Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Cảm xúc áp đặt cảm xúc

 

Biểu cảm của cơ mặt không đo được ai yêu thương ai nhiều hơn trong một câu chuyện buồn, nước mắt không thể đánh giá, liệu ta có thật sự yêu quý ai nhiều hơn ai khác. Nụ cười hết cỡ hay không, chẳng thể phản ánh đúng thang đo cảm xúc hứng thú của ta tại thời điểm đó. Tất cả chỉ chứng tỏ, cảm xúc của ai nhạy cảm hơn ai mà thôi.

Trong đám tang của bà nội tôi cách đây 10 năm về trước, dòng người thăm viếng với vẻ mặt u buồn, thương tiếc, khói nhang nghi ngút trên bệ thờ. Đêm trước ngày nội mất, tôi đã ngồi bên và quạt cho bà. Tôi không chắc bà tôi cảm nhận được đó là tôi hay không nhưng tôi của lúc đó không hề có chút suy nghĩ hay chút cảm giác đau thương nào. Đêm đó ngủ lại nhà dượng tôi đã rất vui vì lâu rồi mới có dịp chị em đông đủ cùng ngủ chung với nhau, chúng tôi đã trò chuyện đến 12 giờ khuya. Không có một chút đau xót đối với những đứa trẻ đang lớn như tôi tại thời điểm đó. Gần 3 giờ sáng khi hay tin bà mất, chúng tôi được gọi dậy sang nhà chú để chuẩn bị tang lễ cho bà. Tôi vẫn không có cảm giác nào. Nhưng tôi vẫn nhớ một chuyện khiến tôi của lúc ấy rất khó hiểu. Chị họ tôi lớn hơn tôi 2 tuổi, khi ngồi trò chuyện cùng bọn nhóc chúng tôi ở vườn vì hứng thú nên đã đùa giỡn, cười nói hơi lớn thì bị thím tôi cho một cái bạt tai. “Đám tang mà còn cười giỡn”. Cuối cùng, tất cả chúng tôi đều im lặng. Tôi vẫn không có cảm xúc, nhưng lại thấy hơi tức cười. Có lẽ tôi vô tâm. Sau đó, tôi để ý thấy ai cũng buồn một cách kì lạ, còn tôi thật sự vẫn trống rỗng vì trong tôi vẫn còn đọng lai cảm giác rất vui của đêm hôm trước khi được ngủ chung với các chị. Nhưng, giữa không khí ảm đạm đầy tiếc thương của gia đình, tôi bắt đầu tự nhủ bản thân không được cười, phải buồn và thật sự phải khóc như mọi người. Tôi bắt đầu nhớ lại những kỉ niệm với bà, nhớ về những đồng lẻ bà cho tôi mua quà mỗi khi bố mẹ chở tôi lại nhà thăm, nhớ những lúc đám giỗ của ông nội, bà tôi vẫn hay lủi thủi ngồi ăn phía xa… Kỉ niệm đó là thật. Tôi đã bật khóc thành tiếng khi quan tài của bà chuẩn bị rời đi. Một chú bà con thân thiết với nhà nội tôi có đứa con gái, chú dặn rất kĩ, rất khẽ nhưng tôi đã vô tình nghe thấy, con phải khóc khi quan tài đưa đi nhưng cuối cùng chị đó đã không khóc được. Tôi đã nghĩ, hai cha con thật là kì lạ, ai cũng kì lạ. Nghĩ lại, tôi của lúc ấy chính đã bị cảm xúc áp đặt cảm xúc, đem cảm xúc của người khác buộc mình phải làm theo để không khác biệt với số đông. Tuy nhiên, có một cảm xúc mà tôi chắc chắn là tôi đã đau thương thật sự khi chắc chắn rằng bà đã không còn nữa. Cảm xúc mất mát của tôi đến muộn hơn nhưng nó là thật, nhưng vẻ mặt buồn của người chị sau lời căn dặn, con gái của ông chú họ hàng kia là như thế nào?

Khi tôi và các bạn của mình cùng nhau xem một phim hài. Tất cả đều cười ầm lên thích thú nhưng tôi vẫn chưa thể hiểu chi tiết gây cười ở đâu nhưng tôi vẫn cố cười theo hệt như vậy. Hiệu ứng tâm lý đám đông tác động hay cảm xúc đó của tôi đã bị chi phối bởi những người xung quanh và không có chỗ đứng cho những cảm xúc thật sự của mình. Tôi sợ mình bị lạc lõng giữa những cảm xúc của đa số. Lại có khi tôi cố kìm nén cảm xúc khi số đông hoàn toàn không cảm xúc. Tôi đã từng muốn bật khóc thành tiếng khi xem một bộ phim với bạn mình nhưng lại cố ghìm cảm xúc đó lại vì chẳng ai khóc cả. Tôi sợ bị giễu cợt là đứa mau nước mắt, dễ xúc động. Chính vì vậy, tôi có rất nhiều lần đã kìm nén nước mắt đến nghẹn cứng cổ họng nhưng vẫn gắng không khóc, nhất định không khóc trước mặt bạn bè của mình.

Hay tin đứa cháu của dì bị ngã cầu thang, vỡ đầu. Em gái tôi bật khóc, im lặng, trước đó tôi lại đọc một chuyện vui, giữa những cảm xúc chuyển dòng, tôi không có chút cảm giác nào cả, tôi không khóc như nó. Có thể tôi vô tâm. Tôi bắt đầu suy nghĩ và cho rằng mình không yêu quý cháu của mình nhiều như em tôi. Tuy nhiên, tôi lại buộc mình phải buồn khi tôi thật sự cảm giác trống rỗng. Cảm xúc của em tôi đã khiến tôi dao động, tôi không thể khóc như nó, tôi chỉ có chút buồn hay là thực sự tôi sống quá ích kỷ? Tôi không yêu cháu mình nhiều như em tôi?

Khi trò chuyện cùng các thành viên trong nhóm, một bạn chọc cười, hầu hết mọi người đều cười nhưng tôi lúc đó đang vật lộn giữa những suy nghĩ, mọi người cười vì cái gì? Để không bị ném ra khỏi nhóm nhỏ của mình, tôi cũng mỉm cười dù không hề cảm thấy buồn cười. Có những thứ xã giao về cảm xúc đang tồn tại song song như vậy trong xã hội. Tôi sợ bị cho là nhạt nhẽo, vô cảm, sợ bị cho ra rìa nên cảm xúc của tôi lúc nào cũng buộc phải áp đặt theo môi trường, hoàn cảnh, điều kiện, yếu tố bên ngoài tác động.

Cơ mặt không đo được ai yêu thương ai nhiều hơn trong một câu chuyện buồn, nước mắt không thể đánh giá, liệu ta có thật sự yêu quý ai nhiều hơn ai khác. Nụ cười hết cỡ hay không, chẳng thể phản ánh đúng thang đo cảm xúc hứng thú của ta tại thời điểm đó. Tất cả chỉ chứng tỏ, cảm xúc của ai nhạy cảm hơn ai mà thôi.

Luôn có những cảm xúc không phải cứ biểu lộ ra bên ngoài là thật sự yêu thương, thật sự tức giận. Ta là chính bản thân ta, không ai buộc ta phải tuân theo cảm xúc của họ nhưng sống giữa xã hội ta lại tự buộc mình phải sống theo những cảm xúc của người khác. Cần thiết hay không cần thiết?

Luật sự biện hộ cho bên cần thiết sẽ lập luận như sau. Thật sự cần thiết bởi chúng ta đang sống giữa một xã hội và chúng ta cần phải hòa nhập để không bị cho là tách rời khỏi số đông. Đồng ý chúng ta làm chủ cảm xúc của mình, không nhất định phải đi theo đa số nhưng khi làm việc cùng một nhóm, sống trong một tập thể, chúng ta phải biết dung hòa các mối quan hệ, phải biết chọn đúng thời điểm để thể hiện cảm xúc phù hợp. Chúng ta không thể lúc nào cũng cùng một biểu cảm và hoàn toàn thờ ơ với cảm xúc của chính mình. Thay đổi cảm xúc theo hoàn cảnh sẽ khiến dung hòa các mối quan hệ và khiến bản thân chúng ta có thể có thêm nhiều bạn bè hơn. Trong một đám tang, tất cả đều buồn thì chúng ta không được phép mỉm cười mặc dù bản thân đang có một chuyện rất vui bởi vì đó là chuẩn mực đạo đức sống.

Mặt khác, luật sư bào chữa cho bên không cần thiết sẽ cho rằng. Bản thân ta là một bản gốc, có tiếng nói riêng, có cảm xúc riêng. Ta có thể khóc, có thể cười khi chúng ta thật sự có cảm xúc, không cần ép buộc bản thân mình phải sống theo cảm xúc của những người xung quanh. Ta cười khi thật sự vui, ta khóc khi có chuyện buồn. Tại sao lại chọn sống theo cảm giác của kẻ khác khi chúng ta cũng là một bản gốc như họ? Sống như một bản sao cảm xúc, liệu chúng ta sẽ có được cảm giác vui vẻ hơn chăng? Trong một lễ cưới, tất cả đều vui vẻ chúc mừng nhưng chú rể trên kia lại là người yêu cũ của ta, ta có thể khóc vì đó chính là cảm xúc của ta khi ta vẫn còn cảm giác yêu. Đừng ép buộc mình phải đeo mặt nạ của một Hòa Thân khi đang sống trong thế giới hiện đại không còn bị cai trị bởi triều đại Càn Long.

Cuộc sống luôn có những tòa án không bao giờ có phán quyết cuối cùng, chỉ có lựa chọn của những người tham gia. Một là chúng ta sẽ chọn theo “cần thiết”, hai là ta sẽ đứng về phía “không cần thiết”, ba là lựa chọn dành cho những người tham dự phiên tòa, có thể đôi lúc sẽ nghe theo “cần thiết”, đôi khi lại thấy “không cần thiết” đúng đắn hơn. Bạn là ai trong phiên tòa này, rất nhiều lý lẽ, vô vàn lập luận, vô số quan điểm? Lựa chọn bên nào sẽ không thay đổi cuộc đời của ta, nó chỉ góp phần thay đổi góc độ nhìn nhận thế giới của bản thân ta. Chế ngự cảm xúc là cần thiết, biến chuyển cảm xúc cũng rất cần, giải phóng cảm xúc là giải phóng tinh thần, cảm giác, nhưng nhất định không được để thế giới xung quanh tuyệt đối áp đặt cảm xúc của họ lên cảm xúc của chính chúng ta.

 

Tác Giả: Tiểu Thiên-Sv Đại học Sư phạm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/tacgiadinh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 (*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.


 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

723 lượt xem, 694 người xem - 697 điểm