Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Nhân Cách Tốt Thứ Hai


Tôi từng viết một truyện ngắn. Tôi lên dàn ý cụ thể, phác họa tính cách nhân vật và xây dựng cốt truyện. Tôi bắt đầu viết dựa trên khung dàn ý đã lập sẵn. Sau khi hoàn thành, tôi đọc lại ngay bài viết của mình. Tôi tự đề cao bản thân, đọc đi đọc lại bài viết của mình 20 lần mà không hề thấy chán. Tôi tâm đắc với ngôn từ của mình, không hề quan tâm đến cảm nhận của người khác. Cho đến khi, đa số đều đánh giá thấp, cách viết, ý nghĩa cũng như thông điệp mà tôi muốn truyền tải. Từ đánh giá khách quan bên ngoài, nhân cách thứ hai trong tôi xuất hiện. Tôi dẹp đi sự tự cao ban đầu và đọc lại bài viết lần thứ 21, tôi phát hiện ra, bài viết của mình còn quá non nớt, chưa đủ chiều sâu và cảm xúc, kết thúc bỏ ngõ khi tính cách nhân vật chưa phát triển. Nhân cách thứ hai đã làm cho tôi tỉnh táo, khách quan hơn nhưng tôi chỉ nhận ra khi cái tôi bị dẹp bỏ bởi có yếu tố bên ngoài tác động.

Kinh nghiệm tôi nhận ra, khi viết xong một tác phẩm đừng vội đọc ngày mà hãy để qua ngày hôm sau, khi tôi đã ở một trạng thái cảm xúc khác. Tác phẩm khi vừa viết đọc ngay và tác phẩm sau khi viết để ngày khác đọc, cảm nhận sẽ không giống nhau. Trên mạng xã hội, khi chúng ta đọc một câu chuyện, muốn đưa tay ném hòn đá phẫn nộ đi cũng là khi bản thân đang bị mất thăng bằng cảm xúc, và cảm xúc bản thân bị đè nén bởi chi tiết nào đó của câu chuyện khiến bản thân cảm thấy cần lên tiếng ngay lập tức. Nhưng không hoàn toàn, hãy dừng lại, suy nghĩ về nó một chút, hãy dành ít nhất một phút trước khi đánh giá một vấn đề. Bình luận viết 2 phút nhưng nút ‘Send’ chỉ thực hiện trong 1s, chúng ta nên đứng trên nhân cách tốt thứ hai khi muốn áp đặt, phán xét lên một ai đó. Trải nghiệm này cũng giống như khi ta muốn nhắn tin để bày tỏ sự tức giận với một ai đó khi đọc được một lời nhắn cộc lốc, trong khi bản thân ta không thể hiểu những lời họ nói. Tuy nhiên, đừng vội đáp lại, giận quá mất khôn, hãy để qua ngày khác trả lời, phản hồi ngay chúng ta chỉ làm căng thẳng cuộc nói chuyện và mối quan hệ sẽ không thể hàn gắn, dù hàn gắn được cũng như tấm gương vỡ, mãi mãi thành sẹo.

Khi chơi guitar, chúng ta rút ra được bài học thực tế từ việc dây đàn bị đứt. Có 3 nguyên nhân đáng lưu ý tương tự 3 lý do tại sao mối quan hệ tan vỡ chỉ vì một tin nhắn nhanh.

Thứ nhất, sai cao độ khi căng dây đàn. Khi lên dây, bạn điều chỉnh dây đàn quá căng, đa số vượt quá 1 hoặc 2 cung. Tương tự, khi chúng ta dùng ngôn từ mang tính đả kích, trút giận khi vướng phải một số khúc mắc hay quan điểm bất đồng khiến cả hai trở nên bùng nổ dễ xảy ra rạn nứt thậm chí thù ghét lẫn nhau. Nhiều người bạn chỉ vì dòng tin nhắn gửi đi trong lúc tranh cãi đã không thể tiếp tục là bạn của nhau.

Thứ hai, thao tác vặn khóa và chỉnh dây quá nhanh. Lực căng dây lớn ta lại vặn chốt chỉnh dây trên khóa đàn quá nhanh, dây đàn không kịp giãn nên đứt. Gần giống với việc, ta mong muốn đáp trả thật nhanh tin nhắn được nhận vì không thể chịu đựng nổi việc người khác lấn lướt, chà đạp cái tôi của mình. Ai cũng muốn thật mau, thật nhanh, tôi phải là người chiến thắng. Kết quả, cả hai đều bị tổn thương vì những lời nhắn trong lúc mất kiểm soát. Có những lí do chia tay hết sức ngu ngốc vì nút ‘send’ trong tin nhắn không có chức năng thu hồi hay xóa đi tin nhắn đã gửi.

Thứ ba, dây đàn bị ép cuốn vào góc chốt đàn. Khi dây đàn bị ép, việc vặn chốt khóa để căng dây tương đối khó và lì, ta cố gắng tiếp tục vặn thì dây sẽ đứt hoặc khóa đàn sẽ hỏng. Người bắt đầu cuộc tranh luận trở thành kẻ châm ngòi cho mọi chuyện trở nên tồi tệ nên hãy suy nghĩ kĩ trước khi bày tỏ bức xúc hay thái độ để phán xét hay tranh luận với người khác. Vì lời nhắn bâng quơ cũng dễ trở thành chất xúc tác châm ngòi một cuộc chiến, không dồn ép người khác, người ta cũng không phản kháng trở lại, đối xử, góp ý nhau bằng nhân cách tốt thứ hai, đóng vai người ngoài cuộc để nhìn vào câu chuyện trước khi gửi đi một lời chỉ trích hay phê bình.


Bên trong chúng ta có lẽ đang tồn tại một nhân cách thứ hai. Nó xuất hiện sau khi được tác động bởi yếu tố khách quan, bên ngoài. Giữa một nhân cách được xem là tính cách chính, nhân cách tốt thứ hai được xem là bản chất nguyên thủy của mỗi người. Trong con người luôn có một phần tốt đẹp. Đôi khi chúng ta không tin tưởng một người vì ta chỉ thấy những việc làm xấu của họ mà không biết hết được việc tốt họ đã làm. Chúng ta mặc nhiên gắn mác cho một ai đó ‘người xấu’. Quan sát trở thành chìa khóa để đánh giá chắc chắn một người. Lắng nghe đôi khi là kẻ hai mặt nhưng cũng có chiều tốt khi lắng nghe từ nhiều phía khác nhau. Tại sao như vậy? Vì đôi lúc người khác cũng giống ta, họ cũng đứng trên quan điểm chủ quan để đánh giá như ta đang làm. Suy cho cùng, chủ quan kết hợp với chủ quan không thể tạo ra một cách nhìn khách quan.

Đứng trước những vấn đề trên mạng xã hội, đôi khi chúng ta chỉ lắng nghe từ một phía mà thẳng tay ném đá, bôi nhọ hay bình luận ác ý. Giữa những luồng thông tin phải trái đúng sai, thật giả lẫn lộn hiện nay, chúng ta cần phải tỉnh táo và là người hùng thông minh. Chúng ta vốn đang can dự vào chuyện nhà người ta nhưng lại cho bản thân cái quyền phán xét cả thế giới bằng cái tôi chủ quan của mình. Điều đó thật sự lố bịch. Có những câu chuyện đọc hết sức tức giận tại thời điểm này nhưng vào lúc khác nó sẽ không còn là vấn đề đáng để bận tâm. Vị trí đứng của mình, ghi nhớ rằng, chúng ta chỉ là người đươc thuật lại, tức là chúng ta vẫn chưa hiểu hêt mức độ tin tưởng, tính đúng đắn của câu chuyện như thế nào. Nhân cách thứ tốt thứ hai nên xuất hiện. Đồng nghĩa, khi chúng ta muốn bày tỏ quan điểm của mình về bất kì vấn đề nào cũng chỉ nên dừng lại ở mức độ quan tâm chứ chưa vội đánh giá. Để người khác một lối thoát cũng như để bản thân một đường lui để không mắc phải sai lầm, vô tình đóng vai phản diện trong vở kịch do mạng xã hội đạo diễn. Hằng ngày, chúng ta phải tiếp nhận rất nhiều thông tin, có cả những câu chuyện câu like rẻ tiền hay những kịch bản được dàn dựng chỉ để tạo sóng phẫn nộ mục đích để tự người dùng mạng sập bẫy hố đen thông tin xã hội. Song song, việc người trẻ ngày càng lên tiếng trước những vấn đề nổi cộm của xã hôi, của đất nước là một tín hiệu tốt nhưng cũng là con dao hai lưỡi giết chết những con người, những tổ chức thật đằng sau hàng loạt điểm tin, câu chuyện, thông tin sai sự thật. Mạng xã hội như trò chơi tam sao thất bản, khi người dùng cùng đeo tai nghe, tiếng nhạc ầm ĩ, loa mở to hết cỡ chúng ta đều không thể đảm bảo nội dung ban đầu được gửi đi từ người đầu tiên truyền đến tai người cuối cùng đã bị thay đổi, méo mó thế nào. Ý nghĩa ban đầu không còn nguyên vẹn nhưng lại được truyền xa hơn và nhanh hơn. Chơi trò tam sao thất bản trên truyền hình có thể gây cười nhưng chơi với đời thì có thể làm tổn thương một ai đó hay thâm chí hệ lụy cả một nền chính trị đất nước. Trong Quà tặng cuộc sống có câu chuyện kể về một con bò bị giết chỉ bởi trò tam sao thất bản vô lý. Chuyện kể, vào một ngày nọ, con bò cày ruộng trở về, mệt quá nằm lăn ra đất nghỉ, bò nói với chó:

– Anh bạn à, tôi thực sự mệt quá rồi. Ngày mai tôi không muốn ra đồng nữa, ở nhà nghỉ cho lại sức.

Chó thuật lại với mèo:

–Anh bò than mệt, còn nói muốn nghỉ làm một ngày. Kể ra cũng tội, chủ nhân đúng là đã bắt anh ấy làm việc nhiều quá rồi.

Mèo nói lại với dê:

–Bò trách chủ nhân bắt mình làm nhiều việc nên muốn nghỉ một ngày, mai không ra đồng nữa đấy.

Dê mách với gà. Gà đi nói với lợn. Lợn lại nói với vợ ông chủ:

–Dạo gần đây, bò hay có những suy nghĩ nổi loạn, rất cần phải được dạy bảo lại. Anh ta không muốn làm cho chủ nhân nữa, chê công việc ở đây nhiều quá, nặng quá, khiến anh ta mệt mỏi. Bò còn nói muốn bỏ đi, tìm một chủ nhân khác nữa đấy.

Bà chủ lập tức đem chuyện nói lại với chồng: 
– Bò muốn đổi chủ, không làm cho mình nữa. Tội tạo phản không thể tha, mình định xử nó thế nào?
– Kẻ phản bội đều đáng tội chết, giết không tha! 

(Quà tặng cuộc sống)

Hằng ngày chúng ta vẫn đang góp phần tạo ra những câu chuyện tam sao thất bản đổi trắng thành đen như vậy. Người đăng thông tin trên mạng nắm bắt được tâm lý người dùng trẻ, họ chỉ đăng những tin gây xung đột hay tạo luống ý kiến trái chiều để nổi hay tăng like. Chúng ta có từng nghĩ, tại sao nơi giao nhau giữa dòng nước nóng và dòng nước lạnh lại tạo nên những ngư trường lớn? Khi hai dòng khác tính gặp nhau tạo sự chuyển dịch các luồng nước nhất định trong biển theo chiều lên xuống, dòng nóng đi lên, dòng lạnh đi xuống, sự chuyển dịch giúp hải sản phân bố đa dạng và rộng hơn bình thường. Người đánh cá lợi dụng đặc điểm này để thả lưới tại những vùng nước có sự giao nhau hai dòng nóng, lạnh. Chúng ta cũng bị sự hấp dẫn bởi những tin tức trái chiều nhận được nhiều sự quan tâm, theo bản năng chúng ta cũng phán xét và bình luận để bày tỏ cái tôi của mình dù chưa biết được câu chuyện đó đúng hay sai hay tự do nhận xét về một ai đó dù không biết gì về họ cả.

Giữa những việc không tốt từ một người ta vô tình bắt gặp sẽ có những việc tốt mà ta vô tình bỏ qua, nhân cách tốt thứ hai nên xuất hiện để làm chủ các mối quan hệ tương lai. Chúng ta và họ có thể trở thành bạn nếu chúng ta đánh giá dưới góc độ của người thứ ba đầy thiện chí và bao quát. Họ cũng có thể trở thành kẻ thù nếu chúng ta chỉ nhìn vào những mặt xấu của họ. Tính cách chính đôi khi lẫn lộn cả độc tài, nhẫn tâm nên mỗi người cần bình tĩnh, kiềm chế sự xấu xa bên trong. Anh chàng hàng xóm chúng ta bắt gặp chửi thề với một người trên đường, nhổ nước bọt vào bãi cỏ trong công viên, ta lại đi nói với người khác, anh ta là kẻ chẳng ra gì. Nhưng, anh ta lại không ngại dừng xe bên đường rút ví cho người ăn mày trên đường vài tờ tiền lẻ, mua giúp mấy tờ vé số của bà lão tội nghiệp ngồi co ro trên vỉa hè hay đi từ thiện phát cơm cho người nghèo vào mỗi sáng chủ nhật. Những việc chúng ta chưa thấy hết chứ không phải họ chưa từng làm.Những thói quen xấu vô tình bắt gặp chúng ta lại nghĩ bản chất họ xấu nhưng đó chỉ là thói quen. Nhân cách tốt thứ hai xuất hiện khiến ta thay đổi chỉ khi nhìn thấy những việc làm tốt mà họ đã làm sau đó.

Thực tế, chúng ta thừa nhận, thế giới có những người xấu không đáng để được tha thứ và cần được lên án nhưng theo nhân cách tốt thứ hai, ta chỉ nên dừng lại ở mức độ quan tâm. Chúng ta vẫn chỉ là kẻ ngoài cuộc, không biết rõ nguyên nhân cấu thành tội ác kia hay những yếu tố, hoàn cảnh, điểu kiện thúc ép họ hành động độc ác, nhẫn tâm như thế. Đằng sau mỗi tội danh luôn có những câu chuyện lẫn khuất, dù là bản thân những người lương thiện, ăn chay niệm Phật cũng chẳng thể nói bản thân hoàn hảo, song song mặt tốt, ai cũng có một phần xấu sâu bên trong. Trong bộ phim “Black Swan”, Nina kết thúc bộ phim bằng cái chết của vai diễn thiên nga trắng “I felt perfect. I was perfect”. Nhưng sự hoàn hảo đó được tạo ra khi cô tiếp cận đến mặt đen tối trong tâm hồn mình, sẵn sàng làm tổn thương mẹ ruột chỉ để hoàn thành vai diễn mà cô gọi là hoàn hảo. Một chi tiết đặc sắc lột tả chân thực về sự thiếu sót, xấu xa ẩn trong tâm hồn mỗi người chính bằng sự hoàn hảo. Ai cũng có khuyết điểm, chỗ tối, sự xấu xa bên trong nhưng chúng ta đã kiềm chế tốt hơn họ, tuy nhiên, không phải vì thế mà chúng ta tự do đặc quyền phán xét họ. Đừng quên, bản chất mỗi người sinh ra đều là nhân cách tốt.

Kết luận, nhân cách tốt thứ hai chỉ là một bình diện để ta đánh giá những vấn đề cuộc sống gặp phải. Nhưng, đó là một nhân cách nên có để ta có thể đánh giá sự việc công tâm và khách quan nhất. Khi chúng ta không phải là người mắt thấy, tai nghe toàn bộ câu chuyện thì câu chuyện dù thật đến đâu vẫn không hoàn toàn là sự thật. Truyền qua mỗi người, câu chuyện sẽ bị bóp méo đi một ít cho đến khi nó biến dạng và không còn là câu chuyện ở điểm khởi đầu mà hoàn toàn là bịa đặt. Tất yếu, ta phải tự tổng hợp, lắng nghe từ nhiều người, nhiều phía. Trầm cảm hay cảm giác bị bỏ rơi sẽ không thể tạo ra nếu chúng ta duy trì nhân cách tốt thứ hai và áp dụng nó vào những vấn đề bản thân bắt gặp. Hãy đứng trên bình diện người thứ ba để đánh giá khách quan một vấn đề.


Điển hình, thông tin trên mạng luôn có hai mặt, chúng ta đừng tự biến mình thành kẻ tiếp tay thứ ba vì cái tôi của mình phán xét việc làm của người khác khi chưa biết tính chất đúng đắn của câu chuyện hay đơn giản chỉ có ý đùa cợt. Có nhiều vụ tự tử xảy ra nguyên nhân vì người dùng mạng xã hội vô tâmCô bé 13 tuổi Rosalie Avila tại quận Yucaipa, bang California , Mỹ tự tử chỉ vì những lời bình luận ác ý và những tin nhắn ức hiếp của bạn bè cùng trường qua mạng xã hội “Họ nói hôm nay tôi trông thật xấu xí. Họ đem hàm răng của tôi ra làm trò cười…” - trích nhật ký của Rosalie đăng trên CBS. Lý do ban đầu cho những lời bình luận vốn chỉ là những trò đùa cợt của lứa tuổi mới lớn, không hề có ác ý. Nó vốn là sự vô tâm của mỗi người khi bình luận về một sự việc nào đó. Ngôn từ vô cảm trở thành thứ vũ khí có tính sát thương đáng sợ nhưng lại nằm ngoài sự kiểm soát của pháp luật, không có sự định tội nào dành cho những kẻ nấp sau màn hình máy tính. Thử dành một phút để trả lời những câu hỏi sau. Chúng ta nhập một bình luận tốn bao nhiêu thời gian? Có bao giờ ta suy nghĩ thật kĩ trước khi phán xét người khác? Nhập một bình luận ta dùng phím xóa (Backspace) bao nhiêu lần? Đã đến lúc chúng ta phải suy nghĩ lại sự bày tỏ thái độ của mình trước tất cả những dòng bình luận về một ai đó. Trong tiếng Anh, có hai kĩ thuât bài đọc cho Reading text là skim và scan. Trong khi, skim là dùng mắt đọc lướt qua toàn bộ bài để lấy ý chính và nội dung bao quát của bài thì scan là chuyển động nhanh qua các từ để có thể tìm được thông tin chính xác mà ta cần. Tôi nghĩ, để đọc một bài thông tin trên mạng, chúng ta cần phải dùng cả hai kĩ thuật trên và cả kĩ thuật thứ ba “chew” (suy ngẫm). Cuộc sống không đơn giản như bài tập trắc nghiệm cần đọc lướt để kiếm thông tin, chúng ta cần phải nghiền ngẫm và suy nghĩ kĩ trước khi trở thành kẻ phán xét. Nhiều khi, chúng ta không có ý xấu, chỉ đơn giản là đùa nhưng khi đặt bản thân vào vị trí của người bị phán xét bằng nhân cách tốt thứ hai của mình, ta sẽ thấy nó không còn là đùa cợt. Con người ta dễ phấn khích bởi một lời khen vu vơ từ một người lạ nhưng cũng dễ bị tác động, ám ảnh bởi một câu đùa ác ý.

“Ngôn từ không thể hiện được tốt suy nghĩ. Chúng luôn luôn trở nên hơi khác một chút ngay lập tức sau khi được nói ra, hơi bóp méo, hơi khờ dại.”

-Hermann Hesse-

Tác Giả: Tiểu Thiên - ĐH Sư phạm

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/tacgiadinh 

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info




 

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

383 lượt xem, 374 người xem - 377 điểm