Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Những Người Sống Bằng Việc Lấp Hố


Cuộc đời có rất nhiều chiếc hố, chúng ta hay tự mua lấy một cái rồi dành thời gian để lấp kín. Nghịch lý, khi xới tung chỗ này, ta lại vô ý lấy đi sự bằng phẳng ở một nơi khác, suy cho cùng, thà không quan tâm, chiếc hố sẽ tự biến mất.

Khi những công trình chưa hoàn thiện, luôn có một có một chiếc hố trên mặt đất bằng phẳng. Họ vứt vào đó phế liệu, dấu tích để lại của những cuộc san lấp, nạo vét. Từ những chiếc hố tự đào, vốn dĩ mặt đất vẫn luôn có những chiếc hố như thế. Trên mặt đường bóng loáng cũng thỉnh thoảng xuất hiện một chiếc hố giống như ở các công trình chưa hoàn thiện, vô tình hay hữu ý ta nhìn thấy cuộc sống chính là bức tranh chắp ghép từ những thứ chưa bao giờ là hoàn hảo đó.

Cuộc đời mỗi người tương tự như vậy, luôn có những khuyết thiếu, những chỗ trống chắc chắn không bao giờ lấp kín. Chúng ta luôn cố gắng tìm mọi cách để lấp đầy một nơi nhưng lại tạo ra chỗ hổng ở một nơi khác, những chiếc hố ngày càng nhiều và diện tích cho khe thở cuộc đời càng bị thu hẹp, bởi vì chúng ta vẫn chọn đóng vai là một kẻ chuyên đi lấp hố.

Hố sâu tiền tài tỉ lệ nghịch mức độ hạnh phúc

Trong khi những người giàu luôn mong muốn có được nửa hạnh phúc của người nghèo hơn mình, thì những người nghèo lại mong muốn sở hữu gia tài kếch xù của những người giàu. Trong đời những người giàu có một chiếc hố lớn đó là chân hạnh phúc. Họ muốn có được hạnh phúc nhưng tiền không thể là vật ngang giá để đổi lấy cảm giác hạnh phúc. Chiếc hố tạo nên khi họ không biết cách để tạo ra hạnh phúc. Tranh chấp, dè chừng, lo âu, người giàu tìm mọi cách để bảo vệ gia tài của mình. Chiếc hố đó được tạo ra cũng bởi tiền thay vì suy nghĩ tại sao không hạnh phúc, người giàu cũng như người nghèo cố gắng để tạo ra nhiều tiền hơn. Họ không hạnh phúc bởi họ nghĩ mình vẫn chưa đủ giàu. Đối với người nghèo, ban đầu họ hạnh phúc vì có được tình thương từ gia đình, người thân và bạn bè. Tuy nhiên, cuộc sống buộc họ phải có tiền, họ lại có cùng mối bận tâm của kẻ giàu, làm sao để kiếm thật nhiều tiền. Họ tạo ra những chiếc hố cùng với câu hỏi làm sao để giàu có, cuối cùng họ dành cả đời để lấp đầy chiếc hố tiền tài. Họ lao vào cuộc chạy đua rồi bỏ lại người thân, bạn bè, đánh mất mối quan hệ vốn có. Suy cho cùng, cả hai, dù giàu có hay nghèo khổ đều tự đào một chiếc hố để ném hết những thứ mà bản thân họ nghĩ nó khiến cuộc đời của họ chưa hoàn thiện và họ chưa thể thỏa mãn với cuộc sống hiện tại của mình.

Ở đây thỏa mãn giống như một loại cảm xúc khuyết tật. Nó khiến con người cảm thấy hứng thú, toại nguyện vì đạt được một mục tiêu nào đó nhưng chẳng bao giờ nó tồn tại lâu dài, và có khi con người ta chưa bao giờ đạt được thứ cảm xúc đó, vì cuộc đời vốn là cuộc ganh đua không có điểm dừng. Khi chúng ta thỏa mãn vì lấp đầy một chiếc hố, ta lại mất thăng bằng bởi chiếc hố được tạo ra bên cạnh, gia đình, bạn bè, ta vô tình bỏ qua những thứ bằng phẳng rất gần, tình cờ tạo thêm chiếc hố khác và cứ như thế, cuộc đời cứ quẩn quanh để lấp đầy những chiếc hố. Thế nên, thỏa mãn nên đi kèm với so sánh. Hãy đối xử với đời như một kẻ láo cá vì tôi dám chắc, khi bạn quá thật thà, cuộc đời vẫn tiếp tục chơi bài ngửa với bạn. Chúng ta nên so sánh những thứ được mất sau khi theo đuổi một mục tiêu, cái chúng ta mong muốn là gì, liệu nó có phải là đích đến thực sự của cuộc đời. Khi có nhiều tiền liệu ta sẽ hạnh phúc hơn? Tại sao những kẻ giàu có vẫn chẳng thể sống hạnh phúc? Cuộc đời chính là ẩn nghĩa của ganh ghét và đố kỵ, vậy nên hãy sống vừa đủ, vừa đủ để không phải nghèo, vừa đủ để an nhiên sống, vừa đủ để giữ chân hạnh phúc. Khi giàu nghèo vẫn luôn có những chiếc hố thì cứ mặc mà sống. Mọi thứ nên dừng lại ở thỏa mãn vì chúng ta thừa biết người nghèo có niềm vui của người nghèo, người giàu cũng có nỗi khổ của người giàu.


Hố sâu về vị trí đứng trong xã hội tỉ lệ nghịch mức độ được yêu quý

Khi được hỏi về vị trí mơ ước tương lai, chúng ta đều chọn là người đứng đầu. Suy cho cùng, đó là vị trí của rủi ro bị ghét bỏ và ít được yêu quý thực sự. Đứng vào vị trí của một lãnh đạo, họ phải rạch ròi giữa quan hệ cấp trên và cấp dưới. Người đứng đầu sẽ đóng vai trò giám sát và đánh giá công việc của nhân viên. Và chúng ta chẳng bao giờ thích bị phán xét. Quá trình không phải là yếu tố để đánh giá, sếp chỉ nhìn vào kết quả đạt được. Đồng nghĩa họ có ít cơ hội thân thiết hay hiểu được toàn bộ nhân viên. Kết cục, sếp trở thành chủ đề bàn tán của những câu chuyện ngoài lề. Tính cách thật sự của một người lãnh đạo không được thể hiện nhiều, nhân viên cũng không muốn bận tâm tìm hiểu để thông cảm. Khối lượng công việc được giao trở thành thang đo tương đương mức độ yêu quý của nhân viên dành cho sếp của mình.

Điều đó cho thấy, khi ở vị trí càng cao chúng ta không thể chắc chắn sẽ nhận được nhiều yêu quý và rủi ro bị ghét bỏ, bị nói xấu sẽ cao hơn vị trí khác. Tuy nhiên, đáp án cho câu trả lời ban đầu vẫn vậy, chúng ta cố gắng để trở thành một nhà lãnh đạo lãnh cảm hơn là một nhân viên cấp thấp được nhiều người yêu quý. Chúng ta cho rằng ở vị trí càng cao thì khả năng trọng vọng và mức độ thành công trong sự nghiệp càng lớn. Ai cũng muốn có một thành tựu trong cuộc đời, vị trí trở thành xu thế chung của những cuộc chạy đua tuổi trẻ. Khẳng định vị trí trở thành ưu tiên hàng đầu và quan trọng trong cuộc đời.

Khi ngồi vào vị trí của một lãnh đạo, sếp có một chiếc hố về mối lo ngại việc bị ghét bỏ bởi cấp dưới, quan trọng hơn sếp phải chứng tỏ năng lực lãnh đạo và tầm nhìn để người khác phải phục mình. Khi đứng ở vị trí nhân viên, họ luôn có hoài bão để có thể ngồi vào vị trí cao hơn và thăng tiến trong công việc, hố sâu của danh vọng. Cả hai vị trí đều cố gắng lấp đầy những chiếc hố. Nhân viên muốn thăng chức nhanh nên không ngại nói xấu đồng nghiệp, ganh đua nhau về thành tích. Hố sâu về lương tâm đánh mất.

Hố sâu về điều kiện hiện có

Con người có một loại quán tính kỳ lạ, khi chúng ta không có đầy đủ điều kiện như người khác, chúng ta sẽ rất cố gắng để khai thác tiềm lực bên trong, nhưng khi có tất cả, ta lại dễ lười nhác và ỷ lại. Một quán tính trong hành vi con người, nguyên căn của những bệnh chung, bệnh lười tư duy và bệnh thiếu mục tiêu.


Khi công nghệ số chưa thực sự phát triển và điều kiện hiện tại chưa đủ để ta tiếp cận với internet, chúng ta dành ra nhiều thời gian để suy nghĩ, tìm cách trả lời một thắc mắc nào đó, tự tìm sách để đọc hay tự nghiên cứu. Chúng ta đôi lúc không ngại xem một bộ phim nhiều lần vì trong máy chỉ có vài bộ. Chúng ta ước công nghệ tiến xa hơn nữa. Kết quả, khi tốc độ của internet có thể chạm tới ngưỡng 26.1MB/giây, chúng ta tiến xa hơn một bước về tính năng công nghệ nhưng cũng nhận thấy dấu hiệu thụt lùi trong sự tư duy của thế hệ về sau. Thế hệ lười phát triển trong thời kỳ công nghệ 4.0. Chúng ta dễ dàng tìm ra câu trả lời mà không cần phải động não nhiều, chúng ta dành thời gian để nghĩ nhiều về từ khóa để tra cứu nhanh thay vì suy nghĩ về những câu hỏi xung quanh nhằm giải quyết một vấn đề nào đó. Giải đáp thắc mắc chỉ bằng một cú nhấp chuột, tất cả đều đã được trả lời thông qua Google. Lười tư duy và lười tương tác trở thành bệnh chung của những người trẻ hiện đại. Giống như vậy, chúng ta có thể xem được rất nhiều bộ phim nhưng mỗi phim lại xem được một ít, xem phim cũng có cả trường đua riêng và trận chiến của những mọt phim ngày càng nhiều hơn. Ra rạp xem phim trở thành trào lưu không còn là mục đích giải trí theo đúng nghĩa của nó. Thông điệp học được khi xem một bộ phim trở thành một điều xa xỉ khi người trẻ nói nhiều hơn về nhân vật trong phim và cuộc sống thực của dàn diễn viên xuất hiện trong đó.

Điều kiện phát triển cao hơn, kéo theo những hố sâu trào lưu, hố sâu về chứng rối loạn cảm xúc, hố sâu của sự lười nhác … Khi công nghệ đang cố lấp đầy sự kết nối giữa những con người ở xa từ khắp nơi trên thế giới lại tạo ra một bức tường ngăn cách giữa những người bạn đang ở rất gần nhau. Hố sâu về sự quan tâm. Tất cả đều là những chiếc hố bị lãng quên, tại một thời điểm ta mới nhận ra và bù đắp nhưng bao lâu để lấp hết hàng ngàn chiếc hố như vậy. Cuộc đời trả ta bao nhiêu để ta làm đầy hết những chiếc hố bị lãng quên đó. Thật vậy, cuộc đời đang đóng vai một kẻ cho vay nặng lãi, khi chúng ta dễ dàng bỏ qua những điều cần thiết ngay chính bên trong thì ta phải trả lại gấp đôi thời gian để kịp lấp hết những thiếu sót của mình. Thời gian còn lại sẽ chẳng dễ dàng vì chúng ta còn có những chiếc hố quan trọng khác.

Chúng ta tự nhận mình là những kẻ lấp hố bởi chính chúng ta cũng vô định trên hành tìm kiếm mục tiêu cuộc đời. Những ngã rẽ, những lệch lạc, những tiêu cực, chúng ta đang có những chiếc hố phát sinh từ thế giới hiện đại. Đôi lúc, cuộc sống đang cố chôn ta vào một trong những chiếc hố đó, chúng ta phải thoát khỏi nó bằng việc học cách tự thỏa mãn. Khi không để tâm vào những thiếu sót ta chẳng bao giờ thấy mình thiếu chỉ dừng lại ở vừa đủ để thỏa mãn. Tôi đã từng đọc một câu chuyện về tờ tiền bị đánh rơi gần giống với chiếc hố trong xã hội. Một cậu bé đánh rơi tờ 10 ngàn đồng, cậu ta bật khóc, một người lạ cho lại cậu ta tờ 10 ngàn khác để an ủi, cậu ta rất vui nhưng rồi lại buồn. Người đàn ông hỏi tại sao, cậu ta trả lời, nếu không đánh mất tờ 10 ngàn đồng thì giờ đây cháu đã có 20 ngàn đồng. Người đàn ông lặng lẽ rút ra tờ 10 ngàn đồng khác đưa cho cậu bé, cậu cũng vui vẻ nhận nhưng rồi lại buồn bã, lần này lí do cũng vậy, nếu không đánh mất tờ 10 ngàn đồng thì giờ đây cháu đã có 30 ngàn đồng. Người đàn ông khẽ mỉm cười, cho dù chú có cho cháu cả thế giới này thì đối với cháu vẫn luôn thiếu tờ 10 ngàn đồng đã mất. Học cách thỏa mãn với những gì hiện có sẽ khiến cuộc sống tươi đẹp hơn theo một ý nghĩa nào đó. Không cố gắng hết sức để chăm chăm vào một thiếu sót chúng ta vẫn thấy hạnh phúc và đầy đủ theo cách của mình. Cuộc sống sẽ rất vô vị khi ta cứ cố gắng thể hiện để người khác thấy, sống ở đời chính là mặc đời mà sống, nhưng tuyệt đối đừng quên lấp đầy những chiếc hố bị lãng quên vì đó mới là chướng ngại lớn mà chúng ta cần phải vượt qua để cuộc đời không dễ bị đè bẹp.



Tác Giả: Tiểu Thiên - SV Đại học Sư phạm 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: www.facebook.com/tacgiadinh

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

250 lượt xem, 243 người xem - 243 điểm