Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Chuyện Về "Một Người Hà Nội" Hay Cảm Tác Của Người Lang Thang

12:52 Chiều

Con đã đi một quãng đường rất xa để đến được nhà của bà. Và hôm nay bà đi vắng. Từ lúc rảo bước phía Nhà thờ lớn, lòng con đã bất giác lo sợ, không biết bà có nhận ra con không, người mà mỗi năm sẽ chỉ gặp bà đúng một lần vào độ đông về. Lần gặp đầu tiên là từ 2 năm trước. Bây giờ là lần thứ 3. Những lần trước con không bao giờ đi một mình, lần này con chỉ có một mình.

Phố Chân Cầm trong tiềm thức con là những ngày trời mưa lạnh buốt, hoặc tối đêm yên tịnh. Phố Chân Cầm bên cạnh Nhà thờ lớn, với màu lá bàng thản nhiên khô rạc rụng rơi và những vệ đường chơi vơi 1 vài người bán hàng im lặng. Căn nhà của gia tộc bà bề thế nằm ở đó, im lìm, trầm buồn, lổ loang, chia tách không nói suốt một chiều dài lịch sử đi bên cạnh Hà Nội. Nó được phủ lấp bởi sự lung linh cố tạo của thời đại, những tiệm quần áo, vải vóc, trang trí rời rạc, nhạt thếch nhưng vẫn sẽ có thể đánh lừa được quá nhiều thế hệ vô tâm, ngây thơ, thờ ơ trước nét đẹp kinh kỳ của Hà Nội xưa.

Giữa một Chân Cầm trưa nay con đến ồn ào, chật ních người lẫn cộ xe, nóng gay và nặng mùi bún, thịt, cánh cửa bên gian nhà bà im lìm. Một lần nữa con lại sợ, liệu bà chỉ đi một lúc thôi hay đã từ lâu rồi chiếc ổ khóa này không được mở ra nữa? Con lặng thinh đối mặt với "cú sốc văn hóa" mới vừa trải qua, ngồi viết về tất cả những điều con trông thấy, xúc cảm, hy vọng một chút tư duy này có thể giúp con xua đi sự lo lắng, mong ngóng bà trở về.

Bà tên là Phụng, 75 tuổi nhưng vẫn đẹp và có trái tim rất trẻ. Con gặp bà lần đầu tiên vào một ngày Hà Nội trở rét kỉ lục cách đây 2 năm. Có lẽ, lực hấp dẫn đã đúng khi đẩy một cô gái, người luôn luôn tin rằng "sẽ tồn tại một thứ gì đó đậm chất Hà Nội cô đặc" đang chờ cô khám phá, vào phố Chân Cầm, nơi có những căn nhà cổ kính, luôn là thứ con hằng mong chiêm ngưỡng. Bà đã hỏi con lần đầu "Con chụp cái gì thế?"; "Con thấy nơi này đẹp chỗ nào?" bằng một chất giọng Hà Nội thanh thoát như hát. Kể từ giây phút đó con biết, điều kì diệu đã xảy ra. Cứ như thế bà kéo chúng con vào gian nhà nép về phía góc bên dưới cầu thang uốn và bắt đầu kể về câu chuyện thật của ngôi nhà số 8 Chân Cầm, ngôi nhà đại tư sản dân tộc.

Căn nhà được xây dựng vào năm 1930 và là một tổng thể liền mạch có diện tích 345m2 gồm 1 trệt 2 lầu. Bà cho con xem bức ảnh trắng đen chụp căn nhà cùng toàn gia tộc trong ngày cưới của một đôi trẻ mà bà Phụng gọi là ông bà thứ. Nhìn vệt sơn vàng ẩn mình im ắng dưới lớp rêu, con tưởng như chúng đang bật sáng màu lấp lánh trong bức hình dù có trắng đen hoen ố cũng không thể nào ngăn cản được trí tưởng tượng dựng lại đường nét vàng son sắc sảo lên ngôi nhà trong quá khứ huy hoàng. Còn những bó dây điện bừa bãi nguy hiểm, đường ống nước tự gia cố hắc mùi và những tấm vách ngăn vô duyên ước gì chúng bay biến đi hết thì nhà 8 Phố Chân Cầm mới thực là căn nhà trong chiếc ảnh huyền thoại ấy.

Sau chiến thắng, khi khẩu hiệu "lấy của người giàu chia cho dân nghèo", "tất cả tài sản là thuộc về nhân dân" được hô vang, căn nhà bị quốc hữu hóa, dù cho gia đình ấy đã có lòng ủng hộ cách mạng. Rồi nó bị chia cắt ra, bán cho người này, kẻ khác, mỗi người một góc nhà. Chỉ để lại cho con cháu gia tộc một góc dưới cầu thang cánh trái. Thế là người ta bắt đầu lắp vách, đục tường, làm hố xí và chia đường đây điện, làm những điều thực không đúng với bản chất của một căn nhà tổng thể. Khi mà phòng khách cũng có thể lắp bồn rửa, phòng ngủ trở thành gian bếp còn khu vệ sinh thì dành 1 ít phần làm chỗ nằm. Mọi thứ trở nên ngổn ngang đến giờ. Thời gian trôi qua, những gian phòng qua tay hết người này đến người khác, họ sẽ lại cố sửa chữa một thứ gì đó, cố lắp thêm giàn đèn, chăng thêm vài lá cờ vải màu pastel hoặc đặt những chiếc ghế xinh, cốt làm sao cho không gian mình thuê bắt mắt để dễ bán hàng, nhưng người ta đã thực sự quên mất rằng, đó vốn dĩ là sự sửa chữa sai lầm cho căn nhà ấy. Sẽ không một ai để ý, không một ai suy nghĩ vì điều đó đâu, có phải không?

Có thể nhận thấy, dù ở thời điểm 1945 quyết định chia tách một căn nhà của gia tộc giàu có để cho nhiều người hơn có chỗ nương náu xem ra là một quyết định phù hợp khi tổng lợi ích xã hội là lớn nhất. Nhưng rõ ràng, xét ở một chuẩn mực khác, với một thước đo giá trị khác, chúng ta biết rằng, có những thứ phải được bảo tồn bằng mọi giá. Không may thay nhà 8 Chân Cầm, nhà Nguyễn Du Sài Gòn và còn rất nhiều những căn nhà khác nữa đã không được may mắn tồn tại nguyên vẹn, giờ đây chỉ còn một chút vấn vương cho hậu sinh tiếc nuối. Đó cũng từng là bi kịch của Cửu Trùng Đài của các công trình kiến trúc nổi tiếng khác trong lịch sử 4000 năm chúng ta. Kém tư duy và thói ngạo mạn đã làm cho con người ta trở nên thiển cận, lẫn lộn trước ý thức về bảo vệ cái đẹp thuần túy và sự trừng phạt, giữa di sản và "xổi thì", giữa các định nghĩa về giá trị và lợi ích. Đó cũng chính là khơi nguồn của những cuộc tranh cãi tư tưởng triết học giữa các trường phái Vị lợi và Tự do. Bản chất không có ai hoàn toàn đúng hay hoàn toàn sai, và do vậy cuộc sống mới trở nên khó khăn hơn nhiều. Bởi vì chúng ta phải đưa ra quyết định giữa những sự lựa chọn trong những vòng lặp nghịch lí.

Dù sao đi nữa, nhà số 8 Chân Cầm cũng thực sự là một nơi nên ghé qua, không chỉ để nhìn ngắm chút vẻ đẹp "một thời vang bóng", mua sắm một vài món hàng độc lạ đã mắt, mà còn là vì một con người lưu giữ nét đẹp thời gian nữa. Bà Phụng.

Trong gian nhà của bà, nét Hà Nội đặc quánh. Từ cái tủ thờ luôn sáng bóng và uy nghiêm, bàn ghế ngăn nắp luôn có mùi trà thơm, đến những cái đĩa than bà cất giữ, những cuộc thăm viếng của những bạn hữu Hà Nội dù già vẫn hết mực thanh tao, nho nhã, trao tặng nhau "đôi vớ tốt tôi mới mua cho bạn để bạn mang cho ấm". 2 người già, những người già không đơn thuần, học thức, tinh tế, 1 bà giáo tiếng Nga trường Phan Đình Phùng, 1 ông giáo hóa học Hà Nội Amsterdam quả tình khiến cho lớp trẻ ngồi giữa như con phải ghen tị đến hết đời. Cái sự thức thời trong trò chuyện của người Hà Nội làm cho con thầm khâm phục. Chắc "cô Hiền" của Nguyễn Khải cũng sẽ giống như thế này phải không ạ? Đáng khen thay "Một người Hà Nội".

Thích nhất là được nghe bà nói chuyện tình. Nét lãng mạn và yêu người lấp lánh trong con mắt của bà lão duyên dáng đó. Chính bà đã nói cho con biết thế nào là tình yêu. Là khi con làm gì thì người đó cũng thích, không làm gì cũng thích, và thích nhiều đến mức ôm trọn cả những thứ không thích ở con vào lòng người đó, che chở, chỉ dạy, độ lượng, bao dung. Bà đã nói như thế. Tình yêu là sự tích nhặt chăm chỉ của sự thích, khúc khích, tình tứ, bền lâu và mãnh liệt.

Đợi mãi bà vẫn chưa về. Cho đến tận khi hàng quán buổi trưa tiếp nhân viên văn phòng đã dọn hết và nắng bắt đầu lắng dần, con vẫn ngồi lặng im trước cửa nhà bà cùng với hành lí muôn dặm. Đôi khi con thấy, chẳng có việc gì dễ hơn trên đời này là đi lang thang hết. Và nó sẽ còn dễ hơn một vạn lần nếu như là lang thang ở Hà Nội. Hà Nội độ này không quá lạnh, lắm khi còn nóng một ít làm hài lòng những con người từ phía Nam đến. Đi bộ trong phố cổ, trong các Hàng, các Ngõ của Hà Nội là một trải nghiệm trộn lẫn. Chẳng giống phong cách thư thái, thuần túy của Hội An, chẳng giống say tình, buốt mưa của Đà Lạt, cũng không giống đô hội, sầm uất của Sài Gòn. Đi giữa Hà Nội là một cảm giác đan xen của mọi điều. Thiết nghĩ, chúng ta cần đi lang thang nhiều hơn, để thấy yêu đời hơn. Đi để trông nhìn, cảm nhận, hít thở, và suy nghĩ tích cực. Chỉ cần bắt đầu bằng việc dễ dàng như thế.

Con thích đi qua những nơi con đã đi, để cho con có cảm giác được thăm lại một ai đó thật gần, để con thấy lòng mình không xa xôi. Dù cho "ai đó" ở đây chỉ là một cái biển hiệu hay một anh bưng nước có xăm hình vết son ngay trên cổ ở cà phê Giảng trước giờ không hề giao tiếp. Sẽ thật may nếu mọi thứ vẫn ở đó và cũng thật may nếu một vài thứ đã thay đổi hoặc không còn có ở đó. Nhưng sẽ rất buồn nếu bà không có ở đó nữa…

Như thường niên, lần này con sẽ vẫn nói với bà cùng một lí do. Con đi công tác. Nhưng sang năm sau thì câu trả lời sẽ thật sự khác. Hoặc là con cũng không thể quay lại thăm bà vào tháng một nữa. Vậy mà bà vẫn chưa về.

Con vẫn chưa biết tối nay mình sẽ ngủ ở đâu. Nhưng thôi, con tin Hà Nội sẽ chẳng bao giờ tệ bạc với người yêu Hà Nội cả. Rồi mọi chuyện sẽ tốt đẹp mà.

3:25 Chiều

Cuối cùng bà đã về với 2 người bạn nữa. Bà vẫn khỏe, vẫn hoạt bát. Thật may bà vẫn còn nhận ra con. Bà luôn lo lắng cho đứa trẻ trong mắt bà là mơ mộng, không chịu yên này. Cuối cùng bà dặn:

"Cuộc đời là bọt nước, chỉ có 2 điều như đá tảng: tử tế khi người khác lâm nạn và cam đảm trong hoạn nạn của chính mình."

A.H.Gordon

Tác Giả: Nguyễn Phượng Linh, AIESEC in UEL 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/phuonglinh.nguyen.792 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,989 lượt xem, 1,968 người xem - 1977 điểm