Đóng góp ý kiến và báo lỗi phiên bản mới tại đây

[Triết Học Tuổi Trẻ] Tuổi Trẻ Có Thể Thất Bại Nhưng Đừng Sẵn Sàng Để Thất Bại

Chúng ta vẫn nghe về thất bại của những người thành công, chúng ta vẫn tin rằng thất bại là chất xúc tác của thành công? Nhưng liệu có phải thay vì chấp nhận thất bại, ta đang sẵn sàng để thất bại?

  1. Có phải người trẻ đang lầm tưởng giữa chấp nhận thất bại và sẵn sàng để thất bại?

  Một cô bạn của tôi ứng tuyển vào công việc cô yêu thích ở một công ti lớn. Sau vòng phỏng vấn và thử thách, cô ấy không được tuyển dụng. Cô bạn tâm sự với tôi: "Dù thích công việc đó thật nhưng không được chọn cũng không sao. Mình đã biết trước kết quả này, vì mình chưa cố gắng hết sức". "Chưa cố gắng hết sức" ư? Điều đó làm tôi vô cùng ngạc nhiên: "Tại sao vậy?". Cô bạn chỉ cười: " Mình còn trẻ, thất bại có sao đâu. Mình còn nhiều cơ hội". Sau này cô ấy tiếp tục xin việc ở nhiều công ti nhưng tới hiện tại vẫn chưa được tuyển dụng. Tôi tin cô ấy không được chọn không phải vì thiếu năng lực, mà có lẽ do "chưa cố gắng hết sức". Câu nói "mình đã biết trước kết quả này, vì mình chưa cố gắng hết sức" ám ảnh tôi rất lâu.

    Nếu nhìn bề ngoài, nhiều người nghĩ cô ấy thật năng động, dám sống, dám thử dù thất bại.

    Nhưng liệu thực sự có phải vậy không?

    Tôi nhận ra đôi khi chúng ta cũng mắc kẹt trong lối suy nghĩ "sẵn sàng để thất bại" và "không cố gắng hết sức" như vậy.

Lầm tưởng giữa chấp nhận thất bại và sẵn sàng để thất bại

    Khi đi học, nếu có bài tập nào bạn bè bảo khó không làm được tôi cũng không làm. Tôi tự nhủ: "Mọi người không làm được, mình không làm được cũng chẳng sao. Tôi đã "đầu hàng" ngay khi chưa thử sức.

   Khi vào đại học, đi phỏng vấn vào câu lạc bộ mình thích, tôi cũng chỉ tìm hiểu hời hợt và phỏng vấn qua loa. Tôi tự biện minh cho mình rằng tôi còn nhiều cơ hội. Tôi đã bỏ lỡ điều mình thích chỉ vì không cố gắng vận dụng hết khả năng.

   Khi học làm bánh, tôi luôn bỏ qua những lưu ý nho nhỏ dù biết thực hiện chúng thật đơn giản và cần thiết, rồi làm một cách thật nhanh chóng để xong chiếc bánh. Tôi chưa bao giờ hoàn thành được một chiếc bánh đúng vị vì tôi chỉ muốn “làm cho xong”.

    Chị gái tôi cũng đã từng mang tâm thế “sẵn sàng để thất bại” trong một cuộc thi hát ở trường. Lần đó cùng thi với chị có một cô bạn cùng lớp rất có năng khiếu cũng như kinh nghiệm, ai cũng đoán cô bạn sẽ giành giải Nhất. Vì những lời ấy mà chị tôi dù thực sự mong muốn chiến thắng song chị lại nghĩ kết quả đã định trước sao cần cố gắng. Trong cuộc thi Ban giám khảo phản hồi về phần trình bày  của chị khá tích cực, thậm chí còn khẳng định nếu chuẩn bị chu đáo, luyện tập nhiều hơn, phần thi của chị sẽ  tốt hơn rất nhiều so với các thí sinh khác, kể cả cô bạn kia. Đáng tiếc chị đã không thển hiện hết khả năng, thực sự nỗ lực hết mình cho  chính ước mơ của mình...

   Hay như nhiều người tôi quen đang ngày ngày làm những công việc họ không yêu thích, đang trở thành những người mà họ không muốn trở thành chỉ vì họ lựa chọn ngành học không phải vì yêu thích mà vì “sợ ngành học mình thích khó không thể thi đỗ”, vì muốn có công việc “ổn định”, vì chưa bao giờ quyết tâm làm tới cùng, vì nghĩ “cứ tạm thời thế đã, sau này nếu có cơ hội...”

Chúng ta nghĩ mình có nhiều cơ hội? Chúng ta chần chừ? Chúng ta sợ hãi? Hay chúng ta đang lầm tưởng?

   Tôi nhận ra: ta đang lầm tưởng giữa chấp nhận thất bại- không né tránh, không phủ định thất bại, với sẵn sàng để thất bại- không cố gắng, không làm hết sức dù có thể? Thật nguy hại khi ta luôn trong tâm thế sẵn sàng để thất bại. Bởi sẵn sàng để thất bại, không cố gắng hết sức, làm hết khả năng, còn tệ hơn là không làm gì cả.

  1. Nếu sẵn sàng để thất bại, tốt hơn hết bạn đừng nên làm gì cả.

    Bởi khi ta không làm gì và làm với tâm thế sẵn sàng thất bại ta đều thu được kết quả  như nhau: bỏ lỡ cơ hội, không đạt được mục tiêu đã đề ra, không phát hiện, phát huy được năng lực của bản thân… Thậm chí, khi sẵn sàng thất bại, chúng ta còn đang lãng phí thời gian, ngày càng ỷ lại, lãnh cảm với chính cuộc đời của mình...Vậy nếu sẵn sàng để thất bại, có chăng ta còn chẳng cần làm gì, ta sẽ “sống hoài sống phí”, tồn tại nhạt nhòa và vô cảm?

    Nhưng “con người sinh ra không phải để tan biến đi như một hạt cát vô danh, mà để in dấu lại trên mặt đất, in dấu lại trong tim người khác”. Và vì lẽ đó sao ta lại sẵn sàng để thất bại?

  1. Hãy nghe về thất bại và nghĩ tới thành công!

Có lẽ tôi, bạn, chúng ta đều nhận ra sự khác biệt giữa “chấp nhận thất bại’ và “sẵn sàng để thất bại”.

Chấp nhận thất bại là khi ta đã cố gắng hết sức mà chưa đạt được mục tiêu, ta nhận ra mình cần  thay đổi hướng đi, tìm cách thức khác, xác lập lại kế hoạch... Còn sẵn sàng để thất bại chỉ đơn giản là không thực sự cố gắng đạt được mục tiêu với thái độ hời hợt, với tâm thế tiêu cực.

Làm thế nào để ta thôi “sẵn sàng thất bại”?

     Tôi từng đọc đâu đó câu chuyện kể về một tuyển thủ nhảy sào luôn khổ sở vì mãi không phá được kỉ lục của bản thân. Anh ta thất vọng nói với  huấn luyện viên: "Tôi thực sự không nhảy qua được mức sào mới đâu".

Huấn luyện viên nói: "Thế trong lòng anh đang nghĩ gì?"

Anh ta thú thực: "Lúc tôi chạy đến vạch nhảy, nhìn thấy độ cao ấy tôi luôn cảm thấy mình luôn nhảy không qua".

Huấn luyện viên liền nói với anh ta: "Anh nhất định nhảy qua được. Chỉ cần giữ trái tim của anh trên thanh sào thì cơ thể của anh có thể nhảy qua được. Chỉ cần đặt cả trái tim vào mục tiêu đã đề ra anh sẽ làm được!"

Vận động viên cầm sào và lên nhảy một lần nữa, và lần này thì anh đã thành công.

      Cũng giống như tuyển thủ nhảy sào kia, đôi khi tâm lí “sẵn sàng để thất bại” ngăn cản chúng ta thành công, làm ta nhụt chí và hành động hời hợt. Song ta hoàn toàn có thể xóa bỏ tâm lí tiêu cực đó với ba bước:

     Thứ nhất, chúng ta cần xác định mục tiêu rõ ràng. Hãy bắt đầu nghĩ tới điều mình mong muốn, ước mơ mình ấp ủ, hay cả những điều cần làm...

     Thứ hai, tạo cảm hứng cho bản thân, nghĩ tới mục tiêu đã xác định và lí do vì sao mình muốn làm được nó. Hãy khao khát thành công.

Tôi rất yêu thích một trích đoạn trong cuốn "Một nửa của 13 là 8" nói về thất bại: "Thú thật tôi thiên vị những ai đã từng thất bại. Những người đã từng thất bại, họ biết thất bại không phải là vĩnh viễn. Những người chưa từng gặp thất bại thường xuyên nghĩ rằng thất bại là một thảm họa. Và vì chưa bao giờ thất bại, họ nghĩ mình biết tuốt. Tôi ghét cái loại biết tuốt. Bên cạnh đó, trong nghề này anh luôn bị từ chối bác bỏ. Làm ăn là vậy. Tôi muốn tìm người mà tôi biết họ sẽ bật dậy sau khi nếm mùi thất bại". Thật là một cách nhìn nhận thú vị về những người thất bại, song hãy lưu ý tác giả đang nói tới những kẻ thất bại vì KHAO KHÁT THÀNH CÔNG. Hãy khao khát thành công!

Chúng ta từng nghe những câu chuyện thú vị về những người nổi tiếng: Alraham Lincoln đã thất bại 8 lần trước khi trở thành tổng thống vĩ đại của nước Mĩ; Margaret Mitchell bị từ chối 38 lần trước khi tìm được nhà xuất bản xuất bản cuốn sách "Cuốn theo chiều gió"; 242 là số lần Howard Schultz đến ngân hàng để thuyết phục đầu tư cho Starbucks; Colonel Sanders bị từ chối trước khi bán được công thức gà rán KFC.Chúng ta cho rằng thất bại là điều tất yếu để thành công, chúng ta cần thất bại để thành công. Song ta quên mất họ đã thất bại như thế nào. Họ THẤT BẠI VÌ họ MUỐN THÀNH CÔNG. Họ làm tất cả để thành công! Hãy muốn thành công!

     Thứ ba, HÀNH ĐỘNG. Chúng ta khao khát thành công đến mức nào, chúng ta sẽ chấp nhận thất bại để thành công chứ không SẴN SÀNG ĐỂ THẤT BẠI chỉ được thể hiện khi ta hành động, cố gắng hết sức mình. Điều đó được tạo nên bởi:

  • Sự chủ động, chuẩn bị tốt: A.Lincoln từng tâm niệm: “ Nếu cho tôi 6 giờ để chặt một cái cây, tôi sẽ dành 4 tiếng để mài rìu”.
  • Đặt cả trái tim vào mục tiêu đã đề ra. Ta cần có thái độ nghiêm túc cẩn trọng khi làm việc dù là những việc nhỏ nhất, “do ordinary things in an extraordinary way”(hãy làm những điều bình thường theo một cách phi thường).
  • Đừng bao giờ hối tiếc khi đã làm hết sức. Tôi còn nhớ ngày mình học cấp hai, tôi có tham gia một cuộc thi chạy trong hội thao của trường. Trước ngày diễn ra cuộc thi, khi thấy tôi vô cùng lo lắng về việc sẽ không thể giành giải cao nhất, bố đã nói: "Con gái, con biết không, điều quan trọng và cần thiết hơn cả không phỉa là chiến thắng người khác mà là chiến thắng chính mình. Điều đáng tiếc và đáng xấu hổ là khi con không dốc hết sức, làm tốt nhất có thể". Tôi không phải là người về đích đầu tiên trong cuộc thi nhưng mỗi lần nhớ lại lần chạy đó, tôi đều tự hào rằng mình đã "dốc hết sức".

 

      “Làm việc đừng quá trông đợi vào kết quả nhưng hãy mong cho mình làm được hết sức mình”, Anita Hill đã đưa ra lời khuyên quý báu đó cho bạn, cho tôi, cho người trẻ, cho tất cả chúng ta.Ta chỉ có một cuộc đời để sống, ta chỉ có thể cảm nhận niềm hạnh phúc của sự tồn tại trong vĩ trụ bao la một lần trong đời, và vì vậy chẳng có lí do nào để ta “ sẵn sàng thất bại”.

Có ai níu giữ được ngày qua, có ai định trước được ngày sau, tất cả những điều ta có la hôm nay. Hôm nay bạn đã thôi "sẵn sàng để thất bại” và làm bằng cả trái tim hay chưa?

 

 

Tác Giả: Thu Thảo

Kết bạn và theo dõi facebook của tác giả tại link: https://www.facebook.com/boconganh.vagio.58

--------------------------------

Bạn đam mê viết lách, nhận giải thưởng (1 triệu VNĐ / tháng, sách, chứng nhận Social Impact Awards) và muốn được tạo thương hiệu cá nhân tới hàng triệu người trong cộng đồng của YBOX.VN?

Xem chi tiết tại link: http://bit.ly/TrietHocTuoiTre-Info

 

----------------------------

Hợp Tác Cùng YBOX.VN Truyền Thông Miễn Phí - Trả Phí Theo Yêu Cầu tại http://bit.ly/YBOX-Partnership

9,230 lượt xem, 9,185 người xem - 9239 điểm