Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Nếu Vẫn Chưa Tìm Được Hạnh Phúc Thì Hẳn Là Bạn Đang Tìm Sai Hướng

Nếu vẫn chưa tìm được hạnh phúc thì hẳn là bạn đang tìm sai hướng ….

   Hạnh phúc và mưu cầu hạnh phúc là một trong những vấn đề được nhắc đến nhiều nhất trong lịch sử triết học. Cả đời người suy cho cùng cũng chỉ để được sống trong hạnh phúc và an nhiên. Ấy vậy mà cả thế giới cả thảy gần 7 tỉ người vẫn cứ loay hoay kiếm tìm hạnh phúc mà đâu biết rằng, hạnh phúc không hề và không thể là một mục tiêu.

Sai lầm thứ nhất của con người chính là coi hạnh phúc là một mục tiêu

   Để thật sự hiểu ý nghĩa đằng sau của hạnh phúc, chúng ta hãy quay về năm 500 trước Công Nguyên, Đức Phật từng dạy:    “Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, bởi hạnh phúc chính là một con đường”.       Bạn đã ngộ ra chân lý chưa? Nếu chưa, tôi xin tiếp tục trích dẫn một định nghĩa hiện đại hơn của hạnh phúc.

“Bạn sẽ chẳng bao giờ vươn tới được hạnh phúc, lấy được nó, hay nắm giữ nó, bởi đơn giản nó không hề tồn tại bên ngoài bản thân bạn.” (trích từ chương “Suy ngẫm”- sách “Sống và Khát vọng”)

   Có thể bạn thấy hơi rối rắm, nhưng sự thật là thế, bạn chắc chắn không thể vươn tới mục tiêu có được hạnh phúc bởi vì vốn dĩ hạnh phúc đã là một phần của bạn, nó là một cảm xúc của chính bạn. Tương tự, bạn không thể mong rằng hạnh phúc sẽ ở cuối con đường đợi bạn, không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là những trải nghiệm trên những chặng đường bạn đi qua.

    Vậy điều gì xảy ra nếu bạn lầm tưởng hạnh phúc là đích đến cuối cùng? Phần nhiều bạn sẽ bỏ lỡ đi những giây phút vui vẻ thật sự trong cuộc sống của bạn, bỏ lỡ đi giá trị hạnh phúc đến từ sự cố gắng. Bạn sẽ luôn nôn nóng đạt được thành công mà bạn muốn, đó có thể là theo đuổi được cô gái mà bạn hằng mong ước hay có được khối tài sản kếch xù sau những ngày miệt mài làm việc, càng nôn nóng bao nhiêu, kì vọng của bạn sẽ càng lớn. Bạn tưởng tượng ngày bạn chạm được đến đỉnh vinh quang, được bên cô gái mà bạn muốn, được khẳng định vị thế của mình trong xã hội. Nhưng rồi, khi bạn đã đạt được nó, bạn bỗng thấy dường như bạn không hạnh phúc như bạn đã tưởng, vẫn còn thiếu đi thứ gì đó. Hoặc bạn chỉ cảm nhận được hạnh phúc trong một thời gian ngắn rồi đâu lại vào đấy. Luôn luôn là cái suy nghĩ “còn thiếu một thứ nữa thôi là mình sẽ hạnh phúc.” Đến cuối cùng, bạn chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn với chính bạn, với công việc bạn đang làm hay thậm chí là người bạn đời của bạn. Nào, bây giờ bạn đã sẵn sàng cho hành trình tìm kiếm hạnh phúc của mình chưa     

Nguồn: Ảnh mạng

Sai lầm thứ hai của con người chính là tìm kiếm hạnh phúc ở vật chất

   Vẫn cứ là câu hỏi muôn thuở: “Tiền có mua được hạnh phúc?”. Nếu bạn vẫn còn trăn trở, xin hãy quay lại sai lầm đầu tiên để hiểu rõ bản chất của hạnh phúc. Bạn đã rõ rồi chứ? Câu trả lời của bạn vẫn là tiền mua được hạnh phúc? Không sao, hẳn là tiền mua được tất cả những gì mà người ta chịu bán, bây giờ hãy trả lời tôi một câu hỏi. Nếu một người có hạnh phúc, ý tôi là hạnh phúc thật sự, bạn nghĩ người đó có chịu bán hạnh phúc cho bạn? Tất nhiên là không vì đơn giản, sống mà không có hạnh phúc là một cuộc sống chỉ để tồn tại. Và rằng, nếu tiền có thể mua được hạnh phúc thì tại sao ngoài kia có quá nhiều tỉ phú không hạnh phúc đến vậy. Với những kiến thức mới mà bạn có, tôi dám cá rằng tương lai, Việt Nam sẽ bớt đi vài tỉ phú không hạnh phúc và chính các bạn là những tỉ phú đó phải không nào. Cho phép tôi đặt niềm tin nơi các bạn nhé!    Tuy nhiên, ở một phía cạnh khác, ta cũng không thể phủ nhận sức mạnh của đồng tiền. Giá trị của tiền đối với hạnh phúc cũng như phép nhân vậy, để hiểu rõ hơn, tôi mời bạn làm 2 phép nhân cơ bản, 0 nhân 2 và 1 nhân 2. Giả sử cuộc sống của bạn vốn dĩ đã hạnh phúc và an nhiên, việc trở nên giàu có sẽ giúp bạn hạnh phúc và an nhiên hơn nữa, khi bạn có 1 thì khi nhân đôi hạnh phúc lên bạn sẽ nhận được 2 lần hạnh phúc. Ngược lại, nếu bạn vốn dĩ đã không hạnh phúc, việc trở nên giàu có là hoàn toàn vô ích trong công cuộc tìm kiếm hạnh phúc của bạn. Xuất phát điểm hạnh phúc của bạn là 0 thì dù có nhân bao nhiêu lần hạnh phúc thì mãi mãi chỉ bằng 0 mà thôi. Việc có thêm thật nhiều tiền chỉ khiến cuộc sống của bạn thêm phức tạp và rắc rối, thậm chí, bạn sẽ dần mất đi niềm tin rằng hạnh phúc là do chính bạn định đoạt, không có một yếu tố bên ngoài nào có thể cướp đi hạnh phúc từ tay bạn cả.

   Vậy điều gì xảy ra nếu bạn cứ chăm chăm tìm kiếm hạnh phúc ở vật chất? Khả năng cao là bạn sẽ không bao giờ cảm thấy thỏa mãn và biết ơn với những gì mình đang có. Giống như khi bạn chinh phục được cô gái mà bạn hằng mong ước hay tích góp được số tài sản kếch xù để làm mọi điều bạn muốn, bạn bắt đầu cảm thấy chán chường và “thích nghi” với những gì bạn có. Thế là bạn vỡ mộng, bạn cảm thấy cô gái kia không còn phù hợp với bạn nữa, số tiền bạn có vẫn chưa đủ. Cuộc đời bạn cứ thế như một vòng luẩn quẩn không bao giờ kết thúc mà hạnh phúc thì quá xa vời.

“Bạn có thể ngập chìm trong những thứ tiền có thể mua được, và bạn vẫn sẽ đau khổ như nhân loại vẫn thế” – Nick Vuijic

Nguồn: Ảnh mạng

Sai lầm thứ ba của con người chính là tìm kiếm hạnh phúc ở sự hoàn hảo.

   Đã bao giờ bạn soi gương và cảm thấy thật hổ thẹn với những gì mình đang thấy chưa? Luôn là “giá như da mình trắng hơn, mắt to hơn, mũi cao hơn, bớt béo đi, vân vân và mây mây… thì cuộc sống sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”. Đây là câu than vãn mà tôi thường nghe nhất từ những cô câu bạn cùng tuổi, những lúc như vậy, tôi đều trả lời họ “Chúng ta luôn đẹp theo cách riêng của mình mà” sau đấy liệt kê hàng tá thứ tôi thấy đẹp về họ, thật đấy, là hàng tá thứ không phải chỉ một vài điều, với hàng tá thứ đấy tôi nghĩ họ luôn có quyền để tự hào về vẻ ngoài của mình. Tôi ước gì có thể nói điều đó với những cô bạn đang tự bỏ đói mình điên cuồng vì giảm cân và cả những người đang trải qua những cuộc phẫu thuật đau đớn suýt mất đi tính mạng ngoài kia. Và tôi xin được nhắc bạn, trên thế giới này không có gì hoặc ai đó là hoàn hảo. Chúng ta có khuyết điểm và điều đó khiến chúng ta “con người” hơn. Thế nhưng, chúng ta đang sống trong thế giới mà có quá nhiều áp lực đè nặng lên đôi vai ta, chúng khiến chúng ta tin rằng hạnh phúc mà mình hằng mong ước phụ thuộc vào vẻ ngoài hoàn hảo, bóng bẩy. Bây giờ hãy nghĩ lại những cô công chúa, những chàng hoàng tử trong hoạt hình yêu thích của bạn, có phải họ đều thật đẹp, thật lộng lẫy, da trắng, mắt to, mũi cao, dáng thanh mảnh. Tương tự với những cô nàng cậu chàng người mẫu trên các biển quáng cáo và tivi, họ khiến chúng ta cảm thấy tệ về mình, chúng ta cần làm điều gì đó để thay đổi và tất nhiên, chúng ta cần mua sản phẩm của họ để thay đổi. Đây là một chiến lược marketing tuyệt vời nhưng chúng ta cần phải đủ khôn ngoan để không biến những điều đó thành lí do để bạn ngừng yêu bản thân và hưởng hạnh phúc trong cuộc sống. Bạn không cần có một cơ thể thanh mảnh hay thân hình sáu múi để có được hạnh phúc, tất cả những gì bạn cần là biết yêu quí bản thân và trân trọng từng đường nét trên cơ thể bạn. Nếu vẫn chưa tin, tôi sẽ cho bạn một cái tên mà tôi tin rằng, là người phá vỡ mọi khuôn khổ, định kiến về cái đẹp : người mẫu ngoại cỡ Ashley Graham. Cô từng phát biểu trong bài diễn văn Ted của mình: “Tôi nhận ra rằng nếu tôi không yêu người phụ nữ tôi nhìn thấy trong gương mỗi ngày thì không có cách nào để tôi thật sự hạnh phúc”. Thật sự để liệt kê ra tất cả những thành tựu mà Ashley đạt được với cương vị là người mẫu ngoại cỡ, tôi khó có thể làm điều đó chỉ trong một vài dòng. Vì thế, tôi hy vọng bạn sẽ thực hiện một cuộc điều tra nhỏ về cô ấy và nghe những gì cô ấy chia sẻ để thay đổi suy nghĩ và từng bước có được hạnh phúc trọn vẹn mà bạn hằng mong muốn.

Nguồn: Ảnh mạng

Thay vì tìm kiếm hạnh phúc, hãy bắt đầu tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống

   Với ba sai lầm nêu trên, bạn bắt đầu băn khoăn làm sao để biết mình đang đi đúng hướng và không mắc phải những sai lầm ấy. Câu trả lời chính là hãy bắt đầu tìm kiếm một cuộc sống có ý nghĩa. Vậy, có gì khác nhau giữa cảm thấy hạnh phúc và cảm thấy có ý nghĩa cho cuộc sống? Để trả lời cho câu hỏi này, tôi xin trích lời của nhà diễn giả, tác giả cuốn sách “Sức mạnh của ý nghĩa” để bạn có cái nhìn khách quan nhất về sự khác biệt này

“Nhiều nhà tâm lý học định nghĩa hạnh phúc như kết hợp của sự sung túc và thanh thản, cảm thấy phấn khởi tại thời điểm nào đó. Ý nghĩa thì sâu xa hơn thế. Nhà tâm lý học nổi tiếng Martin Seligman cho rằng ý nghĩa đến từ việc thuộc về hay phục tùng thứ gì đó hơn cả bản thân mình và trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng ai cảm thấy cuộc sống ý nghĩa, sẽ thấy có động lực hơn, họ tích cực hơn trong công việc và học tập. Họ thậm chí còn sống lâu hơn”.

   Những điều đó dấy lên trong tôi một câu hỏi: Làm thế nào để mỗi chúng ta sống có ý nghĩa hơn? Lời khuyên duy nhất của tôi là, hãy trở thành con người có giá trị cho cộng đồng, cho xã hội. Điều này có nghĩa là, hãy tập trung vào những việc khiến thế giới tốt đẹp hơn, cống hiến cho xã hội nhiều hơn, hơn là chỉ có tìm cách để bản thân được hạnh phúc. Lí do mà con người cứ mãi lạc lối là bởi họ tập trung quá nhiều vào bản thân mình mà quên mất ý nghĩa thật sự của cuộc sống chính là khiến cuộc sống thêm ý nghĩa.    Niềm hạnh phúc đến và đi. Nó ở bên bạn khi cuộc sống thực sự tốt đẹp và khi mọi thứ trở nên xấu đi, việc có một "ý nghĩa" cho ta mục đích và tiếp tục cố gắng. Thế cho nên, những người trẻ, hãy ra sức cống hiến, cho tổ quốc, cho cộng đồng, góp sức trong công cuộc công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước, thúc đẩy sự tiến bộ và văn minh xã hội. Và quan trọng hơn cả, phải biết chung tay lan tỏa những giá trị tốt đẹp đến mọi người. Có như thế, hạnh phúc mới thật sự bền vững, cho bạn, cho tôi và cho cả hành tinh này.

Tác Giả:  Momo Chan

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/tdtl98

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ. 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

4,172 lượt xem, 4,169 người xem - 4182 điểm