Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Tre] Chúng Ta Sợ Bị Tổn Thương Nhưng Bản Thân Nỗi Sợ Đã Là Sự Tổn Thương

Tôi có một cuốn sách được xuất bản, sau 5 năm hì hục viết lách vô vọng. Khi nhiều bạn hỏi tôi về quy trình xuất bản một cuốn sách có khó khăn phức tạp không, tôi nghĩ nó không khó bằng việc bạn có dám bỏ ra một số năm tháng cuộc đời viết 60000 từ và chấp nhận rủi ro là bạn có thể phải vứt 60000 từ đó vào thùng rác hay không. Và cái trái khoáy ở đây là khi bạn đạt đến trạng thái viết vì muốn viết chứ không phải vì muốn xuất bản, cơ hội của bạn cao hơn vì lúc đó là sáng tạo là nguyên chất không pha tạp, không có lòng tham. Và cái trái khoáy nữa là trạng thái đó chỉ xuất hiện khi bạn đã đủ thất vọng để không hy vọng nữa, nghĩa là trong lòng thất vọng hy vọng cũng nhiều rồi, tự triệt tiêu nhau, chẳng còn cái vọng gì nữa.

Có một câu tôi rất thích của Madeline D’Engle: “When we were children, we used to think that when we were grown-up we would no longer be vulnerable. But to grow up is to accept vulnerability... To be alive is to be vulnerable.” ( Khi ta còn là trẻ con, ta cứ nghĩ lớn lên nghĩa là không còn dễ bị tổn thương nữa, nhưng trưởng thành là chấp nhận sự thật là còn sống nghĩa là còn dễ bị tổn thương.)

Sau khi viết xong, tôi không biết nó sẽ được xuất bản. Sau khi xuất bản xong, tôi không biết nó sẽ được tái bản, cũng như sau khi tái bản lần 1 tôi không biết nó sẽ có lần 2, 3 và 4. Nghĩa là mọi thứ bao giờ xảy ra thì mới biết, không dự liệu được, không như đi làm cuối tháng chắc chắn nhận lương. Mọi người thường nhìn vào kết quả chung cuộc, nhưng họ có nghĩ đến số lần tôi không thể đoán được tương lai? Tim tôi đã ngừng đập rồi đập trở lại không biết bao nhiêu lần, nhất là khi sau ngày ra mắt, bạn đã trao cho cả thiên hạ quyền đánh giá mình.

Nguồn ảnh: Internet

          Ta thường không ý thức đươc sự mong manh của cuộc sống. Bạn không bao giờ biết lời tạm biệt có thể biến thành vĩnh biệt. Khi bạn yêu ai đó, nỗi sợ sẽ phải đưa tiễn họ ra khỏi cuộc sống của mình cũng đến cùng, nỗi sợ nếu người kia nhìn thấy toàn bộ những rực rỡ lẫn góc tối thì không biết tình yêu còn nguyên vẹn không cũng đến cùng. Khi bạn thể hiện con người nguyên bản của mình trước thế giới, trong công việc, trước gia đình, hay thậm chỉ chỉ trên mạng xã hội, nỗi sợ bị đánh giá và không được chấp nhận cũng đến cùng. Và bạn cố nhét mình cho vừa một cái khuôn bạn nghĩ là đủ an toàn để không bị tổn thương, thể hiện vừa đủ, nói vừa đủ, tin vừa đủ, yêu vừa đủ, nhưng không có không gian tâm trí nào vừa đủ chỗ để chứa nỗi sợ hãi bất an cứ lớn lên bên trong bạn, gặm nhấm bạn nham nhở.

          Làm sao bạn biết một thứ là đúng rồi bạn mới làm, làm sao bạn biết một người sẽ là bạn đời, tình yêu sẽ có kết quả rồi bạn mới dám hẹn hò, làm sao bạn biết ước mơ sẽ thành hiện thực rồi bạn mới dám theo đuổi nó? Không ai có thể biết được cả, những điều không biết được đem đến nỗi sợ về sự rủi ro cho chúng ta. Và vì bản chất cuộc sống là không thể biết trước được, bạn không có cách nào để không bao giờ bị tổn thương, dù bạn có thông minh tanh tưởi đến đâu để hoạch định tính toán. Trừ khi bạn không làm gì cả đến chết, còn mọi việc bạn làm khi đang sống, đều đến cùng một chi phí rủi ro.

          Khi mọi người nói một công việc không có kết quả, một tình yêu không có kết quả, tôi nghĩ họ đã dùng sai nghĩa từ kết quả. Kết quả là một từ trung tính, không bao hàm nghĩa là tốt hay xấu. Làm gì có việc gì trên đời có nguyên nhân diễn biến mà lại không đưa tới một kết quả? Mọi người ngầm định kết quả là thứ gì tốt đẹp đúng như mong muốn của họ, nhưng bản thân từ kết quả chỉ có nghĩa là cái cuối cùng còn lại sau khi một việc diễn ra. Thất bại cũng là kết quả, chia tay cũng là kết quả, sự trưởng thành chính là kết quả sau cùng, ta không thể phủ nhận nó.

          Đột nhiên tôi nhớ đến bộ phim Me before you, tại sao Lou rời xa người bạn trai 7 năm quen nhau để yêu một anh chàng ngồi xe lăn vừa biết 5 tháng. Yêu một người khuyết tật sẽ không có kết quả, đấy là suy nghĩ của phần đông chúng ta. Vì sao Lou yêu Will? Trong phim, Lou luôn là người chạy/đạp xe bở hơi tai đằng sau anh bạn trai huấn luyện viên điền kinh. Kế hoạch kì nghỉ của anh ta với Lou cũng toàn những kế hoạch thể thao mạo hiểm của anh với đám bạn, Lou chỉ là người đi cùng. Còn Will, anh chàng ngồi xe lăn, đăng kí bí mật trò lặn biển cho Lou dù anh chỉ ngồi trên thuyền ngắm cô vùng vẫy dưới nước thích thú như một chú cá được thả về đại dương. Anh bạn trai điền kinh có thể tặng Lou dây chuyền, nhưng Will nhớ tiểu tiết về câu chuyện điên khùng chiếc quần tất có họa tiết sọc ngang như thân con ong từ thời thơ ấu để tặng Lou. Lou và bạn trai quen nhau 7 năm, trong đó 6 năm cô làm phục vụ quán trà, bạn trai chỉ quan tâm Lou có việc làm không, bất cứ việc gì. Will thì biết ước mơ của cô là đi học thời trang ở Paris.

          Will khuyết tật thân thể nhưng không khuyết tật tâm hồn. Câu chuyện tình yêu này không có tương lai? Vậy thì cứ phải có tương lai mới gọi là tình yêu thực sự? Điều mọi người không nhận ra là họ không có cái “tương lai”, chẳng hạn một đám cưới như mọi người mong chờ, nhưng họ có hiện tại. Biết bao người viện cớ lo cho tương lai để lao vào làm việc rồi thỉnh thoảng mới nhớ ra có một người đang có mặt trong hiện tại của mình? Phải đánh đổi bao nhiêu hiện tại để có tương lai đây, cái gọi là ngày mai có thể chẳng bao giờ tới, chúng ta chỉ liên tục mất đi những ngày hôm nay. Lou và Will đã tặng nhau biết bao ngày hôm nay, sự dũng cảm sống trong hiện tại, sự dũng cảm thể hiện con người thật của mình. Lou như một tia nắng, hồn nhiên ấm áp, đưa Will ra khỏi bóng tối quá khứ vụ tai nạn khiến anh chấn thương, để một người ngồi xe lăn vẫn đi khiêu  vũ, đi du lịch, đi xem đua ngựa. Nếu dùng một câu để nói về Lou và Will, tôi sẽ dùng câu trong bài hát Already Gone của Kelly Clarkson: I love you enough to let you go. Will yêu Lou đủ để mong cô ra đi tìm đến ước mơ của mình tại Paris. Lou yêu Will đủ để chấp nhận quyền được chết của anh, chấp nhận anh không thể sống trong thân xác tê liệt với những khát khao sống động bên trong mình.

Nguồn ảnh: Internet

 Thực sự trở nên “vulnerable” trước một con người khác, để cho cái tôi bị thách thức khi thể hiện khát khao thực sự của bản thể, đối diện với sự hòa kết sâu sắc đi cùng cái giá là nỗi buồn không có ngôn từ diễn tả của chia ly, đấy là điều đẹp đẽ nhất mà thứ tình yêu không tương lai chẳng kết quả này đã mang đến cho Lou và Will, cũng như cách mà hầu hết chúng ta trưởng thành lên trong tình yêu của mình. Bạn có dám chọn tình yêu thay vì nỗi sợ, như hai người này?

          Tôi lớn lên cùng dòng chảy âm nhạc của Taylor Swift, từ lúc Taylor là công chúa tóc vàng ôm đàn hát nhạc đồng quê cho đến khi cô ấy cắt tóc, ngưng mặc váy xòe rộng như những bông hoa, rồi hát nhạc pop. Tôi có thể vẫn tìm lại những bản nhạc cũ tôi thích, nhưng tôi không ngăn cản cô ấy lớn lên theo cách cô ấy muốn. Tôi thích  con người  mà Taylor thể hiện qua âm nhạc của chính cô ấy, nguyên chất, không pha tạp. Tôi hiếm khi cảm nhận được điều này ở ai khác nữa, một người mà trong một thập kỉ nghe nhạc của họ, ta cảm nhận được hỉ nộ ái ố trong họ như là tôi và cô ấy đã từng đi bên nhau trò chuyện rất lâu ở những con đường xuyên qua cánh đồng quê, hay đến nhà ngồi bên lò sưởi đọc cho nhau nghe nhật kí, hay gọi điện thoại nói chuyện phiếm với nhau, như những người bạn cùng nhau lớn lên. Nhạc của Taylor có tính tự sự đời thường, tự nhiên như hơi thở, và chính vẻ đẹp của sự dễ bị tổn thương đã bắt cóc trái tim không hoàn lại cho bao người.

          Nói thật như Taylor, bạn dám không? Em ngây thơ, em mơ mộng, em yếu đuối, em hờn giận, em ghen tị trẻ con, em chưa muốn tha thứ, em buồn bã, em tức giận, em yêu ghét rõ ràng, em phẫn nộ với đám đông quanh mình, em vứt bỏ con người cũ của mình, em kiêu hãnh và kiêu ngạo, em nổi loạn, em đau khổ, em quyền lực và lạnh lùng, em gần gũi và mong manh, em là con hổ có thể biến thành mèo con. Điều đó không mâu thuẫn với việc em tài năng và rực rỡ, xinh đẹp và chân thành. Sẽ có những chi tiết trong âm nhạc thế này: Em nhớ ngày đầu tiên gặp anh, anh mặc chiếc áo phông màu xám; em thích cách anh vuốt tóc khi nhìn anh từ ghế bên, hay lúc anh ngửa người ra sau cười như một đứa trẻ; đôi mắt xanh biển của anh khiến em cảm thấy mình có thể chìm dần và chết đuối; em băn khoăn liệu anh đã có bạn gái chưa, làm ơn đừng thích ai khác nữa; cô ấy không nhìn thấy cách mắt anh sáng lên khi anh cười giống như em; em ghét việc anh không để cho em lái chiếc xe đó như cô ấy; cô ấy là đội trưởng đội cổ vũ còn em chỉ la hét ở hàng ghế khán giả; anh đừng có quay lại nói nhớ em vì anh sẽ nguy hiểm đấy; em sẽ không cho anh cơ hội đâu dù em rất buồn; em hối hận vì đã không yêu anh như cách anh yêu em; em là cơn ác mộng hóa trang như một giấc mơ; phép thuật, sự điên khùng, thiên đường, địa ngục, em đều có thể trưng ra cho anh thấy; em có thể biến những chàng trai hư có ích cho một cuối tuần, nhìn anh thật giống sai lầm tiếp theo của em. Nếu bạn nghe nhạc Taylor trong gần một thập kỉ, bạn biết tôi đang nói đến những bài hát nào đúng không?

          Người ta có thể thích hay không thích Taylor, chỉ có điều họ không thể không click vào link dẫn đến MV mới của cô ấy, và thậm chí không biết mình vừa nhấn nút Replay. Với tôi, không chỉ là một ca sĩ nhạc sĩ, Taylor là hiện thể sống động của hai chữ con người, phải như thế chứ, phải là một sinh vật có cảm xúc phong phú long lanh nhiều cung bậc chẳng ngại gì thể hiện với thế giới như thế chứ. Việc bạn vô thức nhấn Replay, hay yêu ghét cô ấy, tôi nghi ngờ nó liên quan đến quy luật tâm lí những gì ta yêu ghét ở người khác phản chiếu những gì ta yêu ghét ở chính bản thân mình. Vì có một lúc nào đó, bạn đã khao khát được là hiện thân sống động hồn nhiên của hai chữ con người như cô ấy đúng không, với tất cả góc tối và ánh sáng, gai góc và hoa hồng, cảm xúc của bạn là nguyên chất chứ không cần phụ gia chất điều vị gì khiến nó dễ nuốt dễ tiêu hóa hơn cho người đón nhận. Một mặt, bạn nghĩ là đừng đem hết chuyện cá nhân vào âm nhạc để người ta nhìn thấu và đánh giá vậy chứ. Mặt khác, bạn phát hờn vì sự dũng cảm của cô ấy.

Nguồn ảnh: Internet

          Đặt mình vào trạng thái dễ bị tổn thương khi trưng bày nguyên bản bản thể đa sắc của mình, đó là lí do âm nhạc của Taylor đầy lay động và lan tỏa. Một lần nữa, câu hỏi là bạn có dám ra ngoài nỗi sợ để sống thật với tất cả góc cạnh của con người mình?

          Bản thân nỗi sợ đã là một sự tổn thương, vì nó khiến cảm xúc động lực của chúng ta đông cứng. Dù bạn yêu ai, làm gì, từ việc nhỏ xíu như viết một status lên trang cá nhân hay to đùng như đi theo một điều hằng mơ mộng, cũng chỉ là thêm một lần quay trở lại trọng tâm của việc sống là chấp nhận đặt mình ở thái dễ bị tổn thương mà thôi. Ở trạng thái đó, bạn đích thực là con người nguyên chất, bạn cho tình yêu cơ hội tìm đến, và thậm chí cả thành công, vì tình yêu hay thành công không thể lọt vào một bản thể đóng kín vì nỗi sợ được.

 

Tác giả: Thân Trang 

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link:https://www.facebook.com/trang.xtd

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (01 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info.

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

3,205 lượt xem, 3,120 người xem - 3127 điểm