĩa Dada phản ứng với Thế chiến thứ nhất như thế nào?
Chủ nghĩa Dada là một phong trào có ý nghĩa chính trị rõ ràng – một phản ứng đối với sự tàn sát vô nghĩa trong chiến hào của Thế chiến thứ nhất. Nó tuyên bố "chiến tranh chống lại chiến tranh," chống lại sự phi lý của xã hội bằng chính những tác phẩm phi lý của mình.

Nhà soạn nhạc nào có liên quan chặt chẽ nhất với chủ nghĩa Dada?
Lý tưởng Dada cũng mở rộng sang lĩnh vực âm thanh. Trong số những người khác, Francis Picabia và Georges Ribemont-Dessaignes đã sáng tác nhạc Dada để biểu diễn tại Lễ hội Dada năm 1920, và nhà soạn nhạc nổi tiếng Erik Satie cũng đã thử nghiệm với âm thanh Dada.

-------------

Tác giả: Artland Magazine

Link bài gốc: What is dadaism, dada art, or a dadaist? | Artland Magazine

Dịch giả: Lê Gia Hưng - ToMo - Learn Something New 

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Lê Gia Hưng - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

17 lượt xem

lh-fulllh-x