[Triết Học Tuổi Trẻ] Đồng Phục Học Sinh - Nên Hay Không Nên?
ĐỒNG PHỤC HỌC SINH – NÊN HAY KHÔNG NÊN?
Có bao giờ ta tự hỏi: Tại sao cần mặc đồng phục? Đó là điều "xưa nay vẫn thế" mà ai cũng phải tuân theo hay chỉ là một hình thức cổ hủ, cần được loại bỏ?. Để trả lời câu hỏi đó, ta đi vào những quan điểm phổ biến sau:
Đồng phục - Bình đẳng, khoa học, trong sáng.
Môi trường hoàn hảo cho học sinh là nơi họ có thể tự nhiên, thoải mái, không bị gò bó bởi sự miệt thị, thành kiến, phân biệt của người khác. Đồng phục thực sự đã tạo được môi trường đó. Đồng phục xóa nhòa khoảng cách giàu – nghèo, sang – hèn giữa học sinh. Khi mặc cùng một bộ trang phục, không thể có sự phân biệt về địa vị xã hội, điều kiện kinh tế hay guu thời trang.
Đồng phục tiết kiệm cho học sinh thời gian lựa chọn, đắn đo về trang phục khi đến trường. Nghe có vẻ không quan trọng nhưng thực tế cho thấy, học sinh, nhất là nữ sinh, thường dành kha khá thời gian “cân đo đong đếm” về vẻ ngoài trước khi đến lớp. Việc mình mặc gì vào sáng mai thực sự là một “trăn trở” trong lòng các bạn học sinh. Nhưng khi có đồng phục, họ không cần “lăn tăn” điều gì, bởi ngoài sự tiện lợi của đồng phục, không ai muốn bị ghi vào sổ của giám thị! Việc hạn chế tối đa sự cầu kì trong trang phục giảm bớt gánh nặng cho học sinh.
Cần nói thêm, đồng phục thường được làm theo phong cách tối giản, gọn gàng, năng động. Một số màu sắc chủ đạo thường thấy là: quần đen, xanh tím than, xanh lá cây,…, bất cứ là gì nhưng đồng phục nào cũng có áo sơ mi trắng. Lí giải đơn giản bởi trắng là màu của sự trong sáng, tinh kiết, là màu đẹp nhất, phù hợp nhất với tuổi học trò. Trắng dễ mặc, phù hợp với mọi cá tính.
Hơn thế nữa, đồng phục tạo nên “bộ mặt” của trường học, tạo nên bản sắc của ngôi trường học sinh theo học. Lô-gô trên đồng phục thể hiện điều đó. Tựa như lá cờ Tổ quốc, lô-gô trên đồng phục là quốc túy nghĩa hẹp của trường học. Ta có thể thấy được một cá tính riêng, một nét đặc sắc cá biệt của từng trường qua những lô gô như thế. Trường học nào cũng cố gắng dùng chất xám để sáng tạo ra “bộ mặt chung” mà họ muốn đem ra cho tất cả mọi người cùng chiêm ngưỡng.
Sau hết, đối với học sinh, khoảng thời gian cùng khoác áo trắng trải qua bao thăng trầm, buồn vui lẫn lộn quả là một điều kì diệu và tuyệt vời. Cái cảm giác “ơn giời” mượn được áo đứa bạn để tránh bị trừ điểm đồng phục; cảm giác “rưng rưng” khi kí tên lên áo trắng đứa bạn bàn trên ngày tốt nghiệp;…tất cả những khoảnh khắc đó thật khó có thể nào quên. Chiếc áo đồng phục giống như một niềm tự hào ngầm của học sinh về ngôi trường của mình. Đồng phục bỗng dưng trở thành một hồi ức tuổi trẻ, một hành trang cho học sinh bước vào đời.
Đồng phục - Nhạt nhẽo, khuôn sáo, “hình thức”.
Trường học là “ngôi nhà thứ hai”. Nhưng đã bao giờ chúng ta thực sự coi trường học là nơi thoải mái như ở nhà? Khi mà chưa kịp đặt chân tới lớp thì ngoài cổng trường đã nhăm nhe bao nhiêu là đội cờ đỏ, giám thị? Thiết nghĩ, sự dè chừng sao cho không bị giám thị hay cờ đỏ bắt phạm lỗi đồng phục còn tương đương với áp lực “mặc gì hôm nay”. Đồng phục chẳng thực sự tiện như ta nghĩ. Bởi một hay hai bộ đồng phục chẳng thể nào mặc rồi lại giặt liên tiếp sáu ngày trong tuần. Nhiều chi tiết của đồng phục còn phải đi chỉnh sửa sao cho phù hợp với thể trạng người mặc. Đã từng có quy định học sinh nữ không được mặc váy trên đầu gối. Nhưng ta thử nghĩ đến những cô nàng chân-không-được-dài mặc những chiếc váy qua đầu gối, hóa ra ta thật ích kỉ!
Đồng phục chẳng tạo nên sự bình đẳng. Phân biệt giàu-nghèo, đẳng cấp vẫn xuất hiện, thậm chí dữ dội giữa học sinh, kể cả khi họ khoác chung một màu áo, mang chung một lô-gô, học chung một mái trường. Hiển nhiên, những cậu ấm, cô chiêu vẫn là thành viên trong “Câu lạc bộ con nhà giàu”, còn những học sinh kém may mắn hơn, dù có chăm ngoan học giỏi đến đâu cũng không nhận được sự đối xử tôn trọng của những “con nhà giàu” chảnh chọe. Có ai dám đảm bảo sự đối xử công bằng giữa giáo viên với những học sinh khá giả và những học sinh có điều kiện kém hơn? Bình đẳng ở đâu khi mà ngày ngày những học sinh gia đình giàu có với bộ đồng phục phẳng phiu bước ra từ xe hơi sang trọng còn những học sinh nghèo khó phải mặc đi mặc lại bộ đồng phục bạc màu bất kể ở trường hay ở nhà?. Mặc dù ở Nhật, nhà trường cấm phụ huynh đưa con đến trường bằng xe riêng, nhưng bất bình đẳng vẫn thực sự tồn tại. Đồng phục chỉ là một cái gì đó thật “hình thức”, sáo rỗng, kém hiệu quả. Chỉ cần mặc giống nhau là được coi là bình đẳng? Vậy ra các cụ đã dạy sai câu “Chiếc áo không làm nên thầy tu” ư? Cách ví von không thực sự tương đồng, nhưng đó vẫn là một điều gì khiến ta phải suy nghĩ.
Đồng phục trói buộc sự tự do và cá tính của học sinh. Nhất là học sinh Trung học. Việc mặc gì hôm nay là một quyết định bắt buộc của một cá nhân có sự tự lập. Hơn nữa, con người ai cũng muốn thể hiện bản thân, muốn mình nổi bật trong đám đông. Trang phục là một phương tiện quan trọng giúp chúng ta thể hiện cá tính của mình. “Trông mặt mà bắt hình dong” là câu thành ngữ sâu sắc về cách nhìn người. Việc bạn ăn mặc như thế nào nói lên một phần bạn là ai. Sớm hay muộn, học sinh cũng phải thể hiện mình trước xã hội. Họ cần được rèn luyện khả năng chăm sóc bản thân, khuynh hướng thời trang cho bản thân, càng sớm càng tốt. Và đồng phục phần nào làm thụ động khả năng đó. Họ cần chịu trách nhiệm về sự phê bình của cộng đồng về con người thông qua ngoại hình. Nếu không muốn bị chê lôi thôi thì hãy ăn mặc thật sạch đẹp. Tại sao ta không để học sinh tự do thể hiện và tự hoàn thiện bản thân? Mỗi đứa trẻ đến trường với những khả năng, thế mạnh khác nhau nhưng “trường học dạy cho họ những thứ giống nhau, bây giờ, họ còn bắt học sinh nhìn giống nhau nữa ư?” (Nhà soạn kịch người Mĩ George Carlin).
Hơn nữa, ta cần xét thêm về giá cả của đồng phục. Đa số đồng phục có giá cả khá bình dân, đảm bảo sự hợp lí về kinh tế của tất cả học sinh. Nhưng rất nhiều trường học hệ chuyên, trường học lớn muốn tạo sự khác biệt bằng cách tăng thêm số lượng phụ kiện đồng phục: Ngoài áo sơ-mi, quần áo thể dục, áo khoác mùa đông, còn có: váy (cho nữ), cà vạt, quần âu, …Tính tổng thể, học sinh Trung học khi đến trường có thể chi hai đến ba triệu đồng cho đồng phục. Chẳng phải bậc cha mẹ nào cũng sẵn sàng và có thể dễ dàng chấp nhận điều đó. Bình đẳng và công bằng là đây sao?. Nếu nói đồng phục tạo nên bản sắc của trường học, thì hóa ra, những trường không có đồng phục thì không có bản sắc?, những học sinh miền núi, Duyên hải miền Trung nghèo khó không có đủ ba bữa một ngày, không mặc đồng phục cũng là những đứa trẻ hư, không xứng đáng được trân trọng?
Tất cả những ý kiến trên đều dẫn đến một câu hỏi: Mục đích của trường học là gì? Nếu trả lời được câu hỏi này, ta sẽ giải quyết được mâu thuẫn của đồng phục.
Trường học là cái nôi dạy dỗ học sinh. Nó chỉ có một mục đích duy nhất là trang bị những kĩ năng, kiến thức cần thiết giúp ích cho từng học sinh khi bước vào đời. Học sinh cần có sự tôn trọng về sở thích, cá tính để có thể phát triển đầy đủ về nhân cách, đạo đức, tinh thần. Sự khắc khe về trang phục vô hình chung giết chết khả năng sáng tạo của học sinh. Trường học không phải quân đội, không nhất thiết phải khuôn vào người các em những bộ trang phục nhạt nhòa, thiếu óc tưởng tượng như thế. Đồng phục là không cần thiết!
Mặt khác, dạy cho học sinh sự chỉn chu, ngăn nắp trong trang phục cũng là một nội dung giảng dạy trong nhà trường. Một công dân tốt là một học sinh ngoan ngoãn, ngăn nắp ngay khi còn đi học. Sự thể hiện cá tính là tốt song điều đó hoàn toàn có thể xao nhãng học sinh trong quá trình học tập và rèn luyện. Muốn đào tạo những công dân có ích cho xã hội, nhà trường cần có kỉ luật. Mặc đồng phục là một trong những điều mà mỗi học sinh đến trường cần tuân theo.
Tranh luận không bao giờ kết thúc, và thật sự, không có một câu trả lời làm hài hòng tất cả. Nhưng điều quan trọng là phải không ngừng đặt câu hỏi, và đi tìm câu trả lời. Đồng phục hay không đồng phục phụ thuộc rất nhiều vào những yếu tố chủ quan, khách quan. Lựa chọn tùy thuộc vào cách ta nhìn nhận vấn đề và giải quyết vấn đề.
Đỗ Kim, 17 tuổi, Hải Dương.
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/ki.do.3701
--------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info
.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
453 lượt xem