Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Bạn Có Đang Mắc Hiện Tượng Yêu Bản Thân Một Cách Thái Quá Không?

Hội chứng Narcissus -  một chứng bệnh thời đại, yêu bản thân thái quá, đặt cái tôi của bản thân lên cao hơn người khác, thậm chí, dùng người khác làm bàn đạp cho mình.

Narcissus – chứng bệnh thời đại

Cô bạn tôi than thở sau một buổi hẹn hò với một anh chàng quen trên mạng. Một buổi hẹn kéo dài tận hai tiếng, và từ duy nhất cô ấy nói chỉ là "vâng", bởi trong suốt hai tiếng đó là màn "độc thoại" của anh chàng về thành tích học tập, những danh hiệu, vị trí mà anh đạt được, những sự nể phục của mọi người đối với anh như thế nào. Câu hỏi duy nhất mà anh chàng hỏi cô bạn tôi là "Trước em học trường gì?", và tỏ rõ vẻ thất vọng khi nghe tên trường kèm câu: "Trường đó thuộc hạng 3 thôi, thôi, cũng không sao (???), trường anh thì em biết rồi đấy, top đầu, phải những ai đỉnh lắm với vào được..." khiến cô nàng vôn tự tin về công việc và trình độ của mình sau buổi gặp đó bị anh chàng "hạ bệ" sát ván như thế bỗng hoang mang phải chăng mình quá kém.

Tôi bảo với cô bạn tôi: Không phải cậu quá kém, chẳng qua là cô bạn tôi đã gặp anh chàng có chứng bệnh "chàng Narcissus của thời hiện đại" thôi.

Trong truyện Thần thoại Hy Lạp có kể về chàng Narcissus - "chàng trai soi mình dưới hồ nước". Một ngày nọ, Narcissus đến bên một dòng suối để uống nước. Chàng sững sờ ngắm nhìn bóng mình dưới lòng suối. Chàng đã yêu thương chính hình ảnh của mình phản chiếu dưới lòng suối. Chàng vẫy gọi rồi đưa tay vuốt ve, bóng hình tan vỡ. Chỉ một dòng suối lạnh buốt đáp lại. Chàng cứ gọi mãi bóng hình hư ảo ấy. Cuối cùng, vì quá yêu thương hình ảnh của chính mình phản chiếu trên dòng suối, Narcissus mỏi mòn dần, gục chết bên đám cỏ xanh. Đó là câu chuyện thần thoại để chỉ về điển hình của hội chứng "tự ái kỉ" - yêu bản thân mình thái quá. Trong thời đại hiện nay, hội chứng Narcissus đã xuất hiện với nhiều biến thể phức tạp và đa dạng hơn.

Nhiều bạn trẻ đọc đến đây sẽ tự hỏi ủa, vậy yêu bản thân là sai à. Tôi khẳng định rằng yêu bản thân không hề sai. Yêu bản thân mới yêu được cuộc sống, khẳng định cái tôi cống hiến cho cuộc sống, tự tin như đóa hướng dương luôn rực rỡ hướng tới mặt trời để đón những ánh nắng mang tới nguồn sự sống, để bung nở ở những thời kì thanh xuân đẹp nhất. Chứ không phải là loài hoa rụt rè trong bóng tối, lặng thầm héo hon lặng thầm trách móc ghét bỏ chính bản thân, để rồi héo úa, tàn phai.

Một trải nghiệm từ chính bản thân tôi trong những ngày tháng nằm viện cấp cứu, biết mình bị bệnh hiểm nghèo nguy cơ tử vong cao, chứng kiến những cái chết vì tự tử của hai người bệnh cùng phòng, tôi đã vượt qua được thời kì đen tới vượt qua ý nghĩ tự tử chính là nhờ học cách yêu bản thân mình, có yêu bản thân mình mới yêu cuộc sống. Yêu bản thân học cách bỏ qua và lạc quận như cái mỏ neo giữ tôi lại với cuộc sống.

Đúng vậy, yêu bản thân là điều tốt. Nhưng ở đây tôi muốn nói đến những bạn trẻ mắc một chứng bệnh thời đại, yêu bản thân thái quá, đặt cái tôi của bản thân lên cao hơn người khác, thậm chí, dùng người khác làm bàn đạp cho mình.

Tuổi trẻ thường muốn khẳng định “cái tôi”. Thanh xuân, nhiệt huyết, của tương lai phía trước với bao điều hứa hẹn, những bạn trẻ luôn muốn khẳng định bản thân, háo hức được thể hiện mình, khám phá bản thân, thách thức đương đầu với những khó khăn. Như William Arthur Ward từng nói “Có một điều chúng ta có thể làm được tốt hơn bất cứ ai khác: chúng ta có thể là chính mình” (There is one thing we can do better than anyone else: we can be ourselves). Và thấm nhuần câu đó nhất có lẽ là giai đoạn khi chúng ta còn trẻ, khi vừa mới bước chân ra xã hội, với rất nhiều dự định, kế hoạch, hừng hực lửa cháy của tuổi trẻ, khi bao nhiêu cơ hội mở ra trước mắt, cố gắng để chứng minh cái tôi của mình. Có thể là cái tôi tài năng, cái tôi cá tính, cái tôi nổi bật, thu hút sự chú ý của người khác.

Khi “cái tôi” được đề cao một cách thái quá

Có lẽ không có gì đẹp hơn tuổi trẻ thanh xuân, và không có gì tuyệt vời hơn khi được chính là bản thân mình, yêu bản thân. Nhưng sẽ ra sao khi chúng ta đề cao bản một cách thái quá, dẫn đến rối loạn trong nhận thức, tâm lí.

Những người mắc hội chứng này thường phóng đại tầm quan trọng của họ đối với người khác. Họ tin rằng họ có những kĩ năng đặc biệt, có một không hai những người ở vị trí cao. Họ coi họ là quan trọng nhất, lợi dụng người khác hoặc các câu chuyện của người khác để làm bàn đạp cho sự nổi bật của mình. Cảm giác thu hút được sự chú ý, được quan tâm dường như là một khoái cảm đặc biệt của họ. Chính vì quá yêu và tôn vinh bản thân, họ chỉ chú ý tới những gì họ đạt được. Bởi vì họ coi họ là quan trọng nhất, độc nhất. Như trong câu thơ Xuân Diệu từng viết: “Ta là một, là riêng là duy nhất/ Không có chi bạn bè nổi cùng ta”.

Dường như họ không thể thông cảm và hiểu được cảm xúc hay hoàn cảnh của người khác. Cảm giác thu hút được chú ý, quan tâm là một khoái cảm đặc biệt với họ. Và họ nghĩ họ xứng đáng có được điều đó, bất chấp hậu quả, dùng mọi phương thức để thỏa mãn cái tôi của mình mà không hề tính đến rằng sẽ ảnh hưởng tới người khác thế nào.

Như trong scandal gây chấn động làng giải trí mấy ngày vừa qua của diễn viên hài Trường Giang. Đáng lẽ việc cầu hôn - tin hỉ sự sẽ luôn tạo được thiện cảm trong dư luận. Nhưng không, trên các báo toàn là những ý kiến trái chiều, lắc đầu ngán ngẩm của những cô gái. Có lẽ vì dường như màn cầu hôn đó chỉ thỏa mãn được bản thân Trường Giang, của những nhu cầu, ý muốn của anh. Lời cầu hôn chỉ toàn khẳng định cho bản thân "hãy gọi anh là chồng", không hề có một câu hỏi cho đối tượng được cầu hôn. Một câu hỏi đơn giản nhưng chứa sức nặng: "Em có đồng ý lấy anh không". Rất tiếc, không hề có câu đó vì nhân vật chính (cho rằng mình xứng đáng) có quyền quyết định trong màn cầu hôn lại là Trường Giang. Nên kết quả chỉ là sự gượng gạo khó xử một cách kì lạ của Nhã Phương, người được cầu hôn, những thiệt hại chương trình bị cắt sóng, những chia sẻ không mấy vui vẻ của đạo diễn, MC.

 

Không chỉ thế, những người mắc hội chứng tự ái kỉ này chính vì yêu bản thân, thấy bản thân tuyệt vời và hoàn hảo quá nên khao khát muốn thu hút sự chú ý của người khác, thường có xu hướng “làm màu”, chắp vá lên những câu chuyện, những tình tiết hoành tráng, hấp dẫn, làm quá lên. Những câu chuyện được xây dựng kết hợp từ thực tế cuộc sống, có thể là vay mượn từ hoàn cảnh người khác, hoặc là những câu chuyện thực từ bản thân họ nhưng được “thêm mắm dặm muối” nhằm tôn vinh cho chính họ. Có điều, sự quan tâm của cộng đồng dành cho họ được xây dựng tạm bợ như những lâu đài cát diễm lệ rực rỡ nhưng chỉ cần cơn sóng vỗ sẽ sụp đổ biến mất không sủi tăm.

Chiếc áo không làm nên thầy tu. Bạn lợi dụng câu chuyện của người khác, vay mượn những tình tiết hoặc phóng đại đó lên, đưa lên mạng, để làm bàn đạp cho sự nổi tiếng của bản thân, để thu hút sự chú ý của cộng đồng mà trong đó, bạn trở thành “người hùng”, “người tốt”, “người phán xét” chỉ vì mục đích làm nổi bật bản thân, chứ không phải để giải quyết vấn đề xã hội. Thì nhanh chóng thôi, những lớp mặt nạ sẽ bị bóc trần rơi ra, và những gì bạn nhận sẽ chỉ là những cái ngoảnh mặt quay đi.

Những Kenny Sang khoe mẽ hàng hiệu, nhà cao cửa rộng nổi trên mạng một thời gian cũng nhanh chóng bị “bóc mẽ” và lặn mất tăm không một dấu vết. Những câu chuyện về mối tình đồng tính đầy đau xót tuy giấu tên nhưng ai – cũng – biết – là ai đấy của ca sĩ Đào Bá Lộc. Hay chuyện chia sẻ gây sốc của Sandy Nguyễn Thị Bích Ngọc về cô gái bị cha xâm hại lại còn nhắn tin cảm ơn con. Các bạn có để ý rằng những câu chuyện đó nổi trên mạng chỉ một thời gian ngắn là lặn mất tăm không dấu vết không. Bởi vì bạn muốn thu hút được chú ý, bạn muốn bản thân nổi bật thì cuối cùng chỉ có cách là tự thân, tự tài năng thì sẽ tỏa sáng, chứ không phải vay mượn hay dựa hơi vào những câu chuyện drama kết hợp ngôn tình, bi thương của người khác.

Đá cuội giũa mãi cũng đâu thành ngọc, trước hết chúng ta phải là ngọc đã!

Yêu bản thân, muốn khẳng định  cái tôi trước cộng đồng, thành công trong cuộc sống, là một điều đúng đắn. Nhưng quan trọng hơn cả bạn cần định vị bản thân, tự tin vào bản thân, dùng chính tài năng, tâm hồn và sức mạnh nội tại của bản thân để thể hiện mình với cuộc sống, chia sẻ với những người xung quanh. Những bạn trẻ trong giai đoạn thanh xuân rực rỡ hãy trải nghiệm cuộc sống bằng tuổi trẻ, nhiệt huyết bằng tài năng và cá tính của chính bản thân. “Hữu xạ tự nhiên hương”, những người xung quanh, cộng đồng sẽ nể phục, trân trọng bạn và cái tôi của bạn.

Khi xem cuộc thi Hoa hậu Hoàn vũ, cô gái H’Hen Niê đạt giải Hoa hâu. Trong những tập chiếu, tôi đã thấy vẻ đẹp của cô gái ấy nổi bật, một vẻ đẹp có khí chất thần thái vừa hoang dã của núi rừng nơi cô sinh ra, vừa có cái hồn hậu tỏa sáng khi khẳng định được vẻ đẹp, giá trị bản thân bằng những chia sẻ mong muốn giúp đỡ cho cộng đồng buôn làng nơi cô sinh sống. Đó là cái đẹp của cô gái hiểu rõ giá trị của bản thân, yêu bản thân (thế mới có tự tin đi thi Hoa hậu), và khẳng định “cái tôi” bằng cách lan tỏa tới cộng dồng, tới những gì thiết thực nhất. Cô là một viên ngọc, tự thân. Sáng rỡ, không cần phải là những viên ngọc công nghiệp đúc một khuôn chuẩn từ đá cuội, được mài giũa, đánh bóng mạ vàng, viên nào cũng giống nhau chằn chặn, nhưng chỉ sau một thời gian bào mòn là lộ ra lớp xù xì đá cuội.

Bạn có thể khẳng định cái tôi, giá trị bản thân thật sự bằng chính tấm lòng và tài năng, trí óc và đôi bàn tay của mình để lan tỏa cộng đồng chứ không phải những câu chuyện “thương vay khóc mướn”, những bi kịch drama ngôn tình nhặt nhạnh của người khác, những mác danh hiệu, những dự án tiền tỷ, những câu danh ngôn những khẩu hiệu kêu gọi hoành tráng để “làm màu” để làm xúc tiến cho công việc và danh lợi. Bởi một ngày khi những lớp mặt nạ được “vay mượn” đó rơi xuống, khi những lớp vỏ được mạ vàng bị bong ra, những người xung quanh sẽ nhận ra và hậu quả sẽ thế nào?

Chúng ta, những thế hệ 8x, 9x luôn muốn khẳng định cái tôi, trong những năm tháng thanh xuân tuổi trẻ căng tràn sức sống, tràn đầy nhiệt huyết. Đó là một điều tốt, nhưng cái gì thái quá cũng không bao giờ là tốt cả. Yêu bản thân thái quá, khẳng định cái tôi, nhưng chúng ta cần biết giá trị bản thân, và cái gì cũng cần có sự rèn giũa, trải nghiệm, chứ không phải là vồ vập, make up làm màu cho bản thân những giá trị không thực, dùng mạng xã hội xây dựng lên những câu chuyện phù phiếm, dùng người khác làm bàn đạp vì kết thúc của câu chuyện, luôn là những màn “lật mặt” đầy cay đắng/ Bạn có thể thỏa mãn cái tôi, thỏa mãn bản thân bằng những thứ trang sức lấp lánh vay mượn từ người khác nhưng chúng ta sẽ còn lại gì khi những lớp trang sức kia bị bóc hết, những lớp mặt nạ rơi xuống. Đó là những nỗi lo sợ, những lời nói dối khoa trương tiếp tục được đưa ra. Bạn mắc vào cái bẫy của chính mình. Lúc nổi lên thế nào thì cũng nhanh chóng chìm nhanh như thế. Không một dấu vết. Chính vì thế, trước hết, hãy tự rèn giũa bản thân, trở thành viên ngọc lan tỏa ánh sáng với cộng đồng, và thành công, hạnh phúc sẽ tự tìm đến bạn!

Tác giả: Phan Thị Kim Thảo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/phan.t.thao.14 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info <3 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,341 lượt xem, 1,321 người xem - 1329 điểm