Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] “Hạ Gục” Chính Mình Để “Chiến Thắng”

Để đi tới một điểm đích, bạn phải trải qua một con đường và để giành được thành công sau cùng, bạn cũng phải lăn lội với thử thách. Nhưng nếu mỗi cung đường có một ngã rẽ khác nhau thì thử thách cũng có nhiều trạng thái và mức độ.

Nếu như “trải qua thử thách” là điều kiện cần để đạt được “chiến thắng”, vậy thì xác định rõ đối tượng là yếu tố rất quan trọng mà bạn phải suy nghĩ và nắm bắt.

Giả dụ bạn có một cuộc hẹn phỏng vấn rất quan trọng, song không may nó lại diễn ra vào một ngày thật xui xẻo. Chiếc xe vốn rất an ổn của bạn lại “phát bệnh” vào đúng lúc này. Chưa dừng lại tại đó, trên cung đường vốn dĩ phải rất thông thuận bỗng nhiên lại xảy ra hiện tượng tắc đường. Rất may, bạn vẫn đến kịp giờ phỏng vấn, trong một trạng thái vội vàng nhất, bạn lập tức phải tiếp nhận cơ hội chứng tỏ mình – bước vào phỏng vấn. Sau một chuỗi ngày chờ đợi, đáng buồn là bạn đã bị đánh trượt vì sự bối rối, vội vàng trong buổi hôm đó.

Vậy, bạn kết luận rằng kết quả cuối cùng này là chuỗi mắc xích khởi nguồn từ những thử thách không may hay đơn giản, nó chỉ nằm ở cá nhân bạn mà thôi? Có lẽ, mỗi người đều có câu trả lời cho riêng mình, và dĩ nhiên tôi cũng đang cùng bạn thảo luận và phân tích theo hướng mà chính tôi cho là liên quan mật thiết nhất.


1. Xác định đối thủ không "truyền thống" như bạn vẫn tưởng.


Trước khi tham gia một cuộc thi, bạn thường làm gì? Ôn luyện, tham khảo kinh nghiệm hay vạch định rõ một kế hoạch đầy trình tự? Liệu có bao giờ, bạn thăm dò và tham khảo chính những đối thủ của mình hay không? Điều đó có lẽ là tùy thuộc nhưng chắc chắn rằng tâm lý thường trực nhất là quan tâm xem những người cùng trong cuộc thi đó, tức đối thủ có khả năng ra sao. Bạn có thể nghĩ điều ấy là đương nhiên, “một núi không thể có hai cọp”, người khác phải ngã xuống thì bạn mới có cơ hội đứng lên được. Nhưng có phải trong mọi trường hợp điều ấy đều cần thiết và rất quan trọng không?

Ví dụ như cách đây một tháng, tôi tham gia bài thi để lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Mà bạn cũng biết những cuộc thi này vốn dĩ không có hình thức “độ dốc” và “chọn lọc” thí sinh, kết quả cá nhân không phụ thuộc vào thành tích của một tập thể chung. Thế nhưng tôi vẫn rất quan tâm, những người thi cùng phòng liệu làm bài thế nào, mặc dù tôi hoàn toàn không quen biết họ trước đó, thậm chí còn chỉ ngồi cùng nhau trong một gian phòng vài giờ đồng hồ. Đây dường như là một tâm lý bản năng của con người, tâm trạng bị chi phối, điều tiết bởi ngoại cảnh, và dĩ nhiên vì bạn đang sống trong một cộng đồng chung. Có lẽ, cái bạn quan tâm không phải mình có hơn họ không mà là họ có hơn mình không. Đúng rồi, nghe ra thì có vẻ hai cụm từ này là một chứ nhưng thực tế nó vẫn rất khác đấy. Những người luôn mong mình là kẻ chiến thắng, có thể đứng trên tất cả, họ tuyệt nhiên không chấp nhận vị trí số hai cho dù nó có hơn n số đằng sau và chỉ thua số một. Còn tâm lý không mong thất bại chẳng qua không muốn bị bỏ lại mà thôi, không muốn mình là kẻ xếp chót và mang danh kém cỏi. Tức là bạn muốn được song hành, hay chính là một bàn hòa đẹp mắt.

Như trong bộ phim “Crazy rich asians” khi Rachel Chu chơi bài cùng cậu học sinh “yếu bóng vía” và dành chiến thắng bằng chiêu trò tâm lý, cô đã nói rằng: “Cậu ta chơi không phải để thắng, mà để không bị thua.


Tâm lý con người là thứ hay thay đổi, vậy nên nó luôn bị yếu tố ngoài luồng mà nhất là những người bạn coi như “đối thủ” hạ gục. Bạn dễ lo lắng, sợ sệt, rồi quên mất khả năng của mình có thể là những gì, mình đang làm gì, sẽ và nên làm gì tiếp theo.

Quay trở lại với ví dụ ban đầu, có thể những thứ như xe hỏng, tắc đường, đến sát giờ khiến bạn lo lắng bồn chồn, tim đập chân run và hỏng mất những tâm trạng đầu tiên tốt đẹp cho buổi phỏng vấn. Điều đó hoàn toàn không thể phủ nhận, nhưng đồng thời phải làm rõ những tác động ấy đâu khiến kiến thức trong bạn, những khả năng của bạn bị bay biến đi mất? Vậy là do đối thủ của bạn thực sự rất mạnh, ngay cả khi bạn bộc lộ được tất cả ưu điểm thì họ vẫn giành vé, hay là do bạn không vượt qua được cái “tâm thế hoảng loạn” ban đầu?

Rồi lại nói đến những cuộc thi vốn được định mốc, bạn xác nhận khi đạt 6.5 ielts tức bạn có tấm bằng C1.  Vậy thì thứ cần lúc này là gì? Chính là bạn phải ôn tập để mức điểm 5.5 của mình có thể đi lên thành 6.5. Hãy nhớ, cho dù người bạn học ôn cùng bạn có đạt được mức điểm 7.5 thì đó cũng không phải thành tích bạn hướng đến (hoặc nằm trong khả năng lúc bấy giờ), bạn phải chăm chú vào mục tiêu của bản thân chứ không phải là đối phương.

Tuy nhiên, lật ngược lại vấn đề, nếu là những cuộc thi mang tính đối chọi, vậy thì bạn phải làm gì để sống sót? Dĩ nhiên, vẫn là dựa vào chính mình rồi. Một thí sinh thủ khoa có thể đạt tận 30 điểm một môn, nhưng điểm sàn có lẽ chỉ là 20 mà thôi. Vậy đâu là cột mốc mà bạn đặt ra? Cố sao cho gần 30 điểm hay chỉ cần vừa tròn 20 mà thôi? Tất cả đều không nên đi theo một trong hai hướng đó, mà nên đi theo chính câu chuyện của riêng bạn.

Ngày hôm nay cố gắng vì những gì chưa làm được, thành công trong hôm nay là “chiến thắng” bản thân của quá khứ. Bạn có thể làm tốt hơn, nhất định phải nỗ lực hơn, không phải để mình hơn người mà để hơn chính mình. “Đối thủ” cuối cùng phải xác định là bản thân của hiện tại và quá khứ, chứ không phải những người nào đó ngoài kia cũng đừng để cho những thứ gọi là hoàn cảnh làm bạn đi lùi. Khả năng là bất biến, nó vẫn sẽ ở đó ngay cả khi bị quên lãng, vậy thì bạn phải khơi dậy chính mình, đừng để thất bại nhấn chìm nó, cũng đừng để thành công không thực bóp nghẹt nó.


2. Vậy thế nào sẽ được coi là "chiến thắng" ?

Nếu bạn từng giành giải trong một cuộc thi nào đó, thậm chí là giải nhất, thật chúc mừng bạn bởi bạn đã nếm trải hương vị thành công thường được định nghĩa. Nhưng nếu bạn vẫn xếp bét trong lớp sau kỳ thi vừa rồi, liệu tôi có nên chúc mừng cho bạn?

“Tâm lý trị liệu hành vi của Mỹ”cho rằng phụ huynh nên chỉ khen hành vi chứ không khen năng lực, khen vì trẻ đã cố gắng thực hiện hành động cha mẹ mong đợi, chứ không phải khen vì con làm tốt hơn người khác.

Vậy thì tại sao tôi lại không thể khen ngợi cho dù bạn có không giành vị trí số một?! Điều quan trọng khi khen ngợi là tôi sẽ xem xét liệu thành tích đó có vượt lên trên thành tích kỳ trước của bạn hay không. Nếu không, sự an ủi là cần thiết nhưng nếu có thì sự khen ngợi là không thể bỏ qua.

Năng lực con người có sự phân cấp, trong lớp học sẽ có những người giỏi và kém giỏi hơn, xã hội cũng vậy, thế nên đừng bao giờ buồn nếu bạn không bằng người khác. Bởi vốn dĩ, mục đích con người nên là hoàn thiện chính mình. 

Sinh ra là một bản thể, đừng chết như một bản sao” là tên một cuốn sách của John Mason và tôi thấy câu nói này đúng trong nhiều trường hợp. Cái bạn cần không phải là như người ta mà là như bạn, nhưng là bạn của sự hoàn thiện. Vậy nên chiến thẳng lớn nhất mà người ta vẫn hay nói chính là “vượt qua chính mình” đấy. Đó là chiến thắng thực sự sau cùng, ngay cả khi bạn luôn xếp bét trong mọi kỳ thi nhưng nếu như bạn không ngừng cố gắng, sự vận động của bạn sẽ dần đưa bạn lăn bánh tới cái đích mang tên “thành công”. Và chắc chắn, không ai mãi mãi đứng sau nếu luôn luôn chuyển động đâu, vì thế gian này còn ngàn vạn người luôn đứng yên một chỗ, sao bạn không giành lấy cơ hội để vượt lên?

Làm được những điều ấy, tức là bạn đã “chiến thắng”, mà bạn thắng được “đối thủ” lớn nhất trong cuộc đời, chính là bản thân bạn. Đừng để những điều khác cứ ám ảnh tâm trí, rằng bạn thua kém ai đó, rằng bạn phải làm gì cho bằng người ta. Vì con người tuân theo quỹ đạo chuyển động của đời sống, nếu mãi nhắm một cái đích di chuyển, bạn sẽ làm sao có thể đuổi kịp “chiến thắng” cuối cùng đây. 



3. Làm chính mình tốt nhất.


Phép màu tuyệt vời nhất là sự biến đổi từ bên trong con người chúng ta.”(Nick Vujicic)

Hãy nhớ rằng bạn thay đổi chính mình, đừng để cuộc sống thay đổi bạn. Thành công mà bạn hướng đến dựa trên tiêu đề mang tên bản thân. Cái bạn suy nghĩ hãy là làm sao cho mình tốt hơn, hoàn hảo hơn, chứ không phải vì “người ta” của xã hội này. Sự thay đổi là quy luật tạo hóa, nếu cứ bị cuốn vào vòng xoay không điểm dừng ấy, làm sao để không bị soán ngôi sẽ khiến cuộc đời toàn những ganh đua mệt nhọc.

“Sửa mình làm cung, uốn ý tưởng làm tên, lấy nghĩa vững làm đích, ngắm cho ngay rồi bắn ra, bắn ra tất phải trúng đích. (Khuyết danh)

Bản thân trở thành điểm tựa và cột mốc, không phải bất kỳ ai khác. Mục tiêu của hôm nay là để ngày mai mình có thể làm những việc mà trong quá khứ chưa thể, mục tiêu của mai sau là trở thành bản thân hoàn hảo hơn bây giờ. Cái người khác cần không chắc là thứ bạn cần, điều người khác làm tốt nhất chưa chắc đã hơn điều bạn làm tốt nhất.

Hãy luôn nhớ là vượt qua bản ngã là bạn đã đi một con đường đầy khó khăn, đã trưởng thành trong nhận định và là khởi đầu để thành công thực sự. “Chiến thắng” cuối cùng sẽ là do chính bạn định nghĩa.


Tác Giả: Luuliy

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/luuliy1605


--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.



----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

345 lượt xem, 338 người xem - 343 điểm