Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

public4 năm trước

[ToMo] Vì Sao Bạn Lại Phải Nói “Tôi Ổn” Trong Khi Bản Thân Không Hề "Ổn" Chút Nào?

Nói “Tôi ổn” là một cách con người ta dùng để lảng tránh những cảm xúc, mâu thuẫn và những vấn đề của bản thân.

“Tôi ổn.”

Chúng ta luôn nói vậy. Nó ngắn gọn và dễ nghe. Nhưng không phải lúc cũng đúng với sự thật.

Và trong khi hầu hết mọi người chỉ nói dối rằng họ ổn trong một số trường hợp, người có xu hướng sống phụ thuộc vào các mối quan hệ (codependent) lại luôn miệng nói “Mình ổn” hay “Mọi thứ đều ổn” để lảng tránh những cảm xúc, vấn đề và xung đột mà họ gặp phải.

 

Lảng tránh những Cảm xúc Đau đớn

Bạn có thể nói “Tôi ổn” như một cách tự vệ trước những nỗi đau. Nói chung, những người bị lệ thuộc vào các mối quan hệ thường không cảm thấy thoải mái khi đối diện với chính cảm xúc của riêng họ.

Hầu hết chúng ta đều lớn lên trong những gia đình không cho phép ta thể hiện nỗi buồn hoặc sự tức giận. Ta thường bị bắt ngừng khóc, hay thậm chí là bị phạt, nếu bộc lộ cảm xúc thái quá, có khi, những cảm nhận của chúng ta cũng thường bị người lớn ngó lơ. Cũng chính vì thế, ta đã học cách kìm nén và triệt tiêu những cảm xúc bằng vài món ăn ngon, vài ly rượu hoặc những hành động bộc phát khác.

Nhiều người trong số chúng ta lại sinh ra trong gia đình mà chính các bậc cha mẹ cũng không thể làm chủ cảm xúc. Ví dụ, nếu bạn có cha mẹ thường hay nổi nóng, có lẽ, bạn sẽ dễ sợ hãi trước sự nóng giận và luôn cố gắng tránh nổi cáu hay chọc tức người khác. Hay nếu cha mẹ bạn là những con người phiền muộn, bạn sẽ vô thức trở nên mẫn cảm với nỗi buồn, sự rầu rĩ và sự vô vọng. Và khi cứ mãi trốn chạy khỏi cảm xúc của chính mình, dần dần, bạn sẽ chẳng còn hiểu được chúng nữa – đó cũng chính là khi bạn sẽ nói “Tôi ổn” trong khi bạn còn không biết bản thân thực sự đang cảm thấy ra sao.

 

Cũng có thể qua chính cái tuổi thơ ấy, bạn cũng đã học được rằng bản thân không nên đòi hỏi bất cứ điều gì. Tương tự như với những cảm xúc, những yêu cầu của bạn thường bị làm ngơ, hoặc tệ hơn là có thể khiến bạn bị la mắng. Khi những điều như vậy cứ lặp đi lặp lại, chúng ta tự hiểu ra rằng, đứng nên đòi hỏi bất cứ thứ gì vì sẽ chẳng ai thèm quan tâm đâu.

 

Tránh khỏi những Xung đột

Chúng ta cũng luôn vờ rằng mình ổn để tránh những xung đột phiền phức. Chia sẻ cảm xúc hoặc suy nghĩ thật đôi khi có thể khiến người khác tức giận với chúng ta – và điều đó thật đáng sợ hay ít nhất thì cũng chẳng dễ chịu gì.

 

Chúng ta chỉ đơn giản là muốn một cuộc sống dễ dàng. Chúng ta không hề muốn gây khó dễ cho ai - điều đó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn – và ta cũng chẳng muốn trở thành gánh nặng cho ai, hay đặt ra những đòi hỏi làm mất hòa khí. Những kinh nghiệm về những mối quan hệ rối rắm và lòng tự trọng mong manh đã khiến ta tin rằng mọi người sẽ không hài lòng (và có thể chối bỏ chúng ta) nếu ta đưa ra quá nhiều yêu cầu và có những thái độ khó hiểu. Ta tự nhận thấy sẽ an toàn hơn nếu ta cứ vờ rằng mình vẫn ổn và tỏ ra bản thân là một người đáng tin, vui vẻ hay một đứa con dễ chiều, không bao giờ phàn nàn bất cứ thứ gì.

 

Lảng tránh những Vấn đề

Giả vờ bản thân không hề gặp rắc rối, những cảm xúc bức bối, hoặc những xung đột có thể coi là một kiểu chối bỏ. Ta muốn mọi người nghĩ rằng mọi thứ xung quanh ta đều đang vận hành ổn thỏa vì ta cảm thấy xấu hổ, bối rối trước sự phán xét của người khác khi họ nhận thấy điều đang thực sự xảy ra với cuộc sống của mình (chúng ta đang gặp khó khăn, chúng ta không thể tự chủ cuộc sống, có rắc rối với người thân chúng ta, chúng ta không hề hoàn hảo, v.v.). Và thừa nhận những vấn đề của mình với người khác cũng đồng nghĩa với việc ta phải chấp nhận sự thật rằng bản thân đang không hạnh phúc, cuộc sống của ta tồi tệ và ta cần một sự giúp đỡ.

 

Chúng ta cũng chối bỏ vấn đề và cảm xúc khi chúng trở nên quá sức chịu đựng. Chúng ta không biết phải làm gì với những cảm xúc ấy hay phải làm sao để giải quyết các vấn đề, do vậy, ta liền lựa chọn sự lảng tránh.

 

Sự chối bỏ này cũng dễ hiểu thôi. Có vẻ sự lẩn tránh lúc này sẽ dễ dàng hơn nhiều việc phải đối diện và giải quyết những rắc rối. Tuy nhiên, ai cũng hiểu rằng trốn tránh không phải một chiến lược hiệu quả về lâu dài. Vậy, ta có thể làm gì để chấp nhận và xử lý cảm xúc, nỗi sợ sự xung đột, và vấn đề của bản thân?

 

Vượt qua sự Lảng tránh và Chối bỏ

Nếu bạn vẫn luôn chối bỏ những cảm xúc và vấn đề của mình, thật chẳng dễ dàng gì để có thể bắt đầu đào sâu vào mớ rắc rối hỗn độn ấy. Nhưng nếu chúng ta thực sự cảm thấy tốt hơn và tạo ra những mối quan hệ đích thực và thỏa mãn hơn, chúng ta phải thừa nhận rằng chúng ta không ổn, chúng ta đang gặp khó khăn, chúng ta bị tổn thương, sợ hãi hoặc tức giận và chúng ta có những nhu cầu chưa được đáp ứng. Một nhà trị liệu hoặc nhà tài trợ có thể cho bạn sự hỗ trợ có giá trị khi bạn cảm thấy buồn phiền và nhẹ nhàng thách thức sự chối bỏ nếu bạn gặp khó khăn.

 

Thoát khỏi sự phủ nhận có thể bắt đầu bằng việc trung thực hơn với bản thân. Vì vậy, ngay cả khi bạn chưa sẵn sàng chia sẻ cảm xúc hoặc trải nghiệm thực sự của mình với người khác, hãy cố gắng thừa nhận chúng. Bạn có thể làm điều này thông qua việc ghi nhật ký và ghi tên cảm xúc của mình. Cố gắng quan tâm đến cảm giác của bạn thay vì ngay lập tức đẩy cảm giác ấy ra xa. Hãy nhớ rằng cảm xúc không tốt hay xấu, vì vậy hãy cố gắng đừng phán xét chúng. Bạn có thể xem cảm xúc của mình người sứ giả mang đến cho bạn vài thông tin hữu ích. Một lần nữa, thay vì cố gắng thay đổi cảm giác của bạn, hãy tò mò về lý do tại sao bạn lại cảm thấy như vậy, hoặc cảm xúc của bạn đang muốn nói với bạn.

 

Tiếp theo, hãy tìm cho mình một người an toàn để thổ lộ. Nếu không ai trong cuộc sống khiến bạn cảm thấy an toàn, bạn có thể đặt mục tiêu phát triển một mối quan hệ mà bạn cảm thấy đủ tin tưởng để chia sẻ một cách chân thành hơn. Các nhóm hỗ trợ và trị liệu là những nơi hoàn hảo để bắt đầu vì việc chia sẻ trung thực được khuyến khích, và không có kỳ vọng rằng bạn luôn ổn.

 

Và cuối cùng, hãy biết rằng bạn không phải là người duy nhất gặp phải những khó khăn này và bạn không gây ra chúng. Tuy nhiên, bạn là người duy nhất có thể thay đổi cục diện. Bạn có thể từ từ bắt đầu suy nghĩ và hành động khác đi, bạn có thể xác định cảm xúc và nhu cầu của mình. Đồng thời, hãy sống đúng với con người thật của mình. Một số người có thể bỡ ngỡ với những thay đổi bạn tạo ra, nhưng cũng sẽ có người sẽ bị thu hút bởi phiên bản chân thành, quyết đoán hơn của bạn. Quan trọng nhất, hãy tin rằng một khi bạn hiểu rõ bản thân hơn, học được cách trân trọng chính những cảm xúc, trải nghiệm của mình, bạn sẽ càng trở nên hạnh phúc.

 ---------------

Tác giả: Sharon Martin, LCSW

Link bài gốc: Why We Say "I'm Fine" When We Aren't

Dịch giả: Đinh Hoàng Anh - ToMo - Learn Something New

(*) Bản quyền bài dịch thuộc về ToMo. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Dịch Giả: Đinh Hoàng Anh - Nguồn: ToMo - Learn Something New". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ, ví dụ: "Theo ToMo" hoặc khác đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

(**) Follow Facebook ToMo - Learn Something New để đọc các bài dịch khác và cập nhật thông tin bổ ích hằng ngày.

(***) Trở thành Tình nguyện viên, Thực tập sinh Part-time tại ToMo để rèn luyện ngoại ngữ và đóng góp tri thức cho cộng đồng tại: https://bit.ly/ToMo-hiring.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

584 lượt xem

lh-fulllh-x