Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Chúng Ta Hiểu Gì Về Sự Chết?

1. Dưới góc độ sinh học, chết là gì?  

Chết thì ai cũng sợ, nhưng ai cũng sẽ phải đối mặt. Những phim kiếm hiệp Trung Quốc chẳng phải vẫn có những con người đi tìm những viên thuốc trường sinh bất lão đó sao. Nhưng rốt cuộc cũng chẳng ai tìm được, vì đơn giản, nó không tồn tại. Chết, hiểu theo góc độ sinh học, phải chăng là sự ngừng trệ của hệ tuần hoàn, là hiện tượng thiếu sự vận chuyển oxy tới các tế bào, là sự lụi dần của chức năng não bộ, là sự suy yếu của các bộ phận cơ thể, là sự phá hủy các tế bào sống, là sự chấm dứt của mọi hoạt động trong cơ thể,... Một người ngừng thở, đương nhiên họ đã chết. Tim một người ngừng đập, đương nhiên họ đã chết. Ồ, đầu của một người đã lìa khỏi cổ, chắc chắn rồi, họ đã chết.   Con người có bản năng sinh tồn, rõ ràng là vậy. Nếu không có bản năng sinh tồn thì những người thời kì đồ đá, khi mà khoa học-công nghệ vẫn chưa phát triển, họ đã chẳng vượt qua nổi hạn hán, lũ lụt, đói rét, thú ăn thịt, bệnh dịch,... để tồn tại và phát triển thành những con người hoàn thiện, phát triển cả về thể chất lẫn trí tuệ như chúng ta hôm nay. Chúng ta chính là thành quả vĩ đại của bản năng sống mãnh liệt của tổ tiên từ xa xưa. Song, bản năng ấy có tồn tại đến bây giờ không? Tôi tin phần đông con người vẫn còn bản năng sống mãnh liệt ấy. Bằng chứng là xã hội ngày càng phát triển, những công trình kiến trúc, những kiệt tác nhân tạo vãn ngày một nhiều. Song, ở một số người nhất định, bản năng sống ấy không còn. Xã hội phát triển giúp duy trì thế giới vật chất, nhưng nó dường như không thỏa mãn thế giới tinh thần của một bộ phận con người.

2. Tìm hiểu về một vài sự chết  

Hãy thử nhìn trường hợp của ông lão Badii trong bộ phim Taste of Cherry của đạo diễn người Iran Abbas Kiarostami, bộ phim nằm trong Top 10 phim đoạt giải Cành Cọ Vàng hay nhất mọi thời đại theo bình chọn của tạp chí Times.   Mở đầu bộ phim là hình ảnh một người đàn ông trung niên không có chức danh gì, tuổi cũng không, không biết tại sao, cứ lái xe lên xuống các ngọn đồi bụi mù ở ngoại ô Tehran ở Iran với một khuôn mặt không biểu cảm. Ông tìm người để trả một khoản 200 ngàn toman cho một kẻ đồng ý làm công việc đơn giản: sớm mai đứng trên một cái huyệt đào sẵn có lão nằm ở dưới rồi gọi tên ông: Badii. Sau khi gọi 2 lần, nếu ông không thức dậy đáp lại lời gọi thì hãy dùng đất lấp chôn ông ta. Một người đàn ông đi tìm người để chôn mình! Abbas Kiarostami thậm chí không hề đề cập đến việc tại sao ông ta lại làm thế, chả biết ông ta có gia đình không, vợ con ông ta đâu, bạn bè ông ta đâu, hay chỉ đơn giản là giàu có và cô đơn đến mức không có lấy một mối quan hệ nào, để nhờ một việc: chôn ông ấy. Ông gặp khá nhiều người, nhưng người đầu tiên ông nhờ là một anh lính trẻ. Anh ta rất muốn kiếm tiền nhưng nghe thấy và sợ hãi bỏ đi. Chắc anh ta nghĩ ông lão này bị điên. Dễ lắm ấy chứ.   Người thứ hai lại là một người Afghanistan nghèo, cần tiền nhưng sùng đạo, với anh: Tự tử là tội ác. Vậy nên anh cũng từ chối ông.   Người thứ ba là một người có đứa con sắp chết, cũng rất rất cần tiền. Nhưng vốn là người từng trải, người đàn ông kể cho ông ta về một lần cũng suýt tử tử, ông ta định treo mình trên một cái dây thòng lọng kết thúc cuộc đời, sau đó thì ông nhìn thấy một quả anh đào, cắn thử, và vị chua của loại quả lần đầu tiên ông được ăn ấy lan tỏa trong miệng đã giúp ông thôi không tự tử. Ồ, ông không thể chết được, ông phải sống để nếm hương vị của quả anh đào.   Lão Badii nghe nhưng vẫn không cảm xúc, ông vẫn nằm xuống cái huyệt mà ông tự chôn cho mình trong một đêm đầy sao. Và bộ phim kết thúc.   Tôi không biết bạn nhìn nhận thể nào về bộ phim này, có thể nó chẳng có gì. Nhưng nếu nó chẳng có gì, làm sao mà nó được cho vào Top 10 bộ phim hay nhất mọi thời đại. Thông điệp mà riêng tôi nhận được từ đạo diễn của bộ phim vô cùng đơn giản mà cũng vô cùng phức tạp: Người ta có thể chết và cũng có thể sống vì những thứ vô cùng bình thường! Quả cherry thì có gì đâu, vậy mà hương vị của nó đã giúp ông lão kia sống sót. Ông lão Badii kia biết đâu đấy, cũng vì vẻ đẹp của một vùng trời đầy sao mà thôi không tự tử. Tôi không biết liệu ông ta có sống vì lí do đó không, vì thậm chí ông ấy chết có thể chẳng vì gì cả. Dường như bộ phim đã mất đi một tí rõ ràng, nhưng lại được thêm rất nhiều bài học. Trong một cuốn sách của Patrick Modiano có tên Dans le café de la jeunesse perdue, kết thúc cuốn sách là câu nói: “Xong rồi. Để mặc đi”, người con gái lao ra ban công và nhảy xuống. Chẳng vì gì cả. Nàng đã đọc hết những cuốn sách nàng đọc, nàng đã đi hết những con người nàng muốn đi, ở Paris, nàng đã yêu say đắm rồi kết hôn, rồi bỏ trốn, tham gia vào những bữa tiệc tùng quên ngày tháng. Nhân vật trong sách của Patrick Modiano chỉ cần sống trọn vẹn đến thế. Tôi nghĩ cuộc sống cũng có nhiều người như vậy.

Con người không hiểu về sự sống theo ý nghĩa bản năng, họ không có quan niệm: Sống lâu trăm tuổi. Quan niệm ấy đã thay bằng nhiều quan niệm hiện đại khác. Người ta không cần sống lâu, người ta cần sống sao cho cuộc đời đã trọn vẹn. Nhiều người đặt ra mục tiêu sống và đích đến khác nhau. Kết cục là khi hoàn thành mục tiêu sống và đích đến ấy, họ chẳng còn nghĩ ra những mục tiêu khác, họ lựa chọn sự chết.   

3. Những con số biết nói  

Theo thống kê của tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 40 giây lại có 1 người tự tử trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là khoảng 1 triệu người tự kết liễu mạng sống của mình mỗi năm. Trong khoảng 6 năm tới, con số này sẽ tăng lên 1.5 triệu người mỗi năm. Đó là chưa kể khoảng 10 đến 20 triệu ca tự sát thất bại mỗi năm. Nó là nguyên nhân thứ 13 gây chết trên toàn cầu và nguyên nhân thứ 6 tại Mỹ. Tự sát cũng là nguyên nhân gây tử vong lớn nhất ở thanh thiếu niên và người trưởng thành dưới 35 tuổi. Theo thống kê của chính phủ Nhật, năm 2014, trên đất nước này có tổng cộng 250 nghìn người tự sát, tức là trung bình, cứ mỗi ngày ở Nhật lại có 70 người tự tìm đến cái chết, nhiều nhất rơi vào độ tuổi từ 10-19. Trong cuốn sách "Sổ tay tự tử toàn tập", tác giả Wataru Tsurumi thậm chí đã viết: "Tự tử là một phần văn hóa Nhật Bản", vậy mà Nhật Bản vẫn chưa phải là quốc gia có tỉ lệ tự tử nhiều nhất. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 3 quốc gia có tỷ lệ tự tử cao nhất thế giới là Sri Lanka với 35,3 trên 100.000 người chọn cách tự tử để kết thúc cuộc đời, theo sau là Lithuania với 32,7/100.000 và Guyana 29/100.000. Theo thống kê thì năm 2015, trên thế giới có 800 000 người thiệt mạng vì tự tử, cứ 40 giây trên hành tinh có 1 người tự tử. Số đàn ông tự tử gần gấp đôi phụ nữ. Châu Âu là nơi có số người tự tử nhiều nhất, thấp nhất là ở Địa Trung Hải. 

13 Reasons Why, original series của Netflix đã tạo ra một cơn sốt trong đầu năm 2017, và cho đến thời điểm cuối năm thì nó vẫn chưa từng ngừng gây ám ảnh và bỏ ngỏ nhiều câu hỏi cho người xem. Netflix đã nhắm vào những đối tượng học đường và đề cập đến vấn đề hết sức nhạy cảm: Tự sát tuổi vị thành niên ở học đường, nhưng chính vấn đề nhạy cảm này mới chính là điều thu hút người xem. Hannah Baker, nhân vật chính của bộ phim đã chọn cách chết bằng việc ngồi trong bồn tắm và tự tử. Hannal Baker cho chúng ta xem về 13 cuốn băng mà cô đã ghi lại, để lại những nguyên nhân mà cô tự tử. Quá nhiều, từ bạo lực học đường, chèn ép, chất kích thích, bắt nạt, những tình cảm không thành tuổi học trò. Ở khá nhiều nước, vì chủ đề nhạy cảm và bộ phim đề cập tới đã bị cấm, nhưng đây lại là một bộ phim rất thực, đề cập đến một vấn đề rất thực trong cuộc sống. Con người đôi khi vì những áp lực mà bản thân họ không thể vượt qua đã buông xuôi. Với tôi, 800.000 người chọn cách chết bằng việc tự tử thật ra chỉ là một con số vật lý, bởi khi một người chết đi, đó còn là cái chết trong tâm hồn của vô số những người xung quanh khác nữa.

Ít ra Hannah Baker chết đi đã để lại lí do, còn vô số người chết không để lại lí do thì sao? Thử tưởng tượng một ngày người bạn yêu thương tự tử. Ai biết đâu đấy, đã có vô số điều mà họ phải chịu đựng, nhưng thay vì chia sẻ, họ chọn im lặng, im lặng khi sống và im lặng cho đến khi chết. Có hàng đống lý do để một người tự tử, trong đó lý do lớn nhất là trầm cảm. Nhưng tại sao người ta trầm cảm? Lại có hàng đống lý do khác về việc người ta trầm cảm. Xã hội hiện đại phát triển hơn, nhưng lại phức tạp hơn, áp lực cuộc sống tăng, người bị trầm cảm lại càng nhiều hơn, và thách thức về vấn đề làm sao để giải quyết lại ngày càng cấp thiết. Trong năm qua, Viện Bạch Mai đã khám và điều trị ngoại trú cho hơn 18.000 bệnh nhân mắc trầm cảm, chiếm 30% tổng số bệnh nhân nhập viện.

Trong đó theo các bác sĩ, có nhiều trường hợp bệnh nhân trầm cảm âm thầm hành xác hoặc tìm đến cái chết để giải thoát bản thân mà không thông báo cho người thân. Các hệ lụy của trầm cảm ngày càng đa dạng và khó đối phó hơn. Thể nặng nhất là bệnh nhân bị tổn thương thần kinh vĩnh viễn hoặc tìm cách tự sát.

4. Chúng ta chẳng hiểu gì về sự chết cả!

Mạng xã hội phát triển nhưng tính kết nối phi thường của Facebook, Twitter, Instagram có vẻ như không làm tất cả con người hạnh phúc hơn. Đương nhiên, vẫn có những con người hạnh phúc hơn, họ được kết nối và giao du với mọi người. Nhưng bên cạnh đó, vẫn có những con người chưa thực sự hạnh phúc, và điều mà họ tiếp nhận ở mạng xã hội không phải những điều tích cực mà là tiêu cực. Tại Mỹ, hội chứng Diogenes (lấy tên theo một triết gia hoài nghi Hy Lạp) có ở những người mắc phải nỗi lo sợ các mối quan hệ không bền vững, mối quan hệ mà chúng ta xây dựng trên mạng xã hội ảo chính là một mối quan hệ như vậy. Cái chết ở rất gần chúng ta, nó có thể làm chúng ta đến gần với nó và thực hiện nó bất cứ lúc nào. Tôi nghĩ những người bất chợt bị tai nạn, những người phát hiện ra ung thư,... vô số lý do, những người đó không bao giờ được dự báo về cái chết của mình. Đôi khi họ đang vô cùng hạnh phúc và bất chợt phải rời xa thế giới theo một cách không mong muốn. Nhưng ở đây, lại có những người tự lựa chọn cho mình cái chết. Chết không phải là hết, chết đôi khi còn là để lại những đau khổ về tinh thần cho những người đang sống.  

Sherwin B. Nuland có viết một cuốn sách có tên How We Die (Hiểu về sự chết), chính xác thì tôi vẫn chưa đọc hết cuốn sách này. Nó là cuốn sách miêu tả tường tận về cái chết, chính xác hơn là tiến trình dẫn đến cái chết. Tác giả chọn viết về sáu loại bệnh phổ biến, với những đặc điểm được xem là đặc trưng cho tiến trình mà ai trong đời cũng phải trải qua một lần. Chắc chắn tôi sẽ đọc nốt, và cuốn sách này đương nhiên rất bổ ích. Tuy nhiên, hiểu về sự chết là quá trình nhận thức của mỗi người, và tôi không nghĩ sau khi đọc xong một cuốn sách bàn về sự chết, tôi sẽ hiểu hoàn toàn nó cả. Chết là một điều hiển nhiên, và hãy để nó tự nhiên, tôi không mong trên đời có một ai tự tìm đến nó cả. Tôi mong rằng mỗi người đều nhìn ra những giá trị đích thực, giá trị bền vững của sự sống, để cùng xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi mong rằng những người có ý định tự tử, hoặc đang tìm hiểu về nó sẽ giống như những nhân vật trong The Suicide Shop (Cửa hàng tự sát), họ sống ở một thành phố có một biển hiệu trước một cửa hàng thế này:

  • "Các bạn đã thất bại trong cuộc sống? Vậy hãy thành công trong cái chết!"

Vậy mà kết phim, những người đã sống trong thế giới toàn người tự tử ấy đã tìm ra ý nghĩa cuộc sống. Nếu lúc nào cũng chỉ nhìn thấy mặt tối và lựa chọn hành động tiêu cực, niềm vui sẽ không bao giờ tìm đến. Để kết thúc bài viết này, tôi muốn kể cho các bạn câu chuyện ngắn về cuộc đời của nhà thơ vĩ đại người anh Ted Hughes. Ông đã chứng kiến 4 mạng người phải chết vì mình trong thời gian 6 năm, đều bằng hành vi tự sát, trong đó vợ ông, thi sĩ Sylvia Plath, tự sát khi mới 30 tuổi. Và sau cái chết của ông vì ung thư, người con trai của ông tiếp tục treo cổ tự sát. Nhưng kể cả thế, suốt cuộc đời ông, vẫn luôn tin rằng: Ta mạnh hơn cái chết!

"Who is stronger than hope? Death.

Who is stronger than the will? Death. 

Stronger than love? Death.

Stronger than life? Death.

But who is stronger than Death?

Me, evidently."

(Ai mạnh hơn hi vọng? Cái chết

Ai mạnh hơn ý chí con người? Cái chết

Ai mạnh hơn tình yêu? Cái chết

Ai mạnh hơn cuộc sống? Cái chết  

Nhưng ai mạnh hơn cái chết? Chính ta!)                                                   

(Ted Hughes)

Tạm kết: Cuộc sống là một món quà quý giá. Chúng ta có nghĩa vụ bảo vệ cuộc sống của người khác và cả cuộc sống của chính mình. Học cách hiểu về sự chết chính là học cách để giúp cuộc sống trở nên tốt đẹp. 

Tác Giả: Trần Thu Thảo - Học viện Báo chí và Tuyên truyền

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tran.thuthao.1069 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,479 lượt xem, 1,459 người xem - 1471 điểm