Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Đừng Đi Tìm Nghề, Tìm Nghiệp Trước Đã!

Từ nhỏ đến lớn, mình hay nghe câu nói (đại loại như vầy), "Nếu làm được đúng công việc mình yêu thích, bạn sẽ không phải làm thêm một ngày nào".


Câu nói nổi tiếng này chắc chỉ gây hưng phấn cho những người mới bước chân vào thị trường lao động. Còn những ai đã đi làm 2, 3 năm, thì đa phần đều không nhìn lại câu này lần thứ 2. Vì đơn giản, đời không như là mơ!

Mình cũng từng mất niềm tin như vậy, cho đến khi có cơ hội gặp được nhiều anh chị ở đủ ngành nghề. Có không ít người, dù đã làm trong ngành hơn 10 năm, nhưng vẫn đầy nhiệt huyết như thuở ban đầu. Và đó là lúc mình hiểu, cảm giác sung sướng, mong ngóng đi làm mỗi ngày là...hoàn toàn có thật. Và nó chỉ xảy ra khi bạn làm đúng NGHIỆP của mình (bạn để ý nhé, mình không nói làm đúng NGHỀ, mà là đúng NGHIỆP).

Bởi vì trước khi làm đúng nghề, chúng ta phải làm một bước trước đó, là hiểu bản thân TÌM KIẾM CÁI GÌ ở nghề nghiệp sau này. NGHIỆP có thể định nghĩa ngắn gọn là những hành động, giá trị bạn tìm kiếm ở công việc của mình. NGHỀ có thể thay đổi, còn NGHIỆP thường là thứ cố định (hoặc thay đổi sau khoảng thời gian khá dài).

Đặc biệt là trong thời đại công nghệ ngày nay, mỗi năm có hàng ngàn công việc mới xuất hiện và hàng triệu công việc cũ mất đi. Việc bám víu vào tư tưởng tìm kiếm NGHỀ phù hợp dường như không còn nhiều giá trị nữa, vì bạn khó lòng biết liệu công việc mình đang làm rồi sẽ tồn tại được bao lâu trong vài thập kỉ tới. Với lại, ông bà ta thường nói, HƯỚNG NGHIỆP, chứ có mấy ai nói HƯỚNG NGHỀ, phải không nào ;)

Vậy, làm sao tìm ra NGHIỆP của mình? Đây,  quyết đây
Bí quyết tìm ra NGHIỆP* =
(Tìm điểm chung trong những hoạt động mình thích làm) + (Đảm bảo những hoạt động đó phải phục vụ được cho người khác)

*Lưu ý xíu: Khi bạn tìm ra được NGHIỆP của mình, thường nó sẽ ở dạng một "ý tưởng trừu tượng" (abstract idea), hoặc một câu, một mong muốn gì đó. NGHIỆP thường sẽ không (hoặc ít khi nào) ở dạng "danh xưng công việc" (job title) nhé. Vì nó chưa rõ ràng (hoặc ít nhất là bạn cũng khó mà gán cho nó một cái title được), nên rất cần bạn thành thật với bản thân trong quá trình "tự phản ánh" (self-reflection) này.

Oke, mình biết nghe hơi khó hiểu. Chúng ta hãy cùng nhìn vào vài ví dụ:

VÍ DỤ 1:

Không biết bạn đã nghe bài Ted Talk "Don't find a job, find a mission" của cô Celeste Headlee chưa? Nếu chưa, khuyến khích bạn nên nghe nhé.

Cô Celeste, về cơ bản, là mẫu người nhảy việc hơi nhiều và học một đằng, làm nghề một nẻo. Nhưng cổ có hạnh phúc với công việc của mình không? Có. Và thậm chí còn đi coach cho rất nhiều người trẻ khác.

Vì một lý do nào đó (ăn ở tốt chẳng hạn), cô đã tìm ra được NGHIỆP của đời mình từ rất sớm. NGHIỆP của cô là (chú ý kĩ nhé): "Dùng giọng nói để truyền cảm hứng cho người khác".

Cô biết, dù bất kì công việc gì mình trải qua, cô sẽ đều tìm thấy được niềm vui trong việc sử dụng giọng nói của mình để giúp đỡ cho một ai đó. Celeste học làm Opera singer, nhưng ra trường thì đi làm Radio Host, và bây giờ thì làm Speaker. Cả 3 công việc đó, đều giúp cô thỏa mãn được NGHIỆP của mình.

Điều hay ho là gì? Cô không hề nhảy việc một cách vô định hướng, mà ngược lại, biết chính xác mình muốn làm gì tiếp theo. Miễn là công việc đó cho phép cô được sử dụng giọng nói của mình, để chạm đến cuộc đời một ai đó, thì đấy chính là công việc mơ ước (dream job) của cô.

VÍ DỤ 2:

Nếu bạn thấy cô Celeste hơi xa xôi, thì mình hãy lấy vd một anh Việt Nam (tạm gọi là A) đi. Anh A là một người Phương rất ngưỡng mộ, vì đầu óc anh không tư duy theo lối mòn thông thường.

Cũng nhờ tự reflect bản thân từ rất sớm, anh đã biết bản thân muốn gì. Anh nói với Phương như này, anh trải qua rất nhiều thứ, làm rất nhiều việc. Ở mỗi công việc, anh đều xét xem khía cạnh nào của công việc đó làm anh yêu thích. Rồi anh để ý rằng bản thân rất thích "đi sửa các công đoạn, đi cải tiến quy trình, sau đó đi dạy cho người khác cách làm đúng" (nguyên văn)

Và anh không ngờ, anh vừa mới tìm được NGHIỆP, tìm được kim chỉ nam cho đời mình. Đơn giản đến bất ngờ, phải không?

Công việc tiếp theo của anh, chỉ cần cho phép anh làm được những hoạt động đó, thì anh sẽ không còn băn khoăn mình nên làm gì với đời nữa. Và bạn biết anh hướng tới gì không? Đó là làm tư vấn franchise cho những doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Franchise về cơ bản là nhượng quyền thương hiệu, tức là bạn sẽ "copy" cách công ty gốc vận hành (sau khi đã mua bản quyền) và biến đổi nó sao cho phù hợp với nơi mình kinh doanh.

Các bạn để ý nhé, việc làm franchise thành công đòi hỏi bạn cần phải "cải tiến quy trình" rất nhiều. Và việc làm tư vấn franchise chính là đi "dạy cho người khác cách làm đúng các quy trình đã được cải tiến". Thấy không, về cơ bản, đó chính xác là những gì Anh bạn mình đã luôn muốn làm.

VÍ DỤ 3:

Ví dụ cuối cùng là của chính chủ :D

Từ bé đến lớn, mình rất thích xếp hình (matching). Mình thích kết nối mọi người, mọi vật. Thế giới với mình là những mảnh ghép đang không nằm đúng chỗ, và mình muốn sắp xếp nó. Mảnh ghép (hay nguồn lực) mình quan tâm nhất chính là con người. Vì mình tin, khi đặt "đúng người" ở "đúng chỗ", mọi thứ đã thành công ít nhất 80% rồi.

Nên mình làm gì? Đi làm tuyển dụng =)) Bản chất công việc tuyển dụng là đưa đúng người có skillset, mindset phù hợp vào doanh nghiệp để đôi bên cùng sinh lợi. Cao cấp hơn xíu, sẽ có những vai trò khác trong nhân sự, cũng giúp mình thực hiện được ước mơ đi kết nối này.

Và điều tuyệt vời nhất khi bạn tìm ra NGHIỆP của mình là gì? Đó là bạn sẽ có vô vàn lựa chọn nghề nghiệp. Vì chỉ cần công việc đó đảm bảo được những giá trị bạn mong muốn làm, thì đâu đâu cũng là dream job của bạn cả.

Trong công thức ở trên, mình có đề cập đến phần "tạo giá trị cho người khác". Thật sự những gì bạn muốn làm, những hoạt động mà bạn yêu thích, nó phải mang lại giá trị cho người khác. Đó mới là điều đảm bảo công việc của bạn có ý nghĩa. Hãy nhìn lại 3 vd ở trên, mỗi cái NGHIỆP mà mình đề cập tới, bạn đều thấy rõ tụi mình mong muốn những hành động, những việc làm mang lại lợi ích cho người khác. Khi bạn sống vì người khác, cũng chính là lúc bạn mang hạnh phúc tới cho mình. Cái này không phải là nói suông đâu, vì nó là thực tế.

Mình hy vọng thế hệ tụi mình, thay vì hoang mang, sẽ đổi góc nhìn đi một chút. Không cần phải đau đáu đam mê của tui là gì, tui cần làm công việc gì, lương tui phải bao nhiêu nghìn đô một tháng, mà là "Nghiệp của tui là gì? Những giá trị gì tui tìm kiếm trong công việc của mình? Những hoạt động gì tui biết mình đã luôn thích, và nó có thể mang lại lợi ích cho người khác?"

Trả lời được rồi, thì sẽ là lúc mình bắt tay tìm hiểu về thị trường lao động, về bản chất ngành nghề, việc làm. Việc chọn nghề lúc đó, chắc chắn sẽ thú vị và dễ thở hơn nhiều.

Nhưng trước tiên, phải hiểu mình đã nhé.

Tìm nghiệp trước đi, rồi đi tìm nghề sau. Đừng làm ngược lại, nghen.


Tác Giả: Lan Phương

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/phuong396 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 22 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

788 lượt xem, 769 người xem - 786 điểm