Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Bẫy Bận Rộn Và Tiếng Nói Bí Ẩn Từ Tâm Hồn

Hà Nội những ngày này mang trong mình cái lạnh thấu da thấu thịt như chứng tỏ mùa đông đã đến, qua rồi cái mùa hoa sữa mà tôi mong đợi. Tôi nghe nói Hà Nội có nhiều hoa sữa lắm, tôi háo hức vẽ ra một thế giới nồng mùi hoa sữa khiến tôi an tâm và bình yên. Nhưng chỉ khi co ro người vì cái lạnh mùa đông tôi mới nhận ra, tôi chưa được ngửi mùi hoa sữa thơm nồng của Hà Nội. Những bận rộn của năm nhất khiến tôi quên đi giây phút bình yên mà tôi vẫn hưởng thụ hồi cấp 3, sau những giờ học căng thẳng kéo dài để tâm hồn mình dịu lại, trong ngần như sáng mùa thu ấy.




Năm nhất của tôi...


Tôi của năm nhất là những lần bỏ bữa, tất bật làm bài tập nhóm, bài tập cá nhân. Sáng đến trường rồi chưa kịp xong việc, giữa trưa lại chạy như bay đến chỗ nhóm làm bài tập. Có lúc tôi cảm giác thời gian mình ở trường còn nhiều hơn ở nhà. Cuộc sống cứ bận rộn như thế, đúng theo hướng đi tôi đã vạch ra, nhưng hình như bây giờ, trong khoảnh khắc tôi lại nhận ra một điều khác.


Đậu vào một trường Đại Học có tiếng mà nhiều người ước ao, từ một người khép kín chỉ bận tâm việc học, lên Đại Học tôi cố gắng mở cửa tâm hồn, cố gắng kết nối và trở thành một người tự tin, bản lĩnh như những bạn cùng khóa. Tôi trở nên bận rộn hơn. Chẳng biết từ lúc nào, mở đầu cuộc nói chuyện với gia đình cũng là "Con đang bận". Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã không viết nhật kí, dù cho có nhiều niềm vui mới ở nơi đây mà tôi muốn lưu lại nhưng cũng chẳng đủ thời gian dành cho những trang viết ấy nữa. Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã không thể xem bộ phim mà tôi yêu thích, đọc dăm ba truyện ngôn tình và ngồi mơ tưởng về một chàng soái ca mình sẽ gặp.


Khi cô giáo hỏi "Các em mong muốn sau này mình sẽ trở nên như thế nào?", mọi người đều nói mục đích sống của mình là có thể kiếm thật nhiều tiền. Còn tôi, tôi muốn trở thành một người khiến bản thân tự hào - một câu trả lời mơ hồ mà thực chất chỉ để che giấu những mông lung trong tương lai. Con đường khám phá bản thân còn dài và luôn đầy những khó khăn, càng đẩy vào tình huống sống còn thì lại càng biết bản thân cần gì. Tôi đã thấu hiểu bản thân chưa hay chỉ biết trong vô thức bước theo người khác mà thôi?


Bận rộn đến mức không đủ thời gian riêng cho bản thân, tôi cũng chẳng có thời gian để lắng nghe những cảm xúc của bản thân, lắng nghe tiếng nói sâu thẳm nhất trong tâm hồn mình. Tôi chỉ biết sống với những deadline, cứ như thể mọi chuyện mặc nhiên mà diễn ra. Tâm hồn đóng lại, cảm xúc khô cằn, tôi cũng chẳng biết mình cần gì nhất. Tôi thích tiền nhưng mục đích của tôi không phải tiền. Chỉ cần còn sống, chẳng phải vẫn có thể kiếm ra sao? Vậy thì cần gì phải mong ước mình có thật nhiều tiền.



Khoảnh khắc tôi nhận ra...


Trong khoảnh khắc bị xoay vòng trong những deadline, tôi chợt nhận ra thứ mình cần, chẳng phải tiền, chẳng phải thứ gì đó cao sang hiện hữu, cũng chẳng phải tình cảm khác, mà là thời gian cho bản thân mình. Đó là mỗi buổi sớm trong veo của mùa thu, thỉnh thoảng có vài chiếc xe chạy qua, được ngửi mùi hoa sữa thoang thoảng và nghe tiếng quảng cáo thạch rau câu Long Hải trên loa phát thanh. Đó là những ngày trời trở lạnh, được nằm trên chiếc giường quen thuộc, để từng đợt gió nhẹ sượt qua làn má, hướng mắt ra cửa sổ trong những âm thanh bình dị của thôn quê. Đó là những ngày nghỉ hè, được nằm bên bố mẹ và xem bộ phim cũ của Đài truyền hình tỉnh. Đó là những ngày mưa, được nhìn những giọt mưa hắt lên ô cửa kính, tiếng mưa ào ào hòa với tiếng mọi người gọi nhau cất lúa đang phơi, bản thân suy nghĩ một chút rồi lại cúi xuống viết mấy trang nhật ký. Bình yên đến lạ. Những khoảnh khắc ấy như nốt lặng giữa bản đàn xô bồ của cuộc đời khiến tôi hạnh phúc dù cho có khó khăn như thế nào. Ấy cũng là những phút chảy trôi chậm sau áp lực để tâm hồn lắng lại, để cái gì đó trong bản thân được an ủi và cũng để cái gì đó trong bản thân trỗi dậy. Ngày mai, lại là ngày bắt đầu.


Tôi mới nhận ra, vì sao cảm xúc dạt dào trong mỗi câu chữ trước đây lại mất đi. Là tôi chẳng thể lắng nghe bản thân, chẳng thể để cảm xúc lên tiếng rồi cứ thế tuôn ra ngoài.




"Con người của bạn bây giờ có giống với con người trước kia bạn từng mong ước không?"

Đó là câu nói phát ra từ đài radio của bộ phim Our Time 2015. Một giây lắng lại cùng bộn bề những trăn trở, ta ngừng lại để tự hỏi chính bản thân mình. Chúng ta sống theo những nhiệm vụ người khác tạo ra, vô tình giống như tự đặt mình vào một guồng quay, mọi chuyện tiếp theo xảy đến đều tự nhiên như thế, đến lúc guồng quay kia dừng lại, cũng là lúc ta tự hỏi, rốt cuộc những ngày tháng qua ta đã làm gì vậy.


Ai cũng tự vẽ ra cho mình một con người hoàn hảo trong tương lai nhưng cuối cùng, có khi lại trở thành con người bình thường mà chẳng lớn lao đến thế. Và cũng khi ấy, ta nhận ra mục đích cuối cùng là được sống hạnh phúc chứ không phải tiền bạc. Tất nhiên, hạnh phúc và tiền bạc không đồng thời là nhau. Một cuộc sống hạnh phúc không chỉ đơn thuần là có đủ giá trị vật chất, có khi chỉ đơn giản về mặt giá trị tinh thần sẽ có hạnh phúc. Đó là khi bản thân được thoải mái nhất, mà theo tôi là có thể dành đủ thời gian cho bản thân mình.


Dành thời gian riêng tư cho bản thân mình giống như bỏ đi rào chắn cảm xúc sắp tuôn trào, rồi với một vận tốc thấp, chúng đi ra ngoài làm ta ngẩn ngơ suy nghĩ. Ta dừng lại trong phút chốc, bỏ ra khỏi cuộc đời những bận rộn ngoài kia và trở về một thế giới riêng, mặc cho dòng đời cứ trôi, chẳng cần sợ người đời nghĩ gì nữa. Lúc ấy, hãy để trái tim lên tiếng, cứ bỏ ngoài tai lý trí đi. Ta hiểu bản thân mình, tái tạo nguồn cảm xúc, và cũng là cách bảo vệ tâm hồn trước khi bị xé thành từng mảnh vụn. Đó là nốt lặng để ngay sau là những nốt cao bay bổng và da diết hơn.


Theo quy luật Pareto (The 80/20 Rule), 80% thời gian người ta chỉ mặc 20% quần áo mà mình thích nhất. Chúng ta thường vô tình sống theo những mong muốn của người khác mà không nghe theo mong muốn của bản thân, và cũng không có ý định làm điều đó. Nhưng thực tế, những người thành công trên thế giới đều có thói quen dành thời gian để nói chuyện với chính mình, để hiểu bản thân hơn và cũng để thoát khỏi tình trạng “quá tải” (overload). Một giảng viên trường tôi đằng sau hào nhoáng của thành công mà mọi người nhìn thấy lại bảo rằng: “Cô là một người thất bại”. Bởi vì dường như cô chưa từng lắng nghe bản thân. Cô đã sống một cuộc đời giống bao người khác, một cuộc đời chưa cần xảy đến người ta đã biết nó như thế nào. Điều đó làm tôi suy nghĩ và day dứt. Dù luôn cố gắng lắng nghe bản thân nhưng tôi lại từng không làm theo tiếng nói mà tôi nghe ấy, bởi vì tôi sợ. Nhưng ít nhất, tôi hiểu rõ được mình đã bỏ lỡ gì để suốt những ngày tháng sau này sẽ hối hận mà nhắc nhở bản thân hãy sống cho chính mình và đừng bỏ lỡ nữa.



Trong guồng quay ấy, ta cần những nỗi buồn vẩn vơ hơn là niềm vui chóng vánh. Nỗi buồn không mang lại ý nghĩ tiêu cực, mà mang lại phút thảnh thơi cần thiết. Ta buồn vì bỗng nhớ lại ngày hôm nay không hoàn thành tốt công việc, buồn vì nhớ tới hình ảnh cụ già bên đường vẫn phải vật lộn với cuộc sống mưu sinh. Buồn để lắng nghe và buồn để thấu hiểu. Nếu cứ chạy mãi trong những cảm xúc vui vẻ thường nhật, ta không còn muốn bận tâm về thế giới xung quanh. Ta cảm giác cuộc sống vậy là đủ, và cứ sống theo kiểu "day by day", nhưng cuộc đời liệu chỉ cần chúng ta sống như thế?



“Bận rộn là một hình thái của sự lười biếng - lười suy nghĩ và hành động bừa bãi” (Tim Ferriss)


Tôi suy nghĩ một chút về ngày hôm nay, tôi thống kê lại điều mình đã làm. Những tưởng bận rộn là thế thì bản thân sẽ làm được nhiều điều. Nhịp sống hối hả khác xa với cuộc sống trước đây khiến tôi tưởng như mình bận lắm, tưởng như mình sắp gục ngã đến nơi. Tôi cứ gào thét trong nội tâm, muốn đạp phăng tất cả rào cản để thoát ra ngoài. Những bận rộn đang kìm hãm tôi, đang làm tôi phát điên. Thời gian riêng tư tôi dành để tổng kết về những ngày mình cho là bận rộn kia, rồi mới ngỡ ngàng biết được mình đã làm gì đâu. Môi trường chỉ thay đổi một chút thôi, vậy mà đã gieo rắc vào tôi ảo tưởng về những ngày tháng sống ý nghĩa. Hóa ra tôi chẳng bận đến thế, cũng chẳng áp lực đến thế, chuyện không đủ thời gian cho bản thân chỉ là cách ngụy biện cho việc tôi chưa thực sự thích nghi với môi trường mới.


Mọi người đều có một quỹ thời gian như nhau, nhưng lại có người làm được nhiều thứ mà vẫn thấy đủ, lại có người làm ít mà vẫn thấy thiếu. Vậy nên mới nói, người bản lĩnh là người có thể thích nghi với môi trường, tức là ở môi trường này hay môi trường khác, dù cho đột ngột bị ném vào một mớ công việc hỗn độn nhưng vẫn có thể dành đủ thời gian trò chuyện với chính mình.



Chúng ta lầm tưởng người bận rộn sẽ là người thành công. Nhưng thực tế, người thành công là người làm được khối lượng công việc khổng lồ mà vẫn không bận rộn. Sở dĩ, cuộc sống chỉ bày ra những thứ như thế và đòi hỏi con người phải chinh phục nó. Suy nghĩ của con người rất phức tạp, có thể biến một công việc đơn giản thành phức tạp, có thể xé nhỏ chúng ra để trở nên hỗn độn. Bận rộn cuối cùng cũng chỉ là do chúng ta tưởng thế mà không biết bản chất của nó là “lười-lười suy nghĩ và hành động bừa bãi”. Tại sao bạn không tư duy để tối ưu hóa thời gian làm việc mà lại chỉ làm mọi việc một cách vô thức để trở thành một người bận rộn như bạn nghĩ? Bởi vì bạn lười suy nghĩ và chỉ biết hành động như thói quen mà không cần tư duy.


Khi xem tin tức trên mạng, tôi đã vô tình biết tới “Self-care Date” (Hẹn hò với bản thân). Đó là khi bạn tách mình ra khỏi công việc, nhưng không có nghĩa là bạn xa lánh cuộc đời, bỏ bê hết mọi thứ trong thời gian dài. Ngược lại, đó là phút bình lặng giữa cuộc sống bộn bề, có thể chỉ là vài phút tĩnh lặng lắng nghe âm thanh cuộc sống và đối thoại với chính mình, không cần phải mệt mỏi đến mức rã rời chẳng còn thời gian mà nghĩ nữa. Chính xác hơn là bạn sắp xếp sao cho có một khoảng thời gian dành riêng cho chính mình sau khi đã sống như bao người khác.



“Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian dành cho nó”...


Đã bao giờ bạn thắc mắc vì sao bạn có 3 tuần để ôn thi nhưng chỉ đến tuần cuối bạn mới thực sự ngồi vào bàn học và tất nhiên là, thời gian ngắn ngủi ấy không đủ để “tải” hết kiến thức trong cả một học kỳ. Parkinton đã nói “Công việc luôn tự mở rộng ra để chiếm đủ thời gian dành cho nó” khi ông nhận ra kích thước một cái gì tăng lên thì hiệu quả của nó giảm xuống. Ngay cả những công việc đơn giản cũng tự tăng độ phức tạp để lấp đầy thời gian quy định cho nó. Vì vậy, nếu thời gian dành cho công việc ít hơn thì tự nhiên nó cũng đơn giản và dễ giải quyết hơn. Một ví dụ điển hình nhất đó là: “Làm việc mà không dùng sạc máy tính và buộc mình hoàn thành công việc trước khi máy tính hết pin” thì hiệu quả sẽ tăng lên đáng kể. Ở đây, chúng ta có thể kết hợp cả hai Phương pháp Pomodoro và Ma trận Eisenhower.


Ma trận Eisenhower giúp làm được nhiều công việc trong thời gian hạn hẹp khi xác định được điều gì quan trọng nhất phải làm đầu tiên và tối ưu hóa thời gian. Đặc biệt, nó giúp ta bỏ đi nhiệm vụ nào đó không cần thiết mà không phải là hành động lặp lại trong vô thức - nói cách khác là lười biếng không làm gì cả. Theo Eisenhower, để có thể sử dụng thời gian một cách hiệu quả với hiệu suất làm việc cao nhất thì chúng ta buộc phải dành thời gian vào những thứ quan trọng. Khi đánh giá công việc dựa trên tính quan trọng và tính khẩn cấp, sẽ có 4 loại công việc như sau:



    1. Quan trọng và khẩn cấp: phải làm ngay.

    2. Quan trọng nhưng không khẩn cấp: không yêu cầu làm ngay nhưng phải làm hết tất cả, dành nhiều thời gian và làm nó lớn dần lên.

    3. Không quan trọng nhưng khẩn cấp: giải quyết càng nhanh càng tốt, có thể nhờ người khác làm hoặc từ chối làm.

    4. Không quan trọng, không khẩn cấp: dành thời gian tối thiểu nhất, có thể chuyển sang việc khác để tránh lãng phí thời gian.

    Để đạt hiệu quả, hãy sử dụng cùng với phương pháp Pomodoro giúp chia nhỏ công việc thành nhiều phần và hoàn thành công việc một cách khoa học (ưu tiên sử dụng với việc quan trọng và khẩn cấp). Các bước như sau:

    Bước 1: Quyết định công việc mình sẽ làm.

    Bước 2: Đặt thời gian cho công việc là 25 phút (tùy chọn).

    Bước 3: Làm việc đến khi hết 25 phút.

    Bước 4: Nghỉ giải lao 5 phút.

    Bước 5: Sau 4 lần lặp lại quy trình trên thì nghỉ dài hơn là 15-30 phút.


    Lưu ý, trong 1 Pomodoro, nếu công việc gián đoạn thì Pomodoro phải tính lại từ đầu. Nếu công việc xong trước khi Pomodoro kết thúc, bạn cần dùng thời gian còn lại để kiểm tra và tối ưu hóa công việc cho đến khi hết Pomodoro đó.

    ***

    Vốn từ khi sinh ra, chúng ta đã có một đặc quyền là ngoài những âm thanh cuộc sống còn có thể nghe thấy một loại âm thanh khác - tiếng nói trong con người mình. Người ta nói muốn thấu hiểu ai đó thì trước tiên là phải lắng nghe. Nhưng bạn lại không lắng nghe bản thân, vậy làm sao để hiểu chính mình?


    Rồi đến khi nhận ra chúng ta cần phải trả lại cho chính mình sự yêu thương, thời gian, tình thương, và năng lượng bạn cần để có thể trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình” (Lavendaire).





    Tác Giả: Cao Hoài Thương, Sinh viên @ Đại Học Ngoại Thương

    Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/caohoaithuong.0711

    --------------------------------

    Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

    (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


    ----------------------------

    Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

    444 lượt xem, 428 người xem - 430 điểm