Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Sinh Viên Ăn Cơm 2000 Đồng, Họ Cũng Chỉ Là Những Người Bình Thường Trong Xã Hội

Đã có rất nhiều những bài viết chia sẻ về cơ hội việc làm phong phú dành cho sinh viên hay những tấm gương tiêu biểu có thể tự lập, thậm chí là có mức thu nhập cao đối với sinh viên. Nhưng liệu những cơ hội việc làm này có thể dành cho tất cả và sinh viên có thực sự dễ dàng có được những công việc đó? Nói dễ thì là dễ mà nói khó thì cũng rất khó.

Và nhân câu chuyện về những suất cơm 2000 đồng và câu hỏi gây xôn xao dư luận trong thời gian qua của anh Vũ Tuấn Anh - người sáng lập dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên - rằng: “Sinh viên sức dài vai rộng ăn cơm từ thiện của người nghèo... Trong khi đó cơ hội làm việc kiếm tiền có rất nhiều nhưng các bạn lười biếng và chỉ có miếng ăn miễn phí…”. Ngay công việc của anh dường như cũng khiến tự tạo ra dự đoán về mục đích của anh khi đưa ra chia sẻ gây tranh cãi này, phải chăng anh đang muốn nâng tầm dự án của mình? Và vậy thì liệu rằng anh đã đúng hay chưa khi phát ngôn những điều như vậy?

 

Quả thực trong thời kì thể giới mở như hiện nay với rất nhiều những cơ hội dành cho những bạn trẻ, ngay cả những bạn sinh viên còn đang ngồi trên ghế nhà trường cũng có thể có được những cơ hội với những công việc lý tưởng. Việc kiếm thêm thu nhập đối với sinh viên cũng không chỉ bó hẹp trong phạm vi những công việc làm thêm tay chân quen thuộc như phục vụ bàn hay bán hàng, các bạn thậm chí có thể đảm nhiệm những công việc đòi hỏi tính chuyên môn cao như thiết kế, biên tập, thậm chí là quản lý. Quả thực người trẻ ngày nay có rất nhiều cơ hội để có thể thể hiện năng lực cá nhân, ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tuy nhiên liệu rằng có phải bất kì sinh viên nào cũng có thể có được cơ hội việc làm một cách dễ dàng như anh Tuấn Anh đã đề cập đến hay không? Khi mà mỗi năm con số thống kê những cử nhân, thạc sĩ ra trường thất nghiệp không phải là con số nhỏ. Hàng ngàn con người đã được trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản còn đang "đợi" việc thì liệu rằng những sinh viên ít kinh nghiệm, ít chuyên môn có "đấu" lại được hay không? Tỉ lệ chọi đã không đơn thuần là số lượng tuyển dụng trên số lượng hồ sơ mà còn là ti tỉ những điều đáng cân nhắc đối với nhà tuyển dụng. Người đã tốt nghiệp thì công việc chính của họ chính là công việc, còn những cô cậu sinh viên thì còn lan giải giữa những buổi học, những bài luận, những ngày đi thực tế, thực tập,... đan xen thậm chí là chiếm hầu hết thời gian của họ, ắt việc làm thêm bên ngoài sẽ chỉ là yếu tố đặt phía sau. Rồi bản tính cũng như khả năng chịu trách nhiệm trước công việc rõ ràng những ứng viên đã tốt nghiệp sẽ được đánh giá cao hơn hẳn, khi mà thực tế cho thấy không ít những sinh viên đi làm thêm theo đúng nghĩa gốc của chữ "thêm", có nghĩa nó không phải điều gì quá quan trọng, cần thiết đối với họ, trợ cấp gia đình cản trở sự phấn đấu vì công việc trong họ là khó tránh khỏi. Đó là còn chưa kể sự trải nghiệm chưa nhiều dẫn đến sự ảo tưởng về năng lực bản thân, đòi hỏi những yêu sách quá đáng hay các kĩ năng mềm còn thiếu đều khiến việc hợp tác phát sinh nhiều vấn đề. Tất nhiên đó chỉ là mặt trái và không thể chiếm đa số nhưng việc nằm trong những gạch đầu dòng lưu ý của nhà tuyển dụng là khó tránh khỏi.

Và hiển nhiên, cơ hội tốt không thể là dành cho tất cả. Chưa nói tới chuyện năng lực còn bị hạn chế bởi kiến thức và kinh nghiệm có thể đào tạo dần thì ngay cả những điều kiện cơ bản đáp ứng các cơ hội này cũng không phải là ai cũng có thể. Không thể phủ nhận tiềm năng của nguồn nhân lực có thể coi là vô cùng dồi dào cùng đó là mức độ trả lương có thể coi là nhẹ nhàng hơn rất nhiều so với nhân viên chính thức. Dù vậy công việc nào cũng đòi hỏi ở ứng viên những yếu tố cần và đủ. Làm công việc chân tay như phục vụ, bán hàng, phát tờ rơi,... ngoài việc cần có thời gian rảnh cố định thì cũng cần có sức khỏe, kĩ năng giao tiếp,... Người có thời gian lại không đủ sức khỏe, kẻ có sức khỏe có khi lại không phù hợp về mặt tính cách. Còn những công việc nhẹ nhàng mang tính chất chuyên môn cao như gia sư, viết bài, thiết kế, kế toán,... có thể có những yêu cầu về thời gian hoặc không nhưng lại đòi hỏi về kiến thức chuyên ngành, chưa kể còn cần tới những công cụ hỗ trợ như điện thoại thông minh, máy tính,... Một vài ví dụ đơn giản giúp ta định hình rõ về vấn đề này hơn: bạn chạy xe ôm/grab/uber thì cần có xe, có điện thoại thông minh; bạn viết bài, biên tập, thiết kế hay quản lý fanpage/website thì cần máy tính;... Đâu phải sinh viên nào cũng có thể đáp ứng những điều kiện này. Bởi vậy mới có hiện trạng là nhà tuyển dụng không tìm được người phù hợp trong khi vẫn có nhan nhản những người thất nghiệp, không tìm được việc (xảy ra đối với cả những sinh viên đã ra trường chứ không chỉ người còn đang theo học).

Và cả một vấn đề ngọn nguồn nhất chính là không phải sinh viên nào cũng được tiếp cận với thông tin tuyển dụng. Các trang mạng xã hội có thể là một cầu nối rất hiệu quả nhưng thực trạng nhiều người chỉ coi đây là kênh giải trí mà không biết tận dụng chúng. Cách triển khai kế hoạch tuyển dụng chưa chọn đúng đối tượng tiềm năng, khu vực nguồn lao động phù hợp thì nghịch cảnh vẫn diễn ra ở cả hai phía. Vậy thì liệu sinh viên có dễ dàng tìm được công việc phù hợp với bản thân hay không? Và từ đây tôi lại muốn quay lại câu chuyện ban đầu về lời chia sẻ của anh Tuấn Anh cũng như về dự án anh đang thực hiện - dự án phát triển nghề nghiệp cộng đồng cho sinh viên. Với tư cách là người sáng lập dự án thì tôi cho rằng anh cũng nên xem xét lại những yếu tố này để dự án đạt được hiệu quả tốt nhất, để dự án thực sự có tính ứng dụng rộng rãi đối với sinh viên. Đừng hỏi sinh viên câu “Có 10 suất làm việc tử tế và ăn uống từ chính sức lao động của chính mình nhưng các bạn sinh viên có chịu đi làm hay không?”. Câu trả lời hiển nhiên bất kì sinh viên nào cũng đều sẽ là có. Vấn đề là những suất làm việc ấy có cơ hội tiếp cận tới những sinh viên đang cần và bản thân sinh viên có thể đáp ứng các điều kiện để được làm việc hay không mà thôi. Đừng rêu rao 10 suất việc làm trước con số hàng ngàn sinh viên đang muốn kiếm thêm thu nhập. Tôi hy vọng số lượng việc làm không dừng lại ở con số ấy và nó thực sự có thể trao tới tay sinh viên chứ không phải như một miếng mồi được treo trước miệng hàng trăm con cá.

 

Quay trở lại câu chuyện về “sinh viên sức dài vai rộng ăn suất cơm 2000 đồng dành cho người nghèo”, tôi hy vọng anh và cả những người khác có thể hiểu rằng sinh viên cũng chính là những người bình thường trong xã hội, họ có thể có điều kiện mua sắm những món đồ đắt tiền và cũng có thể là những người phải đắn đo từng một, hai nghìn đồng khi đi chợ. Nên việc nhận định “sức dài vai rộng” và “không có lòng tự trọng” là những đánh giá phiến diện, chủ quan. Đời sống không phải một bức tranh lồ lộ những hình ảnh cái cây là cái cây, ngôi nhà là ngôi nhà để ta có thể nhìn qua đã thấu hiểu; bức tranh đời sống thực sự là những mảnh ghép bị che khuất, bị biến dạng, nếu ta không thể đi sâu vào đời sống thì sẽ không thể nắm bắt được nó.

Vậy nên, việc phán xét sự việc thông qua cái nhìn bề mặt là không thỏa đáng. Sinh viên có thục sự dễ dàng tìm được việc làm để kiếm thêm thu nhập, bước qua vạch giới hạn “người nghèo” hay không không chỉ nằm ở khả năng của bản thân họ mà còn những yếu tố khách quan từ xã hội, từ những dự án mang tính cộng đồng như anh Vũ Tuấn Anh đang thực hiện. Thay vì chỉ trích, hãy thấu hiểu, cảm thông và trao cơ hội. Để sinh viên có những năm tháng là sinh viên dễ dàng hơn.

Tác giả: Nguyễn Hiền

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (01 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,197 lượt xem, 1,173 người xem - 1181 điểm