Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[ToMo] Tiền Là Thước Đo Giá Trị Của Bạn (Phần 1)

Khi còn đôi mươi, tôi đã thất nghiệp trong một khoảng thời gian dài. Đối với nhiều người thì đây không phải là một vấn đề to tát. Chúng ta có cả đời để làm việc, nên nghỉ ngơi vài tháng để “tìm lại chính mình” cũng không tệ lắm.

Chà, tôi lại không được bình thản như vậy.

Tôi đã thao thức biết bao đêm để săn việc làm ở bất cứ công ty nào có vẻ hứng thú với kinh nghiệm làm việc ít ỏi của tôi. Tôi nộp CV liên tục, đương nhiên là sau khi đã kiểm tra định dạng file cẩn thận.


Ngày qua ngày, tôi chỉ ăn, ngủ, và nộp hồ sơ. Nói tóm lại, tôi đã điên cuồng đi tìm kế sinh nhai.

Nhiều người có thể coi sự ám ảnh đi tìm kiếm việc làm của tôi là một ưu điểm khá ấn tượng. Họ hiểu nhầm đó là tham vọng, là bằng chứng cho thấy tôi biết mình phải làm gì

Nhưng sự thật là, tôi không hề được thúc đẩy bởi một mục đích vĩ đại hay khao khát cháy bỏng cống hiến cho xã hội nào cả. Tôi làm điều này chỉ vì một lý do tầm/bình thường hơn nhiều 

Tôi rất, rất sợ bị lâm vào cảnh vô gia cư.


Nỗi sợ này chính là nguyên nhân khiến tôi hoảng loạn tìm kiếm một công việc ổn định và trả lương hậu hĩnh (cho dù công việc có vô nghĩa như thế nào). Tôi tưởng rằng chỉ cần tôi tiết kiệm được chút tiền lương, tôi sẽ không phải ngủ ở ngoài đường nếu vận hạn có ập tới.

Nhiều người có thể thấu hiểu nỗi sợ của tôi, nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng nó thật vô lý. Ngay cả những người sống trong nhung lụa cũng có thể có nỗi sợ này, nhưng cũng có những người nhận trợ cấp chính phủ thì hoàn toàn không Gia đình tôi không thuộc loại khá giả, nhưng cũng không khó khăn đến mức khiến tôi phải sợ hãi như vậy

Không biết nỗi sợ này đến từ đâu, nhưng nó đã đe dọa tôi trong suốt những năm tháng hai mươi và làm quan điểm về tiền bạc của tôi. Thay vì coi tiền là công cụ tạo ra của cải, tôi coi nó là một tấm lưới an toàn có thể (suýt soát) bảo vệ tôi khỏi cuộc sống không nhà cửa. Càng có nhiều tiền thì khoảng cách của tôi với lề đường càng xa.


Nhiều năm đã trôi qua, và may thay, tôi không còn sợ nữa. Tuy nhiên, tôi vẫn phải nghĩ ngợi về tiền bạc. Tiền bạc luôn đóng vai chính trong vở kịch cuộc đời. Thứ đã thay đổi không phải là tiền, mà là cách tôi nhìn nhận chúng.

Cuộc đời thay đổi theo cách góc nhìn của mỗi người, và tiền bạc cũng tương tự như vậy.

“Tiền bạc thật phức tạp” là một khái niệm thật ấu trĩ. 

Mối quan hệ của chúng ta với tiền bạc, đối với tôi, thật xúc tích và dễ giải thích. Ở mỗi giai đoạn, hành trình tiền bạc của chúng ta thường có 3 giai đoạn:


Tôi gọi đây là Dải Phạm Vi Tiền Bạc. Nó đại diện cho các quan điểm chúng ta có về tiền bạc xuyên suốt cuộc đời. Tiền bạc là một chủ đề khó nói do những cảm xúc mà nó mang lại rất khó để biểu đạt thành lời

Vì vậy, Dải Phạm Vi Tiền Bạc được sinh ra để diễn tả rõ ràng một khái niệm trừu tượng khó có thể giải thích. Bước đầu tiên để giải quyết một vấn đề chính là bày tỏ được nó một cách rõ ràng, và Dải Phạm Vi Tiền Bạc có thể chúng ta làm được việc đó.

Mỗi giai đoạn thể hiện một mục đích cụ thể của tiền bạc. Giai đoạn 1 là bước đầu trong hành trình tiền bạc của chúng ta. Chúng ta sẽ sớm biết mục đích của cả 3 giai đoạn, nhưng trước hết, hãy nhớ đây là một dải phạm vi, có nghĩa là chúng ta có thể di chuyển lên xuống vào bất cứ lúc nào.

Có một người hoàn toàn nằm 100% ở trong Giai đoạn 1, nhưng dễ có khả năng họ ở giữa Giai đoạn 1 và 2 và có đặc tính của và hai giai đoạn. Sự phân biệt này rất cần thiện cho đoạn sau của bài viết này, nhưng bây giờ, hãy chỉ nhớ rằng: Mối quan hệ của chúng ta không bao giờ là tuyệt đối, và tiền bạc cũng không phải là ngoại lệ.


Hãy bắt đầu hành trình trên Dải Phạm Vi Tiền Bạc bằng câu hỏi sau: Bạn cảm thấy thế nào khi nhìn vào số dư tài khoản ngân hàng của mình?

Nếu bạn không có bất cứ quỹ tiết kiệm dự phòng nào, bạn sẽ có  cảm giác sợ hãi và bất an. Mục đích chính của tiền chính là cung cấp cho nhu cầu thiết yếu của cuộc đời, nên mối quan hệ của bạn với tiền nong chắc sẽ vô cùng bấp bênh. Sự khan hiếm tạo ra sự yếu đuối, nên tình huống của bạn sẽ tạo ra Giai đoạn 1

Giai đoạn 1: Tồn tại


Có ý kiến cho rằng ai cũng có mặt trong dải phổ này. Tất cả mọi điều thiết yếu trong cuộc sống đều cần phải chi trả: lương thực, quần áo, nhà cửa, v.v… Nếu không có tiền, ta không thể có những thứ đó. Nên tiền là điều kiện thiết yếu để tồn tại, đúng không?

Thật ra cũng chưa đúng lắm.

Đúng là phải có tiền mới có thể thỏa mãn các nhu cầu tối thiểu, nhưng không có nghĩa là nỗi sợ mất mỗi nhu yếu phẩm của chúng ta đều bằng nhau. Một gia đình thu nhập thấp và một gia đình trung lưu có thể cùng đang thuê nhà, nhưng gia đình thu nhập thấp chắc chắn sẽ lo lắng hơn về tiền thuê nhà tháng tiếp theo. Cả hai gia đình đều hiểu tầm quan trọng của tiền bạc, nhưng họ có quan điểm khác nhau về sức ảnh hưởng của nó đến sự sinh tồn của mình. 

Cái khó của từ “tồn tại” chính là sự chủ quan của nó, do con người phản ứng mạnh mẽ với mất mát hơn là lợi lộc. Nếu một tỷ phú không thể chi trả được cho căn nhà 10 phòng ngủ nữa, thì ông ta vẫn không nghĩ rằng điều đó ảnh hưởng tới sự sống còn của mình

Để gỡ bỏ tấm màn của sự chủ quan, hãy tập trung phân tích phần Tồn tại trong phổ. Khi tôi sử dụng từ “tồn tại”, ý của tôi chính là khả năng tồn tại và khỏe mạnh của một người. Trong minh họa phía dưới, tôi đã chia ra những mức độ của nghèo khổ với mức độ cao nhất ở dưới cùng:


Ở mức thấp nhất, bạn không thể chi trả cho đồ ăn, và bạn sẽ chết đói. Điều này dễ đến từ vấn đề của cấu trúc xã hội/ quốc gia hơn là do cá nhân không có tiền, vì nó khá hiếm ở các đất nước phát triển. Tuy nhiên, đây vẫn là vấn đề, cũng như kết cục thảm thất của người không có nguồn tài chính

Trên đó một mức là không có nơi ở, nói cách khác là vô gia cư. Đây chính là nỗi sợ khá thật đối với nhiều người, mặc dù đa số không dễ rơi vào tình cảnh này (nỗi sợ của tôi là một ví dụ điển hình). Điều này xảy ra do hầu hết chúng ta đã quen với cảnh tượng không nhà cửa do đã chứng kiến chúng thường xuyên.

Tôi có những ký ức thuở ấu thơ về việc bố mẹ tôi nói chuyện với người vô gia cư, và chắc bạn cũng có những kỷ niệm tương tự. Vô gia cư là một ô cửa mở ra sự khó khăn của hoàn cảnh con người, nó cũng nhắc nhở ta về những điều tồi tệ có thể xảy ra khi vận hạn ập đến. Khi sự sinh tồn của chúng ta bị đe dọa, cảnh tượng này thường xuất hiện trong tâm trí  của ta, dù ta đang ở xa nó đến như thế nào. 

Những nấc tiếp theo của dải phổ liên quan tới định nghĩa của ta với sinh tồn khi đã được thỏa mãn các nhu cầu tối thiếu (lương thực/nước, nơi ở và quần áo)/ Sinh tồn không còn xoay quanh việc đạt được nhu cầu cơ bản, mà là duy trì được chúng. Đương nhiên, nhiên liệu để duy trì nó chính là tiền.


Để có thể duy trì sức khỏe của bản thân và gia đình, ta cần có một nguồn thu nhập ổn định, và nguồn tiền này thường đến từ công việc. Càng ở nấc trên của Giai đoạn Sinh tồn, bạn càng ít phải đấu tranh để tồn tại, mà là để duy trì. Bạn muốn nguồn thu nhập trở nên đảm bảo hơn, để chắc chắn rằng nhu cầu thiết yếu của bạn sẽ được thỏa mãn trong một vài tuần tiếp theo.

Công việc mang tới sự an toàn, vì vậy, cho dù bạn ghét công việc của mình như thế nào hay điều kiện làm việc có tệ ra sao, miễn là số giờ làm việc của bạn tạo ra lương, bạn sẽ làm cật lực.

Nhưng khi cách làm việc này không còn thỏa mãn mục đích của bạn, nghĩa là bạn đã nhích dần giữa Giai đoạn Sinh Tồn và Giai đoạn 2.

Khi nào thì công việc có thể cho bạn cảm giác an toàn? Có phải là khi bạn không phải tiêu hết tiền lương chỉ để sống qua ngày và có thể tiết kiệm đôi chút mỗi tháng không? Nếu là như vậy, khoảng tiết kiệm ở mức nào mới tạo cho bạn cảm giác nhẹ nhõm? 1 triệu? 100 triệu? 1 tỷ?


Càng ở cuối giai đoạn này, sinh tồn càng thiên về nhận thức của bạn hơn là thực tế. Bạn đã cách xa tình cảnh phải ngủ bên lề đường, nhưng bạn vẫn phải chấp nhận rằng điều đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Điều này làm hạn chế tư duy, cũng như làm tê liệt khả năng phát triển của bạn

Khi bạn đang ở trong tư duy sinh tồn, bạn sẽ luôn cảm thấy như bạn phải níu giữ những gì mình đang có. Bất kể là 1 triệu hay 100 triệu, không có số tiền nào có thể gạt nỗi sợ bị trượt xuống dải phổ dưới của bạn. Nhận thức về tiền bạc như một công cụ sinh tồn có thể đến từ cách nuôi dạy của cha mẹ, trải nghiệm cá nhân, hay nhiều lý do khác, nhưng nếu bạn còn tiếp tục suy nghĩ như vậy, thì bạn sẽ càng khó có cuộc sống viên mãn.

Rủi ro thường đi kèm với nỗi sợ. Nếu bạn đang ở trong chế độ sinh tồn, bạn sẽ sợ mọi cơ hội không chắc chắn, cho dù rủi ro đi kèm có nhỏ đến mức nào.


Khi lúc nào cũng phải lo sợ như vậy, bạn sẽ không thể vượt ra khỏi vùng an toàn của mình. Bạn sẽ không bao giờ dám xin thăng chức hay tăng lương vì sợ mất việc, bạn sẽ không bao giờ đầu tư vào chứng khoán vì sợ mất tiền, và bạn sẽ không bao giờ theo đuổi mục đích vì sợ lâm vào cảnh không xu dính túi

Những điều ý nghĩa nhất ở đời luôn đi kèm với một mức độ rủi ro nhất định, và nếu bạn ở trong chế độ sinh tồn, bạn sẽ không dám thực hiện chúng. Rủi ro dường như luôn quá cao, kể cả khi thực tế không phải như vậy.

Bí quyết để ra khỏi chế độ sinh tồn chính là nhận ra bạn đã có đủ thứ mình cần. Thế nào là "đủ" có lẽ còn tùy vào từng người, nhưng ý của tôi là đủ số lượng cần thiết cho nhu cầu cơ bản.

Bạn có đủ tiền chi trả cho nơi ở không? Nếu bạn bỏ việc, liệu bạn có trở nên vô gia cư, hay bạn sẽ ổn? Có phải những lo lắng của bạn về tiền gần như không còn tồn tại, do bạn đã thỏa mãn được những nhu cầu thiết yếu của mình.

Chế độ sinh tồn được bật khi cuộc sống thực tế của bạn bị che phủ bởi nỗi sợ. Nó thổi phồng những tình huống trong tầm kiểm soát bỗng trở nên thật kinh khủng, khiến mọi quyết định nhỏ liên quan đến tiền đều gây ra sự bất an khủng khiếp.


Gạt bỏ những nỗi sợ phi lý  này cần tới nhiều lý trí, cũng như nhận thức được rằng mọi việc rồi sẽ ổn thôi. Miễn là bạn tận tâm với tình trạng tài chính của mình, thì mọi thứ đều sẽ tự giải quyết một cách dễ dàng. Nếu bạn mất việc, bạn sẽ tìm được việc khác. Nếu bạn không đạt được mục tiêu tiết kiệm, bạn sẽ đạt được sau này. Nếu bạn vung tay quá trán tháng này, bạn sẽ bù đắp lại trong tháng tiếp theo.

Một khi bạn nhận ra rằng tiền là thứ bạn sở hữu chứ không sở hữu bạn, bạn sẽ thấy mục đích thực sự của tiền: một công cụ mang lại cho bạn những giá trị mới, và cải thiện, bổ sung những giá trị cũ.

Ở giai đoạn tiếp theo của dải phổ, tiền bạc trở thành một công cụ  trao đổi đơn thuần thay vì là đích đến cuối cùng. Đây mới chính là giá trị đích thực của tiền: là công cụ đưa giúp bạn đạt được mục đích trong cuộc sống

Giai đoạn 2: Tự Do

Tôi đã từng có một cuộc trò chuyện với bạn của mình về việc cô ấy ghét công việc của mình đến mức nào. Khi tôi hỏi lý do tại sao cô ấy tiếp tục làm việc ở đấy, cô chỉ trả lời một cách miễn cưỡng: “dù sao nó cũng chu cấp cho lối sống của gia đình và bản thân mình. Chúng tớ có thể du lịch ở những địa điểm thú vị, thăm quan cảnh đẹp và ăn các món ăn ngon. Nên công việc cũng bõ công sức bỏ ra.”

Đây chính là trải nghiệm đầu tiên của việc coi tiền là công cụ dẫn đến sự tự do. Khi tiền được sử dụng để duy trì lối sống, không phải cuộc sống, thì bạn đã bước chân ra khỏi lãnh địa của Sinh tồn rồi đấy.


Một trong những dạng phổ biến nhất của tự do là sự rảnh rỗi. Một khi bạn đã thỏa mãn được như nhu cầu tối thiểu của mình, bạn sẽ có sự nhàn rỗi để thể hiện sở thích và gu riêng với bản thân và mọi người. Tiêu tiền vào những trải nghiệm đáng nhớ và những bữa ăn ngon không chỉ mang lại cảm giác dễ chịu, mà còn cho bạn biết thêm về sở thích của bản thân.

Khi bạn và gia đình đang ngồi trên bãi biển ở một quốc gia xa xôi nào đó, ngắm những con sóng dập dìu bên bãi cát, cảm giác mãn nguyện về cuộc sống sẽ dễ đến bên bạn. Bạn cảm thấy như mình đã đạt đến đỉnh cao của sự tự do, và mọi nỗ lực bạn đã bỏ ra cho tới thời điểm này thật xứng đáng.


Nhưng đây cũng là nơi vấn đề nảy sinh:

Cái giá phải trả để có được sự nhàn rỗi rất đắt ,  và vì cuộc sống thường thường nhanh chóng trở nên nhàm chán, chúng ta thường muốn đạt được thêm những thứ mới mẻ. Nếu chúng ta coi sự nhàn rỗi là cách để được tự do, chúng ta sẽ sẵn lòng làm đủ mọi loại công việc nhàm chán để phục vụ cho con đường dẫn đến tự do đó.

Đây chính là tình huống của cô bạn tôi. Cô ấy bỏ quá nhiều công sức vào những công việc nhàm chán, vô bổ chỉ để có thể sống thoải mái hơn một chút.

Sự tự do đến từ sự nhàn rỗi không xứng đáng với công sức bạn phải bỏ ra. Bạn phải làm việc hàng giờ mỗi ngày chỉ để nhận lấy một giờ nghỉ ngơi, có nghĩa là nếu bạn ghét công việc của mình, bạn phải chịu đựng rất nhiều khổ sở mới có thể được một chút tự do.

Sự thật đáng buồn chính là rất nhiều người không thích công việc của họ, và họ cũng không học hỏi được gì từ đó. Thêm vào sự thật rằng bạn đang tiêu tốn  hơn ⅓ cuộc đời để làm việc, thì bạn đang chỉ sống chỉ để kiếm tiền thôi.

Đây là lý do tại sao kết quả hiển thị đầu tiên khi bạn tra từ khóa “nghỉ hưu” trên Google hình ảnh là những tấm hình này:



Đối với hầu hết mọi người, nghỉ hưu có nghĩa là họ có thể tự do làm bất cứ điều gì mình muốn mà không phải lo nghĩ về tiền bạc. Họ cuối cùng cũng có thể ngưng làm việc, du lịch khắp thế giới, và tạo thời gian biểu phù hợp với nhịp sống của bản thân.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn tự do đó còn khá thấp. Dành hơn 30 năm cuộc đời để làm một công việc tầm thường thật chẳng khác gì dành hết tuổi trẻ cho một người bạn đời mà bạn không thích. Thời khắc bạn có thể thoát khỏi công việc hoặc mối quan hệ tệ bạc đó cũng chính là lúc bạn hối hận vì đã tiêu tốn năng lượng sai cách

Khi tiền bạc còn là ưu tiên đầu tiên trong công việc của bạn, bạn sẽ còn bị mắc kẹt trong tầng thấp nhất của Giai Đoạn Tự Do. Để thoát khỏi cái bẫy này, bạn phải thay đổi cách nhìn nhận tiền bạc của mình

Hãy coi tiền bạc như tấm vé dẫn đến một công việc toại nguyện thay vì ngược lại.

Điểm tiếp theo của dải phạm vi chính là sự tự do mà tiền có thể mua lại do nó liên quan tới công việc của bạn


Trong hình mẫu Tự do đến từ Nhàn rỗi (hình mẫu nghỉ hưu truyền thống), thì lý do để đi làm được sắp xếp theo thứ tự sau:


Nhưng trong hình mẫu Tự do trong công việc, thứ tự lại là: 


Việc kiếm tiền vẫn rất quan trọng, nhưng mục đích của nó không còn chỉ để tích lũy nữa. Vai trò chính của nó là mang lại sự tự do để bạn có thể làm những công việc khác.

Đây chính là khoảnh khắc bạn nhận ra rằng  bạn làm việc không chỉ để nghỉ hưu, mà để làm những việc bạn sẽ làm nếu không phải lo lắng về cơm áo gạo tiền. Cho dù bạn kiếm được 1 triệu hay 100 triệu mỗi tháng, bạn cũng sẽ vẫn tiếp tục làm những dự án đó. Không phải vì chúng tạo ra lợi nhuận, mà vì bạn cảm thấy vui khi làm những việc đó. 

Câu hỏi bây giờ trở thành: Cần bao nhiêu tiền để mua được dạng tự do này?

Câu trả lời sẽ tùy thuộc vào hoàn cảnh của bạn (như nơi bạn sống hay việc bạn đã lập gia đình chưa), nhưng thường không cao như bạn nghĩ

Điều đầu tiên bạn cần biết về mô hình Tự Do Trong Công Việc chính là nó làm giảm ngưỡng tiền bạn cần để tiếp tục làm việc. Khi công việc mang lại sự thỏa mãn, bạn sẽ hài lòng hơn với một lối sống tối giản

Đó là bởi vì tiền không còn thể hiện giá trị và ưu tiên của bạn nữa. Trong mô hình Tự do là nhàn rỗi, lượng tiền bạn kiếm từ công việc chiếm vai trò quan trọng nhất. Nếu tiền là yếu tố duy nhất để bạn tiếp tục làm việc, thì lương của công việc đó nên xứng đáng với công sức của bạn


Nhưng trong mô hình Tự Do Trong Công Việc, tiền chỉ là nhiên liệu cần để duy trì hoạt động và nỗ lực của bạn. Đến internet còn miễn phí, nên bạn không cần nhiều để sống cuộc sống hàng ngày của mình. Miễn là nhu cầu cơ bản của bạn được bảo đảm, bạn có thể tiếp tục làm những việc mình thích trong một thời gian khá dài. 


Nghe thì rất thích, nhưng thực tế thì điều này khá viển vông. Gỡ bỏ nút thắt giữa tiền và giá trị bản thân là một việc rất khó. Chúng ta đã quen với việc coi tiền bạc như thước đo của sự thành công, và đó là dấu hiệu địa vị được công nhận tại mọi nơi trên thế giới. Sự giàu có làm thay đổi cách nhìn nhận của mọi người.  

Nhưng hãy tự hỏi xem: Bạn còn để những tiêu chuẩn xã hội này điều khiển cuộc đời của bạn đến bao giờ? Có tiền tuyệt vời ở điểm nào khi bạn phải tiêu nó theo cách của người khác, thay vì tận dụng nó để khai thác năng lực độc đáo và tầm nhìn của bạn?

Tiền có thể kiếm lại dễ dàng, còn con người thì không. Không có ai ngoài kia có chung cấu tạo gen của bạn, chứ đừng nói đến kinh nghiệm sống của bạn. Trong khi tiền có vô số, bạn chỉ có một mà thôi

Vậy nên đừng để thứ nhiều nhan nhản như tiền xây dựng danh tính cho bạn. Thay vào đó, hay để nó làm chiếc loa giúp ngân vang giọng nói thực sự của bạn.


Phần 2

-----------

Tác giả: Lawrence Yeo

Link bài gốc: Money Is the Megaphone of Identity

Dịch giả: Nguyễn Diệu Hoa - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Nguyễn Diệu Hoa - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: .

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,019 lượt xem

lh-fulllh-x