Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Chúng Ta Đang Sống Một Cuộc Sống Được Lập Trình Sẵn

“Hai mươi năm sau lúc này, bạn sẽ thấy thất vọng vì những điều mình không làm hơn vì những điều mình đã làm. Vậy nên hãy tháo nút dây. Hãy cho thuyền rời khỏi bến cảng an toàn. Hãy căng buồm đón gió. Tìm tòi. Ước mơ. Khám phá.”

                                                                                                                                                       Mark Twain

Lại một ngày trôi qua… Chẳng có gì mới mẻ…

Một ngày trôi qua, vô vị như bao ngày…

Mỗi buổi sáng thức dậy trong tiếng chuông báo thức inh ỏi, hùng hục làm vệ sinh cá nhân, ăn vội mẩu bánh mì, rồi bắt xe đi làm, đi học. Một ngày như mọi ngày, đều bắt đầu trong sự vội vã, hối hả nhưng lại theo một nhịp điệu nhàm chán, lặp đi lặp lại, đến mức chúng ta chẳng kịp nhận ra mình đã bị cuốn vào vòng xoáy bất tận của điểm số, của tiền bạc, của những deadline ngập ngụa, nặng nề hay thậm chí là cả những lời tán dóc, những câu chuyện nhạt nhẽo, cũ rích,… Cái guồng quay ấy cứ kéo dài, dai dẳng, đeo bám chúng ta ngày này qua ngày khác, khiến cuộc sống chẳng khác gì một chuyến tàu  điện cứ chạy vun vút với tốc độ chóng mặt nhưng hoàn toàn vô định hướng và chẳng có lấy một điểm đến hay thậm chí là một khúc cua nào thật sự ấn tượng…

Những áp lực vô hình nhưng trĩu nặng, những kì vọng hay thậm chí là những yêu cầu, đòi hỏi từ gia đình, bạn bè, trường lớp, công sở,…

“Dạo này học hành thế nào đấy? Điểm mấy phẩy rồi?”

“Tại sao chúng nó được học sinh giỏi ầm ầm ra thế kia mà chỉ có mình mày không được?

“Đừng học mấy ngành đấy rồi sau này chẳng làm được cái gì đâu!”

“Tháng này được mấy triệu? Có bị trừ lương không đấy?”

“Có người yêu chưa? Hôm nào dẫn về đây xem nào? Cưới nhanh lên để tao còn có cháu!”

đang dần chiếm trọn tâm trí của biết bao người trẻ và cũng chính là gốc rễ của những chuẩn mực khắt khe trong xã hội.

Thế nào là thành công?

Định nghĩa của một cuộc sống tốt là gì?

“Là chuỗi ngày cấp 2, cấp 3 chỉ miệt mài đèn sách để đạt điểm cao trong các bài kiểm tra?”

“Là những bài kiểm tra được thực hiện theo những quy định “ngầm” có sẵn của thầy cô?”

“Là bảng điểm với những con số 9, 10 phẩy?”

“Là điểm thi đại học cao chót vót?”

“Là một công việc phù hợp với mong muốn của phụ huynh, khiến gia đình nở mày nở mặt?”

“Là nửa kia phải “môn đăng hậu đối”, vừa mắt gia đình?”

Những điều gì khác biệt, mới mẻ hơn so với những thước đo, những quy chuẩn hẹp hòi ấy dường như sẽ không bao giờ lọt được vào tầm chú ý của chúng ta.

Có phải cuộc sống của chúng ta đang ngày càng giống nhau hay không?

Chúng ta dường như đang sống nhanh hơn, vội vã hơn. Thậm chí, những trải nghiệm, tính cách, quan niệm sống - những điều vốn được coi là “đặc sản” riêng của mỗi người, cũng đang ngày càng giống nhau.

Bạn thức dậy trong sự giục giã của tiếng chuông báo thức, hay trong tiếng chim lảnh lót của buổi sớm mai?

Bạn chỉ đơn giản là ăn ngấu nghiến bữa sáng của mình để kịp đi làm, đi học, hay bạn thưởng thức và cảm nhận mùi thơm của gói xôi, của ly sữa, của tách cà phê, của lát bánh mì?

Mối quan tâm của bạn là gì? Là lương tháng, deadline, là những tin đồn giật gân về người nổi tiếng, những mẩu chuyện “ngồi lê đôi mách” của mọi người hay là cảm xúc của bạn trong ngày hôm nay?

Đã bao nhiêu lần bạn phải tạm gác lại niềm đam mê ca hát, thể thao, hay hội họa để chuẩn bị cho một kì thi quan trọng?

Câu trả lời cho những câu hỏi trên đây cũng chính là câu trả lời cho câu hỏi cuối cùng: Phải chăng cuộc sống của bạn đang được vận hành như một phần mềm đã được lập trình sẵn?

“Rốt cuộc chúng ta là ai?”

Đó chính là câu hỏi không có lời giải đáp của biết bao người trẻ. Chúng ta đang bị ám ảnh bởi những chuẩn mực, những thước đo của mọi người, của xã hội. Những điều ấy, dù là người ta áp đặt lên chúng ta, hoặc thậm chí tự ta áp đặt lên ta, đều là những nét bút tưởng như vô hình, nhưng lại có thể xóa nhòa đi bản sắc đẹp đẽ và độc đáo của mỗi người. Những điều ấy, dù không phải là pháp luật, cũng không được thừa nhận bởi bất cứ một văn bản chính thống nào, lại có một sức mạnh phi thường khiến người ta tuân thủ nghiêm ngặt. Xã hội dường như đang được vận hành theo một quỹ đạo đã được định sẵn, khiến chúng ta cảm thấy mình như bị trói chặt trong quỹ đạo đó. Nếu như một người nào cố tình đi chệch khỏi quỹ đạo dù với bất kỳ lý do gì, người đó sẽ ngay lập tức bị loại khỏi cái vòng quay lạnh lùng, bạc bẽo ấy. Cứ như vậy, chúng ta đua tranh, chúng ta gắng sức chạy trên đường đua marathon của cuộc đời dù chẳng biết đích đến, chúng ta vùi đầu vào một cuộc sống bận rộn, hớt hải, chúng ta cố gắng để trở nên “hoàn hảo”, “thành công” trong con mắt của người đời, chúng ta sống cuộc sống như ngàn vạn con người khác, để rồi nhận ra, chúng ta đã đánh mất đi hình ảnh của bản thân mình.


“Sự khác biệt” - chướng ngại vô hình

Chẳng biết tự bao giờ, việc trở nên mới lạ, khác biệt một chút so với mọi người đã biến thành một trở ngại không chỉ của riêng ai. Chúng ta dường như đang nhẫn nhịn, chịu đựng một cuộc sống đơn điệu và thiếu đi những sắc màu cá nhân. Trong chuỗi ngày dài của tuổi trẻ, đối với nhiều người, có lẽ, thật khó để chọn ra một ngày thật sự đặc biệt mà họ sẽ ghi nhớ trong suốt phần đời còn lại của mình. Bởi, đối với họ, cuộc sống ngày nào cũng như ngày nào, vẫn là những công việc quen thuộc, vẫn là những lịch trình cũ rích lặp đi lặp lại, vẫn là nhịp sống nhàn nhạt, quẩn quanh.

Vào năm học lớp 6, tôi có tham gia một khóa học Tiếng Anh. Tôi vẫn nhớ, câu nói đầu tiên của cô giáo khi bước vào lớp học, không phải là “Have you all done your homework?” (Các em đã làm bài tập về nhà chưa?), mà là “How was your yesterday?”hoặc “How was your weekend?” (Ngày hôm qua của các em thế nào?/Cuối tuần của các em thế nào?). Từng học sinh và thậm chí cả giáo viên, trợ giảng trong lớp đều sẽ được yêu cầu trả lời câu hỏi đó. Và trong khi cô giáo tôi luôn say sưa kể về những trải nghiệm thú vị, những kỉ niệm đong đầy cảm xúc trong chuyến công tác tại Việt Nam, từ những chuyến du lịch bụi, thăm các làng nghề truyền thống, đến những việc đời thường, dung dị mà hài hước như chuyện tập đi xe máy, đi chợ nấu ăn,… thì nhiều học sinh trong lớp khi được hỏi thường chỉ trả lời đại khái như “OK”, “Good”, “Normal”,… Trong những buổi thuyết trình, thảo luận nhóm, những học sinh này cũng ít khi mạnh dạn đưa ra những ý kiến khác lạ mà thường chỉ gật đầu đồng ý với những gì mọi người đã nói.

Có vô vàn lý do khiến chúng ta cam chịu và chấp nhận một cuộc sống nhạt nhòa như vậy. Đó có thể là sự tác động từ môi trường xung quanh, nhưng cũng có thể là sự ngại ngùng, nhút nhát và thậm chí là sự thiếu vắng niềm tin vào bản thân từ sâu thẳm trong tâm hồn. “Mọi người ai cũng như vậy mà, tại sao mình lại phải khác họ?” “Mình khác với mọi người như vậy liệu có bị cô lập không?” “Mình có đủ “giỏi” để được quyền khác biệt không?”


Vậy đó, chúng ta vẫn cho rằng sự khác biệt là một đặc quyền của những người tài giỏi, hoàn hảo hơn chúng ta hay những kẻ “sinh ra đã ở vạch đích”. Niềm tin ấy ăn sâu bám rễ, đến mức chúng ta cho rằng sự khác biệt vốn dĩ không dành cho mình chỉ vì chúng ta khởi đầu chậm trễ hơn hay kém tài năng hơn.

“Những đứa nhà giàu, giỏi giang thế kia thì chúng nó làm gì chẳng được ủng hộ!”

“Học xong 12 năm phổ thông, muốn gap year một năm để trải nghiệm, khám phá bản thân, liền bị gia đình cật lực phản đối với lý do: học đại học nhanh lên để còn ra kiếm tiền, mày định rong chơi mãi đến bao giờ? Trong khi đó, những đứa “con nhà người ta” học giỏi, nhà có điều kiện thì lại được gia đình cho phép và thậm chí là ủng hộ nhiệt tình. Phải rồi, tài giỏi, nhà giàu như vậy thì cần gì lo chuyện tương lai như mình đâu?”

“Nhiều khi, cứ phải khép mình lại, không dám đăng ký tham dự một cuộc thi nào đó, chỉ vì “sợ bị loại từ vòng gửi xe” và thẫn thờ nhìn những người khác - những người được cho là tài giỏi, có năng lực hơn lũ lượt đăng ký trong lời chúc may mắn của tất cả mọi người.”

“Thậm chí, không dám thẳng thừng nói lên những ý kiến cá nhân, những quan điểm khác biệt của riêng mình, lặng lẽ gật đầu trước những gì mọi người đã nói, đôi khi còn phải tự lừa dối bản thân, giả vờ đồng ý với một quan điểm trái ngược hoàn toàn với quan điểm của mình, và cứ sống an phận như vậy với niềm tin thâm căn cố đế rằng: mình không giỏi giang, không nổi bật thì không có quyền lên tiếng.”

Chúng ta dường như vẫn bị lệ thuộc vào những tác động của ngoại cảnh, bị điều khiển bởi hiệu ứng đám đông. Chúng ta cho rằng: đời không cho ta cơ hội để khác biệt. Sống trong một môi trường mà những trải nghiệm cuộc sống của tất cả mọi người đều như được đúc ra từng cùng một khuôn, chúng ta cũng đành chấp nhận, thậm chí gò ép bản thân sao cho vừa khít với chiếc khuôn đó. Nhưng, nếu được sống trong một môi trường khác, nơi mà mọi người được khuyến khích phát triển sự khác biệt của bản thân, biết đâu chúng ta sẽ cho phép, thậm chí cố gắng để trở nên khác biệt?

Xây dựng thương hiệu của bản thân

“Bạn sinh ra là một nguyên bản. Đừng chết đi như một bản sao” (John Mason)

“Chúng ta sinh ra là để khác biệt.”

Khi nhìn thấy câu slogan “Think different” của thương hiệu điện tử nổi tiếng Apple, nhiều người đã chép miệng, cho rằng câu slogan đã sai ngữ pháp Tiếng Anh cơ bản, nếu viết đúng phải là “Think differently”. Nhưng có lẽ, việc áp dụng cách viết Tiếng Anh ít phổ biến hơn lại chính là cách hiệu quả nhất để Apple truyền tải thông điệp của câu slogan. Bởi chỉ khi chúng ta “different”, chúng ta mới có thể “think different” chứ không phải là “think differently”.

Những quy chuẩn, những định kiến khắt khe mà người đời gán cho chúng ta, suy cho cùng, chỉ là một hệ quy chiếu đơn giản trong số vô vàn những hệ quy chiếu khác của vũ trụ bao la, rộng lớn này. Hệ quy chiếu toàn diện nhất, có lẽ chính là hệ quy chiếu có thể biểu diễn được những biến số đặc biệt – chính là những giá trị riêng của mỗi người. Bởi, chúng ta khi sinh ra vốn được Thượng đế ban tặng một nhãn mác riêng biệt, không đụng hàng, không giống ai. Cho dù sống ở đâu, trong bất cứ môi trường nào, chúng ta vẫn luôn mang nhãn mác đó, luôn là một “nguyên bản”. Những gì ta cần làm, chính là nỗ lực để giữ cho nhãn mác ấy được gắn chặt trên con người chúng ta, chứ không phải là chạy theo những giá trị vốn không thuộc về mình, để rồi nhãn mác ấy sẽ tự bung ra lúc nào không hay.


Thế nào là thành công?

Định nghĩa của một cuộc sống tốt là gì?

Sẽ chẳng có câu trả lời nào cả. Bởi lẽ, sẽ chẳng có một định nghĩa hay một khái niệm nào đủ rộng lớn để bao hàm tất cả những giá trị độc đáo, đa sắc màu mà hơn 7 tỉ người sống trên Trái Đất này có thể đem lại.

Đối với nhiều người, “thành công” là những con điểm 9,10, những trường đại học danh tiếng, những công việc lương cao, những xấp giấy bạc dày cộp, được suy tôn, trọng vọng, được nhiều người biết đến,…

Nhưng, “thành công” cũng có thể là một bữa ăn ngon, một chuyến đi thú vị, một người bạn mới, một trải nghiệm mới,…


Hãy rũ bỏ ngay niềm tin rằng chỉ những ai giỏi giang, giàu có mới có quyền khác biệt. Chúng ta có thể biện hộ rằng ngay từ khi sinh ra, tạo hóa đã không cho chúng ta những cơ hội để khác biệt, không cho chúng ta đầu thai vào một gia đình khá giả để được đi du lịch, khám phá, trải nghiệm gap year mà không mảy may lo đến vấn đề tài chính, không cho chúng ta một chút tài năng để có thể dự thi những cuộc thi mà chúng ta khao khát, không cho chúng ta sự nổi tiếng và sức ảnh hưởng để có thể nói lên chính kiến của mình mà không sợ bị phản bác. Nhưng thực chất, “sự khác biệt” vốn dĩ là một khái niệm riêng rẽ và hoàn toàn không liên quan gì đến mức độ “tài năng”, “hoàn hảo” hay “tiền bạc”. Căn biệt thư sang trọng, chiếc xe hơi đắt tiền hay những chuyến du lịch xa hoa, đắt đỏ, suy cho cùng chỉ là những thứ nếu khoe ra thì có thể đem lại cho chúng ta chút sĩ diện bồng bột, nhất thời… Chính những giá trị khác biệt, những trải nghiệm độc đáo được kết tinh từ những điều giản đơn mới là sự giàu có, phong phú của tâm hồn. Bạn có thể không có đủ tiền để đi du lịch vòng quanh thế giới và có những trải nghiệm “khác biệt” so với người bình thường, nhưng nếu bạn thức dậy, khoan khoái vươn vai trong tiếng chim hót chứ không phải trong tiếng chuông báo thức inh ỏi như những người khác, nếu bữa sáng của bạn thơm nức hương vị của gói xôi, của lát bánh mì chứ không phải chỉ là một thủ tục đầu ngày như bao người, nếu bạn dành chút thời gian để viết những trang nhật kí về những cảm xúc của bạn trong ngày hôm nay thay vì hóng hớt những tin đồn tầm phào, vô bổ về người nổi tiếng hay về một ai đó trong trường, trong công sở,… vậy thì bạn đã đủ khác biệt hơn bao nhiêu người rồi - một sự khác biệt cho dù là nhỏ bé, giản dị nhưng quý giá biết bao!

Và, đến một thời điểm nào đó, khi những giá trị tốt đẹp của bạn đã được tích lũy đủ để khiến bạn trở nên khác biệt theo một cách tích cực nhất, đó chính là lúc bạn có thể ngẩng cao đầu để khẳng định thương hiệu của chính mình, để dõng dạc tuyên bố: tôi là duy nhất trên thế giới này.


Tác Giả: Chau Do, Học Sinh

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: [https://www.facebook.com/hanhchau592001]

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

2,001 lượt xem, 1,902 người xem - 1919 điểm