Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[THTT] Thấu Cảm Lẫn Nhau Khi Khác Biệt Quan Điểm Sống – Nguồn Cơn Của Mâu Thuẫn Và Sự Kết Thúc Của Các Mối Quan Hệ

                Đã bao giờ bạn ghét bỏ một ai đó chỉ vì họ có quan điểm khác bạn trong một cuộc tranh luận sôi nổi về một vấn đề gì đó? Về cuộc sống, chính trị, xã hội, tình cảm,...

          Đã bao giờ bạn chấm dứt một mối quan hệ với một ai đó chỉ bởi vì các bạn trải qua những cuộc tranh cãi gay gắt không ngừng và không hề có một tiếng nói chung.

          Đã bao giờ bạn dành hàng giờ để trả lời những bài viết, bình luận của những người khác trên facebook, hoặc tệ hơn: ném đá, lăng mạ, xuôi theo hiệu ứng đám đông để xúc phạm một ai đó, dưới bất kỳ ngôn ngữ xấu xí nào bạn có thể tưởng tượng ra.

Khá nhiều người trong chúng ta đã từng, không chỉ một, mà nhiều lần trải qua những vấn đề tương tự như trên. Và chúng ta đang, sẽ còn tiếp tục mắc phải nó trong cuộc sống, nếu không tìm kiếm sự thấu cảm lẫn nhau.


Thấu cảm và thông cảm, có gì khác nhau

          Nhiều người vẫn thường nhầm lẫn giữa sự thông cảm và thấu cảm. Chúng ta cũng luôn tưởng lầm rằng mỗi khi ai đó gặp khó khăn, ta chỉ cần thông cảm là đã giúp họ rất nhiều. Nhưng, sự thật là nếu như thông cảm là việc bạn cảm giác “lấy làm tiếc” cho một ai đó khi họ đang ở trong một hoàn cảnh tồi tệ, thì thấu cảm là một khả năng để hiểu cảm giác và những vấn đề của người khác. Đọc đến đây, có lẽ nhiều người nghĩ rằng, ồ trước giờ mình cứ tưởng thông cảm với người khác là hiểu tình trạng cũng như nỗi buồn của họ. Nhưng trên thực tế, câu trả lời là không.

          Nếu ví nỗi buồn, stress, sự trăn trở của chính bạn là một đám mây đang tạo mưa trên đầu bạn, thì những người-thông-cảm có xu hướng vẽ những “đường viền bạc” cho đám mây đó; đại loại kiểu: “hừm, bạn đang buồn hả, thú cưng của bạn vừa qua đời ư? Thật tiếc vì bạn đã phải trải qua nó. Tôi hiểu cảm giác đó và tôi cũng từng có một chú chó tên Fluffy, một ngày nó bỏ tôi đi... bla bla bla” và thế là bạn cứ thao thao bất tuyệt về câu chuyện chú chó đã mất của bạn, đánh đồng những sắc thái cảm xúc và suy nghĩ của đối phương thành của bạn. Kết thúc cuộc trò chuyện, bạn cảm thấy vô cùng thoải mái và tin rằng đã giúp họ nguôi ngoai đi phần nào. Bạn SAI rồi. Lý do: mỗi người có một cách tiếp nhận, một góc nhìn và những trạng thái cảm xúc vô cùng khác nhau. Thế giới này hiện nay có 7.6 tỉ người, mỗi chúng ta là duy nhất, ta không thể và không bao giờ có thể hiểu cách một người khác đang nhìn hay cảm nhận Thế giới, kể cả nỗi đau về thể chất và nỗi đau tinh thần.

          Vậy thế nào mới thực sự là thấu cảm người khác? Làm cách nào để hoàn toàn thấu cảm được con người? Để tìm được câu trả lời cho vấn đề này, hãy cùng nhìn qua thực tiễn cuộc sống và tìm hiểu lý do sâu xa của nó.

grayscale photography of rose


Thực tiễn cách con người tiếp nhận quan điểm của người khác

          Như một hệ quả tất yếu của sự phát triển và bùng nổ mạnh mẽ các mạng xã hội trong thời điểm gần đây, con người dường như “kết nối” với nhau hơn, thông qua các tin, ảnh, video được cập nhật mỗi ngày. Chúng ta bình luận, bày tỏ quan điểm, chúng ta tranh luận, chúng ta cãi nhau, dùng sức mạnh của bàn phím để lấn át quan điểm của người khác. Chúng ta khao khát có được cảm giác của một người chiến thắng, chứng kiến kẻ khác lụi bại và mình đứng trên đỉnh “vinh quang”. Bạn luôn nghĩ rằng trên đời này có phân biệt rạch ròi đúng – sai và bạn là người đúng phải không? Thực tế, phân biệt điều gì đúng – cái gì sai là một chuyện không thể; tất cả mọi câu chuyện trong cuộc sống đều có tính chất hai mặt, quan trọng là bạn đi theo hướng tư duy nào, bạn dùng những dẫn chứng, lập luận nào để thuyết phục mọi người lắng nghe, tiếp nhận quan điểm của bạn. Đó nên là nguyên lý mà cuộc sống vận hành.

          Vấn đề ở đây, chúng ta chưa bao giờ thực sự lắng nghe để hiểu người khác, mà chỉ đơn thuần lắng nghe họ để trả lời, để chứng minh rằng góc nhìn của họ là sai lầm, để xác thực rằng cả xã hội này đang hoạt động theo một chiều hướng nhất định và người kia – không thể nào có quan điểm trái chiều với số đông được. Có lẽ đây là sai lầm lớn nhất của hầu hết con người chúng ta hiện nay.

          Khoảng 1,6% dân số Thế giới, đa phần là người trẻ đang mắc phải căn bệnh trầm cảm (depression), không giống như nỗi buồn sẽ chỉ đến vào một vài khoảng thời gian trong cuộc sống rồi biến mất, trầm cảm thực sự là một căn bệnh dai dẳng. Vì tổ hợp của hằng hà sa những nguyên nhân, bối cảnh, mối quan hệ trong cuộc sống làm con người cảm thấy lạc lõng giữa cộng đồng, họ duy trì cảm xúc tiêu cực và rất nhiều người nghĩ đến việc chấm dứt cuộc đời của họ khi tuổi đời còn rất trẻ. Nhưng cộng đồng gắn cho họ chiếc nhãn gì? “đồ vô ơn với cha mẹ”, “bồng bột”, “ngu ngốc”, “gàn dở”... Nhưng, tôi phải nói cho bạn, cái chết của một con người bởi trầm cảm không phải vì họ ngay từ lúc xuất hiện trên cuộc đời, họ đã muốn thế. Có khả năng họ phải hứng chịu sự mất mát quá lớn trong cuộc đời, phải đối diện những bi kịch, bị bắt nạt, bị lạm dụng, bị xã hội hiện đại hắt hủi và đào thải... Đi đến cái chết là cả một quá trình đấu tranh dài hạn mà rốt cục, sau cùng đối với họ, cái chết là một sự giải thoát. Có thể những dòng sau đây của tôi có thể gây tranh cãi cùng nhiều quan điểm trái chiều, thế nhưng, bạn biết không, thực sự bạn chỉ sống có một lần, hãy sống vì bản thân, sống làm sao cho bản thân được hạnh phúc mà không làm hại lẫn nhau. Kể cả bạn muốn kết liễu cuộc đời bạn và đó là cách mà bạn cho là tốt nhất cho bản thân: hãy làm. Tôi không có ý định cổ xúy cho những bạn trẻ hãy tự tử đi khi không thích ứng được với cuộc sống. Nhưng hãy nhớ rằng, với mỗi người, cái chết có một định nghĩa cũng như cách tiếp cận hoàn toàn khác nhau. Chúng ta là những cá thể độc lập, con người không có quyền phán xét và chỉ trích lẫn nhau, không bao giờ. Và biết đâu, sự vô tâm, hờ hững, hiểu lầm, oán giận của bạn cũng góp một phần trong quyết định đi đến cái chết của một ai đó, bạn đã từng nghĩ về nó chưa? Hoặc thậm chí với chính cha mẹ mình, bạn còn đối xử không thể tốt bằng cái cách mà họ từng đối xử với cha mẹ, người thân của họ, tại sao bạn lại chỉ trích họ?

          Từ nhỏ cho đến lớn, tôi luôn là một con người nhạy cảm, với tất cả mọi thứ. Hễ có ai chỉ cần nói một câu làm tổn thương tôi là tôi có thể nghĩ về nó cả ngày, khóc vì nó, suy sụp tinh thần vì nó. Tôi khóc thương cho những con người xuất chúng đã ra đi vì chiến tranh, đau buồn vì những giá trị cuộc sống đang bị bào mòn, thất vọng khi cách sống của con người dần trở nên quá đỗi thực dụng, tôi rung động trước những hành động quan tâm nhỏ nhặt nhất, tôi để ý những chi tiết xinh xinh đáng yêu của cuộc sống thường nhật... Mọi người thường cười tôi và nói “cậu quá đỗi nhạy cảm, đừng yếu đuối như vậy, khó sống lắm”, “EQ của cậu quá thấp”, “chẳng có lý do gì để em phải khóc cả, chỉ là một sự việc cỏn con”... Bấy nhiêu chúng đã đeo bám tôi dai dẳng suốt vài chục năm cuộc đời, tôi nghĩ mình vô dụng, chẳng thể làm được gì nên hồn, tôi không tin vào năng lực của bản thân, ghét chính mình. Bởi mọi người thường coi trọng những con người hướng ngoại, tích cực, năng động, thân thiện, quảng giao... Và nếu như, có một ai đó như tôi xuất hiện, họ sẽ chán nản nhanh chóng, vì tôi là một người hướng nội, và nhạy cảm. Thế nhưng, sau dần, tôi nhận ra tính cách và lối sống của con người là vô cùng đa dạng, nếu tôi khép kín ư, điều đó chẳng có gì đáng sợ, tôi có cả tá những phẩm chất, tính cách tuyệt vời và độc nhất chẳng một ai có, chỉ là nó không bộc lộ một cách nổi bật, tức thời. Vậy nên tôi cũng xứng đáng được yêu thương, được lắng nghe và được đối xử như bao con người đáng yêu khác chứ nhỉ?


Nguyên nhân của sự thiếu hụt thấu cảm trong cuộc sống

          Tôi tin chắc rằng không phải tất cả chúng ta đều không biết cách thấu cảm. Có một số người, ngay từ khi sinh ra, thấu cảm đã trở thành bản năng trong họ và họ nhân từ, yêu thương và bao dung với hầu hết mọi thứ. Nhưng phần lớn chúng ta không thể biết được mình thiếu đi khả năng rất quan trọng này. Nguyên nhân  xuất phát từ những lý do cơ bản sau

          “Cơ-chế-miễn-dịch-quan-điểm” Như đã trình bày ở trên, mỗi chúng ta có một góc nhìn khác nhau về một số vấn đề nhất định trong cuộc sống, và ta thường cho rằng đó là cách tốt nhất để tiếp cận một vấn đề. Nếu ví quan điểm sống như là hệ miễn dịch trong cơ thể người thì luồng tư tưởng trái chiều là những nguy cơ gây hại cho sức khỏe của bạn (đấy là do ta thường giả định như vậy, một phản ứng rất đỗi tự nhiên), một khi chúng gây cho bạn những vết thương, hệ miễn dịch đó sẽ “lên tiếng”, tạo nên các phản ứng hóa học để loại trừ mối nguy ngay lập tức, dảm bảo cho sức khỏe của bạn được duy trì tối ưu. Vậy thì thực ra người khác chỉ đưa ra quan điểm của họ thôi, tại sao bản thân chúng ta lại đáp trả dữ dội như vậy? Thậm chí triệt tiêu ngay trước khi quan điểm đó được hấp thụ? Vì nó làm tổn thương lòng tin, đạo đức, luân lý, những giá trị xã hội đã tồn tại hàng thế kỷ, trong bạn, trong lòng xã hội.

          Sự kiểm soát (Obssession), có một sự thật thú vị là con người khao khát được kiểm soát tất cả mọi thứ xung quanh, sắp xếp chúng trong tầm điều khiển của mình. Nếu điều gì đó xuất hiện và khả năng cao chống lại con người thì việc đầu tiên họ làm sẽ là đưa nó trở về “khuôn khổ”.

          Tội phạm, trộm cắp, lừa đảo... trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong cuộc sống hiện đại với những âm mưu, thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp và không thể đoán định. Đối tác, bạn bè, thậm chí cả người thân nhất cũng có thể làm hại chúng ta, bất kể vì lý do gì. Xã hội thành thị hiện nay được ví như một tổ hợp những con người cô đơn. Chúng ta lạc lõng và thờ ơ trước những vấn nạn, lờ đi sự bất công, hờ hững trước sự nghèo khổ trong cuộc sống. Chúng ta giấu tất cả những cuộc đấu tranh dữ dội nhất trong tâm trí và chịu đựng nó một mình. Sự cô lập nắm giữ quyền điều hành cả thành phố, cả xã hội, cả Thế giới. Điều đó đồng nghĩa với vô cảm đang dần đóng băng trong nhận thức và hành vi của mỗi con người. Niềm tin giữa đồng loại từ lâu đã bị phai nhạt. Ta càng có thêm lý do để chỉ tin tưởng vào cảm xúc và tư duy bản thân mình, trong công việc, kinh doanh, tình yêu, tình bạn...

          Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ cũng là lúc mạng xã hội, smart phone xuất hiện, làm chủ cuộc sống con người. Chúng ta có một phương tiện tuyệt vời để liên lạc, trình bày quan điểm cá nhân rộng rãi, dân chủ, giấu mặt. Đó là lúc những cuộc tranh cãi bùng nổ. Bạn biết đấy, một khi bạn đã bước vào chúng, bạn sẽ không quan tâm và không đưa ra bất cứ điều gì để giải thích cho bên có quan điểm trái chiều. Họ chính là mục tiêu cho sự công kích của bạn.


Làm sao để thấu cảm con người và trân trọng con người – giải pháp

“Sống trên đời này chỉ có thân phận và tình yêu. Thân phận thì hữu hạn mà tình yêu thì vô cùng. Chúng ta làm cách nào để nuôi dưỡng tình yêu để tình yêu có thể cứu chuộc thân phận trên cây thập giá đời.”

 Một nhạc sỹ nổi tiếng đã từng viết như vậy. Tình yêu con người, tình yêu đồng loại sẽ nuôi dưỡng tâm hồn chúng ta ngay cả trong thời kỳ đen tối nhất. Trước hết, hãy bắt đầu từ việc thực sự thấu cảm người khác.

Thứ nhất, nhìn sự việc bằng góc nhìn của họ. Thứ hai, không phán xét và lắng nghe. Thứ ba, nhận thức được cảm xúc của người khác rằng bạn cũng đã từng trải qua trước đó và cuối cùng: giao tiếp với họ để bạn nắm bắt được xúc cảm của họ.

Giữ mối liên hệ và bắt đầu trò chuyện với tất cả mọi người, những người bạn thích và cả những người bạn không thích. Bởi, tôi tin rằng, mỗi người đều có những câu chuyện. Những câu chuyện cần được nhẹ nhàng lắng nghe và lưu giữ. Vì thế, hãy khoan dung với mọi người.

Kiên nhẫn và luôn giả định những lý do cho hành động, suy nghĩ, quyết định của người khác. Điều này có thể thực sự thách thức lòng kiên trì và sự bảo thủ của bạn, nhưng nó đồng thời sẽ xóa mờ đi những khoảng cách giữa chúng ta.

Và cuối cùng, tôi không có lời khuyên nào chân thành hơn. Đừng cố gắng biến bản thân thành một hình-mẫu-lý-tưởng thay đổi linh hoạt để được người khác yêu quý.

Hãy là chính bạn.

 

 

 Tác Giả: Nguyễn Lê Hoài Phương

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng trị giá 21 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info


(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ". Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,556 lượt xem, 1,517 người xem - 1540 điểm