Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tranh Luận Giữa Kỹ Năng Và Kiến Thức: Đâu Là Vấn Đề Chúng Ta Cần Quan Tâm?

Gần đây, các cuộc tranh luận công khai giữa “kỹ năng so với kiến thức” đưa đến việc cần đánh giá lại quan điểm của chúng ta về giáo dục. Nhiều người có xu hướng ủng hộ “các kỹ năng mới” trong khi số khác thể hiện thái độ rõ ràng đối với ưu thế của kiến thức lý thuyết và các môn học.

Vậy ý nghĩa của cuộc tranh luận này là gì? Rõ ràng, quan điểm về những gì nên dạy xác định hành động và sự tham gia vào quá trình học tập của giáo viên và học sinh cũng như mô hình tổng thể của việc xây dựng thời khóa biểu ở trường. Những thay đổi không thiết thực trong chương trình giáo dục đã làm hạn chế năng lực của hệ thống giáo dục trong cuộc sống. Nhận định rằng “tri thức nhân loại liên tục thay đổi” hoàn toàn đúng nhưng các lý thuyết và nguyên tắc cơ bản vẫn rất quan trọng, đóng vai trò làm nền tảng trong hầu hết các lĩnh vực.

Sự phát triển không ngừng của tri thức nhân loại đã khiến nhiều người cho rằng việc tập trung vào “kiến thức cốt lõi” không còn cần thiết, thay vào đó “các kỹ năng” mới là trọng tâm thật sự của giáo dục. Tuy nhiên, điều này không phù hợp với lý thuyết đã được thiết lập trong tâm lý học. Lý thuyết này đề cập đến các lược đồ hay tiến trình liên tục đóng vai trò then chốt trong tâm trí của một cá nhân để xác định và tổ chức kiến thức. Điều đó có nghĩa là kiến thức mà một cá nhân nắm giữ sẽ xác định danh tính (bạn là ai) và năng lực (bạn có thể làm được gì). Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cách thức mà tư duy bậc cao hoạt động phụ thuộc vào việc sử dụng nguồn tài nguyên nhận thức đã có trong trí nhớ dài hạn, bao gồm các khái niệm, nguyên tắc và kiến thức cơ bản. Lập luận này không nhằm bác bỏ “kỹ năng” mà để giúp chúng ta nhận định lại khi tranh luận về tầm quan trọng giữa “kiến thức” và “kỹ năng” cũng như việc đặt chúng lên bàn cân là không hợp lý. Việc phân chia như hai đối cực giữa một bên (kiến thức, học tập, lý thuyết) và một bên (kỹ năng, kết quả, ứng dụng) không phản ánh được mục tiêu và ý nghĩa của giáo dục. Giáo dục phải tạo ra một con người tự tin với kiến thức của mình, có khả năng suy nghĩ và liên kết kiến thức với nhau, sau đó là phân tích, áp dụng, tương tác và sáng tạo. Ví dụ, chúng ta vẫn thường cho rằng các kiến thức toán học như nguyên hàm, tích phân hay sự đồng biến, nghịch biến của hàm số chẳng giúp ích gì trong thực tiễn. Thực tế, đó không phải là ý nghĩa của việc học toán. Toán học không cần bạn phải xét tính đơn điệu của một hàm số mà nó giúp bạn học được khả năng xác định vấn đề và tư duy một cách có hệ thống. Suy cho cùng, chúng ta cần kết quả nhưng quá trình để đi đến kết quả và những kiến thức rút ra được từ quá trình đó mới là mục đích thật sự. Bạn có thể lựa chọn học cao hơn hay không tùy thuộc vào năng lực và định hướng của bạn nhưng giáo dục phổ thông với kiến thức nền tảng là cần thiết để phát triển các khả năng toàn diện. Với kiến thức cơ bản, khi áp dụng vào thực tiễn và tư duy một cách hiệu quả bạn mới có thể khám phá ra những tri thức mới. Như vậy, mấu chốt của vấn đề ở đây không phải là “kỹ năng so với kiến thức” mà là khả năng nhận thức trong quá trình học tập (bao gồm học tập ở trường và ngoài xã hội).  

Theo các nghiên cứu khoa học, quá trình xử lý thông tin ở con người dựa trên việc biến đổi thông tin, lưu trữ thông tin và lấy thông tin từ bộ nhớ. Các mô hình xử lý thông tin của nhận thức như trí nhớ và sự chú ý chỉ ra các quá trình diễn ra trong tâm trí tuân theo một trình tự rõ ràng. Quan điểm của các nhà tâm lý học cho rằng việc học tuân theo cách thức của hoạt động suy nghĩ con người và hình thành nên bản đồ nhận thức. Quá trình xử lý nhận thức thường bị ảnh hưởng bởi các lược đồ (một khuôn khổ tinh thần của những niềm tin và được phát triển bởi kinh nghiệm). Khi chúng ta già đi, chúng trở nên chi tiết và tinh vi hơn. Lược đồ có thể hiểu như là khung nhận thức giúp con người tổ chức và giải thích thông tin. Vì vậy, kiến thức nền tảng hình thành nên những niềm tin ban đầu. Để có thể tiếp cận và vận hành bất cứ hoạt động nào, trước hết bạn phải nhận thức và định nghĩa được chúng. Các lược đồ giúp chúng ta giải thích thông tin đến một cách nhanh chóng và hiệu quả. Điều này giúp cá nhân không bị choáng ngợp bởi lượng thông tin khổng lồ đến từ môi trường bên ngoài. Nó còn được gọi là phương pháp tiếp cận nhận thức. Hiểu biết nhận thức cũng chỉ ra rằng hành vi của chúng ta chịu ảnh hưởng bởi học tập và kinh nghiệm. Mọi người học hỏi từ những người khác và các yếu tố bên trong của mỗi cá nhân. Hành vi của một người là kết quả của quá trình học tập đến từ nhận thức của bản thân đối với môi trường. Vì vậy, hiểu được khái niệm này sẽ giúp bạn vận dụng linh hoạt lý thuyết vào thực tiễn cả trong quá trình học và tại nơi làm việc.

Bây giờ, hãy nhớ lại khoảng thời gian đi học của chúng ta. Chắc hẳn, không ít lần chúng ta phải đối mặt với một khái niệm hay chủ đề không thể hiểu được cho dù bạn đã cố gắng thế nào đi chăng nữa. Nhưng trải qua một thời gian, khi nhìn lại, chúng ta có thể giải thích điều đó một cách dễ dàng. Tại sao? Đó là cách tư duy con người hoạt động. Các lý thuyết về nhận thức khuyến khích chúng ta thường xuyên “suy nghĩ lại về tư duy của mình” như một phương tiện giúp con người hiểu rõ một khái niệm hoặc vấn đề mà họ gặp khó khăn. Học tập giúp người học có được cách nhìn mới về bản thân. Học tập là chìa khóa để mở rộng kiến thức và nâng cao kỹ năng của bản thân. Nhận thức giúp chúng ta điều chỉnh và thích nghi với môi trường theo thời gian.


Quỳnh Ly.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

86 lượt xem