Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

Tuổi Mười Tám Không Còn Mơ Giấc Mơ Năm Tám Tuổi

1. Đâu rồi những giấc mơ thuở nhỏ?

Khi tôi mười tám, những giấc mơ thuở nhỏ tan biến…

Có một buổi chiều muộn đi học về, tôi đi sau một cô bé chừng mười ba, mười bốn tuổi, tôi biết vậy bởi tôi nhìn thấy em mặc áo đồng phục một trường cấp hai trong thành phố. Trông em mệt mỏi và chán nản. Em vội vã, tôi đoán em vừa đi học về và có lẽ sẽ tiếp tục một ca học khác. Em uống vội một hộp sữa, cầm vỏ mà chẳng biết vứt ở đâu. Em định thả xuống một cái cống gần đó, nhưng em lưỡng lự rồi thôi. Tôi thở phào nhìn em, không khỏi xót xa. Nhưng đi được một quãng em lại dừng lại, lần này em nhanh chóng liệng vỏ hộp xuống vạ đường dù thùng rác cách đó không xa. Tôi nhặt vỏ hộp bỏ lại vào thùng rác giúp em. Hình ảnh cô bé với cái cặp nặng trĩu hối hả liệng vỏ hộp xuống đường khiến tôi sững lại.

Phải chăng đôi vai nhỏ bé của em đã mang quá nhiều sách nên chẳng thể kiên nhẫn cầm vỏ hộp thêm một chút? Phải chăng vì vội vã đi học, vội vã học kiến thức mới cho bằng bè bằng bạn, cho tương lai đã được vạch sẵn mà em chẳng đủ thời gian vứt rác đúng nơi.

Tôi tin em không cố ý, tôi cũng chẳng trách em.

 

 

Tôi thương em, và cũng là thương tôi  ngày cũ. Tôi xót xa cho em, và cho cả tôi khi chỉ biết học những lí thuyết khô khan, khi mải miết học tập mà chẳng có mục đích, để rồi một ngày em, tôi vứt vỏ hộp sữa xuống đường, quên đi cả cách làm người tử tế.

Tôi thương em, thương tôi, chẳng bao giờ trở thành người tốt, như em, như tôi đã từng nghĩ, như trong những giấc mơ thuở nhỏ, như trong những kí ức xa xôi một thời...

2. Trước nhiều con đường, mình chọn … dừng chân?

Khi mười tám, tôi chỉ thấy cô độc, cô độc một cách kỳ lạ…

Người ta thường nói cô đơn là cảm giác khi ở một mình. Tôi không nghĩ vậy. Có người lại nói, cô đơn là cảm giác lạc lõng dù ở cùng nhiều người. Tôi nghĩ cũng không hẳn vậy. Tôi nghĩ, cô đơn là tha thiết với người mà người lại dửng dưng. Đứng trước dòng người xe tấp nập của thành phố, đi xuyên vào dòng xe ấy qua bên đường, tôi chỉ bắt gặp những gương mặt mệt mỏi, những gương mặt cau có, giận dữ, những gương mặt lãnh cảm hay những gương mặt ẩn sau lớp khẩu trang dày chắn bụi… Và khoảnh khắc ấy tôi thấy mình cô đơn. Cô đơn lâu rồi cũng chẳng tha thiết kết nối nữa, cô đơn hóa cô độc, như một triết gia từng nói đại ý con người sinh ra đã là một sự cô độc… Và cứ như vậy vào một ngày, trời xanh vẫn xanh, xanh một màu tinh khôi của ngàn năm trước, ta nhận ra mình là kẻ “lạc giữa nhân gian”, là kẻ rong ruổi trong đời không mục đích…

Khi mười tám, không phải tôi mới bắt đầu nghĩ tới con đường mình sẽ đi. Mười tám tuổi là lúc quyết định. Tôi không có quá nhiều lựa chọn không có nghĩa là tôi không phải lựa chọn.

Ngày trước ai đó hỏi tôi về mơ ước hay tương lai, tôi chỉ cười, tôi nghĩ tới sự xa xôi, nhạt nhòa. Bây giờ nói về mơ ước hay tương lai, tôi nghĩ tới sự trống rỗng.

Người ta bảo tôi và những kẻ như tôi có thật nhiều con đường. Song tôi biết “con đường” mà họ nhắc tới chỉ là những cách kiếm tiền khác nhau, bản thân vốn dĩ hiểu quá rõ điều ấy. Tôi còn nhớ một ngày đã qua, có lần vài người hỏi tôi học trường chuyên lớp nào, thực lòng tôi không muốn trả lời, tôi nhìn thấu sự thất vọng pha chút khinh miệt của họ khi biết tôi học văn. Họ hồ hởi vẽ ra “tương lai sáng lạn” cho “dân tự nhiên” và thở dài trước những đứa- họ nghĩ học dốt tự nhiên nên học văn. Tôi hiểu, đơn giản họ nghĩ những ngành nghề liên quan tới tự nhiên “kiếm được khối tiền”.

Có nhiều con đường lí tưởng như sách vở vẫn dành những lời hoa mĩ để đề cập tới: thực hiện ước mơ hoài bão lí tưởng của bản thân, cống hiến cho hạnh phúc của dân tộc và nhân loại… Ít người chọn con đường này, tôi cũng chưa tin đường này. Có nhiều con đường thực tế mà ta thường gặp và lựa chọn: vào đại học rồi làm một công việc ổn định, học nghề, làm việc vất vả hơn nhưng cũng đủ sống, chẳng học gì cả, nối nghiệp gia đình…Đa số đi hướng này, tôi không biết nữa, tôi  không muốn đi đường này.

Nhưng tôi biết còn một lựa chọn nữa, trước nhiều con đường tôi chọn…dừng chân. Tôi không muốn bước tiếp, không phải sợ hãi, hèn nhát mà vì không muốn lạc lối trên đường. Tôi dừng chân bởi dù lựa chọn con đường nào, tôi cũng phải lạc lối mà cùng đường. Dừng chân ở thời này được coi là kẻ “mông muội, không tìm ra chân lí ở đời”.

 

Mười tám tuổi va vấp chưa nhiều, xây xát vì thế cũng ít không quá lo lắng chuyện được mất. Sống, muốn sống một đời tự do nhưng thậm chí còn chẳng hiểu được thế nào là tự do, chỉ khao khát tự do mơ hồ.

 Trước nhiều con đường người ta vội vã bước đi, đi nhanh mong tới trước, người ta nhắm mắt đưa chân…

Còn tôi, tôi dừng chân nhưng không phải đứng lại.

3. Bước tiếp và mơ những giấc mơ của tuổi mười tám

Tỉnh dậy trong một giảng đường đại học, giảng viên vẫn đang giảng bài một môn đại cương mà sinh viên luôn cần học, tôi nhận ra mình đã ngủ thiếp đi lúc nào không hay. Tôi nhìn những người bạn xung quanh, những người đang học cùng một ngôi trường với tôi, những người yêu thích thực sự điều mình đã lựa chọn hay những kẻ hoang mang tìm hướng đi như tôi. Có người hào hứng, chăm chú, có người đăm chiêu song vẫn tập trung, có người bình thản, lặng lẽ, và có những kẻ hoang mang như tôi.

Tôi nhìn sang cô bạn bên cạnh, đang chăm chú và ghi chép, cô không ghi những lời giảng đơn thuần của giảng viên mà viết theo cách hiểu của mình, cô ghi ngẫu hứng nhưng rất đẹp và dễ hiểu. Tôi biết cô không hề thích môn học này nên ngạc nhiên hỏi tại sao cô lại kỳ công như vậy? Cô nhìn tôi, thấy sự hoài nghi trong mắt tôi rồi nói: “Dù sao cũng phải làm, sao không làm theo cách mình thích. Mình đang làm gì, học gì, và trở thành ai cũng do mình lựa chọn, vậy sao không làm tốt nhất có thể, sao không yêu thích lựa chọn của mình”.

Khác với những gì tôi vẫn hay nghe nếu không thích thì đừng làm, khác với những gì tôi đã đừng đọc, những cảm xúc hoang mang chán chường khi làm những điều mình không thích. Rốt cuộc, tôi nhận ra mình đang tự lừa dối chính mình, tôi tưởng rằng tỏ ra hoang mang, chán ghét hiện tại sẽ tốt hơn là đối mặt với lựa chọn của bản thân. Tôi chỉ đang tự huyễn hoặc chính mình, bởi con người tôi muốn trở thành sau này, ngành học tôi lựa chọn, hay thậm chí việc tôi ngồi trong giảng đường này cũng là do tôi lựa chọn. Tôi chán ghét, tôi hoang mang và hoài nghi điều gì? Tôi đổ lỗi cho người khác, cho giáo dục thi cử, cho xã hội? Tôi đổ lỗi, tôi chán ghét thì mọi thứ có tốt đẹp hơn?

Tôi cố lay mình tỉnh táo, tập trung vào bài học, bởi rốt cuộc dù khô khan hay khó hiểu, chắc chắn nó vẫn mang một ý nghĩa nào đó. Tôi biết thay vì cố đổ lỗi cho sự nhàm chán, cứng nhắc của những bài giảng, tôi nên thử tìm ra những phương pháp học mới mẻ, những điều thú vị của môn học đó. Tôi nhận ra khi tôi thay đổi thái độ theo hướng tích cực, mọi thứ trở nên dễ chịu hơn rất nhiều. Tôi nhớ tới một câu nói mình từng đọc đâu đó: “Đừng bao giờ nói lời tạm biệt nếu bạn vẫn muốn cố gắng, đừng bao giờ bỏ cuộc nếu bạn vẫn cảm thấy có thể tiếp tục. Đừng bao giờ nói bạn không còn yêu ai nữa nếu ánh mắt ai đó vẫn còn có thể giữ chân bạn”.

Tôi tự hỏi tại sao mình lại gượng ép và chán ghét những điều mình đang làm, chẳng phải chính mình đã lựa chọn chúng hay sao?

Tôi tự hỏi tại sao mình lại cô độc, chẳng phải do mình vẫn được ba mẹ yêu thương đấy thôi?

Tôi tự hỏi sao mình phải tiếc nuối những giấc mơ thuở nhỏ, chẳng phải mình vẫn luôn có thể mơ những giấc mơ khác, trở thành những người tốt hơn trước?

Tôi tự hỏi mình dừng chân là đúng, nhưng sao không dũng cảm bước tiếp, thực hiện điều mình cần làm, làm điều mình muốn làm, dù có ngã, dù có vấp thì có sao đâu?

 

 

Những giấc mơ thuở nhỏ không còn, hoảng hoải lẫn trong miền kí ức xa xôi nào đó của tôi. Tôi không nhớ về chúng nữa vì tôi có thể mơ những giấc mơ khác. Con người tôi muốn trở thành ngày bé không mất đi mà dần dần lớn lên trong tôi, theo một cách khác. Con đường tôi dừng chân rồi cũng nên bước tiếp. Mười tám, Hai tám hay Ba tám, những khoảnh khắc của tuổi trẻ vốn không nhiều như tôi tưởng. Tôi chưa tìm ra con đường cho mình không có nghĩa là sẽ không tìm thấy, tôi thấy mình cô độc không có nghĩa là nên như vậy, tôi biết mình cần học cách sẻ chia. Tôi chưa tìm ra việc mình thích không có nghĩa phải chán ghét công việc hiện tại.

Tuổi trẻ, tôi yêu việc mình làm, và tôi tin một ngày tôi sẽ làm việc mình yêu.

 

Tác Giả: Thu Thảo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/boconganh.vagio.58

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (tổng giá trị +22,000,000 VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN? Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Cuộc thi Triết học Tuổi trẻ do Ybox đồng sáng lập và tổ chức. Khi chia sẻ, cần phải trích dẫn nguồn đầy đủ tên tác giả và nguồn là "Tên tác giả - Nguồn: Triết Học Tuổi Trẻ".  Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.

 

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

1,435 lượt xem, 1,427 người xem - 1442 điểm