Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Nghe Ít Đi Và Làm Nhiều Hơn

Một nhà triết học Hy Lạp từng có quan niệm được nhiều người đề cao rằng: “Chúng ta có hai tai và một miệng để nghe nhiều hơn và nói ít hơn”.  Theo đó, việc nghe là để tiếp nhận tri thức, bày tỏ sự đồng cảm và việc nói ít là để thể hiện sự thận trọng trong suy nghĩ cũng như tính khiêm nhường của một cá nhân. Nhưng xoay hướng nhìn theo một chiều khác, tại sao chúng ta không nhận ra rằng, con người chỉ có hai tai để nghe trong khi có rất nhiều bộ phận khác nhằm thực hiện chức năng  hoạt động? Và liệu có phải trong bất kỳ giai đoạn nào, bất kỳ khía cạnh nào của cuộc sống, tất cả chúng ta đều nên đề cao việc nghe nhiều hơn, đặc biệt là đối với người trẻ? Theo tôi câu trả lời là không bởi tôi có quan niệm sống đối với tuổi trẻ là: NGHE ít đi và LÀM nhiều hơn.

 

NGHE ÍT ĐI

Việc nghe ít đi không có nghĩa rằng chúng ta bắt đầu nghe ít hơn, ít hơn mỗi ngày rồi đến một lúc nào đó chúng ta không còn muốn nghe thêm gì nữa, đó là một vấn đề rất khác. Nghe ít đi nghĩa là bạn vẫn tiếp nhận những thông tin nhưng một cách có chọn lọc, bạn chỉ nghe những điều bạn cho là phù hợp với bản thân, là đúng đắn để tiếp thu. Với việc nghe đó, bạn cũng sẽ có nhiều thời gian hơn để làm những việc mà bản thân cho là cần thiết thay vì tốn công sức nghe hết tất cả những gì có thể từ mọi nguồn mà mình biết.

Tôi thấy người trẻ Việt thích nghe người nổi tiếng nói về thành công nhiều quá. Và hầu hết các bạn đều tin tưởng 100% vào những gì mà diễn giả nói, tin rằng nếu mình làm theo hoặc không làm theo điều đó thì đều sẽ có những kết quả giống như họ. Nhưng bạn biết không, mỗi người sinh ra trong cuộc đời này đều có một sứ mệnh riêng của mình. Cuộc đời của mỗi người là khác nhau nên họ cần sống theo cách riêng để thực hiện sứ mệnh đó. Chúng ta có thể nghe rất nhiều về thành công nhưng chúng ta không thể lặp lại thành công một cách chính xác như họ. Bạn không thể lấy lý do rằng vì Bill Gates rời bỏ trường đại học để tập trung vào sáng lập Microsoft và trở thành người giàu có nhất thế giới nên bạn cũng bỏ ngang việc học, đầu tư cho sản phẩm của ngành công nghệ thông tin để hái ra tiền. Bạn không thể nói rằng vì Bill Gates làm được và đã giàu có nên bạn cũng sẽ gặt được thành quả như ông ấy mà, phải không? Bởi sau câu chuyện chỉ có vài ba dòng ấy là những điều chúng ta không thể biết mà độ dài của nó có thể tính bằng dặm. Họ đã phải đối mặt với những gì để có được bài học từ trường đời và những kinh nghiệm họ kể có thực sự giúp ích được với chính hoàn cảnh của chúng ta trong hiện tại? Đó là một câu hỏi còn bỏ lửng chứng minh cho việc chúng ta không thể nghe và tin tưởng tất cả những gì người thành công nói. Mặt khác, họ là những người thành công nhưng họ không phải là chân lý. Jack Ma đưa ra 05 yếu tố tiên quyết để thành công với sinh viên Việt Nam, 15 nguyên tắc bán hàng “đắt giá” cho dân kinh doanh… nhưng đối với những người khác, con số này có thể thay đối tùy vào những kinh nghiệm mà họ đã trải qua . Chúng ta không thể khăng khăng rằng Jack Ma là tỷ phú, là người thành công nên chắc chắn ông ấy luôn đúng. Những điều Jack Ma nói có thể đúng với ông ấy nhưng chưa chắc đã đúng với tất cả những người còn lại. Đó là sự thật. Bởi vậy, tôi thấy điều nên nghe ở người nổi tiếng là tính quyết đoán, là sự nỗ lực vượt qua khó khăn chứ không phải là tất cả những chia sẻ và câu chuyện của họ.

 

Tôi cũng thấy người trẻ chịu ảnh hưởng từ chính những người xung quanh mình nhiều quá: gia đình, người thân và bạn bè. Hơn ai hết, cha mẹ luôn được coi là người chỉ đường dẫn lối cho ta trên những nấc thang của cuộc đời. Có thể nói, cha mẹ chính là hoa tiêu, là người có vốn sống phong phú, lường trước được những cam go, thử thách có thể đến để đưa ra lời khuyên với đứa con của mình. Còn chúng ta chính là thuyền trưởng được nhận những lời cố vấn ấy.  Nhưng chỉ chính chúng ta mới có  quyền quyết định con thuyền của cuộc đời mình sẽ đi theo hướng nào và cũng chỉ chính chúng ta mới có thể tự chèo lái con thuyền ấy cập bến của ước mơ và hạnh phúc. Thay vì một mực tuyệt đối nghe theo sự sắp đặt và lựa chọn của cha mẹ, tại sao chúng ta không nghe theo chỉ khi những ước mơ cá nhân trùng nhịp đập với lời khuyên từ họ? Còn đối với người thân và bạn bè, đã bao giờ bạn chia sẻ những dự định của mình với họ và nhận được câu đáp lại rằng: “Cô/Tớ nghe nói cái đó khó lắm…” hay “Tưởng gì, cái đó thằng X/ cái Y giỏi lắm mà cũng thất bại…”. Đại khái họ muốn nói rằng dự định của bạn là một điều bất khả thi. Nhưng nếu để ý kỹ thì bạn sẽ thấy, trong lời nói của họ cũng thể hiện được rằng chính họ chưa bao giờ thực hiện điều đó, họ chỉ nghe người này người kia kể lại và rồi đem đến cho bạn một kết luận mang tính “truyền miệng” – không hơn không kém, mà tệ hơn là ta không thể kiểm chứng được có bao nhiêu % chính xác trong câu chuyện của họ. Hoặc cũng có thể họ đưa ra kinh nghiệm của mình cho bạn nhưng chúng ta cũng biết rằng, chẳng có một mẫu số chung nào cho tất cả kinh nghiệm của mỗi người. Vậy nên, nghe với thái độ tham khảo, coi như là lời góp ý có lẽ giúp chúng ta bớt đắn đo hơn trước những dự định của chính mình.

 

LÀM NHIỀU HƠN

Một vấn đề mà người trẻ ngày nay dễ mắc phải là họ nghe rất nhiều, suy nghĩ rất nhiều nhưng làm thì ít quá. Chúng ta có thể nghe đi nghe lại những lời mà người khác chia sẻ hàng trăm hàng ngàn lần, chúng ta suy nghĩ về nó cũng với số lần không kém nhưng đã bao giờ chúng ta thực sự để bắt tay vào làm những dự định của mình? Chúng ta nghe rất nhiều về việc ai đó chia sẻ bí quyết giảm cân thành công, chúng ta vô cùng quyết tâm khi vừa nghe xong nhưng khi bắt đầu bài tập thì cảm thấy đuối sức nên lại chậc lưỡi: “Thôi để mai tính!”. Chúng ta đặt mục tiêu tự học tiếng Anh, dành thời gian tải hết tài liệu cần thiết trên mạng, quyết tâm ngồi vào bàn học nhưng kiên trì được một vài buổi rồi lại bỏ dở: “Thời gian còn dài mà”...  Đã biết bao nhiêu cái “ngày mai” đến rồi đi lặp lại cái “ngày hôm qua” đã từng? Hay khi bạn quyết định sẽ làm một điều gì đó từ những kinh nghiệm mà mình tích lũy được bạn lại chần chừ, đắn đo, dành một khoảng thời gian dài chỉ để mông lung suy nghĩ về việc sợ thất bại, sợ bị dè bỉu. Chúng ta cứ luôn tự ngăn cản việc hành động bằng những câu chất vấn ngầm, vô hình trung tạo nên tính trì hoãn và thiếu quyết đoán. “Câu trả lời ngắn nhất là hành động”(Khuyết danh). Phải, chỉ khi hành động ta mới có thể biết mình cần gì, phải làm như thế nào và rút được bài học gì. Chúng ta nghe về kinh nghiệm của người khác rất dễ nhưng không dễ để biến nó trở thành của chính mình. Và những điều chúng ta nghe được thực sự chỉ là lý thuyết suông nếu nó chỉ hiện diện trong trí não mà không được thực hiện bằng bàn tay. Thay vì ngồi im một chỗ, mắc kẹt trong mớ suy nghĩ bòng bong, tại sao chúng ta không làm một điều gì đó. Cứ làm thôi rồi hoàn cảnh sẽ trở thành bàn đạp sẽ giúp ta tiến về phía trước, cứ tiến về phía trước rồi chúng ta sẽ biết hướng đi và cứ đi chúng ta sẽ đến đích.

Now or never. (Nguồn ảnh: weheartit.com)

Tôi nhớ khi còn là sinh viên năm nhất đại học, tôi rất mong muốn được trở thành thành viên của một câu lạc bộ thiên về học thuật và giao lưu quốc tế. Tôi đã chia sẻ với bạn mình dự định ấy nhưng đáp lại là lời khuyên tôi từ bỏ: “Tớ cũng thích câu lạc bộ đó mà nghe nói phỏng vấn khó lắm, tiêu chí chọn người rất gắt gao,...”. Tôi không đáp, chỉ nhủ thầm: “Hãy tự cho mình một cơ hội!” và đi phỏng vấn. Kết quả là tôi đậu và nhận được sự đánh giá cao. Kể từ khi vào câu lạc bộ, tôi quen được nhiều người hơn, mở rộng quan hệ cũng như học hỏi được nhiều điều hơn. Nếu ngày đó tôi tin vào lời người bạn ấy, có lẽ tôi cũng chấp nhận mình chẳng bao giờ tiến xa hơn được và rồi khi ai đó hỏi tôi cũng sẽ trả lời với điệp khúc: “Nghe nói câu lạc bộ đó khó vào lắm...”. Nhưng bây giờ tôi có thể tự tin hơn ngồi gõ những dòng chữ này để nói rằng chúng ta luôn luôn có quyền cho mình một cơ hội được làm mọi thứ trở nên tốt đẹp hơn. Chúng ta có quyền cho mình một cơ hội để khám phá những miền đất hứa, những con đường mới mẻ, để được thấy thế giới rộng lớn đến nhường nào và hơn hết là để thấy được sức mạnh tiềm ẩn của chính mình. “Cơ hội giống như ánh bình minh, nếu bạn chần chừ quá lâu, bạn sẽ bỏ lỡ nó” (William Arthur Ward). Chỉ có việc bắt tay ngay vào hành động chúng ta mới có thể nắm bắt được cơ hội và thể hiện khả năng của bản thân. Tiếp tục chần chừ ư? Bình minh đã qua lâu rồi, một ngày mới ấy đã sắp khép lại.

Mỗi lần đứng trên ngọn núi cao hơn, bạn sẽ có dịp được nhìn thấy thế giới rộng lớn hơn (Nguồn ảnh: gambartop).

Nếu bạn đã từng xem bộ phim The Pursuit of Happyness, chắc hẳn bạn sẽ không thể quên được những lời mà ông bố Gardner nói với con trai mình: “ Đừng bao giờ để ai đó nói với con rằng con không thể làm được. Kể cả người đó là cha. Con có một giấc mơ, con phải bảo vệ lấy nó. Khi người ta không tự mình làm được, họ sẽ nói rằng con cũng không làm được. Con muốn thứ gì thì hãy giành lấy nó. Có thế thôi”. Đoạn thoại này gần như đã nói hết những thông điệp mà tôi muốn gửi gắm. Ở một thời điểm nào đó, chúng ta đều có những giấc mơ. Những giấc mơ này hoặc được bộc lộ hoặc bị kìm hãm bởi những định kiến của người đời và chỉ khi dũng cảm đối mặt và hành động ta mới có thể từng bước chạm tay vào nó. Thế nên việc bạn làm cũng chính là một bản cam kết rằng bạn thực sự nghiêm túc với giấc mơ mà mình đã chọn. Không ai hiểu mình bằng chính mình và cũng không ai có trách nhiệm với cuộc đời mình bằng chính bản thân mình cả. Chúng ta đang sống cuộc đời của chính mình nên chẳng việc gì phải xây đắp giấc mơ của người khác. Vậy nên việc bảo vệ giấc mơ của chính mình quan trọng hơn tất thảy những lời nói của người đời. Chẳng có gì sai khi một người luôn cố gắng làm những điều mà họ mong muốn, họ cho là chính đáng cả, nhất là khi ta còn trẻ. Tuổi trẻ dám sai, dám chịu vấp váp để sau cú ngã đó, ta sẽ đi một đoạn đường dài hơn trên chính đôi chân vững vàng của mình, chằng phải đó là một trải nghiệm rất tuyệt vời sao? Và suy cho cùng, dám làm để bảo vệ giấc mơ của chính mình cũng chính là thước đo cho độ xứng đáng nhận được thành công của mỗi người sau này.

Đoạn thoại truyền cảm hứng trong bộ phim The Pursuit of Happnyness (Nguồn ảnh: callingdreams.com)

 

LỜI KẾT

Xuyên suốt bài viết của mình, tôi không dùng bất kỳ từ “hãy” hay “đừng” cho một quan điểm nào. Bởi những điều tôi đưa ra chỉ mang tính cá nhân, là những gì tôi nhận thấy ở nhiều người trẻ hiện nay nên việc tôi nói một ai đó “hãy làm điều này” hay “đừng làm việc kia” mang tính hô hào khẩu lệnh lắm, nhất là (giả sử) khi quan điểm của tôi và bạn ở hai thái cực đối lập nhau. Bài viết này tôi vừa để nhắc nhở chính mình trong những phút giây dừng chân nào đó trên lộ trình của cuộc đời vừa như một bài viết nhằm chia sẻ những điều tôi tin tưởng là đúng. Hy vọng mỗi người trong chúng ta sẽ không vì lời nói của một ai đó mà cắt đi đôi cánh ước mơ của chính mình. Nhổ neo và để con thuyền chở đầy hoài bão của mình ra khơi, chúc bạn thu lại được nhiều thành quả.

 

Tác Giả: Phantom 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/canh.dong.hoang.133

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

5,288 lượt xem, 5,261 người xem - 5276 điểm