Kao Kat@Triết Học Tuổi Trẻ
7 năm trước
[THTT] Giáo Dục - Bạn Là Mũi Tên Hay Là Boomerang?
Mũi tên và
boomerang
Nếu một ngày nào
đó, bạn sẽ trở thành mũi tên hoặc chiếc boomerang, bạn sẽ chọn gì?
Bạn có muốn trở thành những mũi tên bách phát bách trúng của Robin Hood? Hay bạn muốn trở thành chiếc boomerang đầy uy lực và thần kỳ của thổ dân châu Úc?. Thực ra phương pháp nuôi dạy của các bậc làm cha làm mẹ sẽ dẫn đến sự hình thành những “đứa trẻ boomerang”, “đứa trẻ mũi tên”. Nếu bạn search Google sẽ thấy khái niệm “nuôi dạy kiểu mũi tên/boomerang” đã có từ trước nhưng cá nhân tôi thấy khái niệm trên mạng còn phiến diện và hời hợt. (Cứ là mũi tên thì tốt, còn là boomerang thì không ổn). Trong bài viết này, tôi sẽ chia sẻ định nghĩa của cá nhân tôi về những “đứa trẻ boomerang”, “đứa trẻ mũi tên” cũng như phân tích ưu điểm và nhược điểm của từng phương pháp theo ý kiến cá nhân. Xin nhấn mạnh bài viết này có cùng tên gọi nhưng khác xa với khái niệm có sẵn trên mạng nhé.
Cung tên sẽ bắn
những mũi tên từ tầm rất xa là một trong những vũ khí uy lực bậc nhất trên chiến
trường. Chúng chỉ chịu lùi vào dĩ vãng khi súng được phát mình vào thế kỉ 19.
Trước đó, không một đội quân nào lại không trang bị những cung thủ thiện chiến.
Ở thời trung cổ, nước Anh thậm chí sử dụng chiến thuật độc đáo chỉ toàn cung thủ
đã khiến biết bao kẻ thù khiếp sợ.
Có những bậc phụ
huynh muốn đưa con mình đi thật xa, xa hết sức có thể để chinh phục những vinh
quang trên thế giới. Họ chuẩn bị cho con cái sự độc lập, tự chủ từ khi còn nhỏ. Họ dạy
cho con và trang bị cho con những điều cần thiết trong giai đoạn đầu để cho con
có cuộc sống tự lập sau này. Giống như
khi người ta kéo căng cánh cung để cho những mũi tên có thể bay thật xa. Và khi
đã rời khỏi cung tên rồi thì những mũi tên sẽ trở thành những cá thể tự do. Bạn
có thể nhận thấy phương pháp nuôi dạy này xuất hiện phổ biến ở những nước
phương Tây hơn là phương Đông. Ở nhiều nước phương Tây, con cái trên 18 tuổi là
bố mẹ hết nghĩa vụ chăm sóc. Muốn học đại học trường nào thì học, muốn ở đâu
thì ở, muốn đi nước nào thì cứ xách ba lô lên mà đi. Nếu bố mẹ có tài chính dư
dả thì cho tiền học đại học, còn không thì tự vay tiền chính phủ để học, sau
này ra trường đi làm trả nợ sau. Đời người có mấy đâu, bố mẹ đã dành 18 năm để
chăm sóc, dạy dỗ con cái rồi. Giờ là lúc con cái phải tự đứng trên đôi chân của
mình, tự chịu trách nhiệm với những quyết định của bạn thân, tự đương đầu với
áp lực cuộc đời.
Vì những bậc phụ huynh có tư tưởng giáo dục con như vậy, nên những đứa trẻ mũi tên từ bé xíu đã được bố mẹ coi như một cá thể có nhận thức, có chính kiến. Từ nhỏ đứa trẻ mũi tên được giáo dục về việc chúng phải có chính kiến riêng, phải có thế giới quan riêng, phải biết lên kế hoạch cho cuộc đời mình. Phải học cách biết mình muốn gì và làm sao để tự thân đạt được điều mình muốn. Có đứa sinh nhật tuổi 18 nhận được quà là cái tài khoản ngân hàng, tức là đã được cả gia đình và pháp luật coi là trưởng thành, từ nay bố mẹ mời ra khỏi nhà, anh chị đã được bố mẹ chuẩn bị cho đầy đủ rồi, xin mời tự lo cho phần còn lại của cuộc đời mình.
Phương pháp giáo
dục mũi tên mang lại nhiều lợi ích cho cả cha mẹ và con cái. Cha mẹ vất vả
trong thời gian ban đầu nhưng nhàn hạ khi con đã trưởng thành. Họ có thể thoải
mái an hưởng tuổi già, hai vợ chồng cùng nhau đi du lịch khắp thế giới vì không
vướng bận con cái. Nếu đã hết yêu nhau thì hai vợ chồng chia tay, đi tìm hạnh
phúc mới cho tuổi già mà không lo ảnh hưởng đến tâm lý, tình cảm của con họ. Đứa
con mũi tên thì lao vun vút đến bất cứ nơi đâu. Sống xa bố mẹ hàng ngàn cây số
cũng không vấn đề gì, miễn nơi đâu mình thích là ở, nơi đâu có cơ hội là dừng
chân. Sống cuộc sống tự lập và cũng rất tự do. Đứa con mũi tên vì vậy mà cũng
trải nghiệm nhiều với cuộc sống, đặt chân đến hàng chục nước trên thế giới,
thông thạo hai hay ba ngoại ngữ là chuyện bình thường. Những dịp lễ đặc biệt
trong năm như lễ Tạ ơn hay lễ Giáng sinh họ sẽ vượt cả ngàn cây số để về đoàn tụ
với gia đình trong không khí tươi vui, ấm áp. Những cơ hội gặp gỡ đầy đủ gia
đình như vậy rất ít nên rất được quý trọng và không ai muốn bỏ lỡ.
Nhưng cũng chính vì thường sống xa nhau và mỗi người đều có cuộc sống khá độc lập như vậy nên những người con mũi tên lại ít có cơ hội để chăm sóc, phụng dưỡng khi bố mẹ về già. Thưa thớt lắm những cuộc điện thoại hỏi thăm hay những dịp gặp mặt. Nhưng đó không phải là do người con mũi tên bất hiếu mà chính phương pháp nuôi dạy đã hình thành nên một mũi tên luôn lao về phía trước và có chút vị kỷ. Cha mẹ về già thường nhớ nhung vì ít được gặp con cháu, họ đành sống dựa vào nhau, bầu bạn với chú chó, chú mèo còn thời gian thì làm vườn để tiêu khiển. Một nhược điểm khác là cha mẹ thường khá cứng rắn với con cái con quá trình giáo dục. Con họ có thể cảm thấy thiếu thốn tình yên thương của cha mẹ. Và tất nhiên đứa con mũi tên phải tự mình đương đầu với những khó khăn, vất vả. Từ chuyện công việc, nhà ở đến việc lập gia đình người con mũi tên phải tự mình làm hết. Khi đứa con đã lớn thì cha mẹ hoàn toàn đứng ở vai trò cố vấn thôi. Người con mũi tên dù đã được chuẩn bị từ nhỏ để có thể tự lập nhưng phải tự lo cho cuộc sống của bản thân thực sự rất áp lực. Có người không thể tự mình gánh vác hết trách nhiệm được đặt lên vai nên buông lơi, thả trôi cuộc sống cuốn theo dòng chảy của chất kích thích, tệ nạn.
Bên cạnh cung tên
và mũi tên thì boomerang cũng là một thứ vũ khí không thể xem thường. Boomerang
thường có hình chữ V, là thứ vũ khí độc đáo của thổ dân châu Úc sử dụng để săn
bắt từ thời xa xưa. Nhiều nhà khoa học vô cùng kinh ngạc khi nghiên cứu cấu tạo
đặc biệt nào của boomerang đã giúp chúng sau khi ném đi có thể trở lại vị
trí người ném.
Nếu những mũi tên bay xa từ 300 mét đến 500 mét thì
boomerang bay xa tối đa chỉ 250 mét và có khả năng quay lại vị trí xuất phát. Những
đứa trẻ boomerang cũng như vậy, chúng được giáo dục để luôn sống quây quần bên
gia đình. Việc nhiều đứa trẻ boomerang xuất hiện ở phương Đông vì thế cũng là
điều dễ hiểu khi phương Đông luôn coi trọng lối sống sum vầy, đoàn tụ. Những vị phụ huynh này muốn mọi người sống chung một mái nhà hoặc nếu
không thì cũng là sống gần gần nhau. Thế nên họ giáo dục con cái trở thành
những chiến boomerang, dù có ném đi thì cũng sẽ quay trở về vị trí xuất phát. Sống
đoàn tụ như vậy dễ bề chăm sóc, giúp đỡ lẫn nhau. Khi ốm đau hoạn nạn thì không chỉ
những người trong gia đình mà còn cả họ hàng rồi hàng xóm chung tay giúp đỡ.
Phương pháp giáo dục boomerang giúp cho con cái nhận được rất
nhiều sự hỗ trợ từ cha mẹ. Nhiều gia đình, con cái chỉ cần tập
trung vào việc học, còn những việc thường nhật như dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn, giặt
quần áo đã có bố mẹ làm cho hết. Những đứa trẻ boomerang được cha mẹ bao bọc cẩn thận, chăm sóc rất chu đáo. Kể cả khi những đứa trẻ này đến tuổi trưởng
thành thì bố mẹ vẫn luôn theo sát con cái. Tiêu biểu như việc lập gia đình và
có con, những đứa trẻ boomerang thường được giúp rất nhiều từ việc nấu
ăn, dọn dẹp đến việc chăm sóc con nhỏ như thế nào, khi con ốm thì nên làm gì. Rồi
đứa trẻ lớn hơn một chút và những người con boomerang phải đi làm thì ông bà sẽ
ở nhà chăm cháu, đưa đón đi nhà trẻ. Với cuộc sống bận bịu công việc, thường phải
đi sớm về khuya như hiện nay thì quả thực việc ông bà chăm sóc cháu là một sự hỗ
trợ rất quý giá. Ngoài ra thì cha mẹ luôn mang trong mình tâm lý tiền họ kiếm
ra sau này cũng là để cho con cháu. Nên người con boomerang ngoài được hỗ trợ về
sức lực còn được bố mẹ hỗ trợ cả về tài chính. Nếu bố mẹ dư dả về tài
chính thì việc người con boomerang khởi nghiệp bằng tiền của bố mẹ là bình thường.
Và họ cũng có nhiều cơ hội trong việc thử-sai vì nếu có thất bại thì đã có gia
đình hỗ trợ sau lưng rồi.
Phương pháp giáo dục boomerang cũng có những nhược điểm riêng. Vì phụ huynh luôn luôn coi con mình là những đứa trẻ nên dễ dẫn đến việc
bao bọc con thái quá. Việc thiếu tiếp xúc, va chạm với xã hội tạo nên những đứa
trẻ “chim lồng cá chậu”. Đứa trẻ thiếu đi sự rèn luyện, lại được chăm sóc quá
đà nên sức khoẻ thì ốm yếu, tinh thần không chịu được áp lực, khả năng tự lập gần
như bằng không. Cha mẹ vì luôn nghĩ con mình “còn nhỏ chưa biết gì” nên
luôn muốn làm hết hộ con, vô hình chung việc đó dẫn đến cha mẹ sẽ quyết định
luôn mọi thứ. Từ nhỏ cha mẹ sẽ quyết định thời tiết này thì con mặc bao nhiêu
cái áo là đủ thì không sao. Nhưng lớn rồi mà cha mẹ quyết định luôn sau này con
học trường nào, làm nghề gì, cưới ai thì không ổn chút nào. Chuyện phụ huynh chọn
ngành cho con và những câu chuyện học ngành mình không thích rồi bỏ học hoặc ra
trường làm trái ngành trái nghề đã trở nên quá phổ biến. Tiếp đó là việc phụ
thuộc vào sự chăm sóc của bố mẹ dẫn đến việc hình thành những boomerang chỉ biết
ỷ lại, ăn bám, sống như cây tầm gửi. Khi đến tuổi về hưu thay vì ung dung tận hưởng cuộc sống
thì có những bố mẹ boomerang một tay nấu cơm, một tay trông cháu vất vả cả
ngày.
Tôi mong rằng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn khái niệm “đứa con mũi tên” và “đứa con boomerang” để từ đó cân bằng cuộc sống của bạn tốt hơn. Trên thực tế bạn có thể thấy mỗi phong cách đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, nếu bạn được nuôi dạy theo phương pháp nào thì hãy cố gắng phát huy ưu điểm và giảm thiểu nhược điểm của phương pháp đó.Bạn không thể chọn gia đình bạn được sinh ra, bạn không thể chọn cách bạn được nuôi dạy nhưng bạn có thể chọn cách sống của bản thân. Hơn thế nữa bạn có quyền chọn phương pháp nuôi dạy những đứa con sau này của bạn.
Vậy bạn cảm thấy bản thân bạn giống “mũi tên” hay là giống "boomerang" hơn?
Tác Giả: KaoKat
Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/KaoKat221
------------------------------
Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/
(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.
----------------------------
Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership
962 lượt xem, 906 người xem - 914 điểm