Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Gia Đình Không Phải Là Điều Đương Nhiên

Ba giờ chiều, khi một đoàn khách ăn trưa muộn vừa ra về xong, thì thị chạy vội vàng ra ngân hàng tranh thủ gửi tiền trả nợ và gửi cho cả hai đứa em của thị nữa. Thị ngồi chờ đến lượt ở băng ghế trước quầy phục vụ của ngân hàng, cạnh thị có một người phụ nữ ăn mặc lồng lộn trên tay cầm vài tấm séc, mùi nước hoa sực nức, bà ta thường lén nhìn sang chị với ánh mắt khinh khỉnh. Thị vừa chạy từ nhà hàng chỗ thị làm đến đây với mồ hôi nhễ nhại. Bàn tay, mái tóc hãy còn thấm đượm mùi hành tỏi và dầu mỡ. Lúc sau, thị cảm thấy mình đang vô tình gây khó chịu cho người khác, không phải vì thị nhận ra cái mùi vị thức ăn còn bám trên người mình, mà vì thị ngửi thấy mùi nước hoa thoang thoảng, sang trọng từ người ngồi kế bên, thị lảng đứng dậy đi ra ngoài đợi.

Từng cọc tiền đã được thị chia ra sẵn, mỗi cọc được kẹp bằng một mẩu giấy ghi số tài khoản của người nhận. Đầu tiên thị gửi tiền cho hai người bạn của thị trước, tháng trước vì em gái thị cần nộp học phí mà số tiền đó gấp đôi cả tiền lương của thị. Thị đành hỏi vay mượn bạn bè bù vào rồi hứa trả dần. Khi nhân viên ngân hàng hỏi nội dung chuyển tiền, thị yêu cầu ghi một nội dung y hệt gửi cho những người bạn đó là: “Cảm ơn bạn tôi nhiều nhé”. Thị gửi xong các món tiền thì đi về cửa hàng làm tiếp, hôm nay là cuối tuần, khách đông chắc thị phải làm đến đêm. Có mấy tin nhắn gửi về điện thoại của thị, các bạn thị thông báo là đã nhận được tiền và nói lời cảm ơn. Còn riêng hai đứa em thị, không thấy đứa nào nói gì. Sang ngày hôm sau thị thấy lo, không biết chúng nó đã nhận được tiền chưa, thường thì chuyển khoản cùng hệ thống ngân hàng thì nhận được tiền rất nhanh. Thị liền nhắn hỏi từng đứa thì đứa thứ nhất bảo:

“Vâng em nhận được từ hôm qua rồi”

Và đứa thứ hai;

“Có tiền rồi chị nhé, yên tâm”.

black corded telephone


Đọc xong những dòng tin nhắn ấy, bỗng nhiên thị thấy hụt hẫng quá. Thị cảm thấy có nỗi buồn khó gọi tên trào dâng trong lòng. Lần nào gửi tiền học cho các em chị cũng thấy buồn lòng. Không phải vì thị tiếc nuối chuyện tiền bạc, mà vì thái độ của các em thị. Sao thị trả tiền vay cho các bạn thị họ còn cảm ơn tử tế, mà khi thị cực nhọc chắt chiu, chạy vạy từng đồng để có đủ tiền gửi cho các em chúng nó lại không biết cảm ơn lấy một lời? Hai đứa em thị không phải là những kẻ hư hỏng gì, chúng đều học khá và chăm chỉ học hành, có chí tiến thủ. Cũng biết thương gia đình dù không mấy khi thể hiện. Ở bên ngoài, thị cũng biết là hai em mình cũng biết sống có lễ độ, có lần em gái thị bị mất đồ may mắn được người ta trả lại, con bé còn biết đến tận nhà họ cảm ơn và hậu tạ các thứ. Có lần em trai chị bị ngã xe,có người qua đường dừng lại giúp đỡ, thằng bé không ngừng cảm ơn rối rít và nằng nặc xin số tài khoản để gửi tiền mà người ta đã bỏ ra để giúp sửa cái xe…nhưng sao với chính gia đình mình, lời cảm ơn của chúng nó lại hiếm hoi quá vậy.

Thị đem nỗi buồn tâm sự với cô phụ bếp của mình, hơn ai hết người đàn bà đã nuôi hết ba đứa con học hết cao đẳng, đại học cũng như tìm gặp được người đồng cảm, bà cũng trút một mạch:

“Thì thằng Sơn, con Huệ, con Anh nhà cô cũng có kém gì. Ngày xưa tháng nào cô cũng gửi tiền đều đặn, thi thoảng còn gói ghém đồ ăn, thức uống lên thành phố cho chúng nó ăn học. Cũng có bao giờ biết nói “con cảm ơn mẹ nhiều vì đã gửi tiền, đồ ăn cho con” hay các thứ đại loại thế đâu. Có thì họa hoằn lắm mới có. Chúng nó coi điều mình làm cho chúng nó là đương nhiên ấy. Trách nhiệm của phụ huynh như cô và cháu là nuôi con em mình ăn học tử tế. Còn có thành người tử tế với cả gia đình và xã hội hay không thì cũng là ở chúng nó thôi.”

Thị nhớ lại mình ngày xưa, hồi còn là sinh viên năm nhất, cứ hết tiền là hỏi bố mẹ, hỏi xong bố mẹ lâu chưa có gửi cho thì cũng gọi giục, nhận được xong cũng vui vẻ gọi về nhà thông báo nhưng cũng mấy lần quên không nói cảm ơn. Vì thị từng nghĩ là gia đình, người thân thì có gì mà phải khách sáo. Nhiều người nói câu cảm ơn với người ngoài thì dễ mà nói với người nhà lại cảm thấy gượng gạo. Cho đến khi thị vất vả đi làm kiếm tiền để nuôi các em ăn học, cho đến khi thị đi qua nhiều thăng trầm trong cuộc sống này… Thị cảm thấy rằng, thị chẳng mong được ai đền ơn đáp nghĩa về sau, chỉ nhận được lời cảm ơn đúng lúc thôi là đã đủ vui lòng rồi. Cảm thấy những mệt nhọc được xua tan, cảm thấy mình đang làm điều đúng cho người xứng đáng.

boy riding on girl's back outdoors during daytime

Thị biết là không chỉ các em thị, mà khá là nhiều người trong cái xã hội này thường rất kiệm lời xin lỗi và cảm ơn. Văn hóa cảm ơn và xin lỗi ở trong xã hội của chúng ta đã được nhiều người bàn luận tới trong nhiều năm nay. Tại sao mà lại có các bài viết bàn luận về văn hóa cảm ơn và xin lỗi của người Việt ở thế kỷ này? Có lẽ nào vì nó chưa phải là một nét văn hóa hay nó còn quá bất bình thường ở ta? Nhiều lần trên xe buýt ta thấy, khi một bạn sinh viên đứng dậy nhường ghế cho một người già thì nhiều người trong số họ chỉ biết lao vào ngồi mà không có lấy một lời cảm ơn người đã nhường chỗ cho mình. Vì họ nghĩ rằng họ già rồi, nên việc được người khác nhường nhịn là điều đương nhiên. Kể cả với các em bé cũng vậy, vì các em nghĩ vì mình còn nhỏ, nên người lớn nhường mình là đương nhiên... Một trong những nguyên nhân đó có lẽ họ đã quen việc được nhận từ trong gia đình chăng? Họ được dạy và mặc định ai cũng phải “kính trên nhường dưới”, bố mẹ, anh chị nuôi mình mình còn chẳng nói cảm ơn bao giờ thì đi ra ngoài xã hội cũng khó cất lời cảm ơn cho những điều nhỏ nhoi chăng? Có những lần ta còn gặp trường hợp cho người khác vay mượn tiền, nhưng khi kẻ mượn tiền trả lại thì có người họ làm như kiểu chỉ cần trả rồi xong mọi chuyện. Họ nói: “Tôi trả anh tiền tôi mượn hôm trước này”, “Mình trả bạn năm trăm nghìn nhé”v.v Còn người cho vay thì nhận lại tiền và nói cảm ơn. Thật kỳ lạ, đáng lẽ ra người trả tiền đó nên nói thêm một câu đại loại như: “Cảm ơn bạn vì đã giúp mình lúc khó khăn nhé” vì đúng ra họ là người mang ơn cơ mà. Hơn nữa câu nói đó sẽ làm cho người cho mượn thấy người kia là con người nghĩa tình, và họ sẽ tiếp tục vui vẻ khi làm điều tốt đẹp cho người xung quanh cũng như xã hội.

Còn trong gia đình, chưa bàn đến chuyện tiền bạc hay những điều gì to lớn hơn. Điều bố mẹ làm cho chúng ta mỗi ngày thì nhiều lắm, những điều nhỏ nhoi cứ lặp đi lặp lại khiến ta nghĩ rằng nó là điều đương nhiên. Đã bao giờ bạn cảm ơn bố mẹ, ông bà khi mà đi học, đi làm về muộn vẫn thấy bữa trưa, bữa tối được để phần? Có bao giờ cảm ơn khi phụ huynh của bạn tranh thủ trên đường đi làm đưa bạn tới trường luôn không? Hay chồng cảm ơn vợ vì quần áo đã luôn được giặt là hộ? Bạn có thường xuyên tỏ lòng biết ơn mỗi ngày với bố mẹ mình, gia đình mình bằng những lời nói, hành động đơn giản mỗi ngày? Hay chỉ đợi đến dịp ngày lễ tết, ngày hội tình thân, ngày lễ của phụ nữ, đàn ông mới thể hiện? Cũng có những người vì nghĩ rằng nói lời cảm ơn với gia đình người thân là quá khách sáo, có người nghĩ đợi đến khi bản thân sau này có điều kiện, thành công rồi sẽ báo đáp công ơn của gia đình sau? Cuộc sống là một hành trình dài mà trong đó vui buồn thường song hành. Không phải người thân nào của chúng ta cũng đợi được đến ngày chúng ta thành công, kiếm được nhiều tiền để báo đáp cho họ.

four people on green field at daytime


Các bậc cha mẹ cũng nên để cho con mình có cơ hội nói lời cảm ơn với gia đình. Khi con cháu nói cảm ơn về một điều gì đó, chúng ta nên hạn chế nói những câu đại loại như “ơn huệ gì”, “người nhà sao phải khách sáo”, “dào ôi vẽ chuyện quá”… vẫn biết là ta không muốn người nhà lăn tăn vì những điều ta đã làm cho họ, nên chúng ta cũng vô tình biến việc mình cho đi là đương nhiên với người thân, và nhiều lúc còn vô tính biến họ thành những kẻ ích kỷ. Mà vấn đề là chúng ta vẫn luôn muốn con em mình sống có trước có sau, biết đối nhân xử thế trong xã hội. Về sau này khi họ sống như những kẻ vô tâm và vô ơn người phiền lòng nhất lại là chúng ta, những bậc làm anh làm chị, làm cha mẹ, ông bà. Chính thế mà ta cần giúp con em mình định hướng cách sống đẹp “từ nhà ra ngõ” từ lúc họ còn trẻ. Bởi khi người ta lớn lên với những quan niệm sai lầm hình thành từ lúc còn rất trẻ thì sẽ rất khó để sữa chữa nó trong suốt những năm tháng sau này của cuộc đời. Như thị bây giờ, thị không biết làm thế nào để các em mình biết nói lời cảm ơn với gia đình, thị không thể bảo chúng nó rằng lúc nào cũng phải nói cảm ơn bố mẹ, anh chị khi nhận được sự chu cấp, giúp đỡ. Vì thị sợ các em mình bỗng nhiên bị gánh nặng tinh thần, cảm giác mình mang nợ người nhà, từ đó có thể tạo khoảng cách tình cảm chị em… Dù thực tế thị cũng đang mang nhiều gánh nặng gia đình cả vật chất lẫn tinh thần, và thị chỉ muốn điều tốt đẹp cho các em mình. Có thể thấy rằng, lòng biết ơn không được nuối dưỡng từ nhỏ sau này nó không những không gắn kết được gia đình mà còn tạo ra một khoảng cách vô hình trong các mối quan hệ tình thân.

Có câu nói nổi tiếng rằng: “Tôi đói bụng, bạn có một cái bánh, bạn chia cho tôi một nửa, đây chính là tình bạn. Tôi đói bụng, bạn có một cái bánh, bạn nhường hết cho tôi, đây chính là tình yêu. Tôi đói bụng, bạn đem cái bánh giấu đi rồi nói bạn cũng đói, đây chính là xã hội. Tôi đói bụng, bạn có một cái bánh, bạn chia cho tôi một nửa và cất đi phần còn lại phòng khi tôi đói tiếp, đây chính là gia đình.” Gia đình sẵn sàng cho bạn tất cả, không những thế họ còn lo lắng cho bạn, luôn mong bạn sống tốt ở hiện tại và tương lai. Đó không phải là những điều đương nhiên, mà đó là trách nhiệm xuất phát từ tình yêu thương cao cả của những con người may mắn được chung một nhà. Gia đình là món quà quý giá của cuộc đời mỗi con người, và để có niềm vui, niềm hạnh phúc trong gia đình mỗi thành viên phải cùng vun đắp.  Bởi vậy  hãy luôn biết ơn và tỏ lòng trân trọng bằng câu cảm ơn đơn giản với mỗi hành động yêu thương nhỏ bé từ những điều giản dị, ấm áp mà bạn nhận được mỗi ngày.



Tác Giả: Hoa Thược Dược - Freelancer

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/kam.bansou

-------------------------------- Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

263 lượt xem, 255 người xem - 257 điểm