Trung Hiếu (E)@Gia Vị
2 năm trước
Trầm Tính, Ít Nói Có Phải Là Điểm Yếu Khi Đi Làm Không?
Khi đi làm, ai cũng mong muốn mình thể hiện được tốt năng lực
bản thân, cho mọi người thấy được rằng mình có những ý tưởng gì, có thể làm những
gì, tạo ra những giá trị nào cho công ty? Một trong những yếu tố góp phần giúp
bạn thể hiện được điều đó chính là khả năng giao tiếp, mạnh dạn nói chuyện,
trao đổi công việc, nêu lên quan điểm, sáng kiến, đề xuất, góp ý để tìm ra giải
pháp xử lý công việc tối ưu. Vậy sẽ thế nào nếu bạn không phải người dạn dĩ
trong giao tiếp? Trầm tính, ít nói có phải là điểm yếu khi đi làm không?
Đặc điểm nhận biết người trầm tính, ít nói
Trước khi giải đáp vấn đề rằng trầm tính, ít nói có phải là điểm yếu khi đi làm không, chúng ta hãy cùng thử nhìn lại một số đặc điểm nhận biết người trầm tính, ít nói:
- Thường có xu hướng sống hướng nội, ít khi chia sẻ thông tin,
cảm xúc riêng của bản thân;
- Thích sự yên tĩnh, không thích ồn ào, tám chuyện, hạn chế tiếp
xúc với người nói nhiều;
- Thường chỉ có một nhóm bạn thân nhất định, không giao tiếp,
chơi chung xã giao với nhiều người;
- Lâu lâu mới thấy phát biểu 1-2 câu, khiến mọi người dễ quên
mất sự tồn tại của bạn;
- Hành động nhiều hơn lời nói, nhiều khi không nói gì, im im
hoàn thành công việc xong gọn lẹ;
- Sao cũng được, ai nói gì cũng được, dù không đồng tình lắm
nhưng cũng ngại nói, ngại phản biện;
- Thường ít đóng góp ý kiến khi làm việc nhóm, âm thầm làm phần
việc của mình khi teamwork;
- Thường không chủ động nêu lên quan điểm, ý kiến cá nhân trong các cuộc họp, mà chờ khi được mọi người hỏi tới thì mới bắt đầu lên tiếng, đưa ra đề xuất, phản biện,…
Trầm tính, ít nói, sống hướng nội là tốt hay xấu?
Sau khi nhìn lại những đặc điểm nêu trên, thì bạn sẽ thấy rằng
trầm tính, ít nói đang tiềm ẩn nhiều tín hiệu không tốt, nhưng chẳng lẽ ai sống
hướng nội thì đều đáng bị chê trách, kết luận như thế thì cũng có gì đó sai
sai? Vậy trầm tính, ít nói, hướng nội là tốt hay xấu? Trầm tính, ít nói là một
dạng tính cách hoàn toàn bình thường, không làm hại ai, cũng chẳng gian lận hay
làm gì sai trái, đồng thời, điều đó cũng không khiến năng lực học tập/làm việc
của bạn bị suy giảm. Trong thực tế, vẫn có nhiều người trầm tính, hướng nội đạt
kết quả học tập tốt, hoặc gặt hái được nhiều thành tích, thành tựu lớn trong
công việc. Tuy nhiên, nếu kết luận rằng trầm tính là điều tốt thì cũng không hẳn,
vì thật ra trong một số trường hợp cần thiết, người hoạt ngôn, giao tiếp tự tin
cũng sẽ giúp bản thân có nhiều lợi thế hơn. Tóm lại, trầm tính, ít nói không
hoàn toàn là tốt hay xấu, điều quan trọng là bạn biết cân nhắc xem lúc nào nên
trầm, lúc nào nên chủ động giao tiếp hơn.
Trầm tính, ít nói có phải là điểm yếu khi đi làm không?
Vào trường hợp cụ thể hơn, khi đi làm, liệu trầm tính, ít
nói có phải là điểm yếu không? Đầu tiên, bạn phải hình dung được rằng trong
công việc mình sẽ phải thường xuyên giao tiếp với mọi người, phổ biến nhất là
trao đổi công việc với đồng nghiệp trong lúc teamwork, báo cáo công việc với cấp
trên, rồi cũng có những lúc phải giao tiếp với khách hàng, đối tác, ứng viên
(tuỳ từng vị trí công việc). Nếu bạn là một người trầm tính, ít nói ngay cả
trong công việc, thì tự dưng mọi người sẽ có cái nhìn không mấy thiện cảm, một
số người cho rằng bạn chảnh, không cởi mở khi giao tiếp, tự nhiên đang teamwork
chung mà suốt ngày lầm lì, ít nói, điều này cũng sẽ làm giảm hiệu quả khi
teamwork.
Một số người khác lại thấy bạn nhàm chán, không muốn nói chuyện cùng, khiến tự dưng bạn bị cô lập trong công ty. Và với các khách hàng, đối tác, họ có thể cho rằng bạn không thân thiện, chỉ nói chuyện được vài ba câu về công việc rồi im thin thít, sẽ khó lòng tạo được sự gần gũi để chốt hợp đồng, đàm phán hợp tác với họ. Vì thế, nếu bạn nhận thấy mình đang trầm tính, ít nói một cách quá mức, có những tình huống công việc phải chủ động, tự tin giao tiếp mà mình lại không làm được, thì đó thật sự là một điểm yếu khi đi làm, bạn cần phải sớm khắc phục nếu không muốn điểm yếu ấy cản trở bạn chạm tay tới thành công trong tương lai. Vậy làm sao để bạn tự tin giao tiếp trong công việc?
Làm sao để bạn tự tin giao tiếp khi đi làm?
Có rất nhiều giải pháp giúp bạn rèn luyện cho mình sự tự tin
khi giao tiếp trong công việc. Đầu tiên, bạn có thể quan sát những đồng nghiệp
xung quanh, những ai đang tự tin giao tiếp, xem họ đang nói chuyện, thảo luận
công việc với nhau thế nào, phong thái tự tin ra sao, có nói thêm những chủ đề
nào ngoài công việc để tạo cảm giác gần gũi hơn không? Rồi bạn có thể từ từ học
theo, tìm những đồng nghiệp thân với mình, thường làm việc chung với mình để tập
giao tiếp trước với họ, lúc đầu có thể hơi ngại, nhưng từ từ bạn sẽ hình thành
được thói quen, giúp mình dạn dĩ hơn khi giao tiếp.
Song song đó, bạn cần hiểu rằng để tự tin giao tiếp thì bạn phải có nội dung, phải hiểu rõ, nắm vững toàn bộ thông tin công việc mà bạn muốn trao đổi với đồng nghiệp, khách hàng, đối tác, khi bạn có kiến thức, có thông tin chính xác, thì bạn mới có thể tự tin trao đổi với người khác, mới biết cách sắp xếp các ý chính, kết hợp luận luận, dẫn chứng sao cho đối phương dễ hiểu, tăng tính thuyết phục. Khi làm được những điều này thì bạn sẽ vừa tự tin với năng lực làm việc của bản thân, mà cũng vừa tự tin hơn vào khả năng giao tiếp trong công việc của mình. Ngoài ra, bạn cũng có thể học cách kết hợp thêm ngôn ngữ hình thể, sử dụng ánh mắt, nụ cười khi giao tiếp, để tạo cảm giác gần gũi, tự nhiên hơn.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
1,005 lượt xem